Pages

Thứ Ba, 3 tháng 5, 2011

Cù Vũ, Cù Cận


Năm 1990, hay 1991, sau khi Cộng Sản Việt Nam rút quân ra khỏi Kampuchia, nhiều nước tư bản bỏ việc cấm vận Việt Nam Cộng Sản.

Thủ Tướng Nhật Bản đến Hà Nội. Ðây là việc làm thứ nhất của chính quyền Nhật mở đầu cho cuộc tư bản Nhật đầu tư vào Việt Nam sau chiến tranh. Ðể đón mừng vị thượng khách ngoại quốc mang tiền và việc làm đến, anh đảng viên Huy Cận làm thơ chửi Ðế Quốc Mỹ đã dã man hết cỡ khi cho nổ bom nguyên tử trên đất Nhật.

Bài thơ được đăng báo Ðảng, được trịnh trọng đề tặng Thủ Tướng Nhật. Năm ấy tôi có đọc bài thơ này đăng trên báo Bắc Cộng. Ý Huy Cận trong bài thơ nâng bi Nhật và chửi Mỹ là việc Mỹ dùng bom nguyên tử năm 1945 ở Nhật Bản là không cần thiết, theo Huy Cận – đây là luận điệu của bọn Cộng Nga Liên Xô thời ấy: “Mỹ chỉ dùng bom nguyên tử để thỏa mãn thú tính giết người của bọn tư bản khát máu, Mỹ muốn cho người thế giới biết Mỹ có bom nguyên tử và sức phá hoại-giết người của bom nguyên tử Mỹ rùng rợn đến như thế nào.” Với bài thơ, Huy Cận muốn gợi lại mối hận thù người Mỹ của người Nhật.

Em nhỏ lên ba cũng biết nếu không có cả trăm ngàn thanh niên Anh Mỹ đổ máu, chết thảm trên chiến trường Thái Bình Dương thì những năm từ 1940 đến 1945 bọn quân phiệt Nhật đã thực hiện được tham vọng thành lập Ðế Quốc Ðại Ðông Á, bốn bể – ít nhất cũng là hai biển: biển Ðông, biển Nam Hải – đã qui hàng nép gối dưới ngai vàng Thiên Hoàng Tokyo – những tiếng Thiên Quốc, Thiên Tử từ trước chỉ được dành cho các Vua Ba Tàu, nay được quân phiệt Nhật lấy dùng. Bọn quân phiệt Nhật tôn vua của họ là Thiên Hoàng, xưng quân đội của họ là Quân đội Thiên Hoàng – nếu không có Anh Mỹ xả thân, hy sinh xương máu đánh Nhật thì đến bây giờ ba nước Ðông Dương anh em Việt-Miên-Lào đã trở thành thuộc địa lâu đời của Nhật, người Việt hôm nay nói dzô-tô nay, a-ri-ga-tô.. đã quen miệng, nhiều người Việt đã nhận mình là con cháu Thái Dương Thần Nữ, cờ Mặt Trời Mọc ngự trị trên toàn cõi Ðông Dương.

Nếu chính phủ Hoa Kỳ, nếu Tổng Thống Harry S. Truman năm xưa ấy không cho ném 2 trái bom nguyên tử xuống đất Nhật, bắt Nhật phải đầu hàng không điều kiện, chuyện rất có thể xẩy ra là quân Nhật sẽ tử chiến chống quân Anh Mỹ từ biển đổ bộ lên Việt Nam. Ðôi bên sẽ đánh nhau trên đất nước ta, binh sĩ Ðồng Minh sẽ chết trên đất nước ta, nhân dân ta sẽ có rất nhiều người chết lây, chết oan, đất nước ta sẽ tan tành không còn mẩu síu quách. Trong trận đánh dữ dội ấy, nhân dân ta, đất nước ta sẽ lãnh đủ.

Huy Cận chắc cũng biết như thế nhưng vì thói quen nâng bi kiêm xảo quyệt, anh ta cứ mặt trơ, trán bóng làm thơ đả kích việc Tháng Tám năm 1945 Hoa Kỳ thả bom nguyên tử xuống đất Nhật.

Huy Cận là quan chức văn nghệ Bắc Cộng thứ nhất vào Sài Gòn. Tối ngày 2 hay ngày 3 Tháng 5, 1975 Huy Cận đã xuất hiện trên màn ảnh TiVi Sài Gòn. Tháng Bẩy năm 1976 Huy Cân là thuyết trình viên kiêm giảng viên cao cấp nhất trong cái gọi là Khóa Bồi Dưỡng Chính Trị cho đám văn nghệ sĩ Sài Gòn kẹt giỏ-đầu hàng mặt trơ, trán trẽn – mặt trơ nhưng trán không bóng, trán anh nào anh nấy thâm sì, thâm sịt – cúi đầu “đi học.”

Con người của Huy Cận không có qua một dáng vẻ gì là thi sĩ, không có một su teng văn nghệ sĩ. Y nước da bánh mật, mặt tròn, mắt híp, má bánh đúc, môi dầy, ngón tay dùi đục, người bè bè. Người đội mũ beret – mũ nồi – bị còng tay giải ra toà trong tấm hình đi cùng bài viết này là Cù Huy Cận.

Tháng 7, 1976, đứng trước micro trong Nhà Hát Lớn Sài Gòn, trước mặt 500 “văn nghệ sĩ Sài Gòn đầu hàng” ngoan ngoãn vác mặt và lê đít đến ngồi tễu nghe bọn cán bộ Bắc Cộng giảng dậy, đám văn nghệ sĩ đủ các bộ môn của Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà vừa bị tiêu vong, Huy Cân nói như máy, Y nói lớn, nói nhanh, đến nỗi nhiều lần bọn ban tổ chức, trong số có anh lấy bút hiệu là Rum, tức Rừng U Minh, phải viết mảnh giấy để lên bàn micro, với lời ghi:

“Xin nói chậm lại.”

Con người Huy Cận thô tục nhưng Thơ Huy Cân thật hay. Tôi là một trong những người yêu Thơ Huy Cân Ngày Xưa. Hôm nay, Tháng Tư 2011, trong những ngày cuối đời liêu lạc xứ người, tôi kể lại ở đây những lời Thơ Huy Cận tôi đọc 60 năm xưa mà tôi còn nhớ. Tôi ghi lại những lời Thơ Huy Cận này mà không mở tập Thơ ra xem lại:

Nắng chia nửa bãi chiều rôi
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá sầu…

Ngậm ngùi… Quá nhiều người Việt biết bài thơ này, tôi sang những lời thơ Huy Cận khác:

Người ở bên trời, ta ở đây
Chờ mong phương nọ, ngóng phương này
Tương tư đôi chốn, tình ngàn dặm
Vạn lý sầu lên, núi tiếp mây.
Nắng đã xế về bên xứ bạn
Chiều mưa trên bãi, nước sông đầy…

…..

Rồi một buổi đứng chờ người chẳng tới
Ta thấy buồn cùng mọc với trăng sao
Bóng đêm tỏa không ngớt niềm tưởng nhớ
Tình đi mau, sầu ở lại lâu dài.
Ta đã để hồn tan trong tiếng thở
Kêu gọi người đưa tiễn nỗi tàn phai…

o O o

Trở lại Rừng Phong

Thời gian vỗ cánh bay như quạ..
Những ngày như lá, tháng như mây…

Một đêm buồn không nhớ là trong mấy tháng cuối năm 1975 hay trong mấy tháng đầu năm 1976, hay trong những năm 1981, 1982, trong căn gác tối vo ve tiếng muỗi ở Cư Xá Tự Do, cư xá nằm giữa Ngã Ba Ông Tạ và Ngã Tư Bẩy Hiền, thành phố cúp điện, bên ánh đèn dầu hôi vàng vọt, tôi đọc những lời thơ của Huy Cận:

Các vị La Hán chùa Tây Phương
Tôi đến thăm về lòng vấn vương.
Há chẳng phải đây là xứ Phật,
Mà sao ai nấy mặt đau thương?

Ðây vị xương trần chân với tay
Có chi thiêu đốt tấm thân gầy
Trầm ngâm đau khổ sâu vòm mắt
Tự bấy ngồi y cho đến nay.

Có vị mắt giương, mày nhíu xệch
Trán như nổi sóng biển luân hồi
Môi cong chua chát, tâm hồn héo
Gân vặn bàn tay mạch máu sôi.

Có vị chân tay co xếp lại
Tròn xoe tựa thể chiếc thai non
Nhưng đôi tai rộng dài ngang gối
Cả cuộc đời nghe đủ chuyện buồn….

Các vị ngồi đây trong lặng yên
Mà nghe giông bão nổi trăm miền
Như từ vực thẳm đời nhân loại
Bóng tối đùn ra trận gió đen.

Mỗi người một vẻ, mặt con người
Cuồn cuộn đau thương cháy dưới trời
Cuộc họp lạ lùng trăm vật vã
Tượng không khóc cũng đổ mồ hôi.

Mặt cúi, mặt nghiêng, mặt ngoảnh sau
Quay theo tám hướng hỏi trời sâu
Một câu hỏi lớn. Không lời đáp
Cho đến bây giờ mặt vẫn chau.

Có thực trên đường tu đến Phật
Trần gian tìm cởi áo trầm luân
Bấy nhiêu quằn quại run lần chót
Các vị đau theo lòng chúng nhân?

Nào đâu, bác thợ cả xưa đâu?
Sống lại cho tôi hỏi một câu:
Bác tạc bấy nhiêu hình khổ hạnh
Thật chăng chuyện Phật kể cho nhau?

Hay bấy nhiêu hồn trong gió bão
Bấy nhiêu tâm sự, bấy nhiêu đời
Là cha ông đó bằng xương máu
Ðã khổ, không yên cả đứng ngồi.

Cha ông năm tháng đè lưng nặng
Những bạn đương thời của Nguyễn Du
Nung nấu tâm can, vò võ trán
Ðau đời có cứu được đời đâu.

Ðứt ruột cha ông trong cái thuở
Cuộc sống giậm chân hoài một chỗ
Bao nhiêu hi vọng thúc bên sườn
Héo tựa mầm non thiếu ánh dương.

Hoàng hôn thế kỷ phủ bao la
Sờ soạng, cha ông tìm lối ra
Có phải thế mà trên mặt tượng
Nửa như khói ám, nửa sương tà.

Các vị La Hán chùa Tây Phương!
Hôm nay xã hội đã lên đường
Tôi nhìn mặt tượng dường tươi lại
Xua bóng hoàng hôn, tản khói sương.

Cha ông yêu mến thời xưa cũ
Trần trụi đau thương bỗng hoá gần!
Những bước mất đi trong thớ gỗ
Về đây, tươi vạn dặm đường xuân.

Huy Cận làm bài thơ trên ngày 27 tháng 12 năm 1960. Ðây là bài thơ khá nhất mà Huy Cận làm sau năm 1945. Ý bài thơ là xã hội Việt Nam trong bao nhiêu năm bị chìm đắm trong vô vọng, ông cha ta nhiều lần vất vả tìm đường đưa dân tộc đến hạnh phúc, nhưng tất cả chỉ là công toi, nhân dân vẫn quằn quại trong đau khổ, bao đời ông cha ta:

Hoàng hôn thế kỷ phủ bao la
Sờ soạng cha ông tìm lối ra…

..đau đời có cứu được đời đâu!

… chỉ đến khi “ Bác Hồ muốn kính, ngàn yêu” của Huy Cận đem búa liềm về nước đập đầu, cắt cổ nhân dân, nước Việt mới tươi sáng, người Việt mới thoát khỏi cuộc sống u tối. Huy Cận phấn khởi hồ hởi ca:

Ngày hôm nay xã hội đã lên đường…

Nhờ Chủ nghĩa Mác-Lê, nhờ có “Bác Hồ” theo đít “Ông Sít, Ông Mao,” người Việt mới thành người.

Như Tố Hữu, Huy Cận ca tụng “Chủ nghĩa Mác-Lênin bách chiến bách thắng, Ðảng Cộng Sản Vô Ðịch, Ðảng Cộng Sản muôn năm..” Những lời ca tụng hơi sớm. Cả hai anh Tố Hữu, Huy Cận cùng tưởng bở.

Tháng Tư năm 2011, 60 năm sau ngày Huy Cận đi thăm Chuà Tây Phương ở Sơn Tây, xem 18 Pho Tượng Gỗ La Hán trong chùa, về làm bài thơ “Các Vị La Hán Chuà Tây Phương,” anh con của Cù Huy Cận, anh Cù Huy Hà Vũ – cái tên hôi mùi Ghẻ Tầu, Sâu Quảng Ba Tầu Bắc Kinh Cộng Sản – bị bọn Bắc Cộng bắt, còng tay đưa ra toà, phang án 7 năm tù. Theo tôi – CTHÐ – chính danh thủ phạm trong vụ này là Cù Huy Cận, không phải là Cù Huy Hà Vũ.

Tôi viết: “Sau 1945, Huy Cận chỉ làm được có một bài thơ đáng kể; đó là bài Các Vị La Hán Chùa Tây Phương”. Tất cả những bài thơ Huy Cân làm sau năm 1945 đều là Thơ Ruồi Bâu, như bài thơ này:

Sớm Mai Gà Gáy (1962 – Tuyển Tập HUY CẬN 1986)

Tiếng gà gáy ơi! Gà gáy ơi..!
Nghe sao ấm áp, tựa nghe đời
Tuổi thơ gà gáy ran đầu bếp
Trâu dậy trong ràn, em cựa nôi.

Cha dậy đi cày, trau kịp vụ
Hút vang điếu thuốc, khói mù bay
Nhút cà, cơm ủ trong bồ trấu
Chút cá kho tương, mẹ vội bày.

Gà gáy nhà ta, gáy láng giềng
Ta nghe thuộc mỗi tiếng gà quen
- Cha ơi, con chửa nghe gà chú!
- Nó cũng như mày, hay ngủ quên.

Hàng cau mở ngọn đón ngày vào
Xóm nhỏ nép bên triền núi cao
Gà lại gáy dồn thêm dịp nữa
Nắng lên xoè quạt đỏ như mào.

Gà gáy ơi! Tiếng gà gáy ơi..!
Nghe sao rạo rực buổi mai đời!
Thương cha lủi thủi không còn nữa
Chẳng sống bây giờ thôn xóm vui!

CTHÐ: Gà chú…!

Gà ngủ quên…!

Thơ Xã Hội Chủ Nghiã Fi-ní Lô Ðia. Hết nước nói!

Em nhỏ lên ba đọc cũng thấy sự ngớ ngẩn trong bài thơ Gà Chú trên đây của Huy Cận. Tôi không thể ngờ người thi sĩ năm xưa làm những câu thơ:

Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong
Hôm xưa Em đến. Mắt như lòng
Nở bừng ánh sáng, Em đi đến
Gót ngọc dồn hương, bước tỏa hồng.

Em đẹp bàn tay ngón ngón thon
Em duyên đôi má nắng hoe tròn
Em lùa gió biếc vào trong tóc
Thổi lại phòng anh cả núi non.

Lại có thể thở ra những lời thơ thối đến như thế!

o O o

Nhắc lại: Thơ Huy Cận trước năm 1945 thật Hay. Hôm nay tôi viết lại ở đây hai bài Thơ mà khi đọc 60 năm xưa tôi thấy Hay; năm nay ở xứ người tuổi đời tròm trèm Tám Bó, đọc lại tôi thấy Thơ Hay thật là Hay. Trong nhiều năm tôi đã quên hai bài Thơ này, tôi chắc nhiều vị Khưá Lão Yêu Thơ trạc tuổi tôi cũng quên như tôi, nhiều người Việt Trẻ chưa một lần đọc hai bài Thơ Huy Cận này:

Nhạc Sầu

Ai chết đó? Nhạc sầu chi lắm thế?
Chiều mồ côi, đời rét mướt ngoài đường,
Phố đìu hiu màu đá cũ lên sương,
Sương hay chính bụi phai tàn lả tả?
Từng tiếng lệ: ấy mộng sầu úa lá,
Chim vui đâu? Cây đã gẫy vài cành.
Ôi chiều buồn! Sao chiều quá mong manh!
Môi tái nhạt nào cười mà héo vậy?

Ai chết đó? Trục xoay và bánh đẩy,
Xe tang đi về tận thế giới nào?
Chiều đông tàn, lạnh xuống tự trời cao.
Không lửa ấm. Chắc hồn buồn lắm đó.
Thê lương vậy mà ai đành rời bỏ
Trần gian sao? Ðây thành phố đang quen,
Nhưng chốc rồi nẻo vắng đã xa miền
Ðường sá lạ, thôi lạnh lùng biết mấy!

Và ngựa ơi, đi nhịp đầm chớ nhẩy
Kẻo thân đau chưa quên nệm giường đời.
Ai đi đưa, xin đưa đến tận nơi
Chớ quay lại nửa đường mà làm tủi
Người đã chết, một vài ba đầu cúi
Dăm bẩy lòng thương xót đến bên mồ.
Ðể cho hồn khi sắp xuống hư vô
Còn được thấy trên mặt người ấm áp
Hình dáng cuộc đời từ đây xa tắp.

Xe tang đi, xin đường chớ gập ghềnh!
Không gian ơi, xin đừng quá mông mênh!
Ảo não quá, trời buổi chiều vĩnh biệt!
Và người nữa! Tiếng gió buồn thê thiết
Xin lặng giùm cho nhẹ bớt cô đơn.
Hàng cờ đen là bóng quạ chập chờn
Báo tin xấu, dẫn hồn người đã xế!

Ai chết đó? Nhạc buồn chi lắm thế?
Kèn đám ma hay tiếng ấy đau thương
Của cuộc đời? Ai rút tự trong xương
Tiếng nức nở gửi gió đường quạnh quẽ.
Sầu chi lắm Trời ơi…! Chiều tận thế!

Trình Bày

Tôi sẽ đến trước mặt Người: Thượng Ðế
Ðể kêu than, khi tôi đã lià đời.
Khi lá rụng và hồn tôi đã xế
Về bên kia thế giới của loài người.

Trước Thượng Ðế hiền từ tôi sẽ đặt
Trái tim đau khô héo thưở trần gian.
Tôi sẽ nói: “Này đây là nước mắt
“Ngọc đau buồn nguyên khối vẫn chưa tan.”

Người biết đấy, lòng tôi trong trắng lắm.
Người cho sao, tôi giữ vậy như gương.
Mặt trời đẹp, sắc đời đua nở thắm.
Tôi đã dành mang nặng nghiệp yêu thương.

Từng bước lạnh teo, một mình lủi thủi,
Tin ngây thơ: hồn sẽ hiểu qua hồn.
Tôi đâu biết thịt xương là sông núi,
Chia biệt người ra từng xứ cô đơn.
Cả linh hồn tôi đem cho trọn vẹn.
Vốn nhà nghèo không quen thói bán buôn,
Ðến những kẻ mới vờ duyên hứa hẹn
Tôi cũng cho trọn vẹn cả linh hồn.

Ðầu gối rã, tôi đứng chờ đã mệt,
Tôi trông mong, hai mắt tối đen rồi.
Tôi đã khóc những đêm sầu đến chết
Thưở trần gian. Xin Thượng Ðế thương tôi.

Thưở non dại lòng tôi say mến bạn,
Khi thanh xuân tôi vội chạy theo tình.
Nhưng cô độc đã thầm ghi trên trán,
Lòng lạc loài ngay từ thưở sơ sinh.

Lòng tôi đây, trọn một đời thương nhớ,
Hồn tôi đây, thiên hạ bỏ đìu hiu.
Người nhìn xem: chân tôi muôn dấu rỗ
Thủng gai đời, đây tay với tình yêu.

Hỡi Thượng Ðế..! Tôi cúi đầu trả lại
Linh hồn tôi đà một kiếp đi hoang.
Sầu đã chín! Xin Người thôi hãy hái
Nhận tôi đi, dù Ðiạ ngục, Thiên đường.

Rồi tôi khóc, và đầu tôi ngã gục
Mắt tôi mờ, và tay của tôi xuôi.
Không biết nữa! Thiên Ðường hay Ðịa Ngục!
Quên, Quên, Quên đã mang trái tim người.

o O o

CTHÐ: “Ôi..Các vị La Hán Chùa Tây Phương…”

Nó ca: “Hôm nay xã hội đã lên đường..”

Nó cho các vị đi tù mút chỉ..

Nay đau thương gấp ngàn xưa đau thương.

Thơ Hạnh Phúc chỉ là Thơ Phét Lác

Sít, Lê rồi Hồ nằm bãi rác.

Oan gia Cù Vũ ra toà.

Nhưng:

Chính danh thủ phạm tên là Cù Cân

Hoàng Hải Thủy

Không có nhận xét nào: