Pages

Thứ Năm, 21 tháng 4, 2011

Bắt khẩn cấp trong trường hợp nào?


Mẹ Nấm - Luật pháp Việt Nam duy tình mà đứa trẻ tự thú thì bắt khẩn cấp, chân yếu tay mềm cũng bắt khẩn cấp...

Có nực cười không khi nói “mọi người bình đẳng trước pháp luật”?

Xin đưa ra vài ví dụ sau:

Blogger ‘Cô gái đồ long’ bị bắt khẩn cấp

http://vnexpress.net/gl/phap-luat/2010/10/3ba221c2/

Báo Dân trí sáng thứ Hai ngày 18/04/2011 có bài : “Băn khoăn về vụ bắt khẩn cấp một học sinh lớp 12”

http://dantri.com.vn/c25/s25-473750/ban-khoan-ve-vu-bat-khan-cap-mot-hoc-sinh-lop-12.htm

Tôi cũng bị bắt khẩn cấp vào lúc 11h đêm ngày 2 tháng 09 năm 2009 theo điều 258, Bộ luật Hình sự : “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích quốc gia” (khi ấy bạn Nấm còn chưa đến 36 tháng tuổi)

Hiểu thế nào cho đúng chữ “bắt khẩn cấp” nhỉ? Điều 81 Bộ Luật tố tụng hình sự Việt Nam quy định:

Điều 81. Bắt người trong trường hợp khẩn cấp

1. Trong những trường hợp sau đây thì được bắt khẩn cấp:

A) Khi có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

B) Khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn;

C) Khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu huỷ chứng cứ.

Chuyện bắt người phạm tội hay tội phạm đã rõ tội danh, trình tự như thế nào luật pháp Việt Nam có quy định rất rõ.Thế nhưng, hãy thử xét lại việc bắt, giữ người ở nước ta xem sao. Một blogger mới bị cho là lợi dụng dân chủ, tự do ngôn luận đã được Viện kiểm sát phê chuẩn và tống đạt cho cơ quan công an bắt khẩn cấp. Đôi lúc, cảm giác chữ khẩn cấp ở đây được hiểu như là bắt người phạm tội quả tang. Trường hợp cậu học sinh trung học, nếu không có chuyện cậu tự thú gián tiếp bằng cách nộp lại 33 chiếc điện thoại thì sao? Bắt khẩn cấp!(?)

Một ví dụ khác ở Daklak, tội phạm rõ ràng , việc bắt khẩn cấp là rất cần thiết.

Trả lời qua điện thoại, ông Nguyễn Hồng Kỳ, phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk, cho biết ngày 8-4 viện đã nhận kết quả siêu âm của khoa sản Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk xác nhận bị can Nguyễn Thị Hoa đang có thai tới tuần 34-35, sắp sinh, nên viện không phê chuẩn yêu cầu của cơ quan công an lệnh bắt tạm giam đối với bà Hoa.

Khi được hỏi tại sao để bà Hoa đi khỏi nơi cư trú vào ngày 1-4 thì ông Kỳ cho hay biện pháp ngăn chặn của công an là “bảo lãnh” chứ không “cấm đi khỏi nơi cư trú”. (1)

Trong trường hợp trên chính Viện kiểm sát lại có ý gợi ý cho tội phạm sử dụng những “ưu tiên” để cơ quan chức năng trù trừ trong việc bắt giữ. (1)

Nên hiểu “bắt khẩn cấp” là việc bắt giữ người đúng luật định, bản chất và tác dụng của hành vi, cư xử này nhằm ngăn chặn những thiệt hại tiếp diễn, nhằm tạo điều kiện cho công tác điều tra xử lý được thuận tiện…tất mọi tiêu chí là để bảo vệ pháp luật.

Thuật ngữ của ngành luật cần rõ ràng, có giải thích cụ thể. Tất nhiên không bàn tới nữa. Nhưng, với báo chí, đôi lúc những thuật ngữ đó cũng là yếu tố gây dư luận. Mà vốn dư luận thì chưa thấy ai gọi là “dư luận đẹp” bao giờ.

Giả sử, trường hợp chủ tịch tập đoàn Vinashin, lẽ ra gọi là “bắt khẩn cấp” thì mới đúng với bản chất. Để tránh tội phạm tiêu tán tài liệu liên quan chẳng hạn. Báo chỉ đưa mỗi một câu:”Bắt ông Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị Vinashin” – “Ông Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch Vinashin bị bắt tạm giam” (2)

Áp dụng phương thức, các biện pháp thi hành luật là tỏ rõ sự công bằng của tất cả mọi hành xử xã hội trước pháp luật, bao gồm chủ thể và khách thể được bảo vệ. Trường hợp một ông quan lớn phạm tội, lẽ ra nên bắt khẩn cấp, bởi thiệt hại do loại tội phạm này gây ra tiếp theo rất nặng nề. Chỉ cần hủy một loại tài liệu liên quan thôi, cơ quan điều tra chỉ có nước mò ốc ngoài Hoàng Sa. Chỉ cần một cú điện thoại đúng thời điểm thôi, mọi thứ có thể đã khác xa…. Mà nói thẳng ra, tin trên báo những vị ấy bị bắt, chẳng qua như là “thông cáo báo chí “ thôi. Mọi thứ được rỉ tai hết rồi, có điều tạm thời “không bắt không được” mà thôi.

Luật pháp Việt Nam duy tình mà đứa trẻ tự thú thì bắt khẩn cấp, chân yếu tay mềm cũng bắt khẩn cấp.

Có nực cười không khi nói “mọi người bình đẳng trước pháp luật”?

Mẹ Nấm

Không có nhận xét nào: