Pages

Thứ Tư, 15 tháng 4, 2015

Lê Diễn Đức - Đại Hội XII lựa chọn cho đảng, cho tổ quốc thì không


Vào lúc chuẩn bị Đại Hội Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) lần thứ X năm 2006, báo Tuổi Trẻ có một cuộc vận động góp ý kiến cho đảng.

Các ý kiến góp ý khá nhiều, đặc biệt của giới trí thức, về mọi lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế, ngoại giao liên quan tới sự cầm quyền của ĐCSVN. Rất đáng tiếc, mọi góp ý chẳng những không có tác động nào mà thậm chí bị vứt vào sọt rác.

Mười năm đi qua, hai kỳ Đại Hội Đảng, định hướng của ĐCSVN vẫn không thay đổi, mặc dù “đi mà không rõ đi đâu, bằng cách nào, bao giờ đến - (Lời của thứ trưởng Bộ Kế Hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng). [1]

Lúc bấy giờ ông Nguyễn Trung, cựu đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, cựu cố vấn của chính phủ đã có loạt bài “Thời cơ vàng - hiểm họa đen.”

Theo ông Trung, “Đảng cần phải ra sức khắc phục lỗi hệ thống, thực hiện tự do - dân chủ để nắm lấy cơ hội vàng đang đến, đưa đất nước vào một thời kỳ phát triển mới.”

Đồng thời ông Trung ảnh báo rằng nếu đảng không vượt lên cái bóng của mình, nếu cứ chịu sự nô dịch của tư duy, không chịu hướng về phía mặt trời mà đi, thì “hiểm họa đen” sẽ đến.

Cái “hiểm họa đen,” “tấm gương tày đình” mà ông Trung nói tới tức là Đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ mất quyền lực và đất nước sẽ bước vào một thời kỳ chuyển hóa giống như các nước Đông Âu trong thời gian 1989-1990.

Ông Trung nhận xét rằng, theo quy luật mâu thuẫn giữa cai trị và bị cai trị, đến một lúc nào đó sẽ tức nước vỡ bờ và ắt phải sụp đổ, nhưng đất nước sẽ rơi vào tự hủy diệt của hỗn loạn nồi da xáo thịt.

 Lúc bây giờ trên BBC Việt Ngữ tôi có bài “Dân chủ là lối làm kinh tế hiệu quả nhất” [2] bác bỏ lập luận về “hiểm họa đen” của ông Nguyễn Trung.

Trong những cuộc cách mạng lật đổ chế độ độc tài, ngoại trừ một số quốc gia có xung đột tôn giáo phức tạp, ở các nước Đông Âu các chế độ Cộng Sản sụp đổ và chuyển hóa qua chế độ Dân Chủ một cách hòa bình, thông qua bầu cử tự do. Các đảng phái chính trị cạnh tranh gay gắt nhưng không dùng bạo lực tiêu diệt nhau mà bình đẳng và đảng cầm quyền là đảng thu được nhiều phiếu ủng hộ nhất của dân chúng.

Ba Lan là một đất nước mà tôi là nhân chứng của toàn bộ sự sụp đổ của chế độ Cộng Sản và tiến trình xây dựng.

Qua hơn hai thập niên, song song với các cải cách hệ thống chính trị là các cải cách kinh tế khó khăn, nhưng những kết quả mà Ba Lan đạt được qua hai thập niên qua thật đáng tự hào. Tổng thu nhập quốc dân tăng gấp bốn lần so với thời Cộng Sản, xã hội ổn định, trật tự, đất nước phát triển nhanh trong mọi lĩnh vực, đời sống của nhân dân ngày mỗi thịnh vượng hơn, hiện đã đạt 70% mức sống bình quân của Tây Âu.

“Hiểm họa đen” mà ông Nguyễn Trung cảnh báo với ĐCSVN, nghịch lý thay chính lại là sự may mắn, cơ hội vàng cho sự phát triển và vươn lên của các nước Đông Âu.

Ông Nguyễn Trung, cũng như đa số trí thức Việt trong nước là những đảng viên, gắn bó với chế độ, cho nên tầm nhìn hạn chế. Những người như ông Nguyễn Trung người ta gọi là “đối lập trung thành” và kiểu nhận định của ông được gọi là “phản biện trung thành.”

Bạn đọc Nguyễn văn Cẩn đã có ý kiến khá đầy đủ dưới bài viết của tôi:

“Bài viết của ông Lê Diễn Đức đã giúp tôi phối kiểm những thực tế chính trị tại Ba Lan, mà ông là người tiếp cận từng diễn tiến về cuộc cách mạng của nhân dân Ba Lan đã xảy ra tại Ba Lan thế nào, và những việc gì xảy ra cùng thời ở Việt Nam. Còn về những ý kiến của ông Nguyễn Trung, tôi vẫn chưa đoán được chủ đích của ông ấy thế nào, mặc dù ông Trung đưa ra những phê phán rất chính xác về chế độ Cộng Sản, nhưng chỉ là hình thức quen thuộc kiểu chính quyền nói trước để người dân khỏi nói ra, với chủ đích xoa dịu phẫn nộ, cứu vãn niềm tin cho đảng, rồi cuối cùng lại tìm lý lẽ để củng cố chế độ này, vì thế ông kết án những thế lực nhằm xóa bỏ Cộng Sản là những ‘hiểm họa đen.’”

Mới đây, ông Nguyễn Trung lại có bài “Đại Hội XII lựa chọn gì cho tổ quốc?” trong đó có đoạn:

“Thời gian còn lại cho chuẩn bị Đại Hội XII chỉ còn khoảng 6 tháng. Vấn đề nhân sự càng choán hết năng lượng dành cho chuẩn bị đại hội bao nhiêu, tôi càng lo lắng bấy nhiêu. Vì lẽ này, một lần nữa xin nêu lại vắn tắt một số vấn đề, mong đợi sự chú ý của toàn đảng và cả nước.

Thừa nhận thế giới đã sang trang, thừa nhận tình hình Việt Nam đã sang trang, tất yếu phải thấy: Đất nước ta đang đứng trước bước ngoặt quyết liệt, đòi hỏi phải thay đổi toàn diện, cả kinh tế và chính trị, cả trong đối nội và đối ngoại, để đi vào một thời kỳ phát triển mới có nội dung mở ra sự đổi đời đất nước, ngõ hầu có thể tồn tại và phát triển được trong cái thế giới ngày càng quyết liệt của thế kỷ 21.

Hơn nữa, giới nghiên cứu đã thừa nhận quan hệ và mâu thuẫn Mỹ-Trung là một trong những nhân tố quyết định nhất chi phối những diễn biến của thế giới trong thế kỷ 21, trận địa chính của hợp tác hay tranh chấp giữa cặp đôi này là khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Trong đó Biển Đông là điểm nóng nhất. Nhân tố Nga càng làm cho tình hình này phức tạp thêm. Vì vậy tất cả các nước trong khu vực đang phải thay đổi quyết liệt để thích nghi và ứng phó.

Đại Hội XII lựa chọn gì cho đất nước trước đòi hỏi sống còn này?” [3]

Thừa nhận rằng, ông Nguyễn Trung đã phân tích đúng tình hình thực tế của đất nước và nhận thức của ông đã mạnh bạo hơn kỳ Đại Hội Đảng X:

“1. Đất nước trong 40 năm độc lập thống nhất đầu tiên dưới chế độ toàn trị của ĐCSVN đã tạo ra được một nền kinh tế chủ yếu là bán những thứ tự có nhiều hơn là những thứ tự làm ra, nợ nần nhiều ai trả, với một chế độ chính trị không có khả năng đưa đất nước trở thành một nước công nghiệp phát triển.

2. Để giữ đại cục quan hệ với Trung Quốc, đảng đã phải chấp nhận nhiều thỏa hiệp hay hy sinh lợi ích quốc gia (không loại trừ có thể có những vụ việc sự tha hóa của cá nhân đã bán rẻ lợi ích quốc gia); đất nước lâm vào tình trạng lệ thuộc và bị chèn ép nhiều mặt đến mức gần như trở thành một chư hầu kiểu mới của Trung Quốc.

3. Giữ đảng và chế độ như hiện nay, không thể giữ nước. Tình hình đã đến mức sự tồn tại và hành động của đảng và của chế độ như trong hiện tại đã và đang cản trở trực tiếp sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Sự lũng đoạn và uy hiếp của Trung Quốc rất nguy hiểm nhưng không nguy hiểm bằng.” [4]

Tuy nhiên chuyến công du Trung Quốc từ ngày 7 đến ngày 10 tháng 4 của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cùng với 4 ủy viên Bộ Chính Trị khác, một lần nữa khẳng định đường lối nhất quán của ĐCSVN, “Kiên trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản và con đường phát triển xã hội chủ nghĩa” trên cơ sở “tình hữu nghị truyền thống Việt-Trung do Chủ Tịch Hồ Chí Minh và Chủ Tịch Mao Trạch Đông vun đắp,” bởi vì “hai nước có chế độ chính trị tương đồng, có con đường phát triển gần gũi, có tiền đồ vận mệnh tương quan, sự phát triển của nước này là cơ hội quan trọng cho nước kia,” theo thông báo chung.

Cả hai vấn đề đối nội và đối ngoại của ĐCSVN mà ông Nguyễn Trung cho là mối nguy hiểm đều được giải quyết bằng phương thức “cầu đồng tồn dị, kiểm soát bất đồng,” nối giáo cho Trung Quốc trong cuộc xâm lược mềm toàn diện trên đất liền và biển Đông.

Cho nên sự “thiết tha mong từng đảng viên suy nghĩ,” “mong đợi sự chú ý của toàn đảng” của ông Trung đã trở nên vô ích.

Mong đợi ĐCSVN thay đổi theo xu hướng tiến bộ thì chẳng khác gì mong chó biết bay.

ĐCSVN đã, đang và sẽ lựa chọn cách tiện dụng nhất để bảo vệ sự cai trị độc quyền và duy trì lợi ích kinh tế của phe nhóm. Còn với tổ quốc thì không!

Lê Diễn Đức

-----------------------
Chú thích:


(Người Việt)

Không có nhận xét nào: