Pages

Thứ Ba, 25 tháng 1, 2011

Hội luận chính trị sau Đại hội XI đảng Cộng sản Việt Nam

Việt Hùng, thông tín viên RFA
2011-01-24
Đưa ra lời bàn trong cuộc Hội luận chính trị sau Đại hội XI đảng Cộng sản Việt Nam giữa hai vị khách mời là Tiến sĩ Trần Nhơn và cựu Đại tá Phạm Quế Dương

AFP
Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc Đại hội Đảng lần 11 hôm 12/1/2011

Ông Trần Nhơn cho rằng, lỗi không chỉ ở hệ thống, nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ việc đảng “đè đầu cưỡi cổ nhân dân, ăn trên ngồi chốc, đè đầu nhân dân…” đi ngược lại hoàn toàn với tư tưởng Hồ Chí Minh, trong khi ông Phạm Quế Dương lại cho rằng “niềm tin của người dân đối với đảng cộng sản ngày càng mất đi…”.
Tưởng cần nhắc lại, ông Trần Nhơn hiện là đảng viên đảng cộng sản, nguyên thứ trưởng Bộ Thủy lợi, từng là thường vụ đảng ủy khối cơ quan kinh tế Trung ương, nguyên Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam. Ông Phạm Quế Dương, từng là đảng viên nhưng đã trả thẻ đảng, nguyên Tổng biên tập tờ Khoa học và Tổ quốc, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Những ý kiến trong cuộc Hội luận ra sao, mời quý vị theo dõi qua phần điều hợp của Việt Hùng.

Định hướng Xã hội Chủ nghĩa hay Trung Quốc chủ nghĩa?
Việt Hùng: Thay mặt quý thính giả Đài Á Châu Tự Do chúng tôi xin kính chào Tiến sĩ Trần Nhơn và Đại tá Phạm Quế Dương. Câu hỏi đầu tiên về kết quả Đại hội XI đảng Cộng sản Việt Nam vừa rồi?
Ông Phạm Quế Dương: Đại hội XI vừa rồi bầu được một Tổng bí thư mà lâu nay mới có được một Tổng bí thư có trình độ văn hóa mà lại là Tiến sĩ. Đấy là một điều tốt, cũng như trong Ban chấp hành Trung ương nhiều lực lượng trẻ có trình độ văn hóa. Thế tuy nhiên, công việc người ta làm như thế nào thì còn phải chờ đợi xem, bởi vì vấn đề đổi mới về kinh tế thì đảng và nhà nước cũng làm được một số việc đáng khen.

Nhưng còn đổi mới về chính trị thì vừa qua rất nhiều nhà khoa học như nguyên Phó Thủ tướng Trần Phương hay nguyên Chủ



Cựu Đại tá Phạm Quế Dương. RFA file



tịch Quốc Hội Nguyễn Văn An cũng phát biểu công khai phải đổi mới chính trị nữa, phải thay đổi cả hệ thống chính trị nữa.
Ông Trần Nhơn: Tôi thì tôi thấy nếu đánh giá một cách khách quan thì cách chuẩn bị về văn kiện đại hội vừa rồi của Trung ương X có những điểm thụt lùi so với những qua Đại hội IX và Đại hội X. Thế nhưng qua đại hội XI vừa rồi không khí cũng trở lại được những điểm “tích cực” của Đại hội X. Như vậy Đại hội XI này cũng ghi nhận được sự tiến bộ…
Ông Phạm Quế Dương: Nói chung tôi cũng tán thành với ý kiến của anh Trần Nhơn. Tất nhiên là còn những trăn trở ví dụ như về chủ nghĩa xã hội, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là như thế nào? Những cái đó hiện giờ nhân dân vẫn còn rất trăn trở…

Đòi hỏi của nhân dân là đất nước phải tiến bộ bắt kịp được với các nước trên thế giới như trong quan hệ với Hoa Kỳ, trong quan hệ với Trung Quốc, quan hệ với tất cả các nước trên thế giới. Tuy nhiên đối với Trung Quốc dân mình còn rất trăn trở xung quanh vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa, xung quanh vấn đề biển đông, xung quanh vấn đề Bauxite Tây Nguyên. Ngạn ngữ có câu quy luật tự nó mở đường mà đi, do đó đất nước Việt Nam sớm muộn cũng phải đi theo quy luật của loài người mà thôi.
Ông Trần Nhơn: Tôi xin nói thêm, Đại hội XI diễn ra trong tình hình đất nước có một sự trỗi dậy, bởi vì ý kiến của giới trí thức, của các đảng viên, những nhà khoa học, những nhà quản lý…nên chính những không khí đóng góp ý kiến đó cũng đã tạo cho đại hội có những không khí mới. Thế nhưng điểm lại Đại hội XI này vẫn chưa đạt được tức là “Nhìn thẳng vào sự thật, phân tích đúng sự thật và nói rõ sự thật”. 15 chữ đó Đại hội này vẫn còn xa…
Việt Hùng: Hướng đi trong 5 năm tới của Việt Nam vẫn là định hướng Xã hội Chủ nghĩa. Trở ngược dòng thời gian, trước đây tướng Trần Độ từng công khai phát biểu “Định hướng Xã hội Chủ nghĩa là định hướng vào chỗ chết”. Nay trước đại hội ông Nguyễn Văn An, nguyên ủy viên Bộ chính trị cho rằng, cho dù có sửa đổi thế nào đi chăng nữa cũng không ra khỏi lỗi hệ thống! Thưa ông Phạm Quế Dương ông nhìn vấn đề như thế nào?

Ông Phạm Quế Dương: Tôi rất tán thành những ý kiến như của ông Trần Độ, nói xin lỗi… bởi vì tôi là quân của ông Trần Độ từ những năm 45 - 46 (thế kỷ 20). Ông Trần Độ (khi còn sống) đã có những ý kiến rất sáng suốt nhưng ông ấy đã bị khai trừ khỏi đảng, do đó tôi đã phản ứng trước việc đảng khai trừ ông Trần Độ nên tôi trả lại thẻ đảng.
Vấn đề cơ bản nhất Đại hội XI vẫn khẳng định về định hướng xã hội chủ nghĩa theo quan điểm chủ nghĩa Mác-Lênin. Những cái đó bây giờ thì Liên Xô và các nước Đông Âu đã sụp đổ rồi. Họ nói là theo xã hội chủ nghĩa, nhưng hình thức chẳng qua là theo Trung Quốc. Đó là vấn đề hiện đang còn vướng mắc nhưng rồi sau này sự thật và quy luật sẽ tự mở đường mà đi.

Đảng là đầy tớ của nhân dân hay nhân dân là đầy tớ của đảng
Việt Hùng: Thưa ông Trần Nhơn, xưa ông Trần Độ nói định hướng xã hội chủ nghĩa là định hướng vào chỗ chết. Trước Đại hội XI ông Nguyễn Văn An cho rằng đó là lỗi của hệ thống. Thưa ông Trần Nhơn, cá nhân ông, ông cho rằng “Chôn vùi đảng trị vững bền nước non…”
Ông Trần Nhơn: Tôi thì tôi cho rằng như thế này, đảng trị xuất phát từ chủ nghĩa Lê-nin. Mác không chủ trương đảng trị,




Tiến sĩ Trần Nhơn. RFA file



Mác là khuyến khích những người cộng sản cạnh tranh bình đẳng, cạnh tranh với những đảng phái khác để xây dựng một xã hội văn minh. Ông Lê-nin chủ trương đảng trị, đến thời ông Stalin đã nâng cấp thành cá nhân độc tài toàn trị. Chứ còn độc đảng toàn trị là sản phẩm của Lê-nin. Cái đó là lỗi hệ thống, lỗi hệ thống bắt nguồn từ một lỗi cơ bản và lỗi cơ bản là đảng đè đầu cưỡi cổ nhân dân, “ăn trên ngồi chốc”, đè đầu cưỡi cổ nhân dân, đó là hoàn toàn ngược lại với tư tưởng Hồ Chí Minh “đảng là đầy tớ của nhân dân”.

Họ gọi là lỗi hệ thống, nhưng tôi gọi là lỗi hệ thống bắt nguồn từ một lỗi cơ bản. Một lỗi cơ bản “đảng phải là đầy tớ của nhân dân” chứ đảng không có được “ăn trên ngồi chốc” đè đầu cưỡi cổ nhân dân!
Đó là cái lỗi cơ bản, tôi nghĩ rằng người cộng sản có đau lòng nhưng phải nhận thức được điều đó, nhìn thẳng vào sự thật. Ngay trong bài phát biểu của ông Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trả lời ngày 20 tháng Giêng vừa rồi khi Tuần Việt Nam phỏng vấn thì ông Triết nói “Người cán bộ đảng viên phải luôn gương mẫu chăm lo cho dân thì sự nghiệp này mới vững bền. Nếu để mất lòng dân là mất tất cả…”. Tôi hỏi, tại sao lại chăm lo cho dân, sao lại chăm lo, anh phải là phục vụ dân là đầy tớ của dân. Phải phục vụ dân để dân phát huy sáng tạo ra.
Lỗi cơ bản, lỗi của hệ thống mà nhiều người nói mà ông Nguyễn Văn An đã nhắc thì tôi đã nhắc trong một tài liệu của tôi đó là bắt nguồn từ một lỗi cơ bản.
Việt Hùng: Thưa ông Phạm Quế Dương ông có chia sẻ nhận định mà ông Trần Nhơn vừa trình bày hay không.
Ông Phạm Quế Dương: Nói chung tôi rất tán thành ý kiến của anh Trần Nhơn. Tôi thì tôi nghĩ cũng chỉ đơn giản thôi, điều rất quan trọng là niềm tin của nhân dân đối với đảng Cộng sản Việt Nam thì càng ngày niềm tin càng mất đi. Ngạn ngữ ngày xưa có nói: Mất tiền thì mất ít, mất bạn là mất rất nhiều, mất niềm tin là mất hết!

Do đó tôi lo cho đảng cộng sản hiện nay, nói xin lỗi, tôi tham gia (vào) đảng cộng sản từ năm 48, tham gia Việt Minh trước Cách mạng tháng 8-1945. Rất là tin, cho nên nếu mà đảng thay đổi, đảng mà tiến lên thì tôi lại xin ra nhập đảng…
Việt Hùng: Cũng liên quan đến vấn đề này, khi nhìn vào kinh nghiệm dân chủ hóa tại Liên Xô và Đông Âu thì ông Nguyễn Văn An cho rằng “sự tan rã của đảng cộng sản Liên Xô và Đông Âu không phải chỉ có người cộng sản phá đảng, phản bội đảng, hay diễn tiến hòa bình mà phần nhiều chính là những người cộng sản chân chính, những người cộng sản không còn muốn bảo vệ đảng nữa vì thực chất đảng đã thoái hóa, biến chất rồi…”. Theo các ông, nhận định của ông Nguyễn Văn An có phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam hay không? Tiếp tục để mời ông Phạm Quế Dương, người đã theo đảng rồi bỏ đảng…
Ông Phạm Quế Dương: …vấn đề cơ bản nhất là niềm tin. Ví dụ vừa rồi tôi mở cuốn nhật ký của tôi viết năm 1964, tôi còn ghi lại câu:
Nếu là hoa là hoa Hướng dương
Nếu là đá là Đá kim cương
Nếu là chim là chim Bồ câu trắng
Nếu là người là người cộng sản…
Tôi vốn là người tin cộng sản như thế cơ mà. Nhưng đến bây giờ thì mất niềm tin rồi. Dân mình, vì đảng đã tham nhũng quá, hệ thống chính trị lại như thế, Đảng trị, do đó cho nên người dân mất niềm tin. Thậm chí trong dân người ta gọi là “đảng ăn cướp, đản ăn cắp…” thế thôi.

Đảng trị cả nhân dân lẫn đảng viên
Việt Hùng: Đó là ý kiến của ông Phạm Quế Dương, mời ông Trần Nhơn…
Ông Trần Nhơn: Tôi thấy ý kiến của ông Nguyễn Văn An người ta đã nói nhiều, viết nhiều rồi chứ không phải là mới đâu,



Ông Nguyễn Văn An, nguyên ủy viên Bộ chính trị. RFA file




nhưng đằng này là từ anh Nguyễn Văn An nói ra là quý thôi. Nói được như thế là anh Nguyễn Văn An đã vượt qua được chính mình để nói được điều đó. Đó là thực tế bởi vì tôi đã nói với anh, xuất phát từ mô hình đảng trị Lê-nin, nhưng cái đau đớn nhất của những người cộng sản chân chính, những người cộng sản lương thiện, những người cộng sản tử tế thì rất đau xót thấy một điều này, ngẫm ra một điều này.
Đảng trị là gì? Đảng trị không những trị dân mà còn trị ngay cả những người đồng chí của mình, trị những đồng chí nòng cốt của đảng, là ưu tú của đảng. Cái bi kịch ở Việt Nam chúng tôi bây giờ là nhiều những vị lão thành rất bức xúc về tham nhũng, rất chống tham nhũng, rất chống quan liêu, chống lại sự lệ thuộc Trung Quốc, nhưng mà nói và nhận xét về Lê-nin là các ông ấy giãy nảy lên, vẫn còn sùng bái Lê-nin…

Cho nên về nhận thức cần có sự đột phá nhận thức về chủ nghĩa Lê-nin nó là một điều gây tai hại cho nhân dân mà mình phải từ bỏ ngay.
Việt Hùng: Trở lại câu hỏi mà chúng tôi đặt ra, ông Nguyễn Văn An cho rằng sự tan rã của đảng cộng sản ở Đông Âu và Liên Xô, không chỉ có những người cộng sản phá đảng, phản bội đảng hay diễn tiến hòa bình mà phần nhiều lại chính là những người cộng sản chân chính, những người cộng sản không muốn bảo vệ đảng nữa vì thực chất đảng đã thoái hóa biến chất rồi. Câu hỏi chúng tôi đặt ra, những nhận định của ông Nguyễn Văn An có đúng với thực tế Việt Nam hiện nay?
Ông Trần Nhơn: Đó là quy luật chung, quy luật khách quan. Trước đây có cán bộ hỏi ông Hồ Chí Minh là thưa bác, nếu mình xử thế này thì “địch” nó sẽ tuyên truyền, sẽ bôi nhọ chính quyền ta là tham ô, tham nhũng, nhưng ông Hồ bảo là chỉ có những người cộng sản tự bôi nhọ mình chứ không ai bôi nhọ mình, mà mình là người sạch, người cộng sản sạch, người cộng sản chân chính thì không có ai là có thể bôi nhọ mình được.
Tôi nghĩ điều đó cũng rất bình thường và khoa học thôi, chứ còn đó là lẽ đương nhiên. Biết nhận được sai lầm, kiên quết sửa sai lầm, rồi bám lấy dân, để học dân, để nghe dân, cầu thị để mà sửa chữa… nhưng tiếc rằng mô hình đảng trị đã không mở ra được môi trường đó vì cái vũ khí phê bình và tự phê bình chỉ nói như vậy thôi nhưng thực ra là vũ khí giấy.
Việt Hùng: Trở lại với ông Phạm Quế Dương, các nhà lãnh đạo vẫn thường nói “diễn tiến hòa bình”. Câu hỏi đặt ra phải chăng “diễn tiến hòa bình” đang “đe dọa” sự lãnh đạo của đảng trong khi ông Nguyễn Văn An đưa ra nhận định, không “kẻ thù” nào có thể phá được đảng trừ chính những người cộng sản. Thưa ông Phạm Quế Dương, phải chăng không ai “chống” đảng cộng sản bằng chính những người cộng sản?
Ông Phạm Quế Dương: …thì bây giờ tôi xin nói thế này, trên thế giới bài học của Liên Xô có Khru-xốp rồi Gorbachev. Rồi gần đây ở Trung Quốc có Ôn Gia Bảo là Thủ tướng phát biểu một bài rất hay và người Trung Quốc cũng rất ca ngợi.
Đấy là quy luật và Việt Nam cũng phải thế thôi. Trong lịch sử Việt Nam đã từng có ông Hồ Quý Ly, từng có ông Mặc Đăng Dung và quy luật của đảng này nếu suy thoái thì cũng có những người ngay trong đội ngũ cộng sản người ta sẽ như Khru-xốp, như ông Gorbachev…
Việt Hùng: Vâng, đó là ý kiến của ông Phạm Quế Dương, người đã theo đảng rồi bỏ đảng. Vâng thưa ông Trần Nhơn, cá nhân ông hiện ông là đảng viên…

Ông Trần Nhơn: Tôi thì tôi xin nói rõ thế này, chỗ anh hỏi tôi và anh Phạm Quế Dương thì tôi phải nói lại chỗ này, theo chỗ tôi biết và hiểu anh Nguyễn Văn An thì anh ấy nói ý như thế này, anh ấy nói, khi uy tín của đảng không còn nữa thì chính những người đảng viên thấy không thiết tha và không bảo vệ đảng nữa, chứ còn chống thì làm sao đảng viên mà có thể chống mà đòi lãnh đạo được.
Người ta chỉ có đóng góp phê bình và cho ý kiến. Còn nếu là đảng viên thường mà nói thì trọng lượng lời nói ít hơn. Nếu mà người nói đó là đảng viên đã kinh qua quá trình công tác, những chức vụ quan trọng và hiểu được, sống trong đảng mà nói được tiếng nói đó thì dễ thuyết phục người nghe hơn, chứ còn anh Nguyễn Văn An không nói có ý những người đảng viên chống đảng.
Theo tôi hiểu thì chính những người đảng viên đấy mà không gương mẫu, không bám dân, không đi sát dân, không coi mình là đầy tớ của dân, đi ngược lại và làm những điều không đúng với đạo đức thì chính những người đảng viên đang chống lại đảng, muốn “ăn trên ngồi chốc” nhân dân thì lộ ra thì mất niềm tin. Cái chỗ mà tôi muốn nói với anh là những người cộng sản chân chính, những người cộng sản tử tế ở Việt Nam bây giờ còn rất nhiều, nhưng vì tại Việt Nam do điều kiện không có tự do ngôn luận nên người ta không nói thôi…

Không có nhận xét nào: