CHINA-REFORM/VOLATILITY REUTERS/Petar Kujundzic
Phiên tòa xử ông Lý Xuân Thành, nguyên phó bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên vì tội tham nhũng và lạm dụng quyền lực mở ra ngày 23/04/2015 tại Hồ Bắc. Ông này là một người thân cận với cựu bộ trưởng Công an Trung Quốc, Chu Vĩnh Khang.
Ông Lý Xuân Thành đã bị điều tra vì tham nhũng từ năm 2012 nhưng mãi tới năm 2014, ông mới chính thức bị truy tố. Trang mạng của tòa án thành phố Hàm Ninh, tỉnh Hồ Bắc, cho biết cựu phó bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên đã không phản đối các cáo trạng. Ông Lý Xuân Thành bắt đầu làm việc tại tỉnh Tứ Xuyên từ năm 1998 và đã nhanh chóng thăng tiến, đặc biệt là nhờ sự nâng đỡ của cựu trùm Công an Trung Quốc, Chu Vĩnh Khang.
Đầu tháng 4/2015 ông Chu đã chính thức bị cáo buộc vì các tội danh tham nhũng, lạm dụng quyền lực và tiết lộ bí mật quốc gia. Cựu bộ trưởng Công an Trung Quốc sẽ bị xét xử tại Thiên Tân, gần Bắc Kinh thời điểm chưa được ấn định.
Tuần trước, trong phiên tòa, cựu chủ tịch tập đoàn dầu khí quốc gia CNPC, ông Tưởng Khiết Mẫn đã nhận tội tham ô trước tòa và xin được khoan hồng. Ông Tưởng cũng là một nhân vật thân tín với Chu Vĩnh Khang.
Từ năm 2013 chiến dịch bài trừ tham nhũng do ông Tập Cận Bình phát động đã khiến hàng chục người thân cận với cựu thành viên Ban thường trực bộ chính trị Trung Quốc, Chu Vĩnh Khang. Một số nhân vật trong hàng ngũ của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, các tưỡng lĩnh và kể cả những nhà điều hành các tập đoàn nhà nước cũng đã bị sa lưới.
Danh sách đen 100 quan chức Trung Quốc tham nhũng trốn ra nước ngoài
Nhật báo China Daily ấn bản ngày 23/04/2015 dành hai trang đăng tên và ảnh 100 quan chức Trung Quốc đã trốn ra nước ngoài vì bị tình nghi tham nhũng. Đây là bước mạnh nhất trong chiến dịch bài trừ tham nhũng của ông Tập Cận Bình.
Theo hãng thông tấn Mỹ AP cho biết, tờ China Daily đăng đầy đủ họ tên, quê quán, tuổi tác, tội trạng cả cả sinh ngữ mà 100 quan chức nói trên sử dụng. Hầu hết đều bị cáo buộc vì tội tham nhũng hay trốn thuế.
Trang mạng của Ủy ban kỷ luật trung ương Trung Quốc cho biết danh sách nói trên đã được gửi tới Cảnh sát quốc tế Interpol và Bắc Kinh kêu gọi cơ quan này cung cấp thông tin về những người đang bị truy nã. Nhiều nguồn tin thông thạo cho rằng phần lớn những nhân vật bị đưa vào danh sách đen đã trốn sang Hoa Kỳ, Canada và New Zealand.
Trong danh sách 100 người đào thoát khỏi Trung Quốc vì tội tham nhũng, có 23 phụ nữ, 15 người quê quán ở Quảng Đông. Gần một nửa trong số những người trong tầm ngắm của Bắc Kinh từng điều hành các doanh nghiệp nhà nước.
Ủy ban kỷ luật trung ương Trung Quốc cho rằng những đối tượng cần nhắm tới ngày càng sử dụng những biện pháp « sáng tạo và tinh vi » cho nên Ủy ban này cũng phải tăng cường khả năng hành động.
Theo thẩm định của Bắc Kinh từ giữa thập niên 1990 tới nay, đã có từ 16 đến 18 ngàn quan chức hay nhân viên của các tập đoàn nhà nước Trung Quốc đào thoát ra nước ngoài, tẩu tán hơn 135 triệu đô la.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét