Tin bà Hillary Clinton tuyên bố sẽ ra tranh cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016 không làm nhiều người ngạc nhiên nhưng vẫn đủ sức nặng làm xoay chuyển cả nghị trình đài báo quốc tế từ hôm 12/04 sang đầu tuần này.
Trước khi nói về khả năng của bà và chuyện nếu thắng cử thì nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ sẽ đối xử thế nào với Việt Nam, tôi xin chia sẻ các quan sát mới nhất trên thế giới về 'nhiệm kỳ Clinton'.
Trước hết, có các ý kiến trên báo Anh và Mỹ tiếc cho bà không hết sức đẩy ông Barack Obama ra để giành vị trí ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ giai đoạn 2007-2008.
Trên thực tế, ban đầu bà dẫn điểm ra sau đó khi Đảng Dân chủ chọn ứng viên, bà chỉ thua ông Obama rất ít phiếu.
Bà được 1640 phiếu, không kém bao nhiêu so với ông Obama (1763 phiếu).
Người ta cũng tiếc rằng nếu năm qua, khi châu Âu điêu đứng với Nga, một bà Clinton làm tổng thống có thể đã cùng nữ thủ tướng Đức Angela Merkel tập hợp đủ sức mạnh, vừa mềm dẻo, vừa cứng rắn đối mặt có hiệu quả với ông Vladimir Putin.
Đằng này, người ta chỉ thấy một ông Obama chọn cách 'lái xe từ ghế sau' (back seat driving) trước khủng hoảng an ninh lớn nhất cho Nato ở Ukraine.
Ông bị cho là quá e dè gần như ở mọi nơi, từ Trung Đông, Đông Á đến châu Phi và chỉ mạnh bạo ở Tây Bán Cầu, nơi đối thủ 'đáng gờm nhất' chỉ là Cuba nhỏ bé và một Venezuela hết bánh mì, không tàu chiến, phi cơ.
Trái lại, người phụ nữ tóc nhuộm vàng mang tên Hillary Rodham Clinton đã có triết lý quyền lực rõ rệt: 'đối ngoại mềm dẻo phải luôn có sức mạnh thúc đẩy đằng sau'.
Hơn nữa, bà cũng không ngừng đề cao các giá trị Hoa Kỳ như tự do, dân chủ mà lại có tính cách dễ gần, sẵn sàng đi, sẵn sàng gặp để đối thoại chứ không ngồi ghế bành rao giảng.
Và bà đã muốn gặp là đến tận nơi trong suốt 25 năm ở tuyến đầu chính trường Mỹ, từ vị trí đệ nhất phu nhân tới vai trò thượng nghị sỹ và ngoại trưởng.
Bà không quả ngại đường xa, nước nhỏ như Campuchia hay Lào, hay phía đối thoại còn chưa thích Mỹ lắm như một số nước Trung Đông để trở thành ngoại trưởng Mỹ công du nước ngoài nhiều kỷ lục: tới 112 nước trong một nhiệm kỳ.
Gần đây nhất, dù không nắm chức vụ gì trong chính quyền, bà đã lên tiếng đòi Bắc Kinh thả năm cô gái trẻ dẫn đầu là Vi Đình Đình (Wei Tingting) bị bắt hôm 8/03/2015 khi biểu tình chống nạn quấy rối tình dục của đàn ông Trung Quốc.
Clinton và Việt Nam
Riêng quan hệ của bà Hillary Clinton với người Việt Nam thì quả là có nhiều điểm đặc biệt.
Hiển nhiên, sinh năm 1947 là lớn lên trong thế hệ chứng kiến Cuộc chiến Việt Nam, bà đã biết nhiều về nước này trước khi đặt chân tới.
Tuy thế, Hillary Clinton và chồng, Bill Clinton, thuộc thế hệ nếu không phản chiến thì cũng không muốn cuộc chiến kéo dài.
Bản thân ông Clinton đã sang Anh học để khỏi phải đi quân dịch còn bà Clinton, năm 27 tuổi đã tham gia giúp việc trong nhóm điều tra Watergate, vụ scandal làm Tổng thống Richard Nixon sụp đổ, gián tiếp kéo theo nhiều hệ luỵ cho Nam Việt Nam.
Điều này giải thích thái độ khá nồng ấm với Hà Nội của họ trong cách nghĩ rất lý tưởng kiểu Mỹ: chỉ nhấn mạnh đến mặt tích cực nhằm thu hút, lôi cuốn, chứ không trừng phạt.
Nhưng ở vị trí quyền lực thứ nhì nước Mỹ, bà cũng đã lên tiếng về nhân quyền ngay tại Hà Nội hôm 10/07/2012.
Tại cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Việt Nam, ông Phạm Bình Minh, bà nói bà đã "nêu quan ngại về nhân quyền, nhất là về cách cầm giữ liên tục các nhà hoạt động, các luật sư, bloggers chỉ vì họ đã bày tỏ quan điểm một cách hòa bình".
Cụ thể hơn, bà Clinton nói công khai: "Chúng tôi quan ngại về các vụ xử sắp diễn ra của nhóm sáng lập Câu lạc bộ Nhà báo Tự do".
Nhưng đến tháng 9 năm đó, nhóm này vẫn bị đem ra xử và ông Điếu Cày Nguyễn Văn Hải nhận án 12 năm tù, cho thấy thái độ của các nhà lãnh đạo ở Việt Nam về phát biểu của bà Clinton ra sao.
Cho đến nay cũng không rõ các cuộc thảo luận nội bộ của Việt Nam về hai việc này ra sao nhưng ta có thể hiểu rằng tính cách muốn nói thì phải nói cho hết đã khiến bà Clinton yêu cầu được gặp cả Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 7/2012.
Theo những gì các hãng thông tấn tường thuật lại thì một quan chức Hoa Kỳ giấu tên kể rằng Giáo sư Trọng cảm thấy rất không thoải mái (uncomfortable) trong cuộc gặp.
Cách nghĩ của bà Clinton, rằng 'sự chống đối lại mối quan hệ thân thiết hơn với Hoa Kỳ đến nhiều nhất từ phía trong Đảng Cộng sản Việt Nam" có thể đúng là đã gây ra phản ứng mạnh hơn cần thiết từ phía giới quan chức vẫn còn 'hội chứng chống Mỹ'.
Khác với cách làm chính trị châu Á vốn ưa tìm đọc các tín hiệu vòng vèo, bà Clinton nghĩ nên cần gặp GS Nguyễn Phú Trọng để nói Việt Nam cần cải cách chính trị và tạo ra tiến bộ về nhân quyền thì bà quyết gặp để nói cho hết.
Tính cách của Hillary Clinton có thể được chính bà giải thích trong cuốn 'Hard Choices' - tạm dịch là 'Những lựa chọn luôn khó khăn':
"Cuộc đời là những sự chọn lựa khó khăn. Các lựa chọn của chúng ta và cách xử lý chúng định hình chính con người chúng ta - Life is about making such choices. Our choices and how we handle them shape the people we become."
Triết lý này quả là khác với chính trị Việt Nam, nơi nhiều quyết định quan trọng nhất lại là né tránh mạo hiểm cá nhân hoặc chờ thời để hy vọng mọi việc sẽ ổn.
Nếu bà Clinton thắng cử và làm tổng thống ở một tuổi không còn trẻ, hẳn bà càng muốn có di sản khép lại những mâu thuẫn của thế hệ vợ chồng bà về Việt Nam.
Trong tinh thần đó, quan hệ Washington - Hà Nội sẽ diễn biến nếu không tốt hơn thì cũng khó xấu đi.
Điều chắc chắn là làm gì thì các tổng thống Mỹ đều đã theo một nghị trình khá liền lạc với Việt Nam kể từ sau cuộc chiến, khác với chính sách của Trung Quốc đã thay đổi nóng lạnh rất nhanh tùy vào thời lãnh đạo.
Người Mỹ cũng không kỳ vọng quá cao vào Việt Nam và cũng vì thế, họ khá bình tĩnh chờ Việt Nam thay đổi.
Trang The Economist ở Anh có bình luận thú vị về cựu ngoại trưởng Mỹ đi nhiều, biết rộng:
"Nếu trên thế giới xảy ra thêm một cuộc khủng hoảng, điều ta có thể chắc chắn là bà đã đến nơi đó, đã đọc hồ sơ về nó và đã từng uống trà với các tay chơi quyền lực địa phương."
Trong mấy năm tới, một nước Việt Nam tiến lên nhờ đón được các cơ hội lớn, lùi lại vì sức nặng ích kỷ của nội bộ hay rẽ phải, ngoặt trái vì các lực xô đẩy, lôi kéo đều khó khiến cho một tổng thống Hillary Clinton cảm thấy ngạc nhiên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét