Pages

Thứ Ba, 25 tháng 1, 2011

Lạm phát VN tăng cao 'mức kỷ lục'




Giá thực phẩm, nhà ở và vật liệu xây dựng tăng.


Lạm phát ở mức 12,17%, mức cao nhất kể từ đầu năm 2009, ngay trước Tết tạo thêm áp lực lên chính quyền Việt Nam phải tăng lãi suất để làm chậm tăng trưởng và hạn chế áp lực đối với tiền đồng.

Báo Wall Street Journal ngày 24/01 có bài nói nhà chức trách đang chật vật trong nỗ lực đối phó với nhiều áp lực kinh tế và làm tăng quan ngại về khả năng của chính phủ khống chế được chính sách tài chính trong bối cảnh thâm hụt mậu dịch lớn và tiền đồng mất giá.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 12,17% trong tháng Một so với cùng giai đoạn cách đây một năm, tăng nhanh hơn mức tăng 11,75% trong tháng Mười hai, và ở mức nhanh nhất kể từ tháng Hai năm 2009, Tổng cục Thống kê cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Hai 24/01.

So với tháng Mười hai, chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,74%.

Với tốc độ lạm phát này thì việc Việt Nam muốn giữ lạm phát năm nay ở mức 7% là điều không thể

Lê Thẩm Dương, Đại học Ngân hàng Tp HCM

Chỉ số lạm phát của Việt Nam dựa trên số liệu trong 24 ngày đầu tiên của mỗi tháng.

Sự gia tăng chỉ số CPI trong tháng Một chủ yếu xuất phát từ giá cả cao hơn cho các dịch vụ giáo dục, thực phẩm, nhà ở và vật liệu xây dựng, Tổng cục Thống kê cho biết.

Nhu cầu về hàng tiêu dùng và vật liệu từ trước tới nay luôn tăng vào cuối năm và trước Tết Nguyên đán.

"Với tốc độ lạm phát này, việc Việt Nam giữ lạm phát năm nay ở mức 7% là điều không thể. Mức lạm phát cao cũng sẽ gây khó khăn cho các ngân hàng giảm lãi suất cho vay của họ.

Và do đó doanh nghiệp vẫn sẽ phải đối mặt với khó khăn để mở rộng sản xuất", ông Lê Thẩm Dương, kinh tế gia từ Đại học Ngân hàng tại Tp HCM cho biết.

'Ôm vàng và đô'

Dân chuyển sang trữ vàng và đôla trong lúc doanh nghiệp thiếu đôla để nhập khẩu.



Trong cuộc phỏng vấn dành cho BBC mới đây, Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong từ Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế-Xã hội Hà Nội mô tả mục tiêu lạm phát mà Chính phủ đề ra (7%-7,5%) là "mục tiêu chính trị" và khó thực hiện.

Chính phủ Việt Nam dự báo tăng trưởng kinh tế 7% đến 7,5% trong năm nay, sau khi Đại hội Đảng vừa bế mạc nhất trí mục tiêu tăng trưởng kinh tế hàng năm 7% đến 7,5% từ năm 2011 tới năm 2015.

Thâm hụt mậu dịch năm ngoái lên tới 13,24 tỷ đôla đi kèm với giá tiêu dùng tăng cao đã làm ảnh hưởng tiêu cực tới niềm tin vào tiền đồng và khiến chính phủ phải phá giá tiền đồng ba lần từ tháng Mười năm 2009.

Ngân hàng ANZ cho biết có nguy cơ lạm phát có thể lên cao vào cuối năm nay nếu nhà nước không nâng lãi suất.

"Điều nghiêm trọng nhất là lạm phát leo thang sẽ dẫn đến mất lòng tin vào tiền đồng và người ta sẽ chuyển sang trữ đôla Mỹ và vàng".

"Điều này sẽ gây áp lực nhiều hơn đối với tiền đồng vì dự trữ ngoại hối ít ỏi của Việt Nam không thể đủ bù đắp nếu việc chuyển sang trữ vàng và đôla ở mức đồng loạt," ANZ nói.

ANZ cho biết việc tăng ngay lãi suất cho vay lên khoảng 20% sẽ ổn định kinh tế sớm hơn, trong khi cũng gây ra giảm tăng trưởng kinh tế ngắn hơn.

Ngân hàng Nhà nước nâng 1% lãi suất cơ bản cho vay bằng tiền đồng lên mức 9%, nhưng đã cam kết sẽ giới hạn mức lãi suất cho vay này ở mức tối đa là 14% vào năm 2011.

Không có nhận xét nào: