Pages

Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2011

Việt Nam-Trung Quốc: thắt chặt quan hệ hay tiếp tục lùi sâu hơn nữa?


Gần đây, đến lượt quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines trở nên căng thằng. Ngày 5.4.2011, Philippines đã gửi công hàm chính thức đến Liên Hiệp Quốc để phản đối tấm bản đồ 9 đường đứt khúc trong đó Trung Quốc khẳng định chủ quyền của họ trên hầu như 80% vùng biển Đông. Ngay sau đó, ngày 14.4, Bắc Kinh cũng gửi kiến nghị lên Liên Hiệp Quốc, cáo buộc Philippines xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển này.

Trong khi đó thì mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam lại có vẻ như đang tạm hòa dịu. Dư luận chú ý đến một loạt những động thái giữa đôi bên.

Đầu tiên là hàng loạt những cuộc viếng thăm của các phái đoàn quân sự và công an cấp cao Việt Nam-Trung Quốc trong tháng 4, để chuẩn bị cho cuộc viếng thăm Trung Quốc của Tân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Về phía TQ, có Thượng tướng Quách Bá Hùng, ủy viên Bộ chính trị và Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Đảng cộng sản Trung quốc, dẫn đầu một phái đoàn sang thăm VN. Cùng trong thời gian này ủy viên Bộ chính trị và Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh cũng sang Bắc kinh. Rồi Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trung Quốc Vương Thắng Tuấn cũng đến VN từ ngày 16 đến 20. 4. Báo chí hai nước đưa tin “Việt Nam đang tăng cường hợp tác với Trung Quốc về an ninh, quốc phòng , tư pháp để "đấu tranh chống các thế lực thù địch chống phá sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước".

Bản đồ hình "lưỡi bò" mà Trung Quốc tự vẽ để giành chủ quyền vùng biển Đông. Nguồn: tuoitre.vn

Ngày 18.04.2011, một phái đoàn cấp chính phủ Trung Quốc đã có mặt tại Hà Nội để đàm phán về các vấn đề biên giới lãnh thổ giữa hai bên. Trưởng đoàn Trung Quốc là Thứ trưởng Ngoại giao Trương Chí Quân. “Liên quan đến Biển Đông, hai bên đã đồng ý là sẽ mau chóng ký kết một thỏa thuận, xác định các nguyên tắc cơ bản để giải quyết tranh chấp” (theo RFI ngày 20.4.2011). Đài RFA thì cho biết, thông tin về việc “VN-TQ cam kết giải quyết tranh chấp Biển Đông” đã được một hãng tin Đức loan tải cùng ngày 20.4, tuy nhiên “tiến độ cũng như các chi tiết trong bản thoả thuận này không được tiết lộ.”

Người dân tự hỏi không biết cái văn bản cam kết ấy chứa đựng những nội dung gì mà bí mật đến thế?

Trước mắt, chúng ta có thể thấy rằng như vậy là Trung Quốc đã đạt được ý muốn thỏa thuận song phương với từng nước, chứ không phải theo cái cách đa phương, như để nghị của cả khối ASEAN và Hoa Kỳ. Vẫn là cái kiểu “bẻ đũa bẻ từng chiếc”của Trung Quốc. Dàn xếp xong với VN thì sẽ quay sang từng nước khác trong khối ASEAN cho đến khi tham vọng thâu tóm biển Đông của TQ trở thành sự thật.

Còn nhớ trong những năm gần đây VN và Trung Quốc đã từng có hàng loạt cuộc gặp gỡ song phương về vấn đề biển Đông nhưng không đạt được thỏa thuận gì. Lần này, mọi việc lại có vẻ nhanh chóng khiến người dân không thể không đặt câu hỏi tại sao.

Từ trước đến nay, người dân vẫn thường được nghe điệp khúc nhắc đi nhắc lại của các ông lãnh đạo nhà nước VN trong quá trình thảo luận với TQ về các quy tắc ứng xử trên biển Đông “Một là, giữ nguyên hiện trạng, không làm phức tạp thêm tình hình; hai là giải quyết tranh chấp bằng hòa bình, đàm phán, không xử lý các vấn đề bằng đe dọa vũ lực.”

“Giữ nguyên hiện trạng” có nghĩa là những gì đã mất, từ Hoàng Sa, một phần Trường Sa coi như quên đi, đừng mơ đến chuyện lấy lại được. Đó là chưa nói đến việc nhà cầm quyền VN đã tự nguyện nhường cho Trung Quốc hàng trăm kilo mét vuông đất dọc theo biên giới qua Hiệp ước biên giới năm 1999 và hàng ngàn kilo mét vuông lãnh hải qua Hiệp định phân định vịnh Bắc bộ năm 2000! Vấn đề là liệu có giữ được không bị mất mát thêm nữa hay không? Bởi vì đối với TQ, việc có ký vào bộ quy tắc ứng xử biển Đông thì cũng chẳng có gì đảm bảo trong tương lai TQ sẽ coi trọng điều đó. Một ví dụ: Trung Quốc đã không hề tỏ ra tôn trọng bản tuyên bố mà họ đã ký với Hiệp hội ASEAN vào năm 2002. Chỉ riêng với VN trong những năm qua, bao nhiêu tàu thuyền đánh cá của ngư dân VN đã bị tàu TQ đánh chìm, bản thân ngư dân thì bị bắt giữ, đánh cướp tài sản, đòi tiền chuộc v.v…

Thông qua các hành xử của Bắc Kinh từ trước đến nay, người ta có thể thấy rằng tùy thời cơ, tình hình mà TQ sẽ cương hay nhu với các nước láng giềng, nhưng biển Đông luôn luôn là mục tiêu, là lợi ích lốt lõi, là tham vọng lâu dài của họ. Khi chưa thể lộ diện lấn chiếm thì TQ sẽ tạm thời hòa dịu, tìm cách thảo luận song phương với từng nước để dễ bắt nạt đồng thời chia rẽ từng nước trong khối ASEAN để các nước này không hợp thành một khối chống lại TQ.

Ngày 19/4, TTXVN và một số tờ báo khác đồng loạt đưa tin “Việt-Trung sẽ sớm thỏa thuận khai thác Thác Bản Giốc”: “Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn và người đồng nhiệm Trung Quốc Trương Chí Quân gặp nhau hôm qua bàn về hợp tác song phương, trong đó có kế hoạch khai thác du lịch Thác Bản Giốc.”

Khi đăng lại tin này, BBT Đàn Chim Việt có lời bình ngắn: “Thác Bản Giốc bao đời nay được coi là danh lam thắng cảnh của Việt Nam. Sau hiệp định Biên giới ký kết năm 1999 và cắm mốc vào năm 2006, Việt Nam chỉ còn phần thác phụ, thác chính đã thuộc Trung Quốc. Cho tới nay, chính quyền Việt Nam đã nhiều lần khẳng định họ “không để mất đất”, rằng hiệp định này như “một thắng lợi” trong đàm phán.v.v. nhưng hiệp định vẫn chưa được công bố công khai cho dân…”

Blogger Nguyễn Hữu Quý lo ngại: “Việc hai bên VN-TQ đề nghị sớm thỏa thuận khai thác Thác Bản Giốc, như là một hướng mở làm “hình mẫu” cho các vấn đề trên Biển Đông (tất nhiên, người VN ta phải hiểu, trong lúc TQ chưa thể thực hiện kế hoạch “lưỡi bò” vì nhiều lý do khác nhau)…Như vậy, mặc dù việc đàm phán vấn đề Biển Đông chưa diễn ra, nhưng những người VN quan tâm đến chủ quyền của đất nước đối với HS, TS như đã phán đoán được rằng, sự nhượng bộ trước TQ là tư tưởng chủ đạo của lãnh đạo VN.”

Bên cạnh đó là hàng loạt những chi tiết khác mà nếu chú ý sẽ có nhiều điều phải suy ngẫm. Trang Nhật Báo Ba Sàm đã phát hiện vào ngày 17.4, mục Dự báo thời tiết trong chương trình Chào buổi sáng của VTV đã “lờ đi 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trên bản đồ và không dự báo thời tiết 2 quần đảo này như trước”, còn nhà văn-blogger Trần Nhương thì lại phát hiện “trên trang web Thoitiet.net dùng bản đồ Việt Nam cũng không có hai quần đảo này”… Không biết trang này của cơ quan nào ?”. Tác giả đặt câu hỏi: “Thú thật tôi rất lo bọn diễn biến hòa bình nó biến báo các trang web chính ngôi của ta để xuyên tạc, để có âm mưu lâu dài gì đây? Không biết Ban Tuyên giáo và Bộ TT và TT có biết không ???”

Rõ ràng, sự nhu nhược trong hành động của nhà nước VN trước ông bạn láng giềng “4 tốt, 16 chữ vàng” chỉ là sự phản ánh rõ rệt tư tưởng “thua là chính” của họ. Nhất là trong bối cảnh hiện tại. Hơn ai hết, TQ hiểu rất rõ tình hình VN-dàn lãnh đạo nhà nước VN hiện nay đang như ngồi trên đống lửa. Kinh tế làm ăn quá bết bát, hết tập đoàn quốc doanh này đến tập đoàn quốc doanh kia thua lỗ, vỡ nợ hàng ngàn tỷ, lạm phát, nợ nước ngoài chồng chất, dự trữ ngoại tệ thì cạn kiệt…Những dấu hiệu của sự bất ổn về xã hội cũng ngày càng khiến Hà Nội lo ngại: Những cuộc đình công lên đến hàng ngàn người của công nhân, những cuộc biểu tình đòi đất của dân oan, những buổi thắp nến cầu nguyện cho Công Lý và Sự thật của giáo dân, những bài viết, bản kiến nghị của giới trí thức, và hàng loạt những cá nhân bất đồng chính kiến bị bắt, bị tù đày…trong những năm qua. Và thực tế, nhà nước VN cũng chỉ còn khống chế được tạm thời về chính trị nhờ vào bạo lực và sự sợ hãi, còn tất cả các mặt khác trong xã hội, từ giáo dục, văn hóa, kinh tế, luật pháp…đều nát bét. Nhiều nhà nghiên cứu đã lên tiếng cảnh báo rằng kinh tế Việt nam đang bên bờ vực khủng hoảng tồi tệ nhất từ năm 1986 cho đến nay.

Giữa hoàn cảnh này, Hà Nội chẳng mong gì hơn là làm thân với TQ, được TQ để yên và cho vay thêm nợ. Tập đoàn lãnh đạo đảng và nhà nước VN tiếp tục tự nguyện chui sâu thêm vào cái vòng kim cô của TQ, bất chấp vận mệnh của đất nước, tương lai của dân tộc. Như vậy, đảng và nhà nước cộng sản VN vẫn nhất quán với đường lối của họ từ trước đến nay, là đặt sự sống còn của đảng, của chế độ lên trên tất cả. Mối lo lớn nhất của họ vẫn là mối lo “diễn biến hòa bình dẫn đến cách mạng lật đổ chế độ” do các thế lực thù địch gây ra chứ không phải cái họa lệ thuộc, dẫn đến mất nước đã sờ sờ trước mắt.

Trong khi đó thì đại đa số người dân, đang quay cuồng với trăm ngàn nỗi lo âu của đời sống hàng ngày, cơm áo giá gạo lương tiền… đến nỗi chẳng có đầu óc đâu mà nghĩ đến chuyện gì khác; một bộ phận nhỏ thì ăn trên ngồi trốc, hưởng lợi từ chế độ, ra sức đục khoét, vơ vét chừng nào hay chừng đó và và cứ nghĩ rằng đảng và nhà nước này vững mạnh muôn năm chả có gì phải bận tâm…Có mất thêm toàn bộ Trường Sa thì cũng chả ai hay biết. Chỉ bao giờ mất luôn cả đất nước này thì may ra lúc đó mọi người mới bừng tỉnh thức!

Nguồn : Song Chi - RFA

Không có nhận xét nào: