Nhận thức về hội nhập kinh tế quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam có phần kém, thậm chí thua cả Lào và Campuchia, là kết quả nghiên cứu mới đây nhất vào khi ASEAN chính thức ra mắt khối kinh tế chung AEC ngày 31 tháng Mười Hai vừa qua. Đối với các chuyên gia kinh tế hàng đầu trong nước, kết quả vừa nói cần được phân tích một cách chi tiết và khách quan hơn.
Đó là cuộc khảo sát có tên Nhận Thức Hội Nhập Kinh Tế Quốc Tế Của Doanh Nghiệp Việt Nam, do trường Doanh Nhân PACE và Viện Nghiên Cứu Phát Triển Giáo Dục thực hiện, với sự tham gia của gần 500 doanh nhân mà hầu hết là lãnh đạo các doanh nghiệp trong nước.
Kết quả được công bố ngày 28 tháng Mười Hai 2015, 3 ngày trước khi AEC Cộng Đồng Kinh Tế ASEAN chính thức ra mắt ngày 31 tháng Mười Hai, cho thấy ý thức hội nhập kinh tế quốc tế của phần lớn doanh nghiệp được hỏi khá là kém cõi.
Thực tế cũng ghi nhận rằng một số nội dung trong hội nhập chúng ta tuyên truyên chưa được kỹ, chưa hưa thể bằng được nhiều nước trong khu vực ASEAN, thế cho nên Việt Nam cũng như các doanh nghiệp còn phải học hỏi còn phải làm nhiều việc nữa thì mới thành công.
-TS Nguyễn Minh Phong
Nói một cách khác, sự am hiểu của doanh nhân Việt Nam về các định chế kinh tế như WTO, TPP hay AEC mà Việt Nam đã, đang và sắp bước vào, xem ra có phần thua kém Campuchia, Lào và Thái Lan.
Cụ thể, con số phần trăm ít quan tâm hoặc không biết đến hội nhập kinh tề quốc tế thể hiện qua 56,8% không để ý tới AEC Cộng Đồng Kinh Tế ASEAN , 40,9% không biết nhiều về TPP Hiệp Định Đối Tác Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương mà Việt Nam vừa kết thức đàm phán. Thậm chí, đối với WTO Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới mà Việt Nam gia nhập từ 2007, thì sự hiểu biết chỉ là 33,45%.
Điểm đáng chú ý, 500 doanh nhân đó thuộc hàng ngũ lãnh đạo cấp cao, quản lý cấp trung và những bậc khác, có thể được xem là đại diện cho doanh nghiệp Việt Nam, đa phần từ các tỉnh thành phía Nam hoặc từ thành phố Hồ Chí Minh thường được gọi là đầu tàu kinh tế cả nước.
Tới đây thì câu hỏi đặt ra là nhận thức kém như thế làm sao mà hội nhập với thế giới, nhất là khi AEC Cộng Đồng Kinh Tế ASEAN đã thành hình trong ngày 31 tháng Mười Hai vừa qua, và rằng doanh nhân đầu đàn mà thiếu kiến thức như vậy có phải là điều đáng lo ngại không?
Từ Hà Nội, tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, trưởng phòng nghiên cứu Viện Nghiên Cứu Phát Triển Kinh Tế Xã Hội, phân tích:
“Để tìm hiểu nhận thức của doang nghiệp đối với hội nhập thì có 2 yếu tố chi phối. Thứ nhất là bảng câu hỏi, không biết họ hỏi như thế nào. Nếu hỏi chung về hội nhập thì có vẻ là họ không nói nhiều, nhưng nếu hỏi về nội dung hội nhập cần phải làm gì, ví dụ như tăng cạnh tranh hoặc áp dụng công nghệ hoặc giảm thuế... thì họ sẽ biết. Như vậy vấn đề thứ nhất là kỹ thuật hỏi, cách hỏi của cơ quan khảo sát có thể nhiều câu hỏi nó quá hàn lâm, thì doanh nghiệp họ không trả lời với tư cách học sinh trả lời thầy giáo, vì thế mà họ bảo là họ không hiểu gì về hội nhập.
Nhưng điều này không có nghĩa là họ không hiểu hội nhập cần phải làm gì. Chắc chắn là doanh nghiệp nào cũng phải biết đó là họ phải chấp nhận giảm thuế để cạnh tranh, chấp nhận hàng rào kỹ thuật cao hơn phải vượt qua cũng như chấp nhận những yêu cầu ngặt nghèo về các tiêu chuẩn nội khối và các hoạt động khác. Nếu hỏi như vậy thì các doanh nghiệp sẽ trả lời được, còn nếu hỏi hội nhập là gì thì rõ ràng không phải câu hỏi mà các doanh nghiệp quan tâm, cũng như họ không cần phải quan tâm nhiêu lắm về khái niệm.”
Ngoài tính cách thực tế và chất lượng những câu hỏi để tìm câu trả lời tương thích, tiến sĩ Nguyễn Minh Phong giải thích tiếp, vấn đề thứ hai nữa là:
“Cái thứ hai là một số nội dung trong những hiệp định về cam kết của Việt Nam thì có nhiều cái chưa ký mà mới là kết thúc đàm phán, vì thế nội dung tuyên truyền nó cũng chưa có, cho nên nói hỏi về cái đấy t61t nhiên doanh nghiệp họ cũng chưa biết được.
Và cái thứ ba, đúng là cái tuyên truyền về hội nhập cũng chưa bài bản , chưa hiệu quả cho nên nhiều doanh nghiệp họ cũng chưa thực sự là biết.”
Nhưng điều chắc chắn, tiến sĩ Nguyễn Minh Phong khẳng định, nếu chưa hiểu biết đầy đủ về hội nhập thì cũng sẽ ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động của Việt Nam trong AEC thời gian tới:
“Thực tế cũng ghi nhận rằng một số nội dung trong hội nhập chúng ta tuyên truyên chưa được kỹ, chưa hưa thể bằng được nhiều nước trong khu vực ASEAN, thế cho nên Việt Nam cũng như các doanh nghiệp còn phải học hỏi còn phải làm nhiều việc nữa thì mới thành công.”
Còn nhiều khác biệt trong mức độ phát triển
Cần nhắc mục đích của AEC Cộng Đồng Kinh Tế ASEAN là nhằm thúc đẩy thương mại khu vực và thu hút đầu tư. Tầm nhìn AEC là một thị trường chung hoặc duy nhất với luồng hàng hóa, vốn, lao động tay nghề cao được tự do thông thương di chuyển.
Bên cạnh đó, AEC còn giúp khu vực cạnh tranh với Trung Quốc trong việc hấp dẫn nguồn đầu tư nước ngoài.
Đấy là điều tốt và trong một thế giới mở như thế này thì không phải là chỉ mình tự so sánh với mình nhưng phải so sánh với nước khác. So sánh không phải là tự ti mà để thấy mình phải vươn lên, phải phấn đầu để mà phát triển.
-TS Võ Trí Thành
Đúng ra quá trình hội nhập và tham gia nền kinh tế toàn cầu của Việt Nam diễn ra từ nhiều chục năm nay, vì thế đừng đặt quá nặng viễn ảnh màu xám về ý thức hội nhập kém, là nhận định của phó viện trưởng Viện Quản Lý Kinh Tế Trung Ương tiến sĩ Võ Trí Thành:
“Có hai vấn đề, một là giống như cái survey nói, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam mà hiểu thấu đáo thì còn ít và đấy là điều lo ngại bởi nếu anh hiểu hơn thì anh tận dụng cơ hội và đỡ tổn phí trong quá trình hội nhập. Đấy là một cái vế mà thực sự nó là một thực tế.
Cái thứ hai cũng phải hiểu rằng trong quá trình hội nhập ấy nền kinh tế Việt Nam cũng phát huy được cái lợi thế so sánh. Không phải ngẫu nhiên từ một nền kinh tế xuất khẩu 2 tỷ đô la năm 1990, 91, bây giờ xuất khẩu là 160 tỷ đô la. Điều ấy nói được là bên cạnh điều rất đáng lo ngại, mà đấy là sự thật, thì cũng có điều khác là thật ra những thế hệ doanh nhân Việt Nam cũng bươn chải, cũng phấn đấu, cũng vươn lên mà tận dụng những lợi thế, những cơ hội của quá trình hội nhập.
Chúng ta cũng không phải lo ngại đến mức là đất nước này không thể tận dụng những cơ hội đem lại, nhưng đúng là nếu như chúng ta thông tin tốt hơn, trao đổi tốt hơn để doanh nghiệp hiểu biết tốt hơn, nhận thức tốt hơn , cải thiện môi trường kinh doanh trong nước tốt hơn thì đỡ phải những tổn phí không đáng có.”
Vẫn lời ông Võ Trí Thành, đem nhận thức hội nhập của doanh nghiệp Việt Nam ra so với nhận thức của doanh nghiệp Lào, Campuchia hay Thái Lan chính là cơ may để xem lại mình kém ở chỗ nào:
“Đấy là điều tốt và trong một thế giới mở như thế này thì không phải là chỉ mình tự so sánh với mình nhưng phải so sánh với nước khác. So sánh không phải là tự ti mà để thấy mình phải vươn lên, phải phấn đầu để mà phát triển.”
Hôm thứ Năm, ngày chính thức ra mắt AEC, các thành viên ASEAN cho rằng Cộng Đồng Kinh Tế ASEAN là bước ngoặt quan trọng trong việc kết hợp sức mạnh kinh tế của một thị trường chung giàu tài nguyên với khối dân số hơn 600 triệu từ các nước.
Tuy nhiên các chuyên gia quốc tế tỏ ra thận trọng với cảnh báo ý tưởng AEC khó thực hiện nếu không muốn nói là khó đạt tới vì những khác biệt trong mức độ phát triển cũng như trong quan điểm về dân chủ và tự do, chưa kể sự chênh lêch trong năng lực của từng quốc gia thành viên
.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét