Pages

Thứ Tư, 16 tháng 9, 2015

VN xuất siêu 350 triệu đôla

Image copyrightReuters
Image captionKhối FDI vẫn đóng vai trò lớn trong xuất khẩu của Việt Nam
Việt Nam xuất siêu trong tháng 8, bất chấp những biến động về tỷ giá do động thái phá giá nội tệ của Trung Quốc.
Số liệu do Tổng cục Hải quan Việt Nam công bố hôm 16/9 cho thấy xuất siêu trong tháng này đạt 350 triệu đôla.
Tuy nhiên, thâm hụt thương mại trong 8 tháng đầu năm vẫn lên đến hơn 3,7 tỷ đôla.
Trước đó, Việt Nam cũng đã xuất siêu hơn 148 triệu đôla trong tháng 4.

Việt Nam đã phá giá VND hai lần và tăng biên độ tỷ giá VND/USD lên gấp ba lần trong tháng tám nhằm đảm bảo tính cạnh tranh của ngành xuất khẩu.
Các thông cáo của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian này cho biết động thái điều chỉnh tỷ giá là để đáp lại việc Trung Quốc liên tiếp phá giá đồng nhân dân tệ và đón đầu các tác động bất lợi của khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ điều chỉnh tăng lãi suất trong thời gian tới.
Trung Quốc hiện vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Hồi cuối tháng Tám, Tổng cục Thống kê Việt nam công bố số liệu cho thấy nhập siêu với Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh trong 8 tháng đầu năm.
Theo đó, tổng giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc trong thời gian này đạt 32,7 tỷ đôla, tương đương 29,8% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.
Con số này cao hơn 20,4% so với cùng kỳ năm trước, theo báo cáo.
Trong khi đó, Việt nam chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc 10,4 tỷ đôla trong thời gian này, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước.
Điều này khiến Trung Quốc trở thành thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm, với giá trị khoảng 22,3 tỷ đôla, cao hơn 29% so với mức 17,3 tỷ đôla cùng kỳ năm 2014.

Phụ thuộc vào FDI

Số liệu vừa được Tổng cục Hải quan công bố ghi nhận việc xuất khẩu của khối FDI chiếm phần lớn tổng kim ngạch xuất khẩu.
Theo đó, xuất khẩu của khối này đạt hơn 72,35 tỷ đôla, chiếm 67,9% tổng kim ngạch xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm.
Các mặt hàng xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm chủ yếu là điện thoại và linh kiện, đạt 20,18 tỷ đôla, theo sau là hàng dệt may, các sản phẩm điện tử và linh kiện, Tổng cục Hải quan cho biết.
Trả lời BBC ngày 16/9, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành cho biết việc dựa vào các doanh nghiệp FDI để thúc đẩy xuất khẩu không phải là hướng đi phù hợp.
"Các doanh nghiệp như Samsung chỉ là tạm nhập tái xuất thôi, vì họ nhập linh kiện rồi xuất ra chứ không phải sản xuất tại chỗ".
"Việt Nam đang phát triển một nền kinh tế gia công chứ không phải một nền kinh tế có giá trị gia tăng lớn, như vậy là xuất giúp cho nước khác, xuất linh kiện giúp Nhật và xuất hàng may mặt giúp Trung Quốc".
"Điều đó rất nguy hiểm vì Việt nam không có một nền kinh tế phát triền bền vững và từ đó không nâng cao năng suất lao động lên được, không hiện đại hóa được các lĩnh vực sản xuất".
"Hiện giờ các nhà đầu tư nước ngoài vào chỉ để lợi dụng vấn đề lao động rẻ của Việt Nam cũng như những quyền lợi thuế khác chứ Việt Nam chẳng được gì nhiều".

Không có nhận xét nào: