Pages

Thứ Năm, 21 tháng 7, 2011

CÓ ĐÔI KHI TÔI KHÓC

Ở lứa U50 như tôi với những trải nghiệm trong cuộc đời, tâm hồn trở nên chai sạn trước những thăng trầm, “lên voi, xuống chó” thì “khóc” là một hành động cực kỳ xa xỉ. Không còn có thể khóc nhè vì làm nũng ” Mẹ bắt được, chưa đánh roi nào đã khóc”(1), cũng không còn có thể khóc được vì nữa đêm thức đậy, không thấy “ti” mẹ đâu? vì tối đó mấy anh em lỡ trùm chăn xem “Chương trình lúc không giờ”(2). Cũng không còn có thể thổn thức khóc vì “Một người yêu đã đi lấy chồng, một người quen thời đã sang sông”(3). Không còn có thể sụt sùi khi uống chén rượu cuốc lủi, được ngụy trang trong ấm nước chè, nhâm nhi vài hạt lạc rang trong một con ngõ heo hút của Hà Đông trong những ngày đông rét lạnh vì quá khổ và nhớ nhà. Cũng chẳng còn thấy cay mắt, nóng mặt, mỗi khi thủ trưởng mắng như tát nước vào mặt, bây giờ chỉ còn cười khẩy, mẹ mày có hơn gì tao, phong bì cũng đút túi, có khi còn dầy hơn tao.

Ở những anh em, còn trẻ hơn, tôi thấy đôi khi bệnh khô nước mắt, còn nặng hơn. Nhưng cũng phải thông cảm cho họ. Tâm hồn không chai sạn, khô khan sao được, khi mà ngay cả chuyện tình cảm cũng phải đặt lên bàn cân để đo đếm. Quen em nào, thành phần gia đình như thế nào? có cơ bản không? Trong đơn vị thì chẳng những “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên” mà muốn hanh thông quan lộ thì phải “đi rất nhẹ nhàng, nói đúng tiền đề, cười đúng định hướng”.

Trong cái định hướng chật hẹp “không đảng là địch(t), không địch(t) là đảng”, nhìn đâu cũng thấy “diễn biến hòa bình”, lúc nào cũng phải cảnh giác, đang cười đúng định hướng như Liên Xô, mà được nghe nó gọi mình là “đồng chí” thì chỉ có nước chờ lên thớt để chúng xẻ thịt. “Khóc”, lúc này chẳng qua chỉ vì bị chúng dồn phiếu đểu, cho làm vật tế thần.

Cái khóc từ trong tâm thức do nỗi đau của tha nhân(4) hoặc khóc vì vui mừng cho thiên hạ, trong xã hội vô cảm ngày nay quả cực hiếm. Cái khóc đó đôi khi nó là cái tài sản quý, thực sự còn sót lại của tính người, khi đã không màng tới bã danh lợi.

Thấm thía làm sao câu thơ của Alfred de Musset*:

“Le seul bien qui me reste au monde

Est d’avoire quelque fois pleuré”

(Điều tốt đẹp duy nhất còn sót lại trong tôi là có những lúc khóc được)

Vâng, tôi vẫn còn khóc được.

-Không khóc sao được, khi nghĩ đến những thế hệ cha anh đổ bao xương máu, những đồng bào tử nạn. Những người giờ này vẫn gửi nắm xương tàn, lây lất dưới bụi cỏ, lùm cây, bờ suối, mương ao…, không có ngày giổ chính thức để người thân thắp nén hương tưởng nhớ! Những người đã không tiếc thân mình để đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào theo tiếng gọi giải phóng Dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ mà không biết xương máu của đông đội và của chính mình đã bị bán rẻ, một cách âm thầm, hèn hạ vào một ngày 14/09/1958 và bằng hiệp định biên giới trên bộ 1991.

-Không khóc sao được khi những người lính Hải quân chế độ VNCH, chết mất xác trên biển, để bảo vệ chủ quyền Quốc gia vẫn bị gọi miệt thị là bè lũ tay sai bán nước, mặc dù nền đệ I và đệ II Cộng hòa miền Nam Việt Nam chưa hề ký bất cứ một Công hàm, Hiệp định, nhượng bất cứ 1cm2 nào cho bất cứ thằng Đế quốc, Thực dân nào.

-Không khóc sao được khi bao xương máu đổ ra, để đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào để chứng minh chân lý “ai thắng ai” , để thằng Tư bản phải “giẩy chết” mà giờ đây công nhân Việt Nam phải làm việc với đồng lương chết đói dưới điều kiện lao động của đầu thế kỷ 19. Mang tiếng là người dân của nước

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc

Nhưng đến đi tiểu cũng phải xin phép và không được quá hai lần/buổi.

-Không khóc sao được khi người công nhân, tay không tấc sắt, sử dụng vũ khí của chính họ là quyền đình công để đòi hỏi những điều chính đáng như:

-Được hưởng đồng lương tương xứng với công sức đã bỏ ra phù hợp với tình trạng lạm phát hiện tại.

-Được những bửa ăn cho ra con người, đủ tái tạo sức lao động, không bị ngộ độc thực phẩm.

-Được đối xử như con người, trước những qui định, kỷ luật lao động khắc khe, đến tàn nhẫn của những chuyên gia Đài Loan, Hàn Quốc…

-Được bảo vệ quyền lợi, phúc lợi xã hội chính đáng như bảo hiểm y tế, bảo hiểm lao động, chế độ thâm niên.

-Nhưng thay vì binh vực như một chính quyền của dân, do dân, vì dân. Chính quyền nhân dân lại bắt bỏ tù những người đại diện cho họ như các em Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng với những bản án nặng nề và đàn áp những cuộc đình công.

-Không khóc sao được khi trong dòng người dân oan khiếu kiện, không thiếu những bà mẹ Việt Nam anh hùng, những gia đình liệt sỹ có công với cách mạng.

-Không khóc sao được trước những tin tức “tự nhẩy lầu” rùng rợn của các cô gái Việt Nam ở Đài Loan, Hàn Quốc, những thân phận nô lệ tình dục của “Vietnamese-girls” khắp thế giới.

-Không khóc sao được khi người dân yêu nước biểu tình phản đối TQ xâm chiếm biển đảo thì chính quyền nhân dân lại ra sức đàn áp bằng những đòn thù hung ác như cắp cổ vật ngã, đạp vào mặt vào bụng, lên gối, cù chỏ…

-Không khóc sao được, trong khi nhân dân đang như ngồi trên lửa trước tình trạng xâm phạm lãnh hải ngày càng gia tăng, tính mạng, tài sản ngư dân bám biển bị đe dọa từng ngày, từng giờ, Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn lại thậm thụt đi đêm với chính phủ TQ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quan Thanh vẫn kiên định giử hòa khí với TQ và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kiên trì ngậm bò hòn câm miệng.

-Và tôi cũng đã thổn thức khi thấy rằng trong những cuộc biểu tình vừa qua, không thiếu những khuôn mặt trí thức nhưng thiếu hẳn khuôn mặt quỷ dữ được cho là cha già dân tộc.

-Không mừng muốn khóc sao được khi thấy những ánh mắt “tinh anh”, không còn mụ mị vì tuyên truyền lừa bịp của những trí thức, thanh niên, sinh viên, những khuôn mặt trẻ thơ sáng lấp lánh trong dòng người biểu tình dù mồ hôi nhể nhãi dưới cái nóng, cái nắng đổ lửa tháng 5, tháng 6.

-Không mừng muốn khóc sao được khi bài hát “Như có bác…” được mớm lời nhưng tắt ngấm ngay trong tiếng hét hào hùng “Hoàng Sa, Trường Sa Việt Nam”.

-Không mừng muốn khóc sao được khi lịch sử đã bắt đầu được phán xét bằng những cái đầu tỉnh táo và những con mắt tinh tường nhìn xuyên lịch sử.

-Không mừng muốn khóc sao được khi đã bắt đầu có dấu hiệu những phần tốt đẹp duy nhất còn lại của những người đã từng một thời mụ mị ngộ nhận: ” Yêu nước là yêu CNXH” đã bắt đầu nhận ra “chân giá trị của cs” và ý thức được quyền nói lời vĩnh biệt với cs.

-Xin được mượn tứ thơ của Alfred de Musset để mỗi người trong chúng ta có thể nói:

“Le seul bien qui me rest au monde

Est d’avoir le droit de dire “La Communiste, Adieu”

Các bạn đã sẳn sàng Adieu la communiste chứ?

Tất cả hãy sẳn sàng.

Houston, Texas 20/07/2011

Oanh Yến Thị Phạm

* Lời trong bài thơ Tristesse

1-”Mẹ bắt được chưa đánh roi nào đã khóc” Quê Hương, thơ Giang Nam.

2-Chương trình lúc không giờ: Chương trình kịch Thẩm Thúy Hằng, diễn những vỡ kịch ma như Đôi mắt bằng sứ, Con ma nhà họ Hứa…

3- Lời của bài hát “Cuộc tình đã mất” tác giả Xuân Vinh.

4-Tha Nhân: Người ngoài, người lạ. Chử Tha (Hán- Việt) ở đây có nghĩa là xa lạ

Phạm Thị Oanh Yến

Không có nhận xét nào: