Thứ Năm, 26 tháng 5, 2011
Thách thức quản lý sông ngòi : “Quyền lợi thì nhận, trách nhiệm thì không”
Thanh Tuyền (SGTT) - Chỉ 30% những phản hồi bức xúc của người dân với cơ quan quản lý về vấn đề suy thoái sông ngòi được phản hồi, trên 30% cộng đồng dân cư không biết làm gì để bảo vệ sông ngòi… Với những số liệu được trung tâm Con người và thiên nhiên (PanNature) công bố ngày 24.5 tại Hà Nội, dường như những vấn đề ô nhiễm sông, chất lượng nước hay suy giảm về nguồn lợi thuỷ sản không đáng báo động bằng vấn đề nhận thức trách nhiệm.
Ô nhiễm, suy giảm và sạt lở
“Việt Nam có 2.360 sông và 26 phân lưu, hơn 7.000km đê sông và đê biển. Rất nhiều các sông đều có đập dâng, hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện… Nhưng bây giờ nếu hỏi sắt đâu, vàng đâu, thì phải hỏi thổ phỉ!” Các thác đẹp đều bị ngập chìm dưới các hồ chứa! GS.TS Ngô Đình Tuấn, chủ tịch hội đồng khoa học viện Tài nguyên nước và môi trường Đông Nam Á đã bắt đầu tại buổi hội thảo “Sông ngòi Việt Nam dưới góc nhìn của báo chí và cộng đồng” ngày 24.5 như vậy.
Bà Trần Thanh Thuỷ (PanNature) đã đưa ra kết quả về cuộc khảo sát lấy ý kiến của 1.300 hộ dân tại chín xã, ba tỉnh thành tại các lưu vực sông Hồng, sông Thái Bình, sông La, sông Vu Gia, sông Thu Bồn xung quanh tác động của phát triển đối với sông ngòi, tài nguyên nước, ảnh hưởng tới sinh kế nhai. Theo bà Thuỷ, từ năm 2006 – 2010, số lượng các bài báo phản ánh trên báo chí về các vụ việc liên quan đến sông ngòi tăng gấp đôi; 87% hộ cho rằng, chất lượng nước đã ô nhiễm, trong đó các nguyên nhân chính đến từ các khu công nghiệp, khai thác khoáng sản, thuỷ điện, ngăn đập…
Đoạn “sông chết” – tên mà người dân La Ngà đặt cho con rạch lớn đổ ra sông La Ngà có họng xả của hai công ty: cổ phần mía đường và men Mauri La Ngà. Ảnh: Quốc Ấn
85% hộ dân cho rằng, tình trạng sạt lở sông ngòi ngày càng nhiều hơn, trong đó, nguyên nhân chính gây sạt lở là do đập thuỷ điện, tiếp đó là khai thác cát, thiên tai, phá rừng… Gần 100% người dân được hỏi cho biết nước bị ô nhiễm khiến nguồn cá suy giảm, 61% đồng tình với việc những nguồn lợi từ nước ngày càng khan hiếm.
Sáng kiến uỷ ban lưu vực sông
Phân tích về những lý do suy thoái sông ngòi, GS.TS Ngô Đình Tuấn cho hay, các chất thải từ các nhà máy, làng nghề, bệnh viện… trực tiếp xả nước ra sông chưa qua xử lý là “thủ phạm” đầu tiên. Cụ thể, khối lượng xả ít thì gây ô nhiễm từng khúc sông như đoạn Lâm Thao – Việt Trì với nhà máy giấy Bãi Bằng; sông Hương với nhà máy bia Huda; sông Trà Khúc với nhà máy đường Quảng Ngãi. Khối lượng xả nhiều thì gây ô nhiễm cả sông như Thị Vải, hay hạ lưu sông Cầu với hơn 200 làng nghề tại Bắc Ninh và Bắc Giang. Tiếp đến là việc suy thoái do bịt cửa vào để khai thác nông nghiệp, phân lũ khi cần thiết tại sông Đáy – sông Nhuệ. Ngoài ra, còn do chia sẻ nguồn nước, khai thác thuỷ lợi bằng đập dâng, do xây dựng nhiều bậc thang thuỷ điện trên một hệ thống sông, do khai thác cát gây xói lở bờ sông…
Theo ông Cao Việt Dũng (PanNature), từ suy giảm, ô nhiễm, biến dạng dòng chảy cho tới khí hậu, thiên tai lại liên quan tới vấn đề biên giới, các lưu vực. Các quốc gia, các địa phương trên cùng một dòng sông ai cũng có quyền khai thác lợi ích cho mình, nhưng để nhận trách nhiệm giải quyết khi có sự cố, thì ít ai nhận, nên khó giải quyết triệt để. Hiện có hai hình thức tổ chức lưu vực sông là ban quản lý quy hoạch lưu vực sông (Hồng – Thái Bình, Đồng Nai, Cửu Long và Vu Gia – Thu Bồn) và hội đồng lưu vực sông (Srepok và sông Cả). Theo các chuyên gia sông ngòi, các hình thức này hiện bộc lộ nhiều hạn chế thiếu hiệu quả khi khung quản lý chưa tập trung thống nhất từ trung ương đến địa phương. Trên thực tế, chưa có văn bản quy hoạch lưu vực hay quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt, chưa có cơ chế thu hút người dân tham gia quản lý lưu vực sông.
Được biết, sáng kiến thành lập uỷ ban lưu vực sông tiếp tục được đưa ra trong lần sửa đổi luật Tài nguyên nước lần này. Ông Dũng cho rằng, khi đã có uỷ ban lưu vực sông, chủ tịch uỷ ban lưu vực sông cần có đủ quyền để giải quyết vấn đề mang tính liên ngành, liên vùng để có thể làm việc với người đứng đầu UBND tỉnh trong lưu vực, hoặc các bộ ngành. Cần tránh chồng chéo trong chức năng quản lý lưu vực sông giữa cục Quản lý tài nguyên nước (bộ Tài nguyên và môi trường), cục Thuỷ lợi (bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn)…
THANH TUYỀN
Nguồ n: Báo SGTT
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét