Pages

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

Cần vẽ bản đồ đầy đủ về biên giới quốc gia


Với “tư duy đất liền”, lâu nay thầy giáo cô giáo dạy cho học trò rằng nước ta “hình chữ S”. Mảnh đất “hình chữ S” có diện tích 331.689 km2, chỉ mới là “lãnh thổ” (vùng đất), chiếm chưa tới 1/3 diện tích đất nước. Ta còn có một vùng biển rộng lớn với diện tích hơn 1 triệu km2, trên đó có hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, dĩ nhiên là bao gồm cả Hoàng Sa, Trường Sa. Không phải ngẫu nhiên mà cha ông ta gọi Tổ quốc mình là “Đất Nước”, tức là đã cẩn trọng nói rõ “Đất” và “Nước”, chứ không chỉ có “lãnh thổ” (Đất).

Thế nhưng cho đến nay vẫn chưa có một tấm bản đồ Tổ quốc bao gồm Đất và Nước phát hành rộng rãi cho học trò, cho người dân dễ đọc, dễ hình dung, dễ nắm bắt.
Một tấm bản đồ đầy đủ như vậy là vô cùng cần thiết. Để hình dung một cách đầy đủ biên giới quốc gia, cần chú ý các sự kiện sau đây:
Ngày 12.5.1977, Chính phủ Việt Nam (VN) ra tuyên bố về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN. Ngày 12.11.1982, VN ra tuyên bố về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải VN. Ngày 23.6.1994, VN phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Ngày 17.6.2003, nước ta ban hành Luật Biên giới quốc gia, trong đó xác định rõ biên giới quốc gia trên đất liền, trên biển, trên không và trong lòng đất.
Như vậy, theo luật pháp VN cũng như luật pháp quốc tế, ngoài lãnh thổ trên đất liền và trên các đảo, chủ quyền quốc gia của VN còn có Vùng nội thủy (nằm ở phía trong của đường cơ sở. Đường cơ sở là đường gãy khúc nối liền các điểm được lựa chọn tại ngấn nước thủy triều thấp nhất dọc bờ biển và các đảo gần bờ do Chính phủ xác định và công bố); Lãnh hải (vùng biển rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở); Vùng tiếp giáp (vùng biển rộng 12 hải lý tính từ ranh giới ngoài của lãnh hải); Vùng đặc quyền kinh tế (vùng biển rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở, hoặc 188 hải lý tính từ ranh giới ngoài lãnh hải, 176 hải lý tính từ ranh giới ngoài vùng tiếp giáp); Thềm lục địa (vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, thuộc phần kéo dài tự nhiên của lục địa VN, mở rộng ra ngoài lãnh hải VN cho đến bờ ngoài của rìa lục địa); Vùng trời và Lòng đất.
(Giữa Vùng đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa có khác biệt: Thềm lục địa là vùng đáy biển mở rộng ra ngoài lãnh hải, còn Vùng đặc quyền kinh tế là một định chế riêng biệt áp dụng cho cột nước phía trên đáy biển).
Căn cứ vào những tuyên bố chủ quyền phù hợp với luật pháp quốc tế trên đây, trên cơ sở các tọa độ được xác định, cần vẽ một tấm bản đồ VN với đầy đủ diện tích đất đai núi rừng sông biển.
Đối với biên giới trên đất liền thì chúng ta xác định trên cơ sở các hiệp định với các nước láng giềng. Riêng trên biển, nước ta cũng đã có các hiệp định phân định ranh giới với các nước liên quan, trên cơ sở đó xác định rõ đâu là vùng nội thủy, đâu là lãnh hải, đâu là vùng tiếp giáp, đâu là vùng đặc quyền kinh tế, đâu là thềm lục địa của VN bằng các màu sắc phân biệt rõ ràng để người dân và cộng đồng quốc tế nhìn vào đó mà nhận biết một cách dễ dàng về chủ quyền quốc gia VN. Đối với các đảo, cũng áp dụng đầy đủ các quy định để xác định chủ quyền trên biển liên quan đến các đảo đó. Riêng vùng trời và lòng đất tuy không vẽ được trên một bản đồ mặt phẳng (nhưng cần chú thích rõ để không ai được quên) nhưng có thể vẽ được bằng phương tiện đồ họa hiện đại.

Hoàng Hải Vân

Không có nhận xét nào: