LTS: Trong thập niên 1990 của thế kỷ trước, một cuốn sách đã được in ở Việt Nam nhưng khi in xong lại không được phép phát hành, đó là cuốn Chuyện Làng Ngày Ấy của nhà văn Võ Văn Trực. Năm 2005 tạp chí Văn Học tại California, Hoa Kỳ đã xuất bản cuốn sách này. Nay Diễn Đàn Thế Kỷ xin đăng lại toàn bộ tác phẩm, với “Lời nhà xuất bản” của Văn Học trong lần in đầu tiên. DĐTK
Lời nhà xuất bản
Bạn đọc đang cầm trên tay một trong hàng trăm cuốn sách đang bị cấm lưu hành ở Việt Nam. Những cuốn sách bị cấm này có nhiều số phận khác nhau. Hoặc nó chỉ xuất hiện một lần duy nhất tại một Nhà xuất bản trong nước rồi bị cấm tiệt như: Con nai đen của Nguyễn Đình Thi, Vào đời của Hà Minh Tuân, Những thiên đường mù của Dương Thu Hương, Đi về nơi hoang dã của Nhật Tuấn, Ly thân của Trần Mạnh Hảo… hoặc có những cuốn chỉ vừa mới in xong đã bị thu hồi, cấm không được phát hành như Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Hệ thống xã hội chủ nghĩa của Kornai János, bản dịch của Nguyễn Quang A, thơ Chân dung của Xuân Sách… Trong nhiều trường hợp, có những cuốn sách tuy đã lọt lưới kiểm duyệt của các biên tập viên Nhà xuất bản nhưng lại bị “các cơ quan chức năng” trong lãnh vực văn hóa, tư tưởng kịp thời phát hiện nên có lệnh thu hồi và lắm khi người được lệnh ký quyết định thu hồi lại chính là kẻ đã ký cho nó ra mắt tức các ông Giám đốc của các Nhà xuất bản!
Hằng năm có cả chục “cuốn sách bị cấm” như thế mà lý do thông thường được nêu ra là đã “bôi đen xã hội”, đã “gây mất niềm tin vào Đảng và Nhà nước” vân vân…
Với chủ trương sẽ lần lượt đưa ra ngoài ánh sáng những cuốn sách đã từng nằm trong cái số phậm hẩm hiu, đen tối kể trên, nhà xuất bản Tạp Chí Văn Học xin giới thiệu với bạn đọc cuốn đầu tiên trong loại sách này: Tác phẩm Chuyện Làng Ngày Ấy của nhà văn Võ Văn Trực.
“Chuyện làng ngày ấy” do NXB Lao Động Hà Nội ấn hành vào tháng Sáu năm 1993 do nhà văn Xuân Cang chịu trách nhiệm xuất bản, nhà văn Ma Văn Kháng chịu trách nhiệm bản thảo. Mặc dầu cuốn sách có giấy phép chính thức của Cục xuất bản Bộ Văn Hóa số 43 VH/LĐ nhưng chưa ra khỏi nhà in đã bị thu hồi cấm phát hành và bị “chôn sống” trong kho với một lệnh niêm phong “vô thời hạn”.
Võ Văn Trực được biết như một nhà thơ đảng viên, Phó Tổng biên tập báo Văn Nghệ trung ương, công tác lâu năm tại cơ quan Hội Nhà Văn, về hưu sau khi có sách bị cấm. Như “mấy lời tâm sự” của tác giả ở cuối sách: “Chuyện làng ngày ấy là chuyện làng xóm, gia tộc, gia đình xẩy ra những năm sau Cách Mạng tháng Tám. Tôi ghi lại một cách trung thực những điều tôi nghe, tôi thấy, tôi biết…”
Chính vì “ghi lại một cách trung thực” qua cái nhìn của một nhà văn lúc về già nhìn lại nên Chuyện Làng Ngày Ấy thực sự là một cuốn biên niên sử sinh động về cuộc cách mạng ruộng đất, “đào tận gốc, trốc tận rễ” tất cả những gì bị kết tội là “thuộc xã hội cũ” ở làng quê Việt Nam. Trong vẻn vẹn có gần 200 trang in, Võ Văn Trực cứ lặng lẽ, từ tốn và chậm rãi đưa ra rất nhiều “sự thực của lịch sử” mới nghe tưởng chuyện tầm thường, ngẫm lại mới thấy bàng hoàng, xót xa. Và rồi gấp sách lại, người ta thấy rõ cái mô hình cộng sinh từ ngàn đời nay của dân quê Việt Nam vẫn là làng xóm chứ tuyệt nhiên không phải những hợp tác xã nông nghiệp, những tập đoàn sản xuất theo mô hình Cộng Sản.
Mọi mưu toan xóa bỏ đơn vị “làng xóm”, thay thế bằng những thiết chế kìm kẹp khác, đều phá vỡ cân bằng môi trường sinh tồn của dân tộc, đều bộc lộ những ảo tưởng của những đầu óc nông cạn. Đó là cái tài tình của Võ Văn Trực khi không cần lôi kéo mà ông cũng vẫn dẫn người đọc đi đến kết luận đó…
Ngay từ hồi chủ nghĩa cộng sản mới giành được thắng lợi ở nước Nga Sa hoàng, một nhà báo tên là Prudon đã vạch trần một sự thực mà cho đến nay mọi người mới thấy là ông đã có tầm nhìn xa hàng thế kỷ: “Chủ nghĩa cộng sản là sự đánh đồng cái đẹp với cái xấu, cái thiện với cái ác, cái cao thượng với cái ti tiện…”. Cuốn Chuyện Làng Ngày Ấy là một minh chứng rất sinh động và cụ thể cho lời nhận xét kể trên của Prudon.
Từ thượng cổ, con người vẫn có hai cơ chế kiểm soát: ở bên trong là trời Phật, ở bên ngoài là luật pháp và miệng tiếng người đời. Chủ nghĩa cộng sản xóa bỏ cả hai cơ chế kiểm soát con người bên trong và bên ngoài để thiết lập một cơ chế kiểm soát toàn trị bằng một ý thức hệ thô thiển, giản lược hóa con người vào những mô hình kinh tế, bằng các tổ chức quản lý thực chất là kìm kẹp, bằng những chủ trương, chính sách đường lối dựa trên một “khế ước xã hội” áp đặt lên toàn dân: Đảng là mặt trời duy nhất, và quyền lợi của Đảng là tối cao, cao hơn cả dân tộc và lịch sử.
Để tuyệt đối hóa vai trò bao trùm của mình lên toàn xã hội, vào thời kỳ đó, Đảng chủ trương phải xóa bỏ cơ chế kiểm soát bên trong con người cũ, thiết lập cơ chế kiểm soát mới bằng xóa bỏ giáo lý của tôn giáo, chôn vùi huyền thoại của tín ngưỡng, thay thế chúng bằng những tín điều cộng sản, xóa bỏ thần Phật thay thế bằng hình ảnh các lãnh tụ.
Qua Chuyện Làng Ngày Ấy, tác giả Võ Văn Trực bằng những hình ảnh sinh động đã khắc họa bức tranh toàn cảnh của một làng quê Việt Nam vào thời chủ nghĩa Cộng Sản khởi sự đâm chồi, bức tranh tuy rất giản dị, chân thực như một bức ký họa nhưng lại ẩn chứa rất nhiều điều kỳ quặc gây xáo trộn và tràn ngập những khổ đau trong một làng quê vốn đã xơ xác, nghèo nàn và khốn khổ.
Khi khép lại Chuyện Làng Ngày Ấy ở những trang cuối, nhà văn Võ Văn Trực đã có đôi lời tâm sự:
“Tôi xin dâng bạn đọc cuốn sách nhỏ này bằng hai bàn tay chân tình của tôi. Xin bạn hãy xem mọi điều tôi viết trong đó như những lời tâm sự tha thiết: chúng ta cùng chung tay đẩy lùi và xóa sạch mọi sai lầm ấu trĩ, cùng vun trồng nền văn hóa Việt Nam hiện đại được bắt rễ sâu trong truyền thống bốn nghìn năm của dân tộc…”
May cho ông, cuốn sách đã được hoàn thành vào năm 1990 – đúng vào thời Tổng bí thư Đảng Nguyễn Văn Linh tuyên bố “cởi trói” cho văn nghệ sĩ. Cùng hoàn cảnh sáng tác như ông, chỉ trong vòng hai năm, các nhà văn đã cho ra đời hàng loạt những tiểu thuyết nếu chưa có những đột biến về giá trị nghệ thuật thì ít nhất cũng phanh phui được một số sự thật vốn từng bị che đậy giấu giếm dưới khung cảnh toàn trị của một thể chế độc tài và nghiêm khắc.
Tuy nhiên, chẳng phải bây giờ mọi sự đã hoàn toàn thay đổi. Tác phẩm này của ông cho đến thời điểm này (2005) vẫn còn bị cấm lưu hành ở Việt Nam, mặc dù nguyện vọng của tác giả chỉ là muốn viết ra những điều giản dị và chân thực. Nhưng trong khi sáng tác, ông đâu có biết rằng tác phẩm của ông càng giản dị và chân thực bao nhiêu thì giá trị tố cáo của nó càng mạnh mẽ bấy nhiêu, chẳng khác gì một thùng thuốc nổ có thể làm vỡ tung mọi bưng bít, làm sụp đổ cả một sách lược ngụy tạo che giấu hay xí xóa về cả một thời kỳ lịch sử tuy đã qua nhưng hãy còn nóng hổi tính thời sự.
Chính vì vậy, chúng tôi xin mời độc giả hãy đọc và hãy tiếp tay lan truyền nó.
Chúng tôi nghĩ rằng hẳn đó cũng là tâm nguyện của tác giả khi ông sáng tác tác phẩm này.
California ngày 15-5-2005
Tạp Chí Văn Học
*
I
bác chắt kế đã về
- Bác Chắt Kế đã về!
- Bác Chắt Kế đã về!
Lũ trẻ chúng tôi đang chăn trâu dưới đồng Lao thì cái tin ấy truyền đến. Lời truyền chỉ thì thầm từ tai đứa này qua tai đứa khác, không thành tiếng, nhưng truyền đi rất nhanh. Chỉ chốc lát là tất cả chúng tôi sững sờ, bỏ mọi cuộc chơi. Ðứa đang chơi khăng, bỏ hòn cù lăn long lóc. Ðứa đang chơi “dọn cỗ thi”, bỏ vầy và cỏ gà, cỏ sữa trong lòng nón. Ðứa đang tắm cho nghé cũng bỏ mặc đấy. Tất cả đứng túm tụm lại, bàn tán với những vẻ mặt đầy quan trọng:
- Bác Chắt Kế về thật rồi à?
- Về thật! Nhật thua Tây thua thì bác Chắt Kế mới được về chứ?
- Sao hôm qua bang Trân vào nhà tao bắt nộp lúa tạ?
- Trốn về thì sao?
- Nếu bác Chắt Kế về thật thì ta sắp sung sướng rồi!
Một đứa nhỡ mồm suýt reo to bị thằng Bá giơ tay bịt chặt mồm lại:
- Chết! Chết! Mày lau chau nói ra, mất cái đội nón như chơi!
Bỗng ông tuần Chư từ xa đi tới, chúng tôi xì xào: “Ông tuần Chư là người của nó”, rồi lảng mỗi đứa một nơi. Thằng Bá làm ra vẻ đàn anh, nhảy phóc lên lưng trâu, hát nghêu ngao một bài đồng dao:
Nghé bông hay là nghé hoa
Như cà mới nở
Ơ nghé nghé ọ…
Cả lũ chúng tôi cùng giong trâu hát theo. Ðàn trâu nối nhau từ cánh đồng Lao thanh thả đi về cổng làng. Bụng đói meo mà sao tôi cảm thấy vui sướng đến thế, ngồi trên lưng trâu cứ ngỡ như mình bay theo ngọn gió nồm cùng với những đám mây nhuộm vàng ráng chiều…
Bác Chắt Kế về rồi! Thế là mình sắp được đi học, sắp được tập hát tập múa, sắp được ăn chung ở chung với bạn bè cùng lứa tuổi trong làng. Còn gì sung sướng hơn.
Sao làng mình có bác Chắt Kế mà làng khác lại không có. Thế làng mình đánh được Tây được Nhật thì làng khác cũng đánh được chứ? Bác Chắt Kế là người của thiên hạ chứ đâu có phải của riêng làng mình?.. Trong ý nghĩ trẻ thơ, tôi tưởng tượng bác Chắt Kế như vị thần của một ngôi miếu thâm u cổ thụ nào đó được thế giới thần linh phái ra để cứu dân khổ đau.
Tôi chưa hề một lần nào được thấy bác, được gặp bác. Tôi chỉ nghe lõm bõm về bác trong khi người lớn trò chuyện với nhau. Nhất là một buổi sáng, chao ơi cái buổi sáng ấy tôi nhớ mãi. Cụ Tú Vệ làng Kẻ Sụm xuống chơi với ông tôi. Hai cụ uống rượu và nói chuyện đến tận mặt trời đứng bóng. Gọi là uống rượu chứ thật ra đạm bạc lắm, rượu chỉ vừa một nậm với một con cá rô đặt trong đĩa sứ vẽ hình cây trúc. Hai cụ nâng chén bạch định lên môi nhấp rồi lại đặt xuống. Hai cụ cầm đũa gẩy gẩy con cá gắp từng tí một. Tôi có cảm giác hai cụ uống vờ và ăn vờ. Ðến khi cụ Tú Vệ cắp ô ra về, con cá mới hết một nửa và rượu cũng chỉ hết lưng nậm. Hai cụ đó thanh bạch quá chừng, hình như chỉ cốt dùng rượu làm cái cớ để giãi bày thế sự, chứ không cần sự hưởng thụ xô bồ vật chất… Sở dĩ hôm đó tôi được chứng kiến một cách kỹ càng “tiệc rượu” của cụ Tú Vệ với ông tôi là vì tôi vờ đứng bên cạnh hầu điếu đóm để nghe chuyện bác Chắt Kế. Tôi chắp nhặt từng mẩu vụn vặt, rồi đi kể cho bạn bè mục đồng nghe. Tôi thêm thắt, xâu chuỗi lại, tưởng tượng thêm và trong tâm trí tôi hình thành một bác Chắt Kế của chuvện cổ tích, của thần thoại.
Ở cánh đồng phía tây làng tôi có một cái giếng hình bàn chân khổng lồ, gọi là giếng Thần. Từ xửa từ xưa người ta truyền lại rằng có một vị thần gánh núi đi qua và bàn chân dẫm lõm xuống thành cái giếng. Bao nhiêu chuyện kể huyền ảo và kỳ vĩ về cái giếng này… Trong kho tàng chuyện kể ấy, có chuyện “thanh gươm cố Kế”. Cố Kế là cụ thân sinh bác Chắt Kế, một lần đi vận động phong trào Văn Thân từ Yên Thành về, qua giếng Thần, Thần hiện lên và trao cho thanh gươm, đêm ấy bà thân sinh có mang rồi đẻ ra bác Chắt Kế. Các cụ đồ trong làng bảo rằng bác Chắt Kế là người của thần linh sai phái xuống để cứu nhân độ thế. Từ mười lăm mười sáu tuổi, bác đã tham gia các hoạt động của “hội kín”. Năm 1927, bác đứng ra thành lập chi bộ Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội của làng tôi. Bác đi khắp bốn phương trời, vào Tây Cống, sang Xiêm La, tới Hương Cảng, sang Luangprabang, đến Nông Pênh… Rồi bác bị đi đày ở Lao Bảo, Ban Mê Thuột…
Lao Bảo là nơi đâu? Ban Mê Thuột là nơi đâu? Nghe nói đó là những chốn ma thiêng nước độc, chứa đầy những quỷ sứ có sừng, rắn đỏ mào, rết mắt xanh. Bác Chắt Kế bị ném vào địa ngục ấy và chịu đựng muôn nghìn cực hình. Bác bị xẻo thịt, bị dẫm chân lên lưỡi cày nướng đỏ, bị tuốt cật nứa, bị ném vào ổ rắn độc… Bác vẫn không chết bởi vì bác có phép thiêng của Thần ban cho.
Ôi những cái địa danh Lao Bảo, Ban Mê Thuột rùng rợn đến thế mà kích thích trí tưởng tượng, lòng khao khát của tuổi thơ biết bao. Khi nào mình được đặt chân tới đó để nhìn tận mắt cảnh địa ngục trần gian – nơi bác Chắt Kế, người của làng mình, đã từng chống chọi với diêm vương, quỷ sứ? Có phải bác là con đại bàng trong truyện cổ đã tung cánh làm đổ vỡ bao nhiêu thành lũy lao tù để trở về với làng xóm, với bà con thân thuộc…
Hôm nay bác đã về làng thật rồi ư? Chắc chắn lần này mình sẽ tìm kỳ được để nhìn thấy bác.
Một buổi sáng, tôi vừa giong trâu ra khỏi cổng thì gặp một người đàn ông lạ mặt bước vào. Người ấy trạc năm mươi tuổi, mặc bộ quần áo xanh bạc màu. Cha tôi vồn vã chạy ra tiếp. Tôi linh cảm: đây là bác Chắt Kế! Ðúng là bác Chắt Kế thật. Bác ấy vào nhà mình chơi, tôi cảm thấy như ai trao cho mình niềm vinh dự bất ngờ. Mấy người hàng xóm cũng chạy sang hỏi thăm ríu rít. Tôi cột trâu vào gốc cau, chạy vào buồng, chăm chú nhìn qua lỗ phên để thấy rõ bác Chắt Kế là người như thế nào: vầng trán rộng, mắt sáng, tóc chải ngược điểm hoa râm. Quả thật là gương mặt của một người thông minh khác thường.
Trong câu chuyện trao đi đổi lại giữa bác với bà con làng xóm, tôi không hề nghe ai nói đến việc đánh Nhật đuổi Tây. Tôi chỉ thấy gương mặt bác rạng rỡ, tươi cười, hỏi thăm chuyện mùa màng, đồng áng. Từ người trung niên đến cụ già đều trả lời bác với thái độ lễ phép, kính trọng.
Mọi người đang vui vẻ trò chuyện, bỗng ông mõ từ ngõ xồng xộc đi vào báo có bang Trân cùng mấy tên lính đã đến cổng làng. Thoắt một cái, bác Chắt Kế lẩn ra cửa sau, sang nhà bên cạnh, rồi đi biệt.
Tôi nhảy lên lưng trâu, hát nghêu ngao lững thững ra đồng.
Ngày hôm sau, hôm sau, rồi hôm sau nữa… không hề thấy bác Chắt Kế trong làng. Con đại bàng ấy lại bay tới phương nào?…
Mọt Sách
(Tiếp theo)
Bác Chắt Kế cũng bị đấu
Bác Chắt Kế chính là cán bộ cộng sản gộc ở cái làng này. Chính bác đã ra lệnh tiến hành biết bao cuộc vận động: nào tập trung bàn thờ ông bà tổ tiên, tập trung thần phật, phá chùa, chặt cây đa… chính bác đã tổ chức những cuộc vận động quần chúng đấu tố “bè lũ phản động và tay sai” ở trong xã.
“Qua nhiều cuộc đấu tranh, nhiều lần học tập lý luận về đấu tranh giai cấp, về cảnh giác cách mạng, về “ba không” (không nghe, không biết, không nói), đã rèn cho con người một ý thức luôn luôn cảnh giác cao độ, cảnh giác đến cực đoan đẩy đến sự đa nghi…”
Trong những năm tháng của các cuộc vận động cách mạng, một không khí nghi kỵ tràn lan khắp nơi nơi. Trong chi bộ Đảng, trong tổ chức Nông Hội do Đảng lập ra, trong gia đình, trong họ hàng… không còn ai tin ai, bất kỳ ai dù là cán bộ đảng viên, dù là cốt cán hay nông dân trong làng, ai ai cũng đều có thể là… địch được hết.
“Một bà ăn mày chừng bảy mươi tuổi, què chân phải đi nạng, gầy còm, gần như tuần lễ ngày nào cũng vào làng tôi ăn xin.” Do đã được bác Chắt Kế giảng giải về bài học “nâng cao tinh thần cảnh giác”, tôi đặt vấn đề nghi ngờ. Bà này có phải là phản động không? Tại sao bà ta không đi xin làng khác mà cứ đi xin làng mình? Tại sao bà ta cứ im lặng như một cái bóng đi trên đường làng, chẳng nói năng một câu…”
Tinh thần “cảnh giác cao độ” mà bác Chắt kế nhồi nhét vào đầu trẻ con trong làng đã khiến chúng ngờ vực cả bà ăn mày là… kẻ địch.
“Chúng tôi dắt bà ăn mày vào nhà chú Hoe Lai hiện đang làm công an xóm. Chú đi vắng, cả nhà cũng đi vắng. Chúng tôi trói chân bà ăn mày vào gốc cây xoan trước ngõ. Đến tận tối, vợ chồng chú Hoe Lai mới đi làm về. Bà ăn mày bị đói lả, nằm thở… Mụ Hoe Lai đến tận nhà tôi chửi như tát nước vào mặt: “Mi muốn gieo tai gieo họa vào nhà tao à?” Lập tức tôi tìm bác Chắt Kế trình bày đầu đuôi. Bác Chắt Kế không những giảng giải cho mụ Hoe Lai mà còn tuyên dương ‘ý thức cảnh giác’ của bọn tôi như thế là rất tốt…”
Than ôi, bác Chắt Kế cứ đứng ra giảng giải cho dân làng là phải thường xuyên đề cao cảnh giác, thì rồi có lúc người ta “cảnh giác” cả với bác. Lúc đó thì rõ thật là gậy ông lại đập lưng ông.
“Và rồi ‘bánh xe luân hồi’ đã quay vòng đến lượt bác Chắt Kế. Nó đến một cách bình thường vừa như vô lý vừa như một lẽ đương nhiên. Bác phải hoàn toàn nhận lấy cái điều vừa như vô lý vừa như đương nhiên không thể nào chống đỡ được. Bác dậy cho mọi người phải tuyệt đối đề cao cảnh giác, thì bây giờ đến lượt bác bị người ta cảnh giác, không có gì lạ…”
Cái cớ người ta vin vào để bác Chắt Kế bị liệt vào danh sách “phải cảnh giác” thật là ngớ ngẩn: “mở lò rèn”. Chỉ có điều hơi khác thường là bác làm lò rèn không phải mang ra chợ bán mà để khuây khỏa tâm trí, làm những vật dụng thường ngày bán giá rẻ cho bà con: dao, mác, liềm, lưỡi hái và sửa chữa súng bắn chim. Có mấy người thích săn bắn thường quây quần ở nhà bác, nhỡ không may súng hỏng được bác chữa ngay, bác còn sản xuất ra cả đạn ria. Khi bắn được con cò, con vạc thì họ thường sum họp ăn uống và trò chuyện vui vẻ.
Chỉ ngần đó thôi cũng đủ đưa bác vào tầm ngắm khi con quái vật “đấu tố” đã xơi hết các con mồi là nông dân thường, bây giờ nó nhắm tới cán bộ đảng viên. Trong các cuộc họp Nông Hội đã xuất hiện nhiều câu hỏi ba lăng nhăng:
“Rèn dao mác để làm gì?”
“Sản xuất súng đạn để làm gì?”
“Cung cấp cho ai?”
“Tiền thu được bỏ vào quỹ Quốc Dân đảng?”
“Tại sao từ xưa đến nay không mở lò rèn, nay lại mở? Ông ta học nghề này để làm gì?”
“Đích thị là lò sản xuất vũ khí cho bọn phản động…”
Những câu hỏi ngớ ngẩn như thế bao giờ cũng châm mồi cho một cuộc đấu tố. Khôi hài nhất là những người đã từng nhờ bác Chắt Kế rèn dao mác, lưỡi hái, lưỡi liềm, lại đứng lên đặt những câu hỏi “nghi vấn” và “vạch mặt” bác để “dứt khoát trong quan hệ”, tránh khỏi bị liên quan, đứng hẳn sang một bên rạch ròi đối nghịch với bác. Quá nửa dân làng thừa biết “ông ta học nghề rèn” không phải để làm “phản động”, nhưng ai cũng lờ đi, cố tình lờ đi để buộc tội cho được “ông Chắt Kế sản xuất vũ khí cho bọn phản động…”.
Tại sao vậy nhỉ?
Có thể những hành động của ông Chắt Kế lúc còn đang làm cán bộ lãnh đạo như tập trung bàn thờ tổ tiên, tập trung thần Phật, cấm đoán phong tục cũ, o ép dân làng đóng thuế nông nghiệp… tạo thành mối căm thù âm ỉ trong lòng mọi người, nay họ muốn ông phải “trả giá”, gậy ông lại đập lưng ông cho bõ ghét. Hơn nữa trong không khí đấu tố căng thẳng, ai nói ngược lại lập tức bị quy là “liên quan” bởi vậy chẳng ai dại gì thanh minh cho bác Chắt Kế lấy nửa lời. Thế là bác giống như con cá đã bị quăng lên thớt.
Ta hãy xem tác giả tường thuật thật giản dị và chính xác:
“Chẳng cần đọc lệnh của một cơ quan pháp luật nào, mấy dân quân làng vào tóm cổ bác, điệu bác đến “nhà giam” – gọi là nhà giam chứ thật ra đó là ngôi nhà rách nát của một cán bộ xóm. Họ không dùng cực hình tra tấn bác như những “tội phạm” khác, nhưng bác cũng bị hành hạ đến cơ khổ. Đêm ngủ không được nằm giường mà trải manh chiếu nằm co quắp trên nền đất, không có màn. Thỉnh thoảng bác lại bị anh dân quân đánh cho một tát rơi vỡ kính cận. Khi mỏi lưng bác ngồi dựa vào cột liền bị dân quân quát: “Ngồi thẳng lên!” Lúc bác đau bụng xin viên thuốc cũng bị dân quân mắng: “Đau thì phải chịu. Thoát chết là may…”. Một lần người nhà mang cơm đến, đặt lên chiếc chõng tre, bác định cầm đũa ăn, bị cô dân quân cản lại: “Không được để lên chõng! Đặt cơm xuống đất mà ăn…”. Bác ngoan ngoãn làm theo mệnh lệnh quỷ quái của cô ta, bưng bát cơm toan và vào miệng, cô ta lại trừng mắt: “Chưa được…”. Cô ta thản nhiên bước qua bát cơm và bát thức ăn rồi quay lại: Cho phép ăn…”
Cuộc đời quả là ngang trái. Người khai sinh, đào tạo nên bọn dân quân mất dậy, độc ác đến không còn tính người đó lại chính là những cán bộ cộng sản như bác Chắt Kế chứ chẳng phải ai khác. Như vậy thì còn trách móc gì ai! Tuy nhiên vẫn còn một khác biệt nho nhỏ:
“Hồi trước bị thực dân Pháp tra tấn đến gãy xương sườn, bác vẫn bướng bỉnh không khai, anh dũng đứng thẳng, sao bây giờ bác lại nhũn nhặn với con du kích nhãi nhép thế?”
Tác giả không nói rõ tâm tư của bác Chắt Kế vì sao lại thế, ông chỉ cho biết qua loa: “Có lẽ bác nghĩ: trước kia là địch, nay là ta, địch thì sai mà ta thì đúng?”. Quả thực cái tính chất “tuân phục” cấp trên, “tuân phục” chủ trương chính sách của Đảng đã trở thành bản tính thâm căn cố đế khiến cho bác Chắt Kế dù có bị Đảng đưa vào tù, bị hành hạ, lăng nhục đi chăng nữa thì niềm tin vào Đảng của bác vẫn “sáng ngời”, chân lý của Đảng vẫn chói sáng.
Thực ra bác Chắt Kế là nhân vật có thực.
“Ngày xưa bàn chân bác đã từng in dấu khắp ba miền Trung Nam Bắc, đã từng sang Trung Quốc, Lào, Miên, Xiêm La. Bác cũng từng dùng lý lẽ đối chất với những tên mật thám sừng sỏ của Pháp, đã từng đứng ra lập “Hưng nghiệp hội xã” trước mũi giặc để gây quỹ cho Đảng. Trong những ngày các lực lượng cách mạng chưa được tổ chức thống nhất thành Đảng Cộng Sản Đông Dương, bác là người chủ trương ra tờ báo “Vầng Hồng” để tập hợp lực lượng, mà sau này người ta gọi là Đảng Vầng Hồng. Hóa ra bác Chắt Kế cũng là nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc, đâu có kém gì Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Ái Quốc? Từ Xiêm La trở về nước, chưa kịp bắt liên lạc với Trung ương Đảng, nhóm Vầng Hồng vẫn hoạt động riêng biệt. Khi phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh nổ ra, bác Chắt Kế và nhóm Vầng Hồng chủ trương chưa bạo động. Chính vì thế làng tôi và nhiều làng khác trong huyện, dân chúng không kéo cờ biểu tình. Tỉnh ủy tức lắm ra quyết nghị xử tử Võ Nguyên Hiến tức bác Chắt Kế và cử đồng chí Nguyễn Trọng Bình thi hành bản án này. Bác Chắt Kế phải trốn vào rừng. Sau này, trung ương Đảng “xác minh”, nhóm Vầng Hồng là cộng sản chân chính, bác Chắt Kế được phục hồi Đảng và được cử đi dự đại hội Đảng lần thứ nhất ở Ma Cau năm 1935. “Trong đại hội có hai đồng chí Phùng Chí Kiên và Võ Nguyên Hiến (tức bác Chắt Kế), đại biểu Trung kỳ, được cử vào Ban chấp hành Trung ương gồm tất cả 9 người…”.
Bác Chắt Kế có quyền chức lớn vậy mà vẫn chịu thua khí thế đấu tranh của cái đám cốt cán dốt nát, ngu muội và tàn bạo, chịu để cho chúng bắt giam, tra khảo và làm nhục chứng tỏ cách mạng chẳng khác gì một cơn bão, khi nổ ra nó sẵn sàng quét đi đủ mọi thứ trên đường đi của nó.
Mấy năm sau, năm 1951-53, khi công cuộc cải cách ruộng đất “long trời lở đất” đã bước vào đợt 5, nông dân được phát động ở dưới các địa phương đòi cả ông Trường Chinh lẫn ông Võ Nguyên Giáp phải trở về làng để bà con… tố cáo, bộ phận lãnh đạo tối cao của Đảng mới phát hiện và thừa nhận sai lầm và tiến hành sửa sai.
Ở đây ta thấy rõ tình trạng “nói một đằng nhưng làm một nẻo” của các nhà lãnh đạo cộng sản. Lý thuyết họ dậy cho các cán bộ đảng viên thuộc lầu lầu là phải phân biệt hai thứ mâu thuẫn trong xã hội. Một là mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân gọi là “mâu thuẫn thống nhất” – tức là tuy có mâu thuẫn nhưng cùng tồn tại, cùng đi lên. Hai là mâu thuẫn giữa “địch” và “ta” gọi là “mâu thuẫn đối kháng” – có mày không tao hoặc có tao không mày. Những nông dân chậm nộp thuế, mở lò rèn đều thuộc về “mâu thuẫn nội bộ”, “mâu thuẫn thống nhất” nhưng lại bị đẩy tới thành mâu thuẫn đối kháng địch ta và thả sức bị hành hạ, làm nhục không thua gì thời Trung Cổ y như những tên “địch” nguy hiểm.
Tại sao để xảy tới sai lầm chết người đó trong một thời gian rất dài và tại sao Đảng không phát hiện kịp thời để sửa chữa?
Nguyên nhân cốt lõi là trong đường lối phát triển, Đảng thu nạp vào hàng ngũ toàn những kẻ chỉ biết tuân phục, nhắm mắt vâng theo, Đảng bảo A là A, bảo B là B, đường lối chính sách của Đảng luôn luôn sáng suốt và tuyệt đối đúng. Mặt khác từ khi mới ra đời cho tới ông lão 70, tai Đảng luôn luôn quen nghe những lời tâng bốc xu nịnh, kẻ nào dám có ý kiến khác là lập tức bị quy thành phản động. Sau cùng chủ trương “phóng tay phát động quần chúng” là cực kỳ nguy hiểm và thiếu hiểu biết cả về lịch sử lẫn xã hội. Thực tế cho thấy đám quần chúng ngu muội một khi đã kích động lên thì chúng như âm binh có khả năng thiêu cháy cả phù thủy.
Bác Chắt Kế, tức đồng chí Võ Nguyên Hiến, sáng lập viên Đảng Cộng Sản Đông Dương, nguyên Ủy viên trung ương Đảng, cũng còn may chưa bị đưa ra… xử tử, mà được tha “về nằm tịt ở nhà, không muốn đi đâu, chỉ thỉnh thoảng ra vườn tưới cây rồi vào đọc sách”. Trong con mắt người làng thôi thế là “Một cuộc đời đi qua… một sự tích oanh liệt đi qua… chóng thật” và người ta khích bác, gọi ông là “lão cách mạng ăn thịt chó sáng mồng một tết”, “lão cách mạng biến nhà thờ họ thành phòng ngủ của vợ chồng bà o”,… Chẳng phải là giậu đổ bìm leo, mà sau một thời gian, từ người lớn tới con nít đều nhận ra “những điều bác làm quá tả và phương hại đến cả làng cả xóm…”
Người làng cũng còn “ngộ” ra vậy, thế còn bác Chắt Kế, đồng chí nguyên lãnh đạo cao cấp của Đảng liệu có tỉnh ra khi bị “xử lý oan” mà trở thành thân bại danh liệt? Lúc đó, cậu bé Võ Văn Trực mới hỏi đồng chí nguyên lãnh tụ của Đảng:
“Sao bây giờ người ta đấu tranh ghê thế hả bác?”
Bác trả lời với giọng bình thường:
“Bây giờ mới thật chuyên chính vô sản đó cháu ạ…”
Được đà tôi hỏi luôn:
“Sao người ta lại chuyên chính cả với bác?”
“…”
“Có những người đi theo bác làm cách mạng cũng bị người ta chuyên chính?”
“…”
“Cháu khó hiểu…”
Quả thực theo lý thuyết cách mạng thì chuyên chính chỉ dùng để đối đãi với kẻ thù chứ đâu phải dùng để xử trí cán bộ cách mạng? Hóa ra lý thuyết chỉ là “đầu lưỡi”, còn trong thực tế, chuyên chính thực ra là công cụ dùng để triệt nhau trong đấu đá nội bộ để giành quyền lực trong Đảng. Là người cách mạng có sạn trong đầu như bác Chắt Kế ắt là thấu hiểu điều đó, nhưng đời nào bác dám nói ra chuyện đó, đành chỉ giải thích một cách chung chung:
“Hồi Xô Viết Nghệ Tĩnh, bác bị Đảng hiểu lầm, cho bác là phản Đảng, phân công người tìm bác để xử tử, mãi về sau Đảng mới hiểu bác là không phải phần tử phản bội…”
Qua câu trả lời của bác Chắt Kế, người ta có thể hiểu được rằng hiện nay Đảng lại đang hiểu lầm bác lần nữa mà bác không dám nói ra. Vì sao vậy? Vì sao đã ra cái nông nỗi đó mà bác vẫn còn giấu giếm? Tác giả giải thích như sau:
“Trong lòng bác vẫn có cái gì phân vân, vẫn có cái gì níu bác lại. Sợ hãi ư? Chắc không phải. Có lẽ bác muốn bảo vệ uy tín của Đảng – bảo vệ một cách mù quáng…”
Phải nói rằng “tin tưởng một cách mù quáng” là căn bệnh trầm kha của người cộng sản. Những năm 1954-1955, khi cuộc cách mạng “cải cách ruộng đất” long trời lở đất nổ ra tại miền Bắc thì nó đã phạm những sai lầm chết người, nhiều đảng viên trung kiên bị cốt cán tố điêu, bị vu cho là địch cài lại để bị kết án tử hình. Thời đó những tử tội được mang ra pháp trường cho “quần chúng cách mạng” hô “đả đảo” và hoan hô khi họ bị bắn để “đền tội”. Nghe kể lại rằng “nhiều đồng chí đảng viên cộng sản” bị bắn oan, trước khi chết vẫn hô lớn: “Đảng Cộng Sản muôn năm… Hồ chủ tịch muôn năm…”. Có lẽ bác Chắt Kế, tức đồng chí Vũ Nguyên Hiến, nguyên Ủy viên trung ương Đảng, rơi vào trường hợp đó, bác cũng hô to khẩu hiệu như vậy trước khi nhận vào ngực mình những viên đạn của chính đồng chí mình.
Thử tìm cách lay chuyển “niềm tin sắt đá vào Đảng Cộng Sản” của bác Chắt Kế, cậu bé Võ Văn Trực hỏi bác:
“Cháu nghe nói giáo sư Đặng Thai Mai đang dậy trường Đại học ở Thanh Hóa, sinh viên đến hỏi: “Nhân dân đấu tranh quyết liệt như thế thì thái độ sinh viên thế nào?”, Giáo sư trả lời: “Dùng nhục hình để tra tấn là cái nhục của người cộng sản không bao giờ rửa được…”
Bác Chắt Kế tịt mít không trả lời được. Một là câu trả lời đó quá đúng, quá xác đáng. Hai là Giáo sư Đặng Thai Mai lúc đó vẫn còn là một trí thức có uy tín của Đảng. Tuy nhiên, dẫu có thừa nhận “dùng nhục hình để tra tấn là cái nhục của người cộng sản” đi chăng nữa, người ta vẫn thấy niềm tin đến mù quáng vào Đảng Cộng Sản của bác Chắt Kế vẫn trơ như đá vững như đồng, không gì lay chuyển được ngay cả khi đã thân bại danh liệt một cách oan uổng.
Ngày mẹ qua đời
Nhà văn Võ Văn Trực có một người mẹ thật khác thường. Ông kể:
“Chóng thật, cuộc đời một con người thật chóng vánh quá. Mới ngày nào mẹ cắt tóc ngắn, mặc quần đùi của cha, giắt liềm bên hông, tham gia các cuộc biểu tình, lăn vào các cuộc hội họp, rồi được kết nạp vào Đảng. Những ước mơ bồng bột, cháy bỏng một thời như cây hớn hở đơm lộc mùa xuân, cứ tàn héo dần để cuối cùng mẹ trở về với vại cà đen ngòm và chiếc giường cũ kỹ, lì mòn và xộc xệch…”
Vào thời bao cấp, ở các tỉnh lỵ Quảng Bình – Hà Tĩnh, thay vì treo cao một khẩu hiệu thật lớn như bây giờ: “Welcome to Nghệ An… Welcome to Hà Tĩnh” thì người ta lại trương một khẩu hiệu đọc lên nghe thật hãi hùng, chắc ít du khách nào dám mon men tới: “Một mo cơm, một quả cà, một tấm lòng cộng sản…”
Suốt một thời cả xã hội được giáo dục như thế đó – chỉ cần “một tấm lòng cộng sản” thôi, còn thì cơm với cà đã là mãn nguyện lắm rồi. Cái biểu tượng “vại cà” đó, được tác giả mô tả thật kỹ càng:
“Ở góc bếp, cái vại cà vẫn để nguyên tại đó đến hàng mấy thập kỷ, lì lợm bất di bất dịch, bụi bám đen xỉn. Tôi đến mở vại cà, vẫn y xì như vại cà của hàng vạn gia đình nông dân Nghệ Tĩnh tồn tại đến hàng mấy thế kỷ: hòn đá hình vòng tròn đè nặng trên cái vỉ đan bằng tre, dưới cái vỉ là những quả cà để lưu cữu hàng năm, nước đen ngòm, dăm ba con giòi bò lúc nhúc. Đó là nguồn thực phẩm dự trữ chủ yếu ngày này sang ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác. Bình thường, mỗi bữa mẹ tôi bốc ra một bát cà. Sang trọng hơn một chút, mẹ rửa sạch những quả cà rồi xào với mỡ. Cái vị mặn lâu ngày được ngấm mỡ tạo ra một vị ngon đặc biệt của quê kiểng….”
Con người ta sinh ra là để phấn đấu cho lý tưởng, là để “sửa soạn sống” cho mai sau chứ không phải để sống bây giờ, là “tất cả vì tương lai con em chúng ta” – các nhà tuyên huấn cộng sản ra sức nhồi nhét vào đầu óc con người từ bé đến lớn cái nguyên tắc ấy, sau này nó ‘biến tướng” thành phương châm của các quan tham: “hy sinh đời bố, củng cố đời con”.
Vậy là “trọn một đời mẹ vật lộn với đất đai và một phần đời của mẹ tham gia việc làng việc xóm việc đoàn thể với bao nhiêu khát vọng, đến nay sắp vĩnh viễn nhắm mắt “mẹ cũng chẳng có được một ngày sung sướng, chẳng được hưởng cái gì hết ngoài “cái giường lì mòn vẫn nằm đó, cái vại cà đen ngòm vẫn nằm đó…”. Và khi mẹ sắp mất, tác giả đặt ra một câu hỏi thật đau lòng:
“Gia tài mẹ còn lại những gì để trao cho con?”
Cả một đời mẹ vất vả, nửa đời mẹ hoạt động cách mạng, bản thân mẹ đã chẳng được hưởng cái gì, vậy mẹ để lại được gì cho con?
Một câu hỏi thật đau lòng mẹ và buốt lòng con. Đoạn đối thoại giữa hai mẹ con lúc mẹ hấp hối, rời khỏi cuộc đời đầy khổ ải này thật là một bi hài kịch đến cười ra nước mắt.
“Mắt mẹ nhìn tôi vừa mệt mỏi lại vừa như muốn phân trần:
“Mẹ chẳng có gì để lại cho con…”
Tôi vô ý buột miệng:
“Cho con đôi hạc đồng ngậm hoa sen, con đem ra Hà Nội lập bàn thờ để các cháu nhớ đến tổ tiên, ông bà bên nội.”
Mẹ lắc đầu:
“Bán hồi ‘thuế khả năng’ rồi con ạ…”
“Thế con xin mẹ cái mâm đồng cũng được…”
“Mâm đồng cũng bán hồi ‘thuế khả năng’ rồi…”
Khổ vậy đó, đứa con cứ hạ dần “yêu cầu” của mình với người mẹ sắp chết…
Những cái đáng giá nhất trong nhà như đôi hạc đồng, mâm đồng thì đã bán để mà “đóng thuế khả năng” rồi, con trai mẹ đành xin mấy thứ tin chắc vẫn còn trong nhà, mẹ vẫn chưa phải bán:
“Chẳng cần đâu mẹ ạ… Con cầm đi vài cái bát đĩa cổ để các cháu nhớ đến ông bà đến quê hương…”
Thật bất ngờ với đứa con và đau đớn cho người mẹ, ngay cả cái bát cũng đã bán mất:
“Cũng bán hết hồi thuế khả năng rồi…”
“Thuế khả năng” là cái thứ thuế kỳ cục nhất thế giới, căn cứ vào sự đánh giá rất hàm hồ, ba lăng nhăng của mấy anh cán bộ Nông Hội, “nhà này khả năng có bát ăn bát để”, “nhà kia khả năng có của chìm”, các hộ nông dân ngoài thuế nông nghiệp ra phải đóng thứ thuế trời ơi đất hỡi do mấy ông cán bộ đó tùy tiện áp đặt. Ai mà không đóng thì bị quy ngay vào tội chống chính quyền.
“Cái đêm hôm ấy xa rồi, tôi nhớ lại như in… Nông Hội họp, chú Văn mắt toét nói “Ngày mai bà Đoan không nộp đủ hai tạ thuế khả năng thì sẽ lấy vồ đập trên đầu cho mồm ợ ra”. Nửa đêm, cha mẹ tôi khiêng cái hòm đồ cổ xuống… Thì ra cha mẹ tôi đã đem bán đồ tế tự và đồ cổ từ hồi ấy. Tôi cứ nghĩ là chỉ bán một ít, ai ngờ bán sạch sành sanh cả hạc đồng, mâm đồng, bát đĩa cổ…”
Và người mẹ trong lúc lâm chung, lòng đã xót xa khi thấy không để lại cho con được bất cứ thứ gì. Nhưng bà chỉ còn biết câm nín chịu đựng mà thôi:
“Mẹ không đủ sức để lắc đầu nữa. Mẹ vẫn im lặng nhìn tôi, vừa đượm chút xót xa, vừa đượm chút ân hận. Nước mắt mẹ ứa ra và lăn xuống làn da mặt nhăn nheo như vỏ quả thị héo…”
Người mẹ cả cuộc đời hiến dâng cho Đảng nhưng lại bị chính Đảng đầy đọa dở sống dở chết, khi nhắm mắt không dám buông một lời oán trách, không dám trăn trối với con điều gì sợ gây thương tổn lòng tin yêu Đảng của con, vì bà nghĩ ở trong cái xã hội ấy, nếu lập trường của nó mà lung lay thì đời nó sẽ khốn đốn. Người đọc thấy ngậm ngùi và cảm thương cho tâm trạng ấy của bà. Tuy nhiên riêng phần bà thì khác. Trước khi thở hơi cuối cùng, bất chợt bà nảy ra một hành động phản kháng dù là yếu ớt.
Nguyên “từ ngày thành lập hợp tác xã, để khỏi mất thì giờ sản xuất, chi bộ đã ra nghị quyết không cho các gia đình cúng giỗ lẻ tẻ, mà cả làng mỗi năm chỉ được cúng giỗ vào hai ngày sau khi thu hoạch vụ chiêm và vụ mùa”.
Cúng giỗ vào hai ngày sau khi thu hoạch vụ chiêm và vụ mùa. Đó thật sự là một quy định vừa láo xược với cha ông lại vừa tàn bạo với người còn sống. Là một đảng viên, đáng lẽ bà phải là cái “đầu tàu gương mẫu” để cho cả làng noi theo, cả năm bất kỳ cúng giỗ ai cũng chỉ nhằm vào hai ngày đó. Vậy nhưng thật bất ngờ, khi tới lúc lâm chung bà đã chống lại quy định đó:
“Mẹ ra hiệu cho tôi cúi sát đầu xuống để mẹ nói một điều bí mật:
“Hằng năm ngày giỗ mẹ, con cứ cúng đúng ngày mẹ mất, đừng cúng theo ngày quy định của hợp tác xã…”
Vậy là thông điệp cuối cùng của một nữ đảng viên gửi lại là một lời trăn trối đi ngược lại nghị quyết của Đảng! Suốt một đời luôn luôn bị nhắc nhở “trung thành với Đảng”, luôn luôn bị thúc giục “thi hành đầy đủ mọi chủ trương chính sách của Đảng”, có lẽ đây là lần đầu tiên người mẹ đảng viên dám “chống lệnh Đảng”. Sau khi dặn con như thế, bà mẹ lại lo cho con bị Đảng trừng phạt nên dặn dò:
“Con chớ làm mâm cỗ, chi bộ biết sẽ phê bình, con chỉ cần múc chén nước trắng và thắp hương cho mẹ đúng ngày mẹ mất…”
Ngày giỗ chính mình chỉ đòi hỏi một chén nước lã và một nén nhang quả đã là một nguyện vọng đau lòng, đã thế lại chỉ dám cho con cháu thực hiện một cách lén lút. Vậy là sự phản kháng của người mẹ vẫn chỉ là ngấm ngầm không dám công khai sợ con bị kỷ luật, mặc dầu vậy, đứa con cũng nhận ra sự thay đổi trong “lập trường cách mạng” của mẹ:
“Lúc đang sống mẹ tuân theo nghị quyết của chi bộ, lúc nằm xuống mẹ mới dám chống lại nghị quyết…”
Đó là một tia lửa phản kháng thật yếu ớt và vô cùng hiếm hoi nhưng nó như một tín hiệu đầu tiên phản ứng lại cái ảo tưởng toàn trị vĩnh viễn trong lòng người của chủ nghĩa cộng sản.
Quả nhiên “niềm tin yêu Đảng” của giai cấp nông dân Việt Nam ngày càng bị xói mòn bởi vô số những cuộc vận động trái khoáy nhưng không biết mệt mỏi của Đảng giáng xuống làng quê vốn đã gây nên biết bao nhiêu bất hạnh và nước mắt, nên đã khiến cho cái niềm tin yêu ấy bây giờ chắc chỉ còn tồn tại ở… cửa miệng.
Cuối cùng, tác giả Võ Văn Trực cũng không được ở với mẹ tới lúc bà mất. Ông phải đi công tác mãi cho tới khi quay về thì việc an táng mẹ ông đã xong. Ông để nỗi đau của ông hòa chung vào nỗi đau của làng quê:
“Hoàng hôn, tôi mặc áo đại tang đi ra đồng. Trước mặt tôi là một nấm đất, là sự vĩnh hằng của tạo hóa… Cũng như bao bà cụ khác trong làng, mẹ nhẫn nhục chịu thương chịu khó đổ mồ hôi nuôi đất rồi lại trở về với đất. Cái đau này là cái đau chung mà mỗi con người sống trên đời này đều phải nhận lấy, nhưng khi nó đã biểu hiện thành cái đau cụ thể, thành bà mẹ của mình nằm trong áo quan, thành nắm đất chưa xanh cỏ, thì nỗi đau càng thấm thía gấp ngàn lần…”
Dĩ nhiên vì vẫn còn sống và viết trong “vòng cương tỏa” của Đảng nên nhà văn Võ Văn Trực đã biến nỗi đau mẹ chết của ông thành một nỗi đau chung chung, không dám dùng cái khả năng thấu thị, nhìn suốt bên trong sự vật của nhà văn để mà vạch mặt kẻ nào đã gây ra cho mẹ cái phận số cả đời “nhẫn nhục, chịu thương chịu khó đổ mồ hôi nuôi đất rồi lại trở về với đất” như thế. Ông đã không dám vạch ra rạch ròi kẻ nào đã hành hạ, đầy ải em ruột của mẹ để đến nỗi cậu phải treo cổ tự tử, kẻ nào đã làm nhục cả gia đình mẹ khi phải lén lút mang bán đồ thờ cúng ông cha để lấy tiền đóng thuế, kẻ nào đã cấm đoán giỗ chạp, báng bổ tập trung ông bà tổ tiên, thần Phật trong làng… làm đau lòng mẹ?
Tuy nhiên sống lầm than trong cái gọi là thời kỳ quá độ tiến lên xã hội xã hội chủ nghĩa, ai chẳng biết kẻ đó chính là cái Đảng mà mẹ là một thành viên, cả đời dốc sức, cúc cung tận tụy phục vụ để rồi nó giáng đòn trừng phạt xuống chính đầu mẹ.
Nhớ lời mẹ dặn, khi nào về chịu tang mẹ thì về thăm quê ngoại, Võ Văn Trực đã trở về sau cả chục năm trời đi biền biệt.
“Bao nhiêu va chạm. Bao nhiêu vỡ lở. Bao nhiêu thương tích. Hầu như mình đã lãng quên dần mối tình huyết tộc bỗng hôm nay trở về như giọt máu tha hương chảy về tim…”
Ông nhớ lại ngày xưa “mỗi lần theo mẹ về quê ngoại ăn giỗ, con thấy vô cùng ấm cúng sự sum họp trước bàn thờ linh thiêng. Cọc đèn lung linh ánh nến. Ngai đặt bài vị sơn son thếp vàng. Lư hương đồng nghi ngút khói nhang. Chiếc mâm bồng màu đỏ đặt nậm rượu và bộ chén bạch định. Chiếc mâm chè đặt nải chuối vàng au…”.
Những thứ ấy vào ngày ông trở về thật đã hết, đã không còn nữa “tất cả những gì thuộc về lễ nghi đã truyền vào cho tôi một tình cảm rất đỗi thiêng liêng đối với tiền nhân, một tình cảm rất tha thiết gắn bó với ông bà, cha mẹ, cậu, dì và mọi người trong gia tộc…”. Những đồ tế khí ấy đâu rồi? Sao chỉ còn trơ trụi một cái án thư tróc sơn. Trên án thư đặt chiếc bát đàn sứt miệng đổ đầy cát và cắm lưa thưa mấy nén nhang…”
Thực ra có một thời rất lâu ở làng quê Việt Nam, “bàn thờ tổ tiên” đã được thay thế bằng cái gọi là “bàn thờ tổ quốc”. Trên bàn thờ tổ quốc người ta thấy ảnh ông Hồ Chí Minh – tất nhiên thời đó ông đang còn sống – và ảnh của bốn ông lãnh tụ cộng sản thế giới: ông Mác, ông Lênin, ông Ănghen, ông Stalin, mà khi khấn vái, các bà nhà quê chỉ biết xuýt xoa: “Kính thưa bốn ông Tây…”.
Tất nhiên cái thời đó nay đã xa rồi nhưng quả thực làng quê ta đã có một thời như thế và sách vở không thể không ghi lại để cho con cháu đời đời về sau nhớ rằng: trong thế hệ cha ông của chúng, có một thời, có một đám cực kỳ ngu xuẩn đã dẫn dắt quê hương vào tình trạng cực kỳ mông muội và chúng phải cẩn thận để đừng sa chân vào vết xe cũ.
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét