Đào Tuấn - Trả lời nguyên nhân quyết định tăng lương sớm 3 tháng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Minh Huân lý giải là do phát tăng cao, giá trị thực của đồng lương giảm sút, không đảm bảo đời sống cho người lao động. Một biểu hiện cho việc mất giá là có tới 440 cuộc đình công lớn nhỏ, tăng gấp 3 lần so với năm ngoái, dồn dập xảy ra tại 23 tỉnh, thành phố, trong chỉ 6 tháng đầu năm.
Theo lộ trình, việc tăng lương cho khối doanh nghiệp sẽ được thực hiện vào đầu năm 2012 nhưng vì phải đẩy sớm, phải tăng ngay trong năm 2011 cho nên có thể hiểu đây là một đợt cứu trợ khẩn cấp, trước sự phá giá đồng tiền của lạm phát, cũng không sai.
Mỗi khi tăng lương, có 4 yếu tố dùng để làm căn cứ: Mức tăng CPI, tốc độ tăng trưởng GDP, mặt bằng tiền lương và mức sống tối thiểu. Sau nửa năm, lạm phát đã ở mức 13,29%, gấp gần 2 lần chỉ tiêu của cả năm, và tỷ lệ thuận là mục tiêu tăng trưởng đang được đề nghị giảm. Trong khi đó, mặt bằng lương của lao động Việt Nam, từng được công khai giới thiệu rằng “Lao động giá rẻ”- như một lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút DN đầu tư nước ngoài, là thấp nhất nhì khu vực. Với mức độ lạm phát như vậy, việc tăng lương tưởng sớm, thực chất là muộn.
Trong đợt “tăng lương” sớm này, lương của lao động tại các DN trong nước được tăng từ 500 đến 570 ngàn, và từ 300-380 ngàn đối với DN đầu tư nước ngoài. Bước điều chỉnh khá rộng, tỷ lệ phần trăm mức tăng khá cao, nhưng giá trị tuyệt đối của việc tăng thêm cũng không đáng là bao. Và không thể không đặt ra câu hỏi là nếu lạm phát làm giảm giá trị đồng lương thì nên áp dụng mọi biện pháp để ngăn chặn lạm phát hay vẫn tiếp tục tăng số lượng tiền trả cho người lao động?
Rất tình cờ, chỉ 3 ngày sau khi việc “tăng lương sớm”, Đài truyền hình Việt Nam, cơ quan thuộc Chính phủ đã có một phóng sự về một cơn bão, mạnh lên theo cấp độ từng ngày: Cơn bão giá lương thực thực phẩm. Hãy thử tưởng tượng một mớ rau muống giá 3.000 đồng, một giá trị được tính bằng 4 con số. Hãy xem hiệu quả của việc quản lý giá khi một cân lợn hơi buổi sáng giá 85.000 đồng, buổi chiều đã lên tới 89.000 đồng. Khi lạm phát đã tăng gấp đôi chỉ tiêu và chưa hề có dấu hiệu dừng lại thì rõ ràng việc cần làm, cần ưu tiên làm trước là tăng giá trị sức mua của đồng tiền, chứ không phải là tăng thêm tiền trong khi sức mua tiếp tục suy giảm. Quy luật của đời sống một lần nữa đã lại được chứng minh: Lương không thể tăng nhanh, tăng nhiều và tăng sớm hơn giá được.
3 tháng trước quyết định “tăng lương sớm” này, các quỹ tài chính quốc tế đã đưa ra dự báo lương khu vực doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ tăng 12% trong năm nay và đây là mức tăng cao nhất khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, thậm chí, gần gấp đôi mức tăng lương trung bình trong khu vực. Không một ai lấy làm hỉ hả trước thành tích này. Điều lạ là ngay chính người lao động cũng cảm thấy mức tăng kỷ lục này là chưa đủ để họ đảm bảo được cuộc sống. Nguyên nhân không mới, vẫn chỉ là lạm phát, là sự suy giảm giá trị đồng tiền, là liên tiếp những cơn bão giá không thể đánh số thứ tự, không thể dự báo và không quản lý được. Cho nên, nói là tăng, thực chất chưa phải là tăng.
Bởi vậy, nếu như việc tăng lương tới đây không được triển khai đồng bộ với các biện pháp ổn định giá, nâng cao sức mua của tiền đồng thì những đồng lương tăng thêm chẳng còn mấy ý nghĩa, thậm chí, chỉ làm hại người lao động khi vài đồng bạc ông cụ ít ỏi được tăng thêm, không đủ bù cho giá cả ào ạt tăng kiểu té nước theo lương. Chưa nói tới việc vài triệu lao động được tăng, gần 90 triệu người khác phải chịu bão giá. Cho nên Phản ứng đầu tiên của hầu hết dư luận, rất dễ hiểu, lại là một lời than: Lại tăng lương.
Đào Tuấn
http://vn.360plus.yahoo.com/tuanddk
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét