Mấy hôm nay trên báo chí trong và ngoài nước liên tục đưa tin, đặc biệt là trên các diễn đàn, các bạn đọc cũng bàn thảo sôi nổi về vụ khách Vietnam Airlines tố cáo bị nhân viên An ninh hàng không đánh ngay trên chuyến bay VN1169 của Vietnam Airlines, đêm 18/4/2011 trong lúc đỗ tại sân bay Đà nẵng . Vụ việc này làm nhiều người bất bình, vì nếu trong kinh doanh, người ta thường nói khách hàng là thượng đế, thì đơn giản đây là một vụ các nhân viên của một Hãng hàng không quốc gia Việt nam đã dùng bạo lực với “thượng đế” của họ ngay trên máy bay của Hãng.
Tóm tắt sự việc
Được biết chuyến bay VN1169 (Boeing 777-200, số hiệu 141) cất cánh tại Hà Nội lúc 21h55 ngày 18.4.2011, dự kiến hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh) lúc 23h45 cùng ngày. Tuy nhiên, do thời tiết xấu (mưa to), không đảm bảo điều kiện hạ cánh tại sân bay đến, cơ trưởng chuyến bay đã chuyển hướng hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng lúc 01h03 ngày 19.4.2011. Sau đó, điều kiện thời tiết tại TP. Hồ Chí Minh đã tốt lên, đảm bảo an toàn khai thác, chuyến bay dự kiến xuất phát tiếp từ Đà Nẵng đi TP. Hồ Chí Minh lúc 01h30 sáng ngày 19.4.2011. Do thời gian dừng ngắn, cơ trưởng Ivanov Krassimir quyết định để hành khách ngồi trên tàu bay trong khi chờ đợi.
Theo như nạn nhân là HLV trưởng đội tuyển Taekwondo Việt Nam Lê Minh Khương, đã kể lại như sau:
“Theo lịch trình, tôi cùng với bố tôi bay vào TPHCM để chữa bệnh cho một người. Do thời tiết xấu, máy bay không đáp xuống TP HCM được, phải quay về và hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng. Khi tôi đến khoang V.I.P và hỏi cô tiếp viên có thể cho bố con tôi xuống Đà Nẵng được không thì cô ta bảo phải đi hỏi mặt đất. Theo yêu cầu của cô tiếp viên, tôi đưa cho cô ta cuống vé (boarding pass) rồi ngồi xuống chờ. Một lúc sau cô tiếp viên trở lại bảo tôi có thể xuống máy bay được và sẽ gọi mặt đất đón tôi.
Thế nhưng khi bố con tôi đã xách hành lý ra chuẩn bị xuống sân bay thì cô tiếp viên lại bảo không xuống được nữa vì chuẩn bị bay. Tôi cũng đồng ý cùng bố tôi trở lại chỗ ngồi và bảo cô tiếp viên cho xin lại cuống vé. Cô ta đi ra ngoài to tiếng với ai đó rồi quay lại bảo tôi là cuống vé đã bị mất rồi. Tôi đề nghị cô ta viết cho tôi mấy chữ để tôi còn về quyết toán với cơ quan vì tôi đi bằng kinh phí Nhà nước.
Sau đó chưa thấy cuống vé đâu thì tôi đã bị một đám người xông vào , thay vì hỏi nguyên nhân thế nào, họ đã có thái độ quá đáng, nạt nộ rồi bẻ quặt tay, dí dùi cui điện vào cổ, thúc vào ngực, bịt mồm và đưa xuống máy bay. Vừa đánh đập, hành hung, các nhân viên an ninh này còn liên tục văng tục, chửi bậy. Bố tôi đã hơn 70 tuổi lên tiếng bênh con cũng bị họ bẻ quặt tay đưa xuống. Cam đoan tuyệt đối không xảy ra mâu thuẫn hay cự cãi gì cả. … Rất may, tôi là người luyện võ, chứ là người bình thường thì chết”.
Theo đạo diễn Trần Lực, một nhân chứng vốn là hành khách có mặt trên chuyến bay nói trên, đã khẳng định thông tin ban đầu về việc khách Vietnam Airlines tố bị hành hung trên máy bay là hoàn toàn chính xác, cũng theo ông Trần Lực thì thông cáo báo chí của Vietnam Airlines đưa ra sau đó là không đúng như sự thật. Đồng thời, ca sĩ Quang Hà, cũng là một người chứng kiến vụ việc cũng kể lại rằng “Anh Khương là một người rất lịch sự và nhã nhặn. Anh Khương cho biết là anh không có ý đòi xuống, không bay nữa mà chỉ yêu cầu cô tiếp viên trưởng trả lại cho anh cuống vé so ghế ngồi và nên ăn nói nhã nhặn với khách hàng”. Đặc biệt là theo ông Lê Văn Vượng, 73 tuổi, bố của HLV Lê Minh Khương và là người đi cùng trên chuyến bay VN1169 của Vietnam Airlines đêm 18.4 cho biết “Khi sự việc diễn ra, tôi chứng kiến từ đầu đến cuối. Khi thấy các anh an ninh giật tóc, bẻ tay, đấm và dúi con tôi xuống, tôi còn lên tiếng can ngăn nhưng chính tôi cũng bị bẻ tay“. Và ông ông Vượng đã khẳng định “Hoàn toàn không có chuyện con ông (HLV Lê Minh Khương) có hành vi lớn tiếng la hét, có biểu hiện gây rối và vung tay về phía tổ tiếp viên, con tôi chỉ yêu cầu cô tiếp viên đưa lại cuống thẻ lên máy bay. Trước đó, cô tiếp viên trưởng và chúng tôi còn nói chuyện rất vui vẻ, thậm chí cô ấy còn định ghi cả số điện thoại cho chúng tôi. Giấy tôi vẫn còn giữ có chữ của cô ấyTừ trước đến nay tôi chưa nói dối. Tôi đã 73 tuổi, sống còn dạy con, dạy cháu, tôi không nói dối“.
Ngược lại thì theo Vietnam Airlines cho biết nguyên nhân của việc nói trên là do hành khách Lê Minh Khương đã có thái độ bất hợp tác với phi hành đoàn. Nhưng theo ông Đỗ Anh Đào – Đội phó đội ANCĐ, người trực tiếp lên máy bay, chỉ đạo đội an ninh áp giải hành khách Lê Minh Khương xuống máy bay, cho biết: “Chúng tôi không hề biết là anh Khương có to tiếng với hành khách hay không. Chúng tôi chỉ làm theo yêu cầu của cơ trưởng, phải áp giải anh Khương xuống máy bay ngay vì lý do an toàn cho hàng trăm khách khác. Anh Khương không hợp tác buộc lòng chúng tôi phải cưỡng chế. …Khi đã dùng biện pháp nghiệp vụ kéo được anh Khương ra khỏi ghế, khi chúng tôi đưa đi ra cửa từ phòng Y (khoang thường) sang phòng C (khoang thương gia), anh ấy còn giật tung cả rèm ngăn cách giữa hai phòng này”. Như vậy, theo lời kể của người chỉ huy an ninh trong vụ việc này, có thể nhận thấy, việc cưỡng chế anh Khương là ở khoang thường chứ không phải khoang thương gia như Thông cáo báo chí của Vietnam Airlines phát đi chiều 20-4. Đáng buồn cười hơn là khi Vietnam Airlines đã cho rằng ở dĩ họ phải huy động tới 20 nhân viên an ninh mặt đất tham gia trấn áp vì ông Khương là… võ sư ? Không những thế còn có thông tin cho hay Vietnam Airlines có thể đưa hành khách Lê Minh Khương vào danh sách cấm bay và cho rằng khi đó ông Khương có mùi men (!?).
Lời bình:
Vận tải hàng không là một trong những phương tiện vận tải phổ biến được nhiều người ưa chuộng, vì nó tiết kiệm thời gian, thuận tiện, dịch vụ chu đáo, nhưng nó cũng có nhược điểm chi phí vận chuyển (giá vé) cao. Do vậy đối tượng phục vụ của loại phương tiện này thường là những người có thu nhập trung bình trở lên. Chắc hẳn mỗi chúng ta, ai cũng có suy nghĩ rằng trong một môi trường dịch vụ văn minh hiện đại như của ngành Hàng không, thì bất kỳ một hành vi thiếu văn minh, vô văn hoá cũng khó có ai có thể chấp nhận được. Do đó, việc các nhân viên của Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines với tư cách người phục vụ đã hành hung hành khách (người được phục vụ) trên chuyến bay của Hãng mình là hành vi không thể chấp nhận được. Mà nguyên nhân chỉ từ việc hành khách đề nghị xin lại cuống vé của mình sau khi đã tự đưa lại cho tiếp viên hàng không. Sự việc sẽ rất đơn giản nếu như tiếp viên của Vietnam Airlines hành xử một cách chuyên nghiệp với phương châm “Khách hàng luôn luôn đúng”. Nói đơn giản hơn là giá như họ (tiếp viên hàng không Việt nam biết nhận lỗi và không tiết kiệm một lời xin lỗi chân thành đối với hành khách – HLV Lê Minh Khương, thì chắc chắn mọi chuyện sẽ ổn thoả.
Những ai là khách hàng thường xuyên của Hãng hàng không quốc gia Việt nam, nhất là các tuyến bay nội địa thì đều biết, chuyện bị chậm vài tiếng đồng hồ so với giờ bay xảy ra quá nhiều, mà mọi người đã phải chấp nhận khi mua vé vì nghĩ rằng đó là lẽ đương nhiên. Nhưng họ cũng có chung một nhận xét về cách thức và thái độ phục vụ của các tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines là quá kém so với các hãng hàng không của các quốc gia khác. Cái đó nếu ai đó cho rằng, sự việc trên là hậu quả của việc kinh doanh trong cơ chế độc quyền, thiếu cạnh tranh của cái gọi là định hướng XHCN mang lại thì mới đúng một phần. Nhưng theo cá nhân tôi đó là những đánh giá mang màu sắc của chính trị, mà cái đó cầ n phải suy xét dưới góc nhìn của vấn đề xã hội.
Cũng như tình trạng người dân bị đánh chết hay thương tật trong khi làm việc với nhân viên ngành công an trong hay ngoài trụ sở cũng vậy, không thể đổ tại cho đảng CSVN hay chính quyền nhà nước của họ đã chỉ đạo cho nhân viên công vụ đánh chết người như một số báo chí nhận định, đó là những giả định phi thực tế. Vì không có ai tha hóa tới mức dám làm chỉ đạo những chuyện vô đạo đức như vậy. Mà nguyên nhân chính phải là sự xuống cấp trầm trọng về đạo đức, coi thường pháp luật và nhân phẩm của người khác đã và đang trở thành lẽ thường tình trong cuộc sống thường ngày của xã hội Việt nam hiện nay. Đồng thời nó thể hiện tính chất vô chính phủ của nhân viên nhà nước mà lý do có lẽ là do chính quyền không có khả năng kiểm soát. Những hành động nói trên có thể lý giải tương tự như hành động của những tay anh chị xã hội đen trong các tụ điểm ăn chơi, giải trí khi được các cave yêu cầu. Đó là bất chấp lý lẽ, nguyên nhân của sự việc để giải quyết vấn đề, mà “Lẽ phải thuộc về kẻ mạnh”, không vừa ý là dùng bạo lực.
Một điểm nữa không thể không nhắc đến là cách xử lý của phía cơ quan chủ quản Vietnam Airlines, thay vì nhận và xin lỗi hành khách sau khi vụ việc xảy ra, thì họ lại quanh co chối tội và lại dùng phép “cẩu thả” cho rằng hành khách có mùi men để định hướng dư luận. Tệ hơn họ dùng quyền độc quyền vận chuyển của mình để cấm bay đối với những ai dám lên tiếng phê phán họ. Tới mức, nhiều người tin rằng “phản ứng với VNA, sẽ bị cấm bay”, cách duy nhất để được đi máy bay với Vietnam Airlines là phải im lặng, vì các đường bay nội địa đã bị “ông lớn” này độc chiếm.
Qua những cái đó, cũng là đã tới lúc, chính quyền cần phải xem xét lại công tác giáo dục luân lý, đạo đức cho công dân của mình ở mọi lứa tuổi và đồng thời xem xét một cách nghiêm túc hiệu quả của việc tổ chức học tập theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thiết nghĩ chỉ cần giáo dục cho công dân của mình, đặc biệt là đối với các công chức nhà nước biết thế nào là tình người, là danh dự và nhân phẩm để thực hiện sao cho thương người như thể thương thân cũng đã là quá đủ. Phải chăng đây là hậu quả của việc làm mang tính hình thức kéo dài nhiều chục năm qua?
Trong khi Vietnam Airlines hay Bộ Thể thao và Du lịch, mỗi năm chi những khoản ngoại tệ không nhỏ để quảng bá cho đất nước và con người Việt nam, hòng chào mời bạn bè quốc tế đến với chúng ta. Thì ngược lại, những hành vi đáng xấu hổ đó lại diễn ra ngang nhiên trên một chuyến bay có không ít du khách quốc tế, thử hỏi họ sẽ nghĩ gì về Việt nam? Trong truờng hợp này, cho dù không phải ở chốn công đường, nhưng một lần nữa đã chứng minh nhận xét của GS. Ngô Bảo Châu là hoàn toàn đúng khi cho rằng “Có cố tình làm mất thể diện quốc gia, chắc cũng khó mà làm hơn mấy ông bà này”.
Ôi Việt nam quê hương tôi!
Ngày 24/4/2011
—————–
*Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét