Pages

Thứ Ba, 12 tháng 7, 2011

Bản Giao Hưởng Biển Ðông số 1

Theo dõi biến động thời sự biển Ðông, chưa lúc nào mặt trận biển Ðông sóng gió tứ phương thổi về ầm ĩ như lúc này. Có người mừng thầm Mỹ trở lại Ðông Nam Á để cứu Việt Nam để thoát khỏi ách độc tài CS, có người cho rằng sắp đánh nhau to rồi, có người lại đòi cá cược kỳ này Obama sẽ dậy cho Tàu một bài học.

Bản đồ biển Ðông. (Hình: buzztin.com)

Mới đây, từ tháng Tư, người ta đã thấy nhen nhúm khói súng khét lẹt từ họng những khẩu đại bác trên các chiến hạm, tuy không ai biết rõ nòng súng hướng về đâu? Về hướng nhìn ra biển Thái Bình Dương, về hướng đất liền hay về hướng Hoàng Sa-Trường Sa. Ấy là bởi vì có ai ở ngoài biển Ðông đâu mà chứng kiến.

Trong khi đó, chiến hạm Trung Cộng tập trận liên tục ngoài biển Ðông, hải quân của họ chuẩn bị tấn công hay phòng thủ? Nếu tấn công thì đánh vùng nào trước? Chưa thể biết được, nhưng chắc là bộ đội VN cũng chuẩn bị nghênh chiến không bị động bất ngờ như trận biên giới 1979.

Nhưng nếu hải quân tập trận để phòng thủ thì phòng thủ với ai? Chẳng lẽ với Philippines à! Quân lực Phi so với Trung Quốc hay so với hải quân Việt Nam (dù mới trang bị mấy chiếc kilo) cũng chẳng thấm vào đâu so với bộ đội hải quân vốn đã dầy dạn chiến trường.

Kế đến là các cuộc động binh của chiến hạm Ðài Loan, Phi Luật Tân, đổ bộ hàng tấn quân trang quân cụ lên các hòn đảo mà họ chiếm cứ. “Ngư ông và Biển cả” Hoa Kỳ trong câu chuyện lừng danh của Ernest Hemingway xuất hiện trong tư thế của một anh cả to lớn lực lưỡng biểu diễn hết chiến hạm này đến khu trục nọ. Chưa hết, hàng loạt các tàu chiến Ấn Ðộ, Pháp, Nga... bò đến thị uy vừa rao hàng vừa dương oai diễu võ. Ðấy là bối cảnh biển Ðông trong tháng vừa qua.

Ở một nơi cách biển Ðông nửa vòng trái đất, nhớ và viết về con sóng bên bờ Thái Bình Dương này từ lâu đã quên, thật khó. Chợt một lúc ngồi trầm ngâm ngắm cây dương cầm buồn bã im hơi, mở lại cuốn phim The Pianist, lặng lẽ nghe lại Nocturne của Chopin (in C-sharp minor Lento con gran espressione, Opposth; Mazurka in A minor, Op. 17, No.4.); Moonlight Sonata của Beethoven; Ballade No.1 (in G minor, Op. 23.); một bên là tin tức khói súng dồn dập, là chiến hạm, là đề đốc này, đô đốc nọ, là chính khách tuyên bố này tuyên bố nọ; một bên là âm nhạc, với anh chàng nhạc sĩ tài tử piano Ðại úy Ðức Quốc Xã Wilm Hosenfel (do ngôi sao điện ảnh Thmas Kretschmann đóng) với anh chàng nhạc sĩ piano nhà nghề Szpilman (do tài tử Adrien Brody Wladyslaw đóng).

Xem cả cuốn phim, nhà báo thích nhất đoạn cuối phim diễn tả cảnh trốn chui trốn nhủi của chàng nhạc sĩ piano Szpilman trong cơn đói cơn sợ (có phần giống đời mình một thời đã qua), trên căn gác xếp của một vi-la hoang tàn, bất ngờ chàng nghe được tiếng dương cầm vọng lên. Lắng qua độ vài giây, chàng nhạc sĩ tài danh lộ vẻ “vô cảm” trước tiếng đàn, chắc chàng “chê” ngón đàn non nớt, chàng đang mải lục lọi tìm cái gì có thể nuốt được, đang mải loay hoay khui cái lon đồ hộp, không hề biết đang đứng trước mũi giầy của viên đại úy Ðức Quốc Xã. Người nhạc sĩ của phòng phát thanh Ba Lan run rẩy tái xanh tái mét đứng chết lặng dưới cái nhìn ngạc nhiên của viên sĩ quan công an, ấp úng không thốt nên lời.

Ở đây phải nói đến cung cách oai phong và đôi mắt nghiêm nghị của viên đại úy công an Ðức Quốc Xã. Cung cách của một kẻ đầy quyền lực chợt biến đổi cái nhìn về phía cung đàn dưới bàn tay của một kẻ “homeless lưu vong” dạo lên khúc Ballade G minor của Chopin, đôi mắt của kẻ ác toát ra lòng nhân ái bao la trước con giun oằn dưới bạo lực. Cuối cùng, viên đại úy công an đã đích thân mang từ ổ bánh mì, mứt nho, tới con dao khui đồ hộp “cứu đói” cho đồng loại.

Sau này, khi chiến tranh chấm dứt, chàng nhạc sĩ “homeless” piano tài hoa Ba Lan trở về với đời sống phong lưu, an toàn êm ấm ngồi trước phòng vi âm say sưa lướt trên phím đàn lãng mạn, thì chàng đã chẳng vội vàng gì đi giải cứu người đã từng cứu mình hiện đang là tù binh, trước đây đã tha chết và “cứu đói” mình trên căn gác xó xỉnh. Viên sĩ quan tù binh Ðức Quốc Xã Wilm Hosenfel chịu chết rục trong trại tù cải tạo Hồng Quân Xô Viết.

Bộ phim vẽ lên hai hình ảnh hai mẫu người trái ngược trong chiến tranh đã lột tả được hết cá tính của con người trong hoàn cảnh khắc nghiệt bi tráng.

Sức mạnh của những viên đạn đại bác nhả khói hòa âm cùng với sóng bển Ðông đang dồn dập dội vào tâm tư của người dân Việt lưu vong. Các nhạc trưởng chỉ huy các đại ban hạm đội đang soạn bản Giao Hưởng Biển Ðông bắt đầu dạo lên khúc nhạc chiến tranh và hòa bình để chơi trên đại hí viện bển Ðông?

Cá tính của những nhạc trưởng bộc lộ ra từng chương khúc. Chương mở đầu báo hiệu thời xa xưa của bển Ðông êm đềm nay không còn nữa, nhạc biển đang chuyển động dần dần, có khi vũ bão dưới bàn tay ảo thuật của các nhạc trưởng hải quân vung lên cây đũa.

Thế nhưng tại sao chương khúc biển Ðông lại chỉ là bản Giao Hưởng Biển Ðông số 2? Có số 2 thì phải có số 1.

Bản Giao Hưởng số 1 do nhạc trưởng Trung cộng và nhạc trưởng Việt Nam Cộng Hòa cùng hòa âm ở dàn nhạc Hoàng Sa vào ngày 19 tháng Giêng năm 1974. Những viên đạn đại bác xả vào các chiến sĩ khiến cho chiến hạm hai bên chìm lỉm dưới đáy biển và hàng trăm con người làm mồi cho cá.

Nhạc trưởng hai bên đều được tuyên dương công trạng. Trung cộng tuyên dương nhạc trưởng và các nhạc công của họ đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc trong việc “cướp biển-cướp đảo” theo tinh thần của bản Tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958. VNCH tuyên dương nhạc trưởng và các nhạc công của minh đã tận tụy hy sinh bảo vệ biển đảo bờ cõi quốc gia. Hai nhạc trưởng hạm trưởng chỉ huy bản giao hưởng Hoàng Sa không bao giờ gặp nhau và có lẽ sẽ không bao giờ gặp nhau để chia sẻ tâm tình như hai anh chàng Szpilman-Wilm Hosenfel.

Bản Giao Hưởng Biển Ðông-Hoàng Sa số 1 vẫn chưa chấm dứt. Sau khi nghỉ giải lao, khán giả được thưởng thức tiếp tài nghệ của hai nhạc trưởng mới là nhạc trưởng Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam và nhạc trưởng Cộng hòa Nhân dân Trung quốc cùng bóp cò đại bác hòa âm ở vùng biển đảo Gạc Ma ngày 14 tháng 3 năm 1988. Những viên đạn đại bác “tình đồng chí” khiến chiến hạm HQ 505, 604, 605 lớp chìm lớp cháy, kéo theo cả trăm sĩ quan thủy thủ loang máu chan hòa vùng biển Trường Sa, trầm mình dưới đáy biển sâu.

Kết thúc chương Gạc Ma, Trung cộng vênh váo tuyên dương nhạc phẩm “cướp biển-cướp đảo” và còn huênh hoang giới thiệu các chương trình đại hòa tấu khác sẽ trải rộng ra khắp biển Ðông. Chương mở đầu sẽ từ Vịnh Bắc Bộ (đảo lớn là Bạch Long Vỹ) xuống đến bồn trũng Nam Côn Sơn (giữa là quần đảo Hoàng Sa, và thoải dần xuống phía nam là quần đảo Trường Sa), lộng ngôn với thế giới, họ còn tự vẽ ra đường yêu sách chín đoạn thâu tóm hầu hết biển Ðông. Các nhạc trưởng của Trung cộng đang soạn hòa âm cật lực, củng cố đại dàn nhạc giao hưởng gồm hàng không mẫu hạm, chiến hạm, tầu ngầm, chiến đấu cơ, tên lửa và sắp tới đây là dàn khoan khổng lồ nhất thế giới sẵn sàng tham gia dàn nhạc.

(Còn tiếp)
Nguồn Người Việt.

Không có nhận xét nào: