Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2011
PN&HĐ: “Phê người quên ta” và chuyện toàn dân vứt rác
Siêu dự án thủy điện Xayaburi trên dòng Mekong của nước bạn Lào bị phê phán gay gắt. Hà Nội trước viễn cảnh “ngập trong rác” vì hết chỗ đổ rác trong năm tới…Những lát cắt tuần này để lại nhiều ưu tư.
Chúc các đại biểu tự ứng cử có được... kinh nghiệm hay
Tuần này, vòng hiệp thương thứ ba của kỳ bầu cử QH khóa XIII, cũng là lần hiệp thương cuối cùng của Mặt trận tổ quốc (MTTQ) đã kết thúc. Theo thống kê sơ bộ (tính đến sáng 20/4, chưa phải thống kê chính thức) thì trung ương và các tỉnh thành trên cả nước đã chọn ra 832 ứng viên trong tổng số 1085 ứng viên để đưa vào danh sách bầu cử chính thức.
832 người để bầu 494 đại biểu (hay không quá 500 người theo cách nói phổ biến), tỷ lệ không đến mức thấp, quy đổi xấp xỉ sẽ thành (khoảng) 5 người ứng cử để chọn 3 ĐB.
Nhưng chỉ tiếc vì trong số 832 ứng viên đang "chạy nước rút", lại chỉ có 15 người tự ứng cử (trong 83 người được lập danh sách ở vòng 2)
Phó Chủ tịch MTTQ Nguyễn Văn Pha thống kê trên VNExpress rằng, so với lần bầu cử năm 2007, có tới 238 người tự ứng cử, nhưng chỉ 30 ứng viên tự do lọt vào vòng cuối cùng. Nên nếu tính tỷ lệ % thì số người tự ứng cử được lọt vào vòng chính thức của kỳ này cao hơn kỳ trước: 15/83 là trên 18%, còn 30/238 chỉ là trên 12%.
Phó Chủ tịch MTTQ Nguyễn Văn Pha. Ảnh: Đại Đoàn Kết
Nhưng đó là Phó Chủ tịch MTTQ đang thống kê theo tỷ lệ %, còn với những người dân thường, nhìn con số thực lại không nghĩ thế.
Số ứng viên tự do ứng cử QH kỳ này thấp hơn hẳn kỳ trước, 83 người so với 238 người (chỉ còn hơn 1/3), không tăng là bao so với khóa XI (65 người). Số người được vào danh sách chính thức cũng chỉ còn một nửa (15 người so với 30 người). Sau bước nhảy vọt số người tự ứng cử kỳ bầu cử QH khóa XII được đánh giá là "một sự thể hiện của quá trình dân chủ trong đời sống chính trị - xã hội của đất nước", số người tự ứng cử giảm xuống ở lần bầu cử này, hy vọng là sự "ít mà chất", chứ không phải là bớt đi những người nhiệt huyết với công việc của quốc hội. Chúc các ĐB tự ứng cử đủ dũng khí để về đích nhiều hơn lần trước (năm 2007, chỉ một ĐBQH là ứng viên tự do).
Riêng với Hà Nội và TPHCM, 4 tuần trước, khi tổng kết vòng hiệp thương thứ hai trong hành trình bầu ĐBQH khóa XIII, Phát ngôn & Hành động đã nhắc đến tỷ lệ "chọi" rất căng thẳng, khi cả 2 thành phố lớn đều "chỉ" được bầu 30 ĐBQH, nhưng Hà Nội có tới 82 ứng viên (11 ứng viên trung ương, 41 ứng viên do địa phương giới thiệu và 30 người tự ứng cử), còn TPHCM là 74 ứng viên (với tỷ lệ tương ứng là 11, 41, 22).
Nhưng đến hết vòng hiệp thương thứ ba này, mỗi thành phố chỉ còn lại 4 người tự ứng cử, số ứng viên được giới thiệu của địa phương cũng "giảm nhẹ" xuống còn 36 người ở Hà Nội và 37 người ở TPHCM. Số ứng viên tự do xin rút hoặc bị loại sau vòng hiệp thương thứ hai là 26 người ở Hà Nội và 18 người ở TPHCM.
Nhớ lại tại hội nghị tập huấn về bầu cử của MTTQ thành phố Hà Nội hồi tháng 2, đã có đại biểu lo ngại rằng ứng viên tự ứng cử sẽ có "lợi thế" hơn ứng viên được giới thiệu, chẳng hạn "sẽ phải làm thế nào trong trường hợp các ứng viên ứng cử tự do thao túng hết các cử tri nơi cư trú, dẫn đến kết quả không thực sự minh bạch". Thực tế đã chứng minh điều lo ngại trên là không có cơ sở, bởi ở Hà Nội, cả 41 người do các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu đều nhận được tín nhiệm cao tại nơi công tác và nơi cư trú, không ai có tỉ lệ tín nhiệm dưới 90%, tuy sau đó 5 người xin rút.
Còn trong số 30 người tự ứng cử, có tới 13 người không nhận đủ 50% tín nhiệm. Kết luận phải suy ra là những người tự ứng cử không được tín nhiệm nhiều như những người được giới thiệu, còn vì sao lại thế thì do không đủ thông tin nên không dám bình luận. Mong rằng sau kỳ bầu cử QH này, những kinh nghiệm thất bại của ứng viên tự do, cũng như kinh nghiệm để ứng viên được giới thiệu được tín nhiệm cao sẽ được phân tích kỹ hơn, công khai hơn, để kỳ bầu cử QH khóa XIV 5 năm nữa, sẽ lại có bước nhảy vọt về ứng viên tự ứng cử, nhưng là nhảy vọt trong việc... trúng cử.
"Phê" Lào có nghĩ đến...ta?
Lào tạm hoãn xây đập Xayaburi, cái "tít bài" dễ gây nhầm lẫn với những người âu lo cho số phận dòng sông Mekong cả trong và ngoài nước Việt suốt thời gian qua, rằng Lào đã thật sự hoãn việc xây đập.
Sơ đồ thủy điện Xayaburi trên sông Mekong. Ảnh ISC
Thật ra, sự tạm hoãn chỉ là một quyết định rất... tạm thời được đưa ra tại cuộc họp ngày 19.4 của Ủy hội sông Mê Kông (MRC) gồm 4 nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan, vì chưa thể đi đến một kết luận chung. Chính xác hơn, đó là sự trì hoãn ra quyết định, đẩy lên cho cuộc thảo luận ở cấp bộ trưởng mà thời gian chưa được xác định cụ thể. Chẳng thế mà nhiều báo chỉ giật tít lửng lơ, rằng "chưa quyết định số phận đập Xayaburi".
Xin giải thích thêm để những người chưa đọc về sự kiện này có thể nắm qua: đập Xayaburi là đập thủy điện đầu tiên chuẩn bị được xây dựng ở khu vực hạ lưu sông Mekong. Đập đầu tiên trong tổng số trên chục đập thủy điện dự tính sẽ "xuất hiện" trên dòng sông, thuộc 3 quốc gia Lào (7 đập), Campuchia (2 đập) và Thái Lan (3 đập), vì là đầu tiên nên rất quan trọng, vì nếu đầu xuôi thì rất dễ... đuôi lọt, các đập sau đó sẽ xuất hiện nhanh hơn và khó thận trọng cân nhắc hơn.
Những phản biện về tác hại nếu việc xây đập Xayaburi tạo tiền lệ cho việc xây cả 12 đập với vùng hạ lưu sông Mekong, nghĩa là với cuộc sống của hàng chục triệu người dân trên cả 4 quốc gia đã bắt đầu từ giữa năm ngoái và ngày càng nóng lên từ đầu năm đến nay, xin không nhắc lại để khỏi mất thời gian. Và cũng không ai "cực đoan" đến mức yêu cầu Lào không bao giờ được xây dựng đập Xayaburi, phần lớn họ chỉ đề nghị lùi thời điểm quyết định lại - như Campuchia đề nghị lùi lại 10 năm, và được nhiều sự đồng thuận - để cùng nghiên cứu thật kỹ lưỡng về tác động của hệ thống các đập thủy điện đối với hạ nguồn sông Mekong và tìm ra phương án tối ưu nhất để có những dự án thủy điện mang tính bền vững, ít tác động.
Tiếc thay, bất kể những phản biện rất mạnh mẽ, phía Lào vẫn thể hiện quyết tâm xây dựng đập bằng việc triển khai các công việc chuẩn bị làm đường, vận chuyển vật liệu xây dựng, di dời người dân... từ vài tháng trước khi kết thúc quy trình tham vấn chính thức và phiên họp ngày 19/4 diễn ra.
Nhưng quyết định "tạm trì hoãn quyết định" - dù chỉ là thắng lợi hết sức nhỏ nhoi - đã đạt được, không chỉ do sức ép của các chính phủ liên quan, mà có công lớn do sức ép của các tổ chức xã hội quốc tế khi liên tục đưa ra những kiến nghị, cảnh báo quyết liệt. Theo thống kê, đã có 263 tổ chức thuộc 51 quốc gia phản đối xây dựng đập Xayaburi. 51 quốc gia, con số lớn hơn rất nhiều so với 4 quốc gia trong Ủy hội sông Mekong. Kể cả khi Thái Lan còn "lưỡng lự" trong việc phản đối, vì có lợi ích kinh tế rõ ràng, thì các tổ chức xã hội của Thái Lan không ngần ngại lên án cả chính phủ của mình.
Cuộc sống của những người dân gắn liền với sông Mekong, Ảnh Vietnam Hotels
Trông người lại ngẫm đến ta. Việc xây đập Xayaburi là việc quốc tế (vì dòng sông Mekong không của riêng quốc gia nào) nên được quan tâm nhiều, mà còn khó ra được quyết định. Còn ngay trong đất nước Việt Nam, hàng chục, thậm chí hàng trăm thủy điện lớn nhỏ vẫn đang được triển khai trên rất nhiều những dòng sông dọc miền Trung hay ở miền núi phía Bắc. Một thủy điện không lớn nên không dấy lên dư luận, nhưng hàng trăm thủy điện đã tàn phá không thương tiếc những dòng sông nói riêng, văn hóa và môi trường nói chung, để rồi mỗi năm lại xoay đi xoay lại câu hỏi, có phải thủy điện là một tác nhân lớn khiến cho lũ lụt tàn ác hơn không? Trong khi điện thì vẫn thiếu hụt, cái chúng ta được từ các thủy điện là gì?
Phía Việt Nam đã rất đồng thuận trong đánh giá rằng, Lào chưa có dữ liệu đầy đủ và đáng tin cậy về tác động của con đập này đến cư dân sinh sống quanh vùng, trong đó có đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Nguyễn Thái Lai khẳng định, những thông tin do Lào cung cấp cho Việt Nam còn mang tính định tính, thiếu định lượng, chưa nêu được những tác động xuyên biên giới, ảnh hưởng tới Việt Nam. Bên cạnh đó, cần xem xét con đập này trong tổng thể, 12 công trình thủy điện trên dòng chính. Thứ trưởng cũng cảnh báo cần thận trọng trước khi đưa ra ý kiến về việc xây đập đầu tiên này, không thể để thiếu thông tin mà cứ tiến hành, tạo tiền lệ xấu về sau.
Chà! Có gì đó rất giống cách phản biện đối với việc xây dựng thủy điện nước mình. Giá như Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai khi nghe các nhà đầu tư thuyết trình xây dựng hết nhà máy thủy điện này đến nhà máy thủy điện khác mà nhận xét và góp ý với Chính phủ rằng " thông tin còn mang tính định tính, thiếu định lượng, chưa nêu được những tác động, ảnh hưởng tới môi trường, dân sinh của cả khu vực. Yêu cầu các nhà khoa học làm việc nghiêm túc, báo cáo lên Thủ tướng xem xét..." thì tốt biết bao.
Mọi người sẽ dễ dàng đồng thuận rằng, chuyện xây đập Xayaburi không phải của riêng nước Lào, cũng không phải của chuyện chung của "chỉ" những quốc gia có chung dòng sông Mekong, mà là chuyện của cả thế giới. Vậy thì chuyện tất phải suy ra rằng, chuyện xây thủy điện ở Việt Nam, dù là thủy điện nhỏ, trên một con sông nhỏ, thuộc một bản làng nhỏ, không thể lập luận rằng đó là chuyện của riêng bản làng ấy, xã ấy. Mong sớm đến ngày, việc xây dựng các công trình thủy điện ở Việt Nam cũng được chính chúng ta ứng xử khách quan và thận trọng, tôn trọng lợi ích chung - dù coi trọng lợi ích chính mình - như khi ứng xử với đập thủy điện Xayaburi của nước bạn Lào?
Vứt rác là chuyện của...toàn dân?
Thật không phải khi đang bàn chuyện ứng cử Quốc hội và chuyện đập thủy điện Xayaburi của nước Lào anh em, lại bàn đến chuyện... Hà Nội sắp hết chỗ đổ rác. Nhưng quả thật, viễn cảnh "các bãi rác thủ đô đã đầy, đến năm 2012 sẽ không còn khả năng tiếp nhận thêm rác thải. Với lượng rác thải sinh hoạt hiện nay, chỉ sau 3 ngày các bãi rác đóng cửa, nội thành Hà Nội sẽ ngập ngụa", tưởng tượng thôi đã thấy rùng mình, nên lại đành phải viết đôi điều.
Hiện có 3/5 bãi rác ở Hà Nội sắp đầy, Ảnh Dân Việt
Năm 2012, nghĩa là chỉ năm tới, nói rõ hơn là 1 năm nữa thôi, tức là vài trăm ngày nữa thôi, nào có xa xôi gì? Cứ vèo một cái là thấy hết một tuần, rồi một tháng, mới Tết đó mà giờ đã chuẩn bị nghỉ 30/4. Thế mà thông tin ấy vẫn lọt thỏm đi, vẫn chẳng mấy ai để ý. Có lẽ người mình đã quen "việc ai nấy lo", còn mình lo những chuyện to lớn hơn, như chuyện... cụ Rùa là rùa đực hay rùa cái chẳng hạn?
Cũng phải thôi, người ta sẽ lập luận rằng, chuyện Hà Nội sắp hết chỗ đổ rác là chuyện của các cơ quan chức năng, của UBND thành phố, của Sở Tài nguyên môi trường (TNMT) chẳng hạn, chứ tôi thì lo được gì? Cũng như chuyện dọn sạch rác là chuyện của anh chị em công nhân vệ sinh môi trường, còn vứt rác là chuyện của toàn dân, tôi không vứt rác thì anh em vệ sinh thất nghiệp à?
Thế nên, chính quyền cũng rất "biết phận", vẫn tập trung lo việc mở rộng 2 bãi rác quy mô lớn là Nam Sơn và Xuân Sơn, xây thêm nhà máy xử lý rác... là chính, dù lo thì lo thế, chứ tiến độ vẫn rất ì ạch, chẳng hạn như thông tin trên báo Hà Nội mới là sau lễ khởi công, mảnh đất 15 ha của dự án nhà máy Xử lý rác lớn nhất Việt Nam đặt tại ô số 3 của khu Nam Sơn, vốn đầu tư lên đến 39 triệu USD với kỳ vọng, giải tỏa được nguy cơ hết chỗ chôn lấp rác, giờ đây là bãi cỏ dại mọc um tùm, im ắng.
Ngoài ra, chính quyền cũng chỉ biết than thở, rằng lượng rác tăng lên nhiều quá, rằng ý thức người dân còn kém quá... Quả thật, đọc con số lượng chất thải sinh hoạt tăng trung bình 15%/năm, hay lượng rác trung bình một ngày được đưa tới bãi rác Nam Sơn để chôn lấp chỉ là 1.126 tấn, đến năm 2010 đã là 3.372 tấn/ngày, thấy thật sự giật mình. Không lẽ chỉ sau 10 năm mà lượng người ở thủ đô đã tăng gấp đôi? Người không tăng nhiều như rác tăng, thì nguyên nhân ở đâu nhỉ?
Lẽ ra, thay vì chỉ tập trung vào việc mở rộng bãi rác, xây dựng nhà máy, việc Hà Nội nên làm hơn là làm sao để giảm lượng rác hàng ngày, hoặc làm sao để tăng lượng rác có thể xử lý theo kiểu tái chế.
Như thông tin ông Nguyễn Văn Hòa, Tổng giám đốc Công ty môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) cho biết thì tới 90% rác thải sinh hoạt của Hà Nội đang được xử lý theo phương pháp chôn lấp, số còn lại tập kết về NM tái chế ở Cầu Diễn để chế biến thành phân hữu cơ vi sinh. "Sở dĩ tỷ lệ chôn lấp vẫn chiếm chủ yếu là do lượng rác thải hữu cơ rất ít ỏi. Nguồn rác này được thu gom được từ các địa bàn thí điểm trong dự án phân loại rác tại nguồn do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ và rác tại các chợ", ông Hòa giải thích với PV báo Thanh niên.
Nhớ lại có một thời gian, dự án phân loại rác từ nguồn (3R) do cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ được giới thiệu khá rầm rộ, khiến nhiều người khấp khởi mừng, rằng tới đây người Hà Nội sẽ văn minh... như người phương Tây, sẽ biết bỏ các loại rác khác nhau vào các thùng rác khác nhau, sẽ trân trọng những loại rác có thể tái sử dụng, tái chế. Nhất là khi thấy nhiều nơi đã lắp đặt hệ thống hai thùng rác song song, màu xanh lá cây và màu vàng, gắn biển Rác hữu cơ và Rác vô cơ rất đẹp.
Tiếc thay, những người muốn bỏ rác đúng chỗ phần lớn bất lực, bởi người bỏ rác trước mình đã bỏ lung tung từ bao giờ. Cũng phải thôi, mấy ai hiểu rõ khái niệm hữu cơ, vô cơ đã được học từ thuở nào, còn hình ảnh minh họa trên thân thùng rác thì đã mờ nhạt hoặc rách từ lâu.
Cũng như, dự án phân loại rác tại nguồn chỉ là dự án thôi, dù có 4 triệu USD chứ cả tỷ USD thì cũng chỉ là dự án, hết dự án thì biết làm sao? Dự án được thí điểm tại 4 phường của nội thành Hà Nội, 18.000 gia đình được tập huấn phân loại rác tại nguồn chỉ là những con số bỏ bể, nếu không được nhân rộng theo cấp số nhân mà không cần chờ một dự án khác. Mà dự án thì cũng chẳng phải việc của tôi, của bạn, biết làm sao?
Nguồn : Khánh Linh - TuanVietNamNet
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét