Trước hết phải nói rằng, thực hiện bài viết này bản thân tôi luôn ý thức đây là vấn đề rất khó khăn và phức tạp vì đã được nhiều nhân sĩ, trí thức trong và ngoài nước bàn bạc, thảo luận suốt 40 năm qua nhưng nhìn chung vẫn là một sự bế tắc. Vì lẽ đó, hoàn toàn không có ý “múa rìu qua mắt tiều phu”, tuy nhiên, nếu vì thế mà bản thân không dám nói ra những điều mình nghĩ thì chẳng khác gì đang lừa dối chính mình? Thật khó chịu và bức rức vô cùng nếu cứ phải sống trong tâm trạng như vậy!
I. NHẬN THỨC CHUNG
Lâu nay khi bàn đến vấn đề “hòa hợp dân tộc”, nhiều người chủ yếu chỉ quan tâm đến chuyện làm sao để hàn gắn những “vết thương lòng” từ cuộc chiến hai mươi năm (1954-1975) giữa “bên thắng cuộc” và “bên không thắng cuộc”. Cụ thể, đó là làm sao hóa giải lòng thù hận giữa một bên là những người đang nắm quyền lãnh đạo, điều hành đất nước (cũng là đại diện còn sót lại hoặc là “hậu duệ” trực tiếp của “bên thắng cuộc”) và một bên là phần lớn kiều bào đã, đang (buộc) phải tha hương, lưu lạc khắp nơi trên thế giới – đại diện cho “bên không thắng cuộc” từ sau ngày 30/4/1975 cho đến nay.
Tuy vậy, trong cái nhìn của riêng tôi thì ngay lúc này đây vấn đề “hòa hợp dân tộc” ở Việt Nam còn một chuyện vô cùng cấp bách và quan trọng khác, đó là phải làm sao kết nối và ổn định lại lòng dân trong nước. Bởi, hiện nay có thể thấy, sợi dây liên hệ giữa Đảng, Nhà nước VN với đại bộ phận nhân dân đang ngày một trở nên căng thẳng và mong manh hơn bao giờ hết. Người dân phần đông tuy không trực tiếp nói ra (hoặc đã rất nhiều lần nói ra trong một không gian và hoàn cảnh kín đáo của riêng họ) nhưng nếu chịu khó quan sát biểu hiện, thái độ của họ trong cuộc sống sẽ thấy họ đang vô cùng hoang mang và thất vọng nếu không muốn nói bất mãn và hoàn toàn mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền. Vì vậy, nếu không chú ý vấn đề này và tìm cách hóa giải nó thì tình hình đất nước sắp tới đây sẽ rất nguy hiểm.
Từ đây, về mặt nhận thức chung, tôi cho rằng trước hết Đảng, Nhà nước Việt Nam phải dũng cảm đối mặt với hai vấn đề trên; đồng thời phải nghiêm túc tự kiểm điểm vì sao đã 40 năm rồi nhưng chuyện “hóa giải hận thù” giữa hai bên “thắng cuộc” và“không thắng cuộc” vẫn không có tiến triển gì đáng kể; và tại sao giờ đây lòng dân ngày một thêm bức bối, “không yên”? Tất cả sự kiểm điểm này phải trên nền tảng của sự chân thành và chủ động đối thoại với mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước chứ không chỉ “độc thoại” một chiều như thời gian qua.
Và để có cơ sở pháp lý vững chắc cho vấn đề này, Đảng, Nhà nước Việt Nam cần nhanh chóng ra một bản Nghị quyết mớicho vấn đề “hòa hợp dân tộc”, phù hợp với điều kiện và tình hình mới hiện nay. Phải xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của đất nước và dân tộc trong một vài năm tới.
II. NHẬN THỨC VÀ GIẢI PHÁP CHO VẤN ĐỀ HÀN GẮN “VẾT THƯƠNG CHIẾN TRANH” VỚI ĐỒNG BÀO NGOÀI NƯỚC
Về chuyện này, rõ ràng ai cũng thấy đã 40 năm trôi qua, thế nhưng, những “vết thương lòng” do cuộc chiến hai mươi năm (1954-1975) gây ra cho cả “bên thắng cuộc” và “bên không thắng cuộc” vẫn chưa hoàn toàn “ráo mủ”. Công bằng mà nói, thời gian qua “bên thắng cuộc” không phải không có những bước đi, những động thái nhằm hàn gắn và xoa dịu “vết thương” này. Tuy vậy, nhìn chung những động thái này là chưa đủ và tiến độ thực hiện thì không những rất chậm mà còn rất qua loa; trong từng việc làm cụ thể vẫn chưa cho thấy một thái độ cầu thị và chân thành nhất; có vẻ như chỉ có một số ít người thật lòng muốn hàn gắn “vết thương” chiến tranh nhưng tiếc thay tiếng nói của họ lại không đủ “trọng lượng”...
Từ đây, tôi cho rằng để tạo ra bước ngoặt nhằm hóa giải, chữa lành vĩnh viễn “vết thương lòng” cho cả hai bên, trước hết “bên thắng cuộc” nhất định phải gạt bỏ những suy nghĩ bảo thủ và định kiến hẹp hòi đặc biệt là suy nghĩ “thắng làm vua” nên muốn nói gì thì nói mà không thèm quan tâm đến cảm nhận của bên “không thắng cuộc”...
Trên tinh thần như vậy, tôi mạo muội đề xuất 5 nhóm giải pháp cụ thể cho vấn đề này như sau:
1. NHÓM GIẢI PHÁP THỨ NHẤT
Thành lập ban chỉ đạo về vấn đề hàn gắn, hóa giải hận thù, hòa giải dân tộc (có sự tham gia của đại diện “bên không thắng cuộc”) nhằm đánh giá khách quan trung thực tất cả các vấn đề đã làm được và chưa làm được kể từ sau khi nước nhà thống nhất đến nay. Từ đó tham mưu, đề xuất những chính sách cụ thể nhằm chào đón tất cả các thế hệ người Việt trên khắp năm châu bốn biển trên tinh thần gác lại quá khứ, tôn trọng sự khác biệt, không nghi kỵ, không kích động thù hận để cùng chung tay xây dựng một Việt Nam thịnh vượng, hùng cường trong tương lai.
2. NHÓM GIẢI PHÁP THỨ HAI
Đảng, Nhà nước Việt Nam cần chấm dứt những hoạt động tuyên truyền một chiều liên quan đến lịch sử về cuộc chiến giữa hai miền Nam – Bắc giai đoạn từ 1954 đến 1975 trên tất cả các phương tiện truyền thông trong dịp 30/4 hàng năm. Bởi đây là nguyên nhân chủ yếu làm cho cái hố ngăn cách giữa hai bên ngày một trầm trọng hơn.
Theo quan sát của tôi, mỗi năm từ tháng 3 dương lịch trở đi thì trên khắp các phương tiện truyền thông cả nước (báo in, báo mạng, các truyền hình từ trung ương đến địa phương) lại đồng loạt mở màng “chiến dịch” tuyên truyền về “đại thắng mùa xuân năm 1975” bằng cách cho phát đi phát lại những bộ phim tài liệu với nội dung và quan điểm, góc nhìn rất lạc hậu, cũ kỹ. Đặc biệt có nhiều bộ phim, bài báo chỉ thuần ngợi ca, kể lể một chiều về vô số những “chiến công oanh liệt của quân và dân ta” đồng thời không quên lên án “tội ác của địch” trong sự hả hê, khoái trá mà không nghĩ gì đến tâm trạng và nỗi niềm của người “anh em” bên kia chiến tuyến.
Ngoài ra, là vô số cuộc mít - tinh lớn nhỏ được tổ chức rầm rộ trên khắp cả nước nhằm mục đích “ôn lại truyền thống” và“giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước”. Theo tôi, trong hoàn cảnh hiện nay, đây là việc làm rất thiếu thiện chí nếu như lãnh đạo Đảng và Nhà nước hiện nay thực sự và quyết tâm muốn “hóa giải hận thù”, “hòa hợp dân tộc”.
Thật ra, chúng ta có nhiều cách để tuyên truyền giáo dục lòng yêu nước cho lớp trẻ chứ không nhất thiết phải nói đi nói lại những vấn đề liên quan đến cuộc chiến này với quan điểm, góc nhìn, tâm thế và thái độ kỳ thị và hả hê, vui sướng như vậy.
Còn nhớ sinh thời, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói: “Lịch sử đã đặt nhiều gia đình miền Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng như vậy. Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm nó thêm rỉ máu”. Vì vậy, nếu không nhanh chóng thay đổi quan điểm trong việc tuyên truyền này thì câu nói“ngày 30/4 hàng năm có hàng triệu người vui nhưng cũng có hàng triệu người buồn” của cố Thủ tướng Võ văn Kiệt sẽ không bao giờ được giải quyết trong tình đoàn kết, yêu thương, máu mủ, ruột rà...
Trước đây, có ý kiến đề nghị Đảng, Nhà nước Việt Nam không nên tổ chức lễ kỷ niệm ngày 30/4 hàng năm, tuy vậy với quan điểm cá nhân, tôi cho rằng chúng ta cần phải tổ chức lễ kỷ niệm này nhưng là tổ chức với tinh thần như sau:
Thứ nhất, trong hoàn cảnh “hai bên” còn tồn tại nhiều quan điểm khác biệt về cuộc chiến này, cách tốt nhất là hãy tạm thời gác nó lại, để cho lịch sử và thế hệ cháu con đời sau nhìn nhận và phán xét.
Thứ hai, chúng ta chỉ nên làm sao để tất cả đồng bào trong và ngoài nước hiểu ngày 30/4/1975 là ngày kết thúc cuộc chiến giữa hai miền Nam - Bắc; là ngày giang sơn Việt Nam đã thu về một mối; dân tộc được sum họp một nhà. Chỉ vậy thôi và không bàn tán gì thêm nữa nhằm tránh cho những vết thương của cả hai bên không bị nhầy nhụa thêm ra.
Và để tránh những mâu thuẫn liên quan đến vấn đề gây tranh cãi hiện nay là: “ai giải phóng ai?”sau ngày 30/4/1975, tôi đề nghị Đảng Nhà nước tạm thời không sử dụng câu “Ngày 30/4/1975 là ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước”để tuyên truyền nữa, mà thay vào đó là câu: “Ngày 30/4/1975 là ngày kết thúc chiến tranh giữa hai miền Nam - Bắc, thống nhất đất nước”. Vấn đề này cần ghi vào bản Nghị quyết về “Hòa hợp dân tộc” (như tôi đề cập ở phần “Nhận thức chung”) để triển khai thực hiện trong toàn dân chúng.
Thứ ba, nếu cần phải “ôn lại” truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của cha ông cho thế hệ mai sau thì chỉ nên “ôn lại” những bài học về 1000 năm chống giặc ngoại xâm phương Bắc đã được ghi lại trong sử sách và không có gì để tranh luận, bàn cãi...
3. NHÓM GIẢI PHÁP THỨ BA
Cụ thể hóa ý tưởng xây dựng một nghĩa trang chung cho những người lính chưa xác định được danh tính của cả hai miền Nam – Bắc (cũng là ý tưởng và ước mơ của Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt trước đây). Tạo điều kiện, hỗ trợ cho các gia đình có người thân là những người lính miền Nam đã hy sinh trong chiến tranh đến nay cũng chưa tìm được hài cốt giống như việc hỗ trợ các gia đình có người thân là những người lính ở miền Bắc.
Nói cho cùng thì trong cuộc chiến trước đây, những người lính không may đã ngã xuống ở cả hai bên tham chiến, tất cả họ đều là những công dân yêu nước. Có điều do hoàn cảnh xã hội, do thời cuộc nghiệt ngã nên mỗi bên đã ra sức chiến đấu và phụng sự cho quan điểm và lý tưởng riêng mà họ theo đuổi. Giờ thì tất cả đã không còn nữa thì hà cớ gì chúng ta - những người còn sống đây cứ kỳ thị, phân biệt “lính Quốc gia” hay “lính Cộng sản”?
Nếu làm được điều trên, tôi tin là những người Việt (nhất là kiều bào ở khắp nơi trên thế giới) có thân nhân là những người lính miền Nam đã tham chiến và hy sinh sẽ vô cùng vui sướng. Và đây mới thật sự là nét đẹp văn hóa ngàn đời của dân tộc:“nhiễu điều phủ lấy giá gương/người trong một nước phải thương nhau cùng...”
Nhân đây, tôi cũng đề nghị cho tạc vào tượng đài “Mẹ Việt Nam anh hùng” ở Quảng Nam hiện nay bốn câu thơ như sau:
“Mẹ chẳng biết trong những đứa con của bàĐứa nào là quốc gia, đứa nào là cộng sảnMẹ chỉ biết có những buổi chiều rất tímVà máu thằng anh cũng đỏ như máu thằng em!”
Đây là 4 câu thơ tôi tình cờ đọc được trong quyển “Khi tựa gối khi cuối đầu” của GS Cao Huy Thuần khi ông bàn về chuyện “hòa hợp dân tộc” cách đây đã khá lâu. Cho dù tượng đài Mẹ VN anh hùng hiện nay được Đảng và Nhà nước Việt Nam xây dựng lấy cảm hứng từ nguyên mẫu là mẹ Nguyễn Thị Thứ ở Quảng Nam (có 11 người con, cháu thuộc “bên thắng cuộc” đã hy sinh trong chiến tranh) nhưng ai cũng biết ý nghĩa của việc xây dựng tượng đài này là nhằm dựng nên một biểu tượng về một bà mẹ VN chung cho cả dân tộc. Vì vậy, theo tôi, bốn câu thơ trên không những thể hiện rất rõ tinh thần hóa giải hận thù mà còn là một bài học rất có ý nghĩa cho thế hệ con cháu mai sau về tấm lòng, sự yêu thương, đức hy sinh của người Mẹ Việt Nam; đồng thời cũng là bài học về tình ruột rà máu mủ: “Có khôn đối đáp người ngoài/ Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”!
4. NHÓM GIẢI PHÁP THỨ TƯ
Việc biên soạn SGK, giáo trình các môn khoa học xã hội (đặc biệt là lịch sử, văn học) để giảng dạy cho học sinh, sinh viên liên quan đến giai đoạn 1954-1975 phải trên tinh thần nhân văn, nhân ái; không nhằm mục đích tuyên truyền một chiều kiểu“địch thua, ta thắng”, “địch tàn bạo dã man, ta nhân hậu, anh hùng”... mà phải làm sao cho giới trẻ hiểu sự tàn khốc của chiến tranh từ đó biết quý trọng, gìn giữ những phút giây hòa bình, yên ổn của đất nước. Phải làm sao cho thế hệ trẻ hiểu rằng, người Việt Nam, dân tộc Việt Nam chỉ có một kẻ thù duy nhất là bọn xâm lược ngoại bang chứ không có kẻ thù nào khác. “Anh em trong nhà” tuy có lúc rầy rà và xảy ra “va chạm” nhưng mãi mãi vẫn là “anh em” chứ không phải là kẻ thù.
Những người viết sử hôm nay không nên tiếp tục gieo vào đầu thế hệ mai sau những hạt mầm định kiến, sự hẹp hòi, nhỏ nhen, ích kỷ mà phải làm sao vun đắp, nuôi dưỡng lòng bao dung và nhân ái. Lịch sử dân tộc cho thấy, người Việt đã từng rất bao dung với chính những kẻ thù mang quân xâm lược và giày xéo quê hương mình thì không có lý do gì người Việt hôm nay lại thiếu sự bao dung với nhau...
Nhất định những bài học lịch sử liên quan đến giai đoạn đau thương này của dân tộc và đất nước phải được nhìn lại, viết lại với tinh thần như thế.
5. NHÓM GIẢI PHÁP THỨ NĂM
Muốn “hóa giải hận thù”, “hòa hợp dân tộc” thật sự thì cả hai bên phải chân thành và “có qua có lại”. Vì thế, ở đây (hoàn toàn không có ý “lên lớp” hay “dạy đời”), tôi cho rằng về phía “bên không thắng cuộc” cũng nên “chín bỏ làm mười” nếu như “bên thắng cuộc” đã chủ động thể hiện sự chân thành để hòa giải. Bởi lẽ, nếu người ta đã chân thành chìa tay ra nhưng anh kiên quyết từ chối không chịu bắt thì cũng không thể trách người ta mãi được.
Ngoài ra, thiết nghĩ “bên không thắng cuộc” cũng không nên vì chuyện yếu kém của “bên thắng cuộc” trong lãnh đạo điều hành đất nước 40 mươi năm qua để rồi khước từ cái bắt tay “hóa giải hận thù” trong sự nghi kỵ hoặc công kích bằng những lời lẽ nhiều khi cũng rất cực đoan, thô bạo. Bởi nói cho cùng đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau nên cần có sự rạch ròi để tìm ra giải pháp chứ không nên đánh đồng để rồi cuối cùng chẳng có vấn đề nào được giải quyết rốt ráo. Có câu “chúng ta không thể giải quyết vấn đề nào đó bằng nhận thức sai lầm của chính những kẻ đã gây ra ra nó”.
Tóm lại, trong vấn đề này nếu một trong hai bên không chân thành, không tôn trọng sự khác biệt của nhau thì chắc chắn mọi giải pháp sẽ chỉ là mớ “lý thuyết màu xám” không hơn không kém.
III. VỀ VẤN ĐỀ XÂY DỰNG LẠI NIỀM TIN VÀ ỔN ĐỊNH LÒNG DÂN TRONG NƯỚC
Đây là vấn đề mà tôi tin là Đảng, Nhà nước VN hiện nay đã nhìn thấy từ lâu. Tuy vậy, dường như đang có tâm lý chủ quan thậm chí cố tình “bưng tai giả điếc” của không ít người nên họ vẫn chưa nhìn thấy nguy cơ“tức nước vỡ bờ” hay “con giun xéo lắm cũng oằn”... trong dân chúng hiện nay.
Hãy nhìn vào sự thất vọng và mất niềm tin của người dân thủ đô với lãnh đạo chính quyền Hà Nội trong vụ đốn hạ cây xanh vừa qua thì biết. Theo tôi, qua vụ việc này (nhất là khi người dân tự giác xuống đường tuần hành để phản đối), lãnh đạo, chính quyền hiện nay sẽ không còn cơ sở nào để nói “đây là chiến lược diễn biến hòa bình của những thế lực thù địch đang điên cuồng chống phá ta” như mọi khi. Và cũng xin đừng đổ oan cho giới truyền thông, báo chí “chính thống” đã “chuyện bé xé ra to”. Trong chuyện này, tôi tin là ngoài tư cách của một nhà báo thì với tư cách là một công dân, những người cầm bút chân chính trong giới truyền thông “chính thống” hiện nay đã không cho phép lương tâm họ làm ngơ và tiếp tục im lặng để bị mang tiếng là “kén chọn đề tài” hay thậm chí là “hèn nhát”,... Do tính chất đặc thù của nghề báo, họ phải đi nhiều, tiếp xúc nhiều, tận mắt chứng kiến nhiều cảnh bất công, ngang trái của xã hội nhưng vì miếng cơm manh áo đôi khi họ buộc phải nhắm mắt làm ngơ chứ không phải họ không biết trăn trở hay không có bức xúc về những điều “trái tai gai mắt”...
Ngoài ra, nói cho cùng, vấn đề “lòng dân không yên” vốn có quan hệ mật thiết với phẩm chất và đạo đức của những người lãnh đạo và nắm quyền điều hành đất nước hiện nay. Đây là điều mà cụ Nguyễn Trãi đã đề cập cách nay đã mấy trăm năm:
“Việc nhân nghĩa cốt ở an dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”
Nói cách khác, nguyên nhân cốt tử của vấn đề“lòng dân không yên” trước hết là do nhiều lãnh đạo hiện nay ở Việt Namkhông có tấm lòng nhân nghĩa, không biết và không chịu“trừ gian diệt bạo” cho dân. Không những vậy, nhiều kẻ còn biến chất, sa đọa, làm quan chỉ với mục đích duy nhất là chứng tỏ uy quyền và “đè đầu cưỡi cổ”, “ăn không chừa một thứ gì” của dân...
Vì vậy, nếu lãnh đạo Đảng và chính quyền hiện nay không nhanh chóng sửa đổi để củng cố và xây dựng lại niềm tin trong nhân dân thì đừng mong gì chuyện “nội lực dân tộc”, “nội lực quốc gia” sẽ mạnh thêm lên; đừng mong gì một sự phát triển bền vững và ổn định của đất nước trong tương lai,... Không chỉ vậy, về lâu dài nếu “lòng dân cứ mãi không yên” thì chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra!
Từ đây, tuy chưa thể gọi là giải pháp cụ thể nhưng về mặt ý tưởng (có thể ít nhiều trùng lắp với nhiều người đã lên tiếng trước đây) tôi cũng mạo muội nêu lại số vấn đề mang tính nguyên tắc nhất định Đảng và Nhà nước hiện nay phải thực hiện nếu muốn ổn định lòng dân để “hòa hợp dân tộc” như sau:
1. Thứ nhất: Thay đổi cách tư duy về thể chế chính trị hiện nay; từng bước xóa bỏ tư tưởng độc quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng nhằm phát huy tinh thần tự do, dân chủ thật sự cho mọi tầng lớp nhân dân trên tất cả các phương diện của đời sống, xã hội. Cần phải tạo cơ chế và một hành lang pháp lý thật cụ thể để người dân được nói ra tất cả những gì họ nghĩ chứ không phải chỉ được phép nói và nghĩ “trong những điều Đảng nghĩ” . Hay nói như cố nhà văn Nguyễn Khải là “người dân có cái đầu để suy nghĩ nhưng cũng bị trưng thu luôn”.
Nhân đây, cũng nói thêm là lâu nay nhiều người trong Đảng khi nghe dân chúng đề cập đến chuyện “xóa bỏ tư tưởng độc quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng” là lập tức nổi nóng và quy chụp bằng nhiều hình thức rất nặng nề. Trường hợp nhà báo Nguyễn Đắc Kiên bị sa thải mấy năm trước là một ví dụ điển hình nhất cho vấn đề này.
Ai đời sống trong một xã hội “tự do”, “công bằng, “dân chủ”, “văn minh” nhưng chỉ vì bày tỏ quan điểm cá nhân qua một bài viết (trên trang blog cá nhân) mà số phận một con người lập tức bị thay đổi theo hướng không thể nào chua chát và lố bịch hơn? Thử hỏi, còn gì giả dối hơn khi một mặt anh cứ hô hào, kêu gọi người dân góp ý, bày tỏ chính kiến của mình nhưng khi họ bày tỏ thì anh lại quy kết họ “phản động”, “chống phá” hay thậm chí xem họ như kẻ thù cần phải tiêu diệt? Về nguyên tắc, một khi người ta góp ý, anh có quyền nghe hoặc không nghe nhưng anh không được tùy tiện quy chụp họ này nọ. Và kinh khiếp hơn nữa là không chỉ cá nhân họ bị quy chụp mà gia đình họ cũng bị liên lụy là sao?
Từ đây, với quan điểm cá nhân, tôi cho rằng, xóa bỏ tư tưởng độc quyền của Đảng trước hết là phải trả Đảng về đúng với vị trí của Đảng. Đồng ý hiện nay Đảng đang nắm quyền lãnh đạo duy nhất nhưng nói cho cùng đất nước đang trong thời bình, Đảng cũng chỉ là một tổ chức chính trị bình thường. Vì thế, Đảng không thể đứng trên pháp luật (cao nhất là Hiến pháp) và càng không thể đứng trên Tổ quốc.
Dân số Việt Nam hiện nay khoảng 90 triệu người trong đó có khoảng 4 triệu Đảng viên thế nhưng suy nghĩ của 4 triệu Đảng viên này lại quyết định suy nghĩ và số phận của 86 triệu người còn lại thì về lý thuyết không thể nói đây là sự hòa hợp hay thống nhất giữa “ý Đảng lòng dân” được (nếu chưa có một cuộc trưng cầu dân ý khoa học và nghiêm túc). Phải nói đây là sự bất công, sự duy ý chí và áp đặt thô bạo của 4 triệu người trong Đảng lên 86 triệu dân chúng ngoài Đảng thì đúng hơn.
Cho nên, theo tôi để xóa bỏ tư tưởng độc quyền này việc quan trọng nhất là phải triệt để thay đổi về tư duy và nhận thức để có một nền tư pháp độc lập.
Bên cạnh đó cần rà soát để sửa đổi tất cả những quy định pháp luật đi ngược lại với những điều đã ghi trong hiến pháp về quyền con người, quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do biểu tình, lập hội... Song song với đó là xóa bỏ tư tưởng về “chủ nghĩa lý lịch” cùng những “quy định ngầm” phải là Đảng viên mới được ứng cử hay được phân công, bổ nhiệm nắm giữ những chức vụ lãnh đạo trong bộ máy Nhà nước.
Làm được điều này ngoài chuyện góp phần cụ thể hóa quyền tự do, dân chủ thật sự của người dân điều quan trọng hơn là khuyến khích người tài tham gia vào bộ máy công quyền để phụng sự cho đất nước; góp phần khắc phục và xoa dịu nỗi bất bình, bất mãn của đại bộ phận người dân hiện nay (nhất là giới trẻ) trong vấn đề tìm việc làm trong bộ máy công quyền (hệ lụy của vấn đề lý lịch và “con ông cháu cha”).
2. Thứ hai: Đảng, Nhà nước Việt Nam phải chân thành nhìn nhận một cách khách quan và trung thực để thay đổi và phát huy vai trò của lực lượng báo chí truyền thông “chính thống” trên tinh thần từng bước tháo dở những rào cản về kiểm duyệt, tiến tới tư nhân hóa hoạt động báo chí. Trong xu thế hiện nay, nếu cứ tiếp tục đặt ra những rào cản để hạn vế vai trò và tiếng nói của lực lượng báo chí chẳng khác nào Đảng, Nhà nước đang tự “vẽ nhọ bôi hề” vào mặt mình.
Trước năm 1945, đất nước bị cai trị bởi chủ nghĩa thực dân thế nhưng người dân cũng không bị chính quyền thời ấy “cấm mở miệng” với mức độ khắt khe và nghiệt ngã như bây giờ. Bằng chứng là, thời ấy, tuy cũng kiểm duyệt nhưng chính quyền thực dân lại cho phép tư nhân hóa báo chí vì vậy mà báo chí thời ấy phát triển rất rầm rộ và thoải mái. Chính nhờ vậy mà những tư tưởng của chủ nghĩa mác-xít trên thế giới mới có điều kiện xâm nhập và len lỏi vào suy nghĩ của người dân, sau đó nhiều người đã chân thành, tự nguyện đi theo tiếng gọi của Đảng, đứng lên “đánh Tây, đuổi Nhật” giải phóng dân tộc.
Trong cái nhìn so sánh, đất nước đã được độc lập 40 năm và so với trước đó đã gần một thế kỷ vậy mà (như nhiều người nói vui) cả nước hiện nay có mấy trăm cơ quan báo chí truyền thông nhưng chỉ có một ông “tổng biên tập” duy nhất (ông “Trưởng ban tư tưởng văn hóa Trung ương”) thì thử hỏi đây là bước sự tiến bộ hay thoái bộ trong vấn đề tự do tư tưởng, tự do ngôn luận?
Tóm lại, đã đến lúc Đảng, Nhà nước hiện nay phải tự phản tỉnh chứ không nên tiếp tục ngụy biện theo kiểu “cả vú lấp miệng em” bằng cụm từ sáo rỗng “tự do trong khuôn khổ” để rồi thủ tiêu vai trò quan trọng của báo chí “chính thống” trong vấn đề tham gia đấu tranh phòng chống tham nhũng; hay vạch trần sự hách dịch, cửa quyền, sa đọa của các quan chức lãnh đạo trong bộ máy công quyền trong quan hệ với nhân dân...
3. Thứ ba: Đảng, Nhà nước cần xác định những nhóm vấn đề đang gây nhiều bức xúc, bất mãn nhất trong dân hiện nay để tháo gỡ trên tinh thần đặt quyền lợi của người dân lên trên hết. Trong cái nhìn này, theo tôi hiện nay có 3 nhóm vấn đề cần phải được nhanh chóng giải quyết đó là:
Một, vấn đề quan hệ với Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền trên biển Đông; hai, vấn đề chống tham nhũng và ba, vấn đề thu hồi đất của nhân dân trong các dự án phát triển kinh tế, xã hội...
Có thể nói, đây là 3 vấn đề gây bức xúc và mất niềm tin nhất của nhân dân hiện nay. Nếu như ở vấn đề thứ nhất, người dân hoặc là mù tịt hoặc rất mơ hồ vì Đảng, Nhà nước gần như chỉ mới “he hé” cho nhân dân về chiến lược đối phó với sự bành trướng và hung hăng của Trung Quốc thì hai vấn đề còn lại chủ yếu chỉ nói và hô hào chứ thực làm thì chẳng được bao nhiêu. Để tháo gỡ những vấn đề này, tôi đề nghị những cách làm sau:
Về chuyện quan hệ và đấu tranh với Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Đông, điều quan trọng nhất là phải dựa vào ý chí và nguyện vọng của 90 triệu dân chứ không phải ý chí và nguyện vọng của 4 triệu Đảng viên; phải triệt tiêu quan điểm “yêu Đảng là yêu nước và ngược lại” hay “mọi chuyện đã có Đảng và Nhà nước lo”... Bên cạnh đó, phải tuyệt đối tôn trọng và nhất là không được trù dập những người yêu nước vì không cùng quan điểm và suy nghĩ với Đảng. Điều này không những làm cho họ bất mãn mà còn nhụt chí khi Tổ quốc đứng bên bờ nguy khốn.
Về vấn đề chống tham nhũng: Người dân giờ đây hay nói vui rằng việc chống tham nhũng ở Việt Nam chẳng qua là chuyện“quan tham cấp cao xử quan tham cấp thấp”, hoặc không cũng là những chiêu trò “câu giờ” để “lờ” đi những vụ việc vụ liên quan đến những cán bộ cấp cao, đặc biệt là những người trong Đảng. Hãy thật lòng trao đổi với nhau về chuyện “tấm ảnh oan nghiệt” liên quan đến ông nguyên Tổng Bí Thư vừa rồi. Nói cho cùng, ngoài chức vụ trong Đảng (và đã về hưu) ông ấy cũng là một công dân bình thường như mọi công dân khác trên đất nước Việt Nam thế thì tại sao khi có “dư luận không hay” về tài sản khủng nhưng không thấy pháp luật sờ gáy?
Cho nên, nếu thật sự quyết tâm chống tham nhũng thì trước hết Đảng, Nhà nước phải biết xấu hổ về điều này nếu không sẽ không bao giờ “ổn định được lòng dân”. Đặc biệt theo tôi, dứt khoát phải xây dựng một nền tư pháp độc lập, có như vậy mới xử lý được tội pham tham nhũng bất kể người đó là ai. Ngoài ra, tôi đề nghị cần nghiên cứu đưa vào bộ luật hình sự xem tham nhũng như là tội “chống đối và phá hoại đất nước”...
Về vấn đề thu hồi đất của dân: có thể nói trong vấn đề này, những người dân “sức yếu thế cô” bao giờ cũng là người thua cuộc và trắng tay do những quy định về chính sách bồi thường, hỗ trợ không những chồng chéo mà quan trọng hơn là thiếu sự minh bạch khi Nhà nước quy hoạch và thu hồi đất. Đây là điểm mấu chốt gây nên sự bất bình và phẫn uất của dân chúng.
Để khắc phục vấn đề này, tôi cho rằng điều quan trọng nhất hiện nay là phải điều chỉnh lại cơ chế bồi thường hỗ trợ cho người dân có đất bị thu hồi dựa trên nguyên tắc: cho dù hiện nay luật quy định là“đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân” nhưng một khi Nhà nước đã công nhận và giao quyền sử dụng đất cho một cá nhân nào đó thì không có lý do gì Nhà nước lại áp đặt giá cả bồi thường mà không qua thương lượng với họ dù là với danh nghĩa nào đi nữa.
Nói cho cùng, dù là dự án về an ninh quốc phòng hay các công trình công cộng (giao thông, bệnh viện, trường học...) thì tất cả đều là gián tiếp phục vụ cho lợi ích chung của toàn dân tộc hoặc một cộng đồng dân cư nào đó. Vì vậy, không có lý do gì một dự án mang lại lợi ích chung cho tất cả mọi người nhưng chỉ một số ít người dân phải “hy sinh” quyền lợi chính đáng và hợp pháp của họ. Và càng bất công hơn là những dự án liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế của địa phương (như xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư...) do Nhà nước giao cho các tổ chức tư nhân làm chủ đầu tư nhưng lại can thiệp vào vấn đề giá cả bồi thường giữa người dân và chủ đầu tư ấy.
Thực tế cho thấy, hầu hết các dự án như thế này đều bị chi phối bởi các “nhóm lợi ích”. Nói cách khác, đây chính là kẽ hở của luật đất đai hiện nay vô tình tạo điều kiện cho các “liên minh ma quỷ” giữa những cán bộ tha hóa, biến chất với những kẻ đầu cơ bất động sản nhằm trục lợi trên xương máu người dân. Thực lòng mà nói, nhiều người gọi đây là những “dự án cướp đất” của dân giữa ban ngày được thực hiện theo “đúng quy trình” và “phù hợp với quy định của pháp luật” của không có gì là quá đáng. Người dân vì thế, không “nổi khùng” và vùng lên chống đối chính quyền mới là chuyện lạ.
IV. THAY LỜI KẾT
Trong khi hoàn thành bài viết này, tôi biết ở ngoài kia - trên khắp các nẻo đường của đất nước đang tưng bừng chuẩn bị cờ hoa, băng- rôn, khẩu hiểu cho mùa kỷ niệm ngày 30/4 sắp đến. Thật lòng mà nói, trong những ngày này không hiểu sao (từ khi “hiểu chuyện” đến nay), bản thân tôi chưa bao giờ có được cái cảm giác được “hòa vào niềm vui và niềm tự hào chung của cả dân tộc” dù rằng không phải bản thân không nghĩ đến những điều mà vô số thế hệ cha anh đi trước đã làm cho đất nước để tôi ngồi viết những dòng hôm nay.
Thử hỏi, vui sao được khi văng vẳng bên tai mình những ngày qua là vô số lời chửi rủa, lăng mạ, sỉ nhục giữa những người Việt với nhau trên các phương tiện truyền thông “chính thống” lẫn “không chính thống”? Bên thì tự cho mình là “anh minh”, “tài tình”, “sáng suốt” và chửi mắng anh, em mình là “bọn ngụy quân, ngụy quyền”,“bọn ôm chân Mỹ”, “các thế lực thù địch và phản động” còn một bên thì đáp trả lại: “cộng sản là quái thai của thời đại”, “một lũ hèn nhát”, “lũ bán nước, dâng đất cho Tàu...”. Thử hỏi, 40 năm qua lòng người cứ ngày một phân tán và chia cắt như thì có gì mà vui và tự hào?
Không những vậy, đất nước hòa bình độc lập đã 40 năm rồi mà vẫn cứ loay hoay đi vay nợ nước ngoài để ăn, vẫn loay hoay làm sao để thoát nghèo chứ đừng nói gì đến chuyện “hóa rồng”! Đó là nói về kinh tế, còn văn hóa giáo dục thì ôi thôi, tất cả đều đang “xuống cấp” đến mức “chạm ngưỡng”, “chạm đáy” của sự tha hóa... Đất nước như thế thì phỏng có muốn vui cho giống thiên hạ cũng khó mà làm cho được. Có chăng cũng chỉ “vui là vui gượng kẻo là...” mà thôi!
Tôi biết, khi nói ra tất cả những điều trên hẳn nhiều người sẽ khó chịu và không hài lòng hay thậm chí sẽ “ném đá” và quy chụp về “lập trường tư tưởng” này nọ. Thôi thì, sẵn đây tôi cũng xin nói luôn, trong cuộc sống tôi chỉ có một lập trường tư tưởng duy nhất đó là “chân thành, nhìn thẳng và nói thật”, nói nôm na như kiểu người Nam bộ là “có sao nói vậy người ơi!”. Nếu vì cái lập trường tư tưởng này mà bị người đời “ném đá” thì tôi cũng xin phép mượn một câu trong một bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để gửi lại người đã “ném đá” mình như sau:
“...Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ!”
Cần Thơ, 13/4/2015
Nguyễn Trọng Bình
Nguyễn Trọng Bình
Tác giả gởi cho viet-studies ngày 13-4-15
(Viet-Studies)
(Viet-Studies)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét