Pages

Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2011

Chính trị & Tôn giáo - "ai" nương cậy, "ai" hiệp thông ?


Mẹ Nấm - Tôi đã được đọc khá nhiều bài viết đưa ra luận điểm cho rằng: khi người Công giáo hiệp thông liên kết cầu nguyện với nhau ở một số buổi lễ thắp nến vì hoà bình, công lý, tự do và bình an cho những con người dũng cảm trong xã hội như tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, luật sư Lê Quốc Quân, bác sĩ Phạm Hồng Sơn, và những đêm cầu nguyện tại Thái Hà, Tam Toà, Cồn Dầu... là họ đang làm chính trị.

Nên hiểu như thế nào cho đúng sự liên kết giữa chính trị và tôn giáo trong các luận điểm ở nhiều bài viết trên mạng đưa ra nhỉ?

Chính trị - sản phẩm trực tiếp của triết học nô lệ, mà vốn dĩ, triết học lại mày mò tìm kiếm và giải thích căn nguyên tôn giáo một cách triệt để điều không tưởng đó. Dẫn đến sự tìm kiếm bản chất và giải thích tôn giáo của chính trị.

Chính trị hay nói chính xác hơn là triết học chính trị không có khả năng chứng minh được tính chân thực hay sai lầm của một tôn giáo nào đó. Nó chỉ có thể xác định niềm tin tôn giáo có lôgic hay là phi lôgic, cần phải hiểu ngôn ngữ của tôn giáo một cách đúng nguyên văn hay là ẩn ý, niềm tin tôn giáo dung hợp được với các quan niệm khác thì được coi là chân thực ở chừng mực nào? (*)

Tuy nhiên, tôi nhận thấy rằng, biện minh cho việc "tục hóa tôn giáo" là điều hơi khó chấp nhận. Từ xưa nay, dù định nghĩa cách nào đi nữa, thì con người cũng hiểu tôn giáo là một lý tưởng siêu phàm, thoát tục. Nó không thuộc và không thể bị tục hóa. Nếu bị tục hóa đi rồi, thì tôn giáo không còn là tôn giáo nữa. Thật là đáng tiếc lắm vậy!!!

Điều trước hết tôi muốn nói đến là, trong thế giới con người hiện nay có rất nhiều tôn giáo, mà mỗi vị giáo chủ, tùy vào trí huệ của họ đạt đến mức nào đó, các Ngài diễn thuyết quan niệm riêng về cách hoàn thiện con người.

Có tôn giáo nào không phục vụ con người, và như vậy tất cả các tôn giáo đều phải làm chính trị, kinh tế, xã hội cả hay sao ? Như vậy, thế nhân đâu cần tôn giáo nữa!!! Theo cái nghĩa chung chung thì, tôn giáo sở dĩ ra đời là để giải quyết những việc mà thế tục không làm được.

Chỉ có rất ít người hướng tới tôn giáo do các tính toán thuần túy duy lý.

Theo Richard Dawkins từ Đại học Tổng hợp Oxford, con người thật sự có thể “đỡ lấy” tôn giáo từ tay cha mẹ hay từ tay những người lân cận giống như một "món quà" nào đó! Mặt khác, mọi tín đồ đều có kỳ vọng rằng họ là người có lý tính. Họ khẳng định rằng tôn giáo của họ không phải là nhảm nhí.

Các cuộc tranh luận về đề tài tôn giáo thường được tiến hành theo phong cách duy lý, và cả hời hợt, khi mà những người tranh luận:

(1) Xem niềm tin của người khác dưới dạng xuyên tạc một cách lố bịch;

(2) Mạo nhận sự lố bịch đó là luận điểm hợp lý;

(3) Chứng minh rằng luận điểm ấy là vô nghĩa hay giả dối;

(4) Dựa trên đó để loại bỏ niềm tin ban đầu như quan điểm không đáng được xem xét nghiêm túc.

Cuộc tranh luận như vậy hoàn toàn không đề cập trực giác (intuition) tôn giáo ban đầu, được biểu thị thông qua niềm tin đã nói tới ở trên.

Là một tín đồ Catholic, từ nhỏ tôi đã được dạy: "Hãy thương yêu mọi người như chính con vậy ".

Thế nào là thương yêu ? Khi ta thương chính mình thì không lẽ ta tàn hại chính mình ? Trong ý nghĩa của tôn giáo, sự thương yêu là lòng tha thứ, sự nhẫn nhục, sự gần gũi, sự giúp đỡ...mà tuyệt nhiên không có sự bắt buộc, áp chế, sự áp đặt. Tranh luận để tìm hiểu, chứ không phải tranh chấp.

Tôi nghĩ, tôn giáo nói chung và đạo Công giáo nói riêng, là nơi nương náu và che chở cho bất kỳ con người nào thấy mệt mỏi, yếu đuối, mất niềm tin và cần sự nâng đỡ về mặt tinh thần trong xã hội. Khẳng định chắc chắn, đối với người Công giáo mọi người đều là anh em, đều là con cái của Chúa. Chỉ có khác là nhận biết hay không nhận biết, chấp nhận hay từ chối điều đó mà thôi! Điều này là tối quan trọng trong toàn bộ đời sống người Công giáo.

Ở xã hội mà tôi và mọi người đang sống, chẳng phải có quá nhiều bất công, sai trái khiến nhiều người phải ngậm đắng nuốt cay, tan nát gia đình, mất đi cuộc sống tự do thường ngày. Con người cần được chia sẻ và nâng đỡ, bằng lời cầu nguyện, bằng những lời động viên và xiết tay thân tình, có gì là sai trái khi họ tìm nơi để có thể gửi gắm niềm tin và ước nguyện của mình? Niềm tin vào một đấng linh thiêng để phó thác cuộc đời mình và thánh hoá cuộc sống thêm thánh thiện an lành hơn giữa đời này, không tốt hơn tin vào những thứ được thần tượng hoá và nhân cách hoá hòng phục vu lợi ích một nhóm người hay sao?

Có gì là sai trái khi nhiều người bằng tỏ sự kính phục và ngưỡng mộ của mình với những con người dũng cảm, đối mặt với bất công của xã hội đang ở trong chốn lao tù bằng lời cầu nguyện của mình nơi đấng linh thiêng??

Thực chất, những người có ý chụp mũ đội chung, ngay lời lẽ cũng đủ thấy, họ ko tin vào sự hiện hữu của tinh thần Kitô , làm sao họ hiểu được "hiệp thông tg" là gì.

Vậy, người Công giáo có sai không khi có quyền hay phải xin người ngoài Công giáo muốn hiệp thông với người Công giáo?

Tại sao lại cho rằng người Công giáo làm chính trị khi họ bày tỏ thái độ chính trị của mình bằng lời cầu nguyện trong sự hiệp thông của niềm tin?

Đánh giá sòng phẳng, trừ đức tin, người Công giáo sở hữu, đó là “món quà tinh thần, sự khai sáng của Chúa” thì không hề có điều gì của xã hội này không gắn với chính trị cả.

Chính trị cũng là nhận thức, mà nói đến nhận thức thì không gì ngoài toàn năng của Đấng Sáng tạo. Thử hỏi, một lời kêu gọi ngừng bắn hay xóa cấm vận ở một nơi nào đó của Công giáo, liệu đó là gì? Sự quy kết nói trên chẳng qua như là thực hiện di huấn của ông Marx, với đồ đệ là hãy tiêu diệt Công giáo một cách triệt để, nhằm thực hiện mưu đồ bành trướng, nhưng kết quả như thế nào, xu hướng xã hội ra sao? Marx không đoán được bằng các suy luận, lập luận của chính ông.

"Chia để trị" - là kế sách mà một nhà cầm quyền độc tài luôn sử dụng để duy trì quyền lực của mình. Vì vậy phải chăng mà cái xấu, cái ác luôn e sợ sự đoàn kết của những con người có thái độ chính trị rõ ràng trong xã hội này? Bởi sức mạnh của đám đông đến từ sự đoàn kết.

Mọi sự quy kết nhằm chia rẽ, phục vụ lợi ích cho nhà cầm quyền hiện nay đều là tư duy và hành vi phỉ báng đức tin! Một sự hàm hồ về đạo đức nhân sinh. Vốn dĩ, nó là vũ khí duy nhất mà kẻ thống trị có và sử dụng.

Chưa kể, một số người được gọi là nhà học thuật, dám dùng “trí” của mình để phán xét, những tưởng nên coi đó là một tội lỗi đã. Than ôi, trí thức còn phạm tội ngay trong tư duy, nói chi…bị lợi dụng thì không có gì khó!

Viết trong ngày mừng Chúa Phục Sinh!

23/04/2011

Nguồn : Blog Mẹ Nấm

Không có nhận xét nào: