Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011
Chuyến đi biển bầm giập của thuyền trưởng Nguyễn Thừa
SGTT.VN – “Chắc tại tui lỳ nên mới bị nó đánh…”. Mở đầu câu chuyện, thuyền trưởng Nguyễn Thừa, sinh 1973 ở xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi cười méo cả miệng khi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện con tàu QNg 98 868 TS có mười lao động khi hành nghề trên vùng biển Hoàng Sa bị người Trung Quốc trấn lột tài sản và đánh đập vào đầu tháng 7 vừa qua.
Anh Thừa kể, tàu QNg 98 868 TS xuất phát từ cảng Đà Nẵng vào ngày 16.6 và ra thẳng vùng biển Hoàng Sa.
Thuyền trưởng Thừa: “Nếu không đưa tay đỡ, né đòn, mình bị nó đập chết”.
Gặp tàu Trung Quốc
Không ngờ, mới ra biển được hai ngày, cách bờ chừng hơn 100 hải lý, tàu QNg 98 868 TS vừa thả lưới xong thì hai chiếc tàu màu trắng mang cờ Trung Quốc lù lù chạy đến chắn ngang mũi tàu cá QNg 98 868 TS. “Nhìn vào tui đoán đó là tàu thăm dò địa chấn của Trung Quốc. Mấy người trên tàu Trung Quốc ra hiệu bảo kéo lưới lên và đi vào bờ. Bọn tui đành làm theo”, thuyền trưởng Thừa nói.
Không chấp nhận nằm bờ khi đó là biển của mình, nên hôm sau, anh Thừa cho tàu ra khơi. Tuy nhiên, vừa “tránh vỏ dưa thì gặp vỏ dừa”, ngày 22.6, khi cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 130 hải lý, tàu của anh Thừa lại bị hai con tàu có màu xám trắng của Trung Quốc chặn đầu, bắt quay gấp vào bờ. Bị hai tàu Trung Quốc xua về, tàu của anh Thừa đành đánh bắt ở vùng biển cách Đà Nẵng chừng 80 hải lý được bốn đêm. Sau đó, mười ngư dân bàn nhau: “Phải tiến ra Hoàng Sa thôi vì ở đây không có nhiều cá!” Theo thuyền trưởng Thừa, vào sáng ngày 26.6, tàu cá của anh lại trực chỉ Hoàng Sa. Tại đây, cả tàu làm hùng hục, ngày nghỉ đêm làm, các hầm chứa cá ngày càng đầy lên.
Đến ngày 5.7, máy trưởng Nguyễn Hương (sinh 1967) nói, hôm đó, sau một đêm đánh bắt, chín lao động trên tàu QNg 98 868 TS tranh thủ ngủ trưa. Mới thiu thiu ngủ thì nghe tiếng một con tàu chạy rất gần. Bật dậy như lò xo, thuyền trưởng Thừa nói to: “Không kịp nữa rồi…” Lúc đó, phía trước là một chiếc bo bo chở khoảng mười người mặc áo xanh, tay cầm súng tiểu liên và dùi cui điện đang lao thẳng vào tàu cá QNg 98 868 TS. Sau chiếc bo bo là con tàu màu xám trắng to lớn mang số hiệu 44061. “Đây chắc là tàu cảnh sát biển. Lúc đó, tui chỉ biết la lên trong bộ đàm thông báo cho khoảng chục con tàu cá của Việt Nam đang đánh bắt xung quanh là tàu cảnh sát biển của Trung Quốc xuất hiện, hãy chạy đi, rồi tôi bẻ vô lăng chạy vòng tròn, cố tình không cho chiếc bo bo kia áp sát”, anh Thừa kể.
Đánh người, cướp cá
“Sau đó, một người Trung Quốc mặc đồ lính cầm súng đứng trên bo bo, còn khoảng mười người nhảy lên tàu cá, tay cầm súng tiểu liên, dùi cui điện, máy quay phim”, anh Thừa nhớ lại. “Tui vừa bước ra khỏi ghế cầm lái, hai người Trung Quốc đã nhào vào đánh. Tui đưa tay vừa đỡ, vừa né đòn của mấy thằng lính to con. Trong lúc né tránh, tui bị tụi nó gí dùi cui điện châm sau lưng, nên tui văng xuống biển. Sau đó, bọn họ đưa dây kéo lên…” Không chỉ thuyền trưởng bị đánh, những ngư dân còn lại trên tàu cũng bị mấy người Trung Quốc đánh tới tấp bằng dùi cui, bằng tay chân và báng súng. Sau đó, họ mang két, thùng, giỏ ở trên tàu 44 061 qua, rồi ra lệnh cho năm lao động trên tàu QNg 98 868 TS vào các hầm cá để xúc cá cho vào giỏ, két chở sang tàu 44 061. Sau một tiếng khống chế, tàu Trung Quốc đã cướp đi hơn một tấn cá và bốn tạ mực khô trên tàu QNg 98 868 TS.
Theo thuyền trưởng Thừa, đây là lần thứ hai trong năm, tàu cá của anh gặp cảnh ngộ này. Lần trước là vào đầu năm 2011, khi đánh bắt trên quần đảo Hoàng Sa, thì trên biển có áp thấp nhiệt đới. Tàu của anh Thừa và 19 tàu khác vào đảo Hoàng Sa núp gió, thì bị Trung Quốc trấn lột mỗi tàu từ 3 – 4 tạ cá.
Trao đổi với chúng tôi, chủ tịch UBND xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) Nguyễn Anh Tuấn cho biết, không riêng gì trường hợp anh Thừa, một năm qua, đã có năm con tàu cá của ngư dân trong xã bị các tàu Trung Quốc trấn lột tài sản trên biển kiểu này. Ông Trần Em, phó chủ tịch UBND huyện Đức Phổ cho biết, huyện có nghe thông tin vụ tàu anh Nguyễn Thừa, tuy nhiên, sự việc như thế nào thì huyện còn đang xác minh từ đồn Biên phòng 300 đóng trên địa bàn.
bài và ảnh: Phạm Anh
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét