Xã hội dân sự Việt Nam trong năm 2016 có nhiều nhân tố hứa hẹn tăng rộng quy mô và chiều sâu của các hoạt động, tổ chức và sự 'chuyển biến' đáng kể trong nhận thức của lãnh đạo chính quyền, nhà nước và người dân.
Đó là ý kiến của một số chuyên gia, nhà quan sát và vận động cho xã hội dân sự chia sẻ với BBC ngày 31/12/2015, ngày mà Việt Nam cùng các quốc gia thành viên Asean chứng kiến cộng đồng kinh tế Asean (AEC) chính thức thành lập.
Trước hết, đánh giá chung về phát triển của xã hội dân sự ở Việt Nam trong năm 2015, Tiến sỹ Phạm Quang Tú, Trưởng nhóm Chương trình Hỗ trợ Liên minh Vận động Chính sách của Tổ chức Oxfam Việt Nam, nói:
"Trong năm 2015, chúng ta thấy một điểm quan trọng nhất đó là xã hội dân sự của Việt Nam tăng rộng hơn về quy mô. Tức là các hoạt động, cũng như các tổ chức được thành lập nhiều hơn. Và các tổ chức dân sự cũng đã tham gia một cách tích cực hơn vào những vấn đề trọng đại của đất nước.
"Bên cạnh những hoạt động truyền thống của xã hội dân sự là các công tác thí dụ như xóa đói giảm nghèo, phát triển cộng đồng, thì các tổ chức xã hội dân sự trong thời gian qua, trong năm qua, tập trung nhiều hơn vào các vấn đề ví dụ như quản trị nhà nước, rồi vấn đề về nhân quyền."
Tín hiệu đáng mừng
Tiến sỹ Phạm Quang Tú cho rằng trong năm 2015 đã có những 'tín hiệu đáng mừng' về xã hội dân sự Việt Nam, mà trong đó có phát huy vai trò trong lĩnh vực hỗ trợ xây dựng luật pháp và đảm bảo quyền con người. Ông nói:
"Đặc biệt cùng với việc ban hành Hiến pháp năm 2013 và thực thi Hiến pháp năm 2013, thì các tổ chức xã hội dân sự đã tham gia khá là tích cực vào trong việc đóng góp để hoàn thiện khung thể chế, khung pháp lý của Việt Nam, trong việc thực thi Hiến pháp của Việt Nam năm 2013.
"Mà đặc biệt các quy định liên quan đến các vấn đề về quyền con người, bao gồm những việc ví dụ ban hành luật, một số đạo luật có liên quan, ví dụ như Luật tiếp cận thông tin, Luật về Hội, rồi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật."
"Như vậy, trong năm vừa qua, về cơ bản, xã hội dân sự tiếp tục phát triển cả về quy mô, cũng như các hoạt động của họ, cũng đi vào rộng hơn và có chiều sâu hơn.
"Và đặc biệt một tín hiệu rất đáng mừng là các hoạt động của xã hội dân sự không chỉ bó hẹp ở những hoạt động mang tính chất truyền thống, là xóa đói giảm nghèo mà nó mở rộng ra các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là các lĩnh vực liên quan đến quyền con người."
Cũng hôm thứ Năm, Tiến sỹ Trần Tuấn, chuyên gia phản biện chính sách và nhà quan sát xã hội dân sự từ Liên hiệp hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam (Vusta), nhận xét:
"Về điểm son mà nhận thấy, chúng ta thấy rằng xã hội dân sự cũng đã tạo ra những dấu ấn, mà tôi cho rằng những dấu ấn ấy cũng đã tạo ra được những kết quả thực tế để cho mọi người nhìn nhận vào cái lợi ích thiết thực đem lại cho xã hội khi chúng ta công nhận xã hội dân sự.
"Đấy là hiện tượng chặt cây xanh vừa rồi của Hà Nội. Tôi cho rằng đấy là một tiếng nói cụ thể, rõ ràng và đưa lại hiệu quả, tốt, từ đó nó có thể tạo ra một niềm tin rằng là nếu chúng ta biết tận dụng xã hội dân sự, đứng về phía (góc nhìn) chính quyền, thì chúng ta có thể đưa lại kết quả, lợi ích cộng đồng lớn, đồng thời phía xã hội dân sự, cũng có thể nhận thấy một sự đồng lòng và cùng hợp tác, đáp ứng nhanh những vấn đề nóng của xã hội."
Triển vọng 2016
Về triển vọng 2016 của xã hội dân sự ở Việt Nam, ông Phạm Quang Tú nói:
"Thực ra bức tranh của xã hội dân sự Việt Nam trong năm 2016, thì nó cũng chưa có những tín hiệu mà được gọi là phát triển một cách đột phá hay là nó sáng sủa hơn và chủ yếu thì có lẽ nó vẫn tiếp tục duy trì cái đà và hoạt động của năm 2015.
"Tuy nhiên cũng có những tín hiệu, tôi nghĩ rằng nó có một số cơ hội mà để cho xã hội dân sự của Việt Nam tiếp tục tăng cường hoạt động của nó, đặc biệt trong năm 2016 có mấy điểm quan trọng như thế này:
"Thứ nhất là Quốc hội và Chính phủ tiếp tục ban hành và hoàn thiện các luật, các thể chế, các luật pháp mà để thể chế hóa Hiến pháp 2013, dự kiến ví dụ như là luật tiếp cận thông tin sẽ được ban hành vào khoảng tháng Ba, luật về Hội sẽ được ban hành vào tháng Mười, và các luật như Luật Biểu tình cũng sẽ được thảo luận trong năm tới.
"Đấy là cái đà mà tiếp tục phát huy những hoạt động của năm 2015, thì xã hội dân sự có lẽ vẫn tiếp tục tham gia đóng góp vào trong các lĩnh vực, các luật pháp quan trọng như vậy.
"Bên cạnh đó năm 2016 là năm đầu tiên đánh dấu Cộng đồng Asean sẽ chính thức trở thành một cộng đồng từ ngày hôm nay (31/12/2015), thì có lẽ đó cũng là một tín hiệu tốt để cho tổ chức xã hội dân sự của Việt Nam tham gia với các xã hội dân sự ở trong khu vực, để làm sao đấy thúc đẩy, tiếp tục thúc đẩy tiếng nói của người dân, của cộng đồng lên, không chỉ là riêng với chính phủ, với lãnh đạo của Việt Nam, mà nó lại lên ở tầm mức cao hơn.
"Đó là cộng đồng Asean mà chúng tôi cũng rất trông chờ về việc là Asean khi mà chính thức hóa, thì nó sẽ có cơ chế cấp khu vực, để bên cạnh cơ chế cấp quốc gia, thì sẽ có cơ chế cấp khu vực, để có thể ghi nhận và thúc đẩy các quyền, rồi những vấn đề của người dân."
Tiến sỹ Trần Tuấn từ Vusta nêu quan điểm:
"Chúng ta vẫn luôn đặt hy vọng tích cực, tôi vẫn cho rằng một hy vọng tích cực, mặc dù bây giờ chúng ta tương đối khó đoán, nhất là khi mà Đại hội Đảng (CSVN) còn chưa diễn ra và Quốc hội khóa mới sẽ được thiết lập thế nào, nhưng mà qua quá trình, chúng tôi gọi là nhìn chiều hướng diễn tiến của xã hội dân sự, trong vào khoảng 5 năm vừa qua, thì có thể thấy rằng sự diễn tiến đó vẫn theo chiều hướng đi lên, nếu chúng ta so với trước đây."
Chuyển biến nhận thức
Về nhận thức của người dân, cộng đồng và nhiều tổ chức xã hội dân sự về chính thiết chế này, Tiến sỹ Phạm Quang Tú nói:
"Một trong những điểm mà chúng tôi nhận thấy rằng sự chuyển biến trong nhận thức của người dân và cộng đồng đối với xã hội dân sự thì thực ra chưa chuyển biến nhiều lắm, qua đánh giá về 'Không gian xã hội dân sự' mà được thực hiện vừa rồi, cũng như qua việc khảo sát ở dân chúng về Luật về Hội, thì cho thấy rằng, phần lớn là giới tinh hoa của xã hội dân sự quan tâm đến vấn đề phát triển xã hội dân sự, thúc đẩy phát triển của xã hội dân sự và làm sao đấy tạo ra một sự cân bằng, hài hòa giữa xã hội dân sự với hai trụ cột kia (nhà nước pháp quyền và kinh tế thị trường).
"Thế tuy nhiên, còn lại phần lớn người dân, cũng như kể cả các tổ chức xã hội dân sự họ vẫn chưa nhận thức được đầy đủ về vai trò, vị trí của xã hội dân sự trong mối tương quan với nhà nước pháp quyền và kinh tế thị trường. Cho nên trong thời gian vừa qua, khi Luật về Hội được thảo luận, cũng chỉ có một số bộ phận tinh hoa của xã hội dân sự tham gia đóng góp tích cực, phần lớn người dân vẫn chưa có một sự chuyển biến rõ nét nào.
"Thì hy vọng rằng trong năm 2016, các giới tinh hoa của xã hội dân sự cũng như của nhà nước sẽ tiếp tục thúc đẩy, để đưa vào trong nhận thức của xã hội, của người dân và cộng đồng về xã hội dân sự và vai trò của nó trong phát triển, để từ đó khi cộng đồng dân cư, người dân mà nhận thức được đầy đủ về vai trò của xã hội dân sự, thì tôi tin rằng sự thúc đẩy của xã hội dân sự phát triển nó càng tốt hơn và nó đúng với bản chất của nó hơn," tiến sỹ Phạm Quang Tú nói.
Cũng hôm 31/12, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, một nhà quan sát và vận động cho xã hội dân sự ở Việt Nam, bình luận với BBC về nhận thức của lãnh đạo và người dân Việt Nam về thiết chế xã hội này trong năm 2015. Ông nói:
"Tôi nghĩ rằng nó không có bước chuyển biến đột phá gì trong năm vừa qua, nhưng mà cứ từ từ, dần dần, thì tôi thấy rằng những người ở trong giới chính quyền, thí dụ như là trong các Đại biểu Quốc hội, những người ở trong hành pháp, ngày càng nhiều người hiểu hơn rằng xã hội dân sự không phải là cái mà nó chỉ có đối lập, chỉ có muốn dẹp bỏ chế độ.
"Nó là một nhân tố rất cần thiết cho sự phát triển xã hội và là một nhân tố cần thiết cho bản thân nhà nước này và có thể giúp họ giải quyết rất là nhiều vấn đề gay cấn của xã hội mà việc cản trở nó phát triển thì chỉ làm cho bản thân công việc của họ khó khăn mà thôi. Tôi nghĩ rằng sự hiểu biết dần, sự tiệm tiến đó, tôi nghĩ rằng rất là quan trọng, nguyên Viện trưởng Viện phản biện độc lập (IDS), ông Nguyễn Quang A, nói với BBC.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét