Pages

Thứ Hai, 19 tháng 12, 2011

Khi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hai lời

Trả lời chất vấn các đại biểu quốc hội bằng văn bản ngày 13.12.2011 thì thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần nữa lặp lại: “không có vùng cấm trong xử lý cán bộ“. Điều này hoàn toàn mâu thuẫn với tuyên bố của ông trước đây là theo gương thủ tướng Phạm Văn Đồng không kỷ luật bất cứ cán bộ nào.
Việc trả lời chất vấn bằng văn bản chứ không phải bằng cách trả lời bằng miệng ngay trong hội trường nên chắc chắn từng câu chữ, từng dấu chấm dấu phẩy đã được cân nhắc.
Trước khi đi sâu vào từng nội dung của văn bản trả lời chất vấn, chúng ta thử điểm qua vài vụ chuyện ”không có vùng cấm trong xử lý cán bộ”.
Trước nhất là vụ Vinashin cũng trong chất văn bản trả lời cho thấy vô lý: chỉ xử lý 11 cán bộ (9 cán bộ bị bắt giam và 2 cán bộ truy nã quốc tế). Chắc chắn không chỉ 11 cán bộ làm thất thoát đến con số hơn 4 tỷ USD. Ngay cả vai trò của ông Nguyễn Sinh Hùng trong nhiệm vụ tái cơ cấu Vinashin cũng bị quên lãng.
Vụ tiền in tiền polymer thì cha con thống đốc Nguyễn Đức Thúy hạ cánh an toàn. Vai trò môi giới của công an tình báo Lương Ngọc Anh giúp chuyển tiền hối lộ từ các công ty của Úc coi như không nhắc đến dù các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước thì tên các nhân vật này được nhắc đi nhắc lại nhiều lần.
Vụ ông Hoàng Văn Nghiên bí thư Hà Nội tham nhũng trong mua xe, chiếm nhà công vụ thì coi như thủ tướng quên luôn.
Đó là những nhân vật cấp cao, còn cấp dưới thì vô số kể. Ông Trương Tấn Sang, chủ tịch nước từng thốt lên “cả bầy sâu”. Không có vùng cấm sao chưa thấy ai bị xử lý kỷ luật. Vụ Huỳnh Ngọc Sĩ trong dự án đại lộ Đông- Tây ở Sài Gòn xử lý thật là qua loa. Nhỏ nhặt như vụ nhà báo Hoàng Hùng bị đốt ở Long An điều tra tới lui cũng chưa dứt điểm. Nếu không có vùng cấm sao ông Nguyễn Văn Tâm vẫn bình an vô sự?
Để chứng minh mâu thuẫn trong lời nói “không có vùng cấm trong xử lý cán bộ” của thủ tướng thì sẽ có hàng ngàn sự việc kể đến hết suốt một kỳ họp của quốc hội cũng chưa chắc xong.
Đến phần nội dung trả lời giải pháp cho vấn đề: “về giải pháp khắc phục tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp, tệ nạn xã hội có chiều hướng tăng, chất lượng cán bộ đang giảm sút… Thủ tướng thừa nhận tình trạng đại biểu Nguyễn Bắc Việt nêu là một thực tế và đang gây nhiều bức xúc, lo lắng trong nhân dân”. Câu hỏi này do đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Ninh Thuận) nêu ra. Phần này là quan trọng nhất nhưng cách trả lời của thủ tướng cũng mang tính chất “trả bài” hơn là giải pháp thực tế. Cách trả lời cũng đầy mâu thuẫn giữa lời nói và hành động. 4 giải pháp mà thủ tướng đưa ra cho thấy nó đi ngược lại hành động thực tiễn vừa qua mà guồng máy của ông gây ra.
Giải pháp 1: “Thứ nhất, chú trọng xây dựng nhân cách con người Việt Nam, trách nhiệm xã hội, ý thức chấp hành pháp luật, đặc biệt là phát huy tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống văn hiến, nhân nghĩa của cha ông, kết hợp chặt chẽ vai trò của gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội”. Ông đề cập đến chuyện ý thức chấp hành pháp luật nhưng cơ quan hành pháp của ông lại làm việc vô pháp luật: Công an giết người như rạ, người dân bị bắt oan vô tội vạ, các phương tiện truyền thông vu khống người ta khi bị khiếu nại thì im ru, người dân đi kiện thủ tướng là chuyện bình thường nhưng chính ông thì đi trả thù cách hèn hạ (vụ tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ). Ông đề cập chuyện tinh thần tự tôn dân tộc nhưng khi người dân biểu tình bày tỏ lòng yêu nước thì ông huy động cả bộ máy hành pháp, tư pháp đàn áp thẳng tay. Thủ tướng nhắc đến cha ông và truyền thống dân tộc nhưng chính ông chà đạp lên các truyền thống yêu nước và bắt tay kẻ thù truyền kiếp dân tộc để bán rừng, bán đảo, bán đất, bán tài nguyên cho kẻ thù của cha ông.
Giải pháp 2: “Thứ hai, đẩy mạnh công tác phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, giảm tệ nạn ma túy, mại dâm, nâng cao hiệu quả quản lý”. Bắt tội phạm thì ông để cho các hiệp sĩ đường phố ra tay còn công an thì lo bắt bớ những người yêu nước vô tội. Chống tội phạm kiểu gì mà tội ác càng leo thang. Họp Interpol thế giới tại Hà Nội mà nhân viên của Interpol bị tội phạm ngay tại Hà Nội làm nhục thì còn gì là quốc thể.
Giải pháp 3: ”Giải pháp thứ ba là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất chính trị và đạo đức, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có năng lực quản lý, có ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân.” Cái này là cái nhân dân cần ông ạ nhưng bằng cách nào thưa ông? Khi chuyện phong bì nó thành đương nhiên ngay cả bác sĩ cũng coi chuyện nhận tiền của bệnh nhân sắp chết là chuyện “đầu tiên” thì ông tính sao? Bằng giả, thầy dốt, quan tham nhũng lan tràn ông xử lý như thế nào? Ông xây dựng và làm sạch cán bộ “không có vùng cấm trong xử lý cán bộ” ra sao khi người cấp phó của ông là ông Nguyễn Sinh Hùng từng tuyên bố: “kỷ luật hết thì lấy ai làm việc “?
Giải pháp 4: “thứ tư là thực hiện kiên quyết, kiên trì, đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong bộ máy nhà nước.” Giải pháp này là ông trả bài cho có. Ông chống tham nhũng sao con ông đứa thì ông phong làm thứ trưởng, đứa thì ông gã cho Việt Kiều Mỹ đang làm chủ một ngân hàng mới?
Khi chưa “tu thân- tề gia” thì khoan nghĩ đến chuyện “trị quốc” và còn khuya lắm thủ tướng mới làm chuyện “bình thiên hạ”. Thủ tướng luôn mâu thuẫn giữa lời nói và việc làm. Ngay cả trong lời nói thì ông cũng nói nhiều lời mâu thuẫn trái ngược nhau. Trên cương vị thủ tướng một nhà nước độc tài thì ông nên ít nói và làm nhiều thì dân Việt may ra bớt khổ đỡ nhục hơn một chút.

Không có nhận xét nào: