Kính chào qúy độc giả!
Mùa xuân đã về, cây đã đâm chồi xanh, hoa đã ươm nụ hồng nhưng các vùng ngoại ô khác còn đang giá lạnh và những cơn lốc vẫn cứ xoáy banh nhà, xoáy vào lòng người những tang thương khó mà lành kịp. Cứ mỗi độ tháng tư mùa xuân về, bên kia tưng bừng tổ chức kỷ niệm “chiến thắng thống nhất”, bên này như bị khơi lại vết thương lòng của những người thất trận trong ngày “quốc hận – 30/4″. Mừng hay hận là “truyện dài” chưa có đoạn kết nhưng chuyện cái tên thành phố bị đổi tên đã lâu là nỗi đau thương của toàn dân tộc. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, “Hòn Ngọc Viễn Đông” – Sài Gòn đã bị xóa trên bản đồ Việt Nam và thế giới để thay vào đó là một cái tên dài nhằng không ăn nhập: Thành phố Hồ Chí Minh (2/7/1976). Thế nhưng, nếu không vì lý do chính trị, việc thay tên, đổi họ một thành phố lớn, sầm uất, xinh đẹp bậc nhất Việt Nam cũng đồng thời là thủ đô của một “cựu” chính thể Cộng Hòa Miền Nam là một việc trước tiên mà thể chế thay thế không nên làm. Vì sao?
Có 3 lý do chính như sau:
Thứ nhất, đứng về phương diện nguồn gốc lịch sử địa dư chí, nước Việt Nam có 3 miền theo thứ tự thời gian là Hà Nội – Huế – Sài Gòn. Chỉ cần viết xuống: Hà Nội – Huế – Hồ Chí Minh là thấy bất ổn vì địa danh và con người đứng ngang hàng không phù hợp. Để chữa cháy, người ta phải thêm: Hà Nội – Huế – thành phố Hồ Chí Minh, nghe càng khó chịu! Thêm tên ông Hồ, tên nhân vật lịch sử hay danh nhân nào đó ở đây, đọc lên, chúng ta nghe “chướng tai, gai mắt” tự nhiên chứ chưa nói thù ghét ai cả!
Thứ hai, đứng về phương diện nhân vật lịch sử. Nhân vật Hồ Chí Minh chưa rõ ràng nguồn gốc lý lịch là họ Hồ hay họ Nguyễn và chưa phải là nhân vật có công “khai thiên phá thạch” hạng nhất để được lưu tên ở tại thành phố mà hơn 7 triệu nhân dân ở đó còn xa lạ để cung nghinh. Áp đặt một cái tên không qua trưng cầu dân ý như thế, khác nào cưỡng ép? Chúng ta chưa nói tới cái tên Hồ Chí Minh gây phản cảm bấy lâu nay. Ông Hồ Chí Minh hay Nguyễn Tất Thành hoặc Nguyễn Ái Quốc là người có công lãnh đạo nửa đất nước giành lại độc lập, tự do từ tay thực dân Pháp và phát xít Nhật năm 1945 – 1954 mà những người kế nhiệm của ông đã Nam Tiến để thống nhất Bắc – Nam năm 1975. Đồng thời, đây cũng là nhân vật lịch sử có tiếng tăm đã lãnh đạo chính phủ theo thể chế Cộng Sản mà Liên Xô là cái nội của thành trì cách mạng 1917 và sụp đổ năm 1991. Thể chế này đã gây những lỗi lầm trong các chính sách ở Việt Nam như “Cải Cách Ruộng Đất” (1953-1956) , 8 lần “Kế Hoạch Hóa 5 Năm…” với “Chế Độ Bao Cấp” dẫn đến nạn bị coi như “diệt chủng”. Đồng thời, thể chế này “Chính Trị Hóa Văn Nghệ” dẫn tới những mối oan khiên “Nhân Văn – Giai Phẩm” đã đưa đất nước thục lùi mấy chục năm và chính phủ phải nhiều lần sửa sai. Nếu vì công lao “to lớn” của ông Hồ mà đưa tên ông ta vào một thành phố lớn như vậy, chẳng khác nào, chúng ta đã “phóng nhanh vượt ẩu” qua mặt Gia Long – Nguyễn Ánh hay đúng hơn là dòng họ chúa Nguyễn – Nguyễn Phúc… vì họ mới là những người “khai thiên lập địa” Sàicôn tức Sài Gòn. Còn nói là ông Hồ có công khai sinh nước Việt Nam như George Washington đã khai sinh ra nước Hoa Kỳ, nếu xếp hàng đề cử giải “Nobel” đặt tên thành phố, ông Hồ cũng chỉ đứng áp chót! Nếu như muốn lấy tên người có công khai phá đất nước đặt tên một thành phố, phải là Hồng Bàng, Hùng Vương… Thế nhưng, ông cha ta ngày xưa đã khiêm tốn không tự đặt tên cho mình là tên của một thành phố, sao nay cháu con ta lại ngang nhiên đẹp lòng người nay, chua cay người trước? Thật ra, xét về phương diện dân tộc, những cái tên anh hùng dân tộc và danh nhân văn hóa đã đi vào lòng người như Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ…, nếu thành phố nào mang tên họ, không ai có thể tùy tiện hay nỡ lòng hoặc dám “vuốt mặt không nể mũi” xóa đi như thành phố Washington, tiểu bang Washington. Nhưng cái tên Hồ Chí Minh, không phải là ai cũng nghiêng mình kính nể nên chuyện không sớm cũng muộn, thành phố Sài Gòn phải “trả lại tên cho em”. Còn nói đúng hơn, nếu phải đặt tên cho người sáng lập đất Sài Gòn, chúng ta phải đặt tên thành phố Nguyễn Hữu Cảnh (tướng của chúa Nguyễn Phúc Chu).
Chúng ta có thể hỏi: Tại sao phải thay đổi tên Sài Gòn mà không thay đổi tên Huế và Hà Nội? Chúng ta đều có thể lý giải. Nếu cha ông chúng ta qua các triều đại đều mang tư tưởng xóa sạch vết tích một “vương triều”, chúng ta sẽ thất kinh khi nghe Hà Nội, Huế mang tên thành phố Hồng Bàng, An Dương Vương, Hai Bà Trưng, Triệu Việt Vương, Lý Nam Đế, Mai Hắc Đế, Phùng Hưng, Khúc Thừa Dụ, Dương Diên Nghệ, Đinh Tiên Hoàng, Ngô Quyền, Lê Đại Hành, Lý Thánh Tông, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Trần Thánh Tông, Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông, Trịnh Tùng, Nguyễn Hoàng, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh, Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu… Ngay cả những tên cướp ngôi như Kiều Công Tiễn, ngu si, ác độc và hoang dâm vô độ như Lê Ngọa Triều, hay hèn như Mạc Đăng Dung cũng không hề nghĩ đến chuyện lấy tên mình để vinh danh tên một làng, một xã, huống hồ là một thành phố, một thủ đô tráng lệ, huy hoàng! Ngay cả khi người ta muốn lấy lại tên Thăng Long cho Hà Nội cũng chưa chắc hợp lẽ đời. Ngay cả một nước lớn như Trung Quốc, chẳng có tên lãnh tụ nào được lấy đặt tên cho 33 đơn vị hành chính gồm các tỉnh, thành phố của họ và chẳng có thành phố nào mang tên Mao Trạch Đông! Mới nói, những cái tên địa danh, công đức đã được nhân dân hóa luôn tồn tại vĩnh viễn, còn những cái tên chuyển đổi cho vừa lòng hôn quân, cho đẹp ý bạo chúa, vị tất sẽ mau chóng bị trả về nguyên quán. Ví dụ như những tà áo dài trắng, tên “tiểu học, trung học”, “nhạc vàng phản động”, “văn hóa phẩm đồi trụy” từng bị cấm chỉ, nay đã trở lại nguyên hình sau mấy chục năm tưởng chừng như quên lãng! Vậy sao, người ta quên lãng việc trả tên lại cho Sài Gòn? Trong khi đó, ở Liên Xô cũ, người ta có thành phố Leningrad tức thành phố Sankt-Peterburg bị đổi tên theo người sáng lập chủ nghĩa xã hội là – Vladimir Ilyich Lenin tức Vladimir Ilyich Ulyanov. Sau khi Lenin mất và thành trì xã hội chủ nghĩa bị sụp đổ năm 1991, thành phố Leningrat được trả lại tên cũ trong 1 cuộc trưng cầu ý dân. Còn Việt Nam thì sao?
Thứ ba, đứng về phương diện nghệ thuật. Cái tên “Thành phố Hồ Chí Minh” đã làm cho Sài Gòn mất đi những tháng năm thơ nhạc. Điểm lại những bài thơ, bản nhạc viết về Hà Nội – Huế, chúng ta thấy hằng hà sa số nhưng với Sài Gòn tức thành phố Hồ Chí Minh, không có nhiều bài. Có chăng chỉ là “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” (Xuân Hồng), “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người” (Cao Việt Bách) mang màu sắc chính trị mà các ca sĩ không dại gì mà “hát cho dân tôi nghe”. Ngoài ra, nếu không muốn nhắc tới tên thành phố Hồ Chí Minh hay Sài Gòn, các nhạc sĩ chỉ có thể lấy chung chung như “Thành phố 10 mùa hoa” (Phạm Tuyên), “Đêm thành phố đầy sao” (Trần Long Ẩn), “Thành phố của tôi” (Phan Nhân), “Tự hào thanh niên thành phố anh hùng” (Kiều Tấn Minh)… Rất khó thành công khi lấy tên thành phố mới để đặt tên cho bài hát, nhiều nhạc sĩ phải quay về lớp áo Sài Gòn trước đó như “Tiến về Sài Gòn” (Lưu Hữu Phước), “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn” (Lư Nhất Vũ), “Hà Nội – Huế – Sài Gòn” (Hoàng Vân), “Nhớ Sài Gòn” (Quốc Hùng), “Lý nắng Sài Gòn” (dân ca), “Sài Gòn mưa, Sài Gòn nắng” (Trần Long Ẩn). Nổi bật, vẫn là “Sài Gòn đẹp lắm” của Y Vân trước 1975 là có giá trị thời gian. Vẫn ít ỏi qúa so với những bài hát đứng xếp hàng rồng rắn ca ngợi Hồ Chí Minh. Về thơ ca? Trang thơ về thành phố có tên mới cũng đang trầm tích dưới cái tên Sài Gòn. Bây giờ, một bài thơ được gọi có hồn hầu như phải bắt đầu bằng cái tên Sài Gòn vì Sài Gòn chính là nguồn động lực sáng tạo chân chính! Nếu chúng ta dùng tên Sài Gòn trong các tác phẩm nghệ thuật phi chính trị của chúng ta, chắc chắn, bộ phận “khuyển – mã” biên tập sẽ đục mất hai từ Sài Gòn cũng như họ đã thay từ “lạ” để ám chỉ Trung Quốc như “tàu lạ”, “xe lạ” rồi sẽ đến “người lạ”… xâm lấn Việt Nam. Thế giới nghệ thuật về Sài Gòn với cái tên lạ hoắc cũng hoàn toàn chỉ là những dấu chấm than! Sài Gòn khao khát được trở về những ngày thơ ấu với thành phố xanh chưa bị dòng ô nhiễm phủ tràn với câu hò trầm buồn, tha thiết “Nhà Bè nước chảy chia hai… “
Tóm lại, thương yêu đất nước là thương yêu dân tộc 3 miền, là trân qúy ý nghĩa, là trân trọng tên gọi đã thành dấu triện son trong lịch sử Việt Nam. Rút kinh nghiệm, nếu ngày sau, chúng ta có thể chế mới cũng xin đừng đổi tên Hà Nội – Huế – Sài Gòn cũng như đừng thay đổi những con đường với những cái tên anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa đã trở thành bất tử. Tốt hơn, hãy để những con đường mang tên địa danh của chính nó. Bây giờ, hãy trả lại tên cho thành phố Sài Gòn để Sài Gòn bay lên bằng đôi cánh nghệ thuật hùng vĩ như những ngày trước 1975. Một người “thường trực” làm chuyện phi nhân nhưng có một ngày, họ bỗng… ” đột xuất” cứu người khốn khổ. Họ có thể “trâu chết để da”. Một thể chế hằng ngày có “quáng” làm chuyện bất nhân nhưng cuối cùng “sáng” tháo còng, mở củi. Thể chế đó cũng coi như gội rửa tội lỗi chất chồng “ngàn năm bia miệng” mà thành “ngàn năm bia đá“. Một ngày đợi sáng! Ngày ấy chưa biết là ngày nào, nhưng chắc là phải có. Ngày thông minh đột xuất ấy nên lấy ngày 30 tháng 4 năm 2012. Nếu năm 2012 là ngày thế giới tận thế, coi như đó cũng là ngày anh em dân tộc Việt Nam 3 miền Hà Nội – Huế – Sài Gòn (không còn là thành phố Hồ Chí Minh), “chết cũng nhắm mắt” khi kẻ thắng đã thôi huênh hoang còn người thua chẳng còn cay nghiệt. Còn không phải ngày tận thế thì cũng là ngày tắt triều cường thù hận, nhóm bếp lửa bạn bè. Vậy, bên kia bỏ bớt vui mừng thái qúa, phương này hãy nén tủi nhục chất chồng mà hòa vào một ước mơ chung cho Sài Gòn – thành phố niềm thương và nỗi nhớ không riêng ai, qúy độc giả nhé!
Kính chào. Xin hẹn thư sau.
Ngọc Thiên Hoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét