Pages

Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2011

Gian dối hay rối loạn lãnh đạo


Sau vụ tầu thăm dò địa chất Bình Minh 2 và Viking 2 bị tầu Hải Giám Trung Cộng cắt dây cáp ngay trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vào ngày 26/05 và 09/06 vừa qua, những phản ứng bất nhất của nhà nước Cộng Sản Việt Nam, từ những lời tuyên bố cứng rắn của một số các khuôn mặt nổi đến những hoạt động trong lãnh vực quân sự, đến sự đàn áp mạnh tay các cuộc biểu tình yêu nước, khiến người ta phải tự hỏi thực chất đằng sau những trò trống đánh xuôi kèn thổi ngược đó là gì? Là những phương án phản ứng gian dối, hay là sự rối loạn trong tầng lớp lãnh đạo?

Ba ngày sau vụ cắt cáp tàu Bình Minh 2, bà Nguyễn Phương Nga, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao đã có những tuyên bố gay gắt khác thường. Bà nêu đích danh tàu Trung Cộng phá hoại chứ không ấp úng gọi là “tàu lạ” như lúc trước. Bà còn đòi Trung Cộng phải “chấm dứt ngay mọi hành động vi phạm và bồi thường thiệt hại đã gây ra cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam“. Sau đó, trong một lời tuyên bố, tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ Trưởng Quốc Phòng, coi việc tàu “chấp pháp” (của Trung Cộng) xử lý một tàu dân sự (Việt Nam) ở một vị trí rất sâu trong vùng biển Việt Nam là một “hành vi bạo lực”, và nhận đinh đó là một việc “nghiêm trọng”. Rồi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lên tiếng chắc nịch là sẽ quyết tâm dùng sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.

Từ bao năm qua, ngư dân Việt Nam bị các lực lượng Trung Cộng bắn giết, cướp bóc, bắt cóc đòi tiền chuộc mạng ở ngay trong vùng biển Việt Nam, ngoài những phản đối chiếu lệ, chưa bao giờ thấy các nhân vật cao cấp trong guồng máy nhà nước CSVN xem đó là “hành vi bạo lực” và “nghiêm trọng” để có những phản ứng thích nghi trong việc bảo vệ nhân dân và chủ quyền biển, đảo. Lần này không những các giới chức hữu quyền CSVN lên tiếng mạnh mẽ, mà còn cho hải quân tập trận bắn đạn thật, rồi lại đưa ra bản tin nhắc nhở những thành phần quần chúng nào sẽ được miễn không bị động viên trong thời chiến; hải quân thì huấn luyện tìm kiếm, cứu nạn chung với tàu chiến của Hoa Kỳ, v.v….

Bên cạnh những động thái có vẻ như “quyết tâm” vừa kể, có lẽ để thể hiện chính sách “ngoại giao khôn khéo”, ngoài việc khẩn trương xúc tiến xây dựng “cung hữu nghị Việt – Trung” tại Hà Nội, thì hải quân Việt Nam không những đã phái tàu đi tuần tiễu chung với tàu hải giám Trung Cộng, mà còn đưa chiến hạm đi thăm viếng hữu nghị hải quân Trung Cộng. Quan trọng hơn, Thứ trưởng ngoại giao Hồ Xuân Sơn được bí mật phái sang Tàu với tư cách là đặc phái viên, đại diện lãnh đạo cao cấp của lãnh đạo Việt Nam, để họp bàn với Trung Cộng.

Không biết ông Sơn họp bàn những gì, mà bàn dân thiên hạ chỉ được biết khi có Thông cáo của Trung Cộng cho hay: Hai bên đã thống nhất “ngăn chặn các lời nói và hành động có thể làm tổn hại tới tình hữu nghị và sự tin tưởng lẫn nhau giữa nhân dân hai nước“. Đồng thời phía VN phải sớm thi hành các “Thỏa thuận về các Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc“.

Ngày 29/06, lại có một phái đoàn quân sự do Trung tướng Võ Tiến Trung, Giám đốc Học viện Quốc phòng Việt Nam hướng dẫn sang thăm viếng nước Tàu. Một lần nữa, mọi người chỉ được biết nội dung bàn thảo trong cuộc thăm viếng qua bài tường thuật trên kênh 7 Truyền hình Trung ương Trung Cộng. Qua đó cho biết: “Ông Trung cam kết rằng Việt Nam sẽ cố gắng tăng cường hiểu biết và tin tưởng Trung Quốc“. Đồng thời khẳng định “hai bên sẽ tăng cường trao đổi và hợp tác nhằm phát triển thêm quan hệ song phương và quan hệ giữa hai quân đội“, nhất là “xử lý các vấn đề tế nhị một cách đúng đắn”.

Nhìn vào những diễn tiến dồn dập nhưng rất mâu thuẫn vừa kể của giới lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam, người ta có thể đưa ra hai giả thiết để lý giải cho những diễn tiến này.

1/ Giả thiết thứ nhất: Gian dối để không ai biết ý định thật của lãnh đạo đảng CSVN.

- Đối với Trung Cộng: Lãnh đạo đảng CSVN muốn nói với đàn anh rằng: “Chúng tôi chỉ la lối để “giảm nhiệt” đám dân đen Việt Nam thôi, chứ vẫn tin tưởng vào tình đồng chí của hai đảng Cộng Sản anh em”. Bắc Kinh là bậc thầy của Hà Nội về ranh ma, tráo trở, thì làm sao Hà Nội có thể qua mặt được bằng trò gian dối này.

- Đối với Hoa Kỳ: Đánh lừa để Hoa Kỳ tưởng là Việt Nam đang sửa soạn chiến tranh chống sự bành trướng của Trung Cộng. Trò đánh lừa này chỉ là cách dùng vải thưa che mắt thánh, vì các viên chức Hoa Kỳ đọc được cả tiếng Việt lẫn tiếng Hoa. Gian dối sao được.

- Đối với nhân dân Việt Nam: Để xả nồi áp xuất, giảm cơn thịnh nộ của nhân dân VN, được thể hiện các cuộc biểu tình, miễn sao công an và các lực lượng an ninh “ngăn chặn các lời nói và hành động có thể làm tổn hại tới tình hữu nghị và sự tin tưởng lẫn nhau giữa nhân dân hai nước” (như Trung Cộng đòi hỏi). Đây là chiêu thức “đẹp lòng nhân dân, vừa lòng quan thầy”. Chỉ cần suy xét cẩn thận một chút là sẽ thấy chiêu thức này rõ ràng là thất bại ở cả hai phía. Dân Việt hôm nay đã khác với 10 năm trước. Internet đã giúp họ biết quá rõ những mánh lới của đảng. Chính họ đã chỉ ra các mâu thuẫn giữa tuyên bố của Phùng Quang Thanh, Nguyễn Chí Vịnh và Nguyễn Phương Nga chỉ trong vòng 72 tiếng đồng hồ. Phía Tầu cũng chẳng hài lòng. Chẳng thế mà lời của những viên tướng Tàu đòi “đánh vỡ mặt Việt nam“, đòi “dạy cho Việt Nam một bài học nữa” tiếp tục vang lên trên đủ mọi diễn đàn của Trung Cộng. Thế thì gian dối sao được!

2/ Giả thiết thứ hai: Rối loạn trong hàng ngũ lãnh đạo đảng CSVN.

- Với lối làm việc “cá nhân phụ trách, tập thể lãnh đạo”, khó có loại kế hoạch gì mà các quan chức cao nhất nước lại có những tuyên bố và việc làm ngược nhau chan chát, nhiều lần trong thời gian rất ngắn như thế. Những tuyên bố mâu thuẫn này không chỉ tròng tréo giữa các ngành, mà có khi lại xẩy ra trong cùng một ngành, đặc biệt là Quốc Phòng và Ngoại Giao. Chuyện lạ là trước những vấn đề sinh tử của đất nước, nhân vật quan trọng nhất là ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng chẳng hề thấy mở miệng nói một lời nào. Hội nghị Trung Ương 2 vừa họp xong cũng không hề bàn đến vấn đề biển Đông. Sự rối loạn này khiến người ta có cảm tưởng mấy ông thứ trưởng như Nguyễn Chí Vịnh, Hồ Xuân Sơn là những người quyết định chính sách.

- Bên cạnh đó, hiện tượng các quan chức ban ngành mạnh ai nấy phát biểu còn là chỉ dấu cho thấy “ông vua tập thể” Bộ Chính Trị đang lúng túng, bí lối và sợ trách nhiệm, chẳng biết phải phản ứng làm sao. Sự lừng khừng, lúng túng này khiến người ta nhớ đến Bộ Chính Trị của những năm cuối thập niên 80 trong thế kỷ trước. Lúc đó, sự khiêu khích trong nhiều ngày của tàu chiến Trung Cộng đã khiến cho vùng biển Trường Sa như sôi sục lên. Bộ tư lệnh hải quân Việt Nam liên tục điện hỏi bộ chính trị “Trung Quốc là bạn hay là thù?” và chờ lệnh. Nhưng chỉ nhận được sự im lặng tuyệt đối của giới lãnh đạo. Hậu quả sự lúng túng của bộ phận lãnh đạo cao nhất nước lúc đó ra sao thì người ta đã biết.

- Sự lúng túng hiện nay càng thể hiện rõ ràng hơn qua việc họ đã không thể nào có được lời giải đáp trước những yêu cầu rất chính đáng của những nhà trí thức Việt Nam là phải minh bạch những thoả thuận với Trung Cộng trong chuyến đi Tàu của Thứ Trưởng Hồ Xuân Sơn, cũng như về công hàm Phạm Văn Đồng. Cả hai vấn đề này nay không còn bưng bít được nữa, vì chính phía Trung Cộng đã công khai hoá trên các phương tiện truyền thông của họ. Như vậy tại sao phía giới lãnh đạo CSVN lại không thể cho nhân dân được biết, nếu những chuyện đó không có điều gì khuất tất?

Tóm lại, những động thái rất “kỳ lạ” của giới lãnh đạo CSVN: một mặt phản đối Trung Cộng, một mặt hội thảo với Mỹ về Biển Đông, với tin đồn về liên minh quân sự với Mỹ,… Mặt khác lại đàn áp, ngăn cản các cuộc biểu tình chống Trung Cộng, và cho đặc sứ sang Bắc Kinh nhằm đạt được những mật ước mới… Gộp lại tất cả những sự kiện này cho người ta thấy điều nổi bật là sự khiếp nhược và lúng túng của giới lãnh đạo đảng CSVN đối với Trung Cộng. Một chuyên gia có uy tín về các vấn đề Việt Nam là Giáo sư Carl Thayer, thuộc Diễn đàn Nghiên cứu quốc phòng đại học New South Wales (Úc) cũng đưa ra nhận xét tương tự khi nói với đài BBC rằng “đang có các chỉ dấu cho thấy nội bộ lãnh đạo cao nhất của Việt Nam chia rẽ sâu sắc về vấn đề quan hệ với Trung Quốc”. Phải chăng đất nước chúng ta đang đối đầu với hiểm họa khủng khiếp, trong hoàn cảnh tay chân bị trói chặt, và bộ phận tự nhận là “khối óc” để lãnh đạo thì lại rối loạn đến tê liệt trong sự sợ hãi ngoại bang phương Bắc?

Trần An Trạch

Không có nhận xét nào: