Pages

Thứ Bảy, 1 tháng 1, 2011

Kiểm soát giá tại Việt Nam ‘không hiệu quả’

Jonathan Pincus: "Kiểm soát giá cả bằng biện pháp hành chính khó mang lại hiệu quả."



Lạm phát trong năm 2010 của Việt Nam theo dự đoán là trên 10 phần trăm, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tiếp tục tăng giá, dù chính phủ đưa ra nhiều biện pháp hành chính để bình ổn giá.

Ông Jonathan Pincus, trưởng khoa của Chương trình Kinh tế Fulbright tại Việt Nam cho BBC Việt Ngữ hay các kiểm soát giá cả bằng biện pháp hành chính khó mang lại hiệu quả.

Jonathan Pincus: Vâng, tôi cho rằng dùng công cụ hành chính để kiểm soát giá khó mà mang lại hiệu quả. Ở Việt Nam, hàng hóa tăng giá do một số lý do, nguyên nhân hàng đầu thuộc về chính sách tài khóa và tiền tệ. Nếu các quy định về vay mượn, về lãi xuất ngân hàng tiếp tục được điều hành một cách lỏng lẻo, nếu ngân sách quốc gia tiếp tục bị thâm thủng (chi nhiều hơn thu), rồi chính sách tiền tệ không mang tính hạn chế, cách làm như vậy sẽ gây ra lạm phát. Chúng là nguyên nhân làm cho đồng tiền của Việt Nam mất giá. Khi nhập hàng về bán ở trong nước, chúng mang theo lạm phát. Cạnh đó còn là tác động của chi phí đầu vào, ví dụ lương thực, thực phẩm thế giới cũng tăng giá thời gian gần đây.

Kiểm soát giá cả không giải quyết bất cứ một trong bốn nguyên nhân này. Nếu giới chức không cho phép nhà sản xuất tính giá thị trường đối với hàng hóa, điều xảy ra là thị trường chợ đen khi ấy sẽ khá sôi động. Một số đầu mối sẽ tích trữ hàng hóa, họ không muốn bán theo giá “đã đăng ký”. Điều này sẽ làm cho hàng hóa ở chợ đen tăng giá. Và nhà sản xuất sẽ bán hàng qua kênh chợ đen. Những thứ như vậy hay xảy ra khi giới chức tiến hành kiểm soát giá.

Tình cảnh như vậy không chỉ xảy ra tại Việt Nam. Mà ở nhiều nơi khác trên thế giới. Nhất là khi người ta dùng biện pháp hành chính để kiểm soát giá, trong khi hàng hóa đắt lên vì những lý do khác. Chính sách như vậy chỉ khuyến khích một số cơ sở, người dân tích trữ hàng hóa. Chúng sẽ làm hàng hóa tăng giá cao hơn. Và làm cho lạm phát tăng mạnh hơn.

BBC: Liệu kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu ở Việt Nam, trong đó có sữa bột, có vi phạm nguyên tắc tự do thương mại của WTO hay không?

Jonathan Pincus: Tôi không phải là luật sư nên tôi không rõ liệu kiểm soát giá ở việt Nam có vi phạm điều luật WTO hay không. Các quy định của WTO trong lĩnh vực này khá phức tạp. Ông hỏi liệu kiểm soát giá ở Việt Nam có vi phạm nguyên tắc thương mại công bằng của WTO hay không? Có thể có. Và có thể không. Một số người hiểu theo cả hai cách. Giải thích của chính phủ là biện pháp theo dõi giá không vi phạm quy định của WTO vì Hà Nội không phân biệt lĩnh vực kinh doanh. Hoặc công ty trong nước, công ty ngoại quốc. Cả hai khối công ty, nội và ngoại, đều được yêu cầu đăng ký, và kìm giữ giá hàng hóa, nếu lệnh kiểm soát giá được ban hành.

Đó cũng là quan điểm của chính phủ. Phòng TM và CN của Hoa Kỳ (Amcham) có thể có cái nhìn khác. Cố vấn luật pháp của họ có thể nói rằng đã xảy ra phân biệt đối xử giữa công ty trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên quan điểm của chính phủ là họ không phân biệt ai cả, mọi người đang được đối xử một cách bình đẳng.

Bản thân thông tư kiểm soát giá không mang tính phân biệt đối xử, khi đưa ra quy định chung cho nhóm mặt hàng cần kiểm soát về giá. Nhưng rất có thể cách thực hiện, cách kiểm tra lại mang tính phân biệt đối xử.

BBC: Ông đã sống ở Việt Nam trong nhiều năm. Thưa ông tại sao lạm phát năm nay lại ở mức hai con số?

Jonathan Pincus: Lý do lạm phát tăng mạnh tại VN - mà không xảy ra ở những nước khác trong vùng là chính sách tài khóa và tiền tệ có phần dễ dãi. Kết quả là thâm thủng ngoại thương ở mức cao. Rồi tiền đồng mất giá. Đây là các nguyên nhân cơ bản khiến cho hàng hóa tăng giá. Các nước khác trong vùng họ có cán cân thương mại thặng dư, đồng tiền lên giá, giá các mặt hàng thiết yếu khá ổn định. Là vì họ không bị thâm thủng mậu dịch lớn, họ có chính sách tài khóa và tiền tệ hiệu quả hơn.

Không có nhận xét nào: