Pages

Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2011

Ông Nguyễn Sinh Hùng sẽ làm Chủ tịch Quốc Hội


Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng là người duy nhất được giới thiệu ra ứng cử vào chức Chủ tịch Quốc hội, cho thấy các vị trí cao cấp nhất của Nhà nước Việt Nam đang dần được hoàn tất sau bầu cử Quốc hội khóa 13.

Cùng ông Nguyễn Sinh Hùng, ủy ban thường vụ QH khóa này còn giới thiệu vào chức danh Phó Chủ tịch bà Tòng Thị Phóng, ông Uông Chu Lưu, ông Huỳnh Ngọc Sơn và bà Nguyễn Thị Kim Ngân.

Bà Ngân quê ở Bến Tre, được cho là nhân vật thân cận với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Trong phiên họp chiều 22/7 tại Hà Nội, Quốc hội Việt Nam đã bàn luận về dự kiến nhân sự cho các chức chủ tịch, phó chủ tịch Quốc hội và các ủy viên ban chấp hành.

Dự kiến vào ngày 23/7, kết quả bầu chọn sẽ được công bố, đóng lại một giai đoạn chờ đợi, đồn đoán ở Ba Đình về các chức vụ cao nhất tại Quốc hội.

Hiện chưa rõ phong cách làm việc của ông ở cương vị Chủ tịch Quốc hội khóa 13 là gì.

Đọc diễn văn trước Quốc hội hôm khai mạc phiên họp 21/7, vẫn ở vị trí Phó Thủ tướng Thường trực của chính phủ, ông nói:

"Trước tình hình và diễn biến phức tạp, chúng ta cần hành động kiên quyết, kịp thời, phù hợp với pháp luật quốc tế, đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước, huy động sức mạnh của toàn dân để bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia."

Ông cũng nói quan điểm của Việt Nam là "đàm phán hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế để giải quyết tình hình phức tạp trên Biển Đông".

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng
Chạy chữa cho Vinashin

Ông Nguyễn Sinh Hùng có tiếng là cùng họ Nguyễn Sinh của gia đình cố Chủ tịch Hồ Chí Minh (Nguyễn Sinh Cung) ở xã Nam Đàn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Sinh năm 1946, ông từng du học ở Bulgaria và có thời gian tu nghiệp tại Liên Xô cũ.

Có bằng tiến sỹ kinh tế, ông từng làm Bộ trưởng Tài chính, và ủy viên trung ương Đảng nhiều khóa.

Vào Bộ Chính trị từ khóa 10, ông được cho là người có quan điểm riêng về tài chính nhưng không khống chế được việc làm ăn của các tập đoàn nhiều thua lỗ.

Tên tuổi ông bị gắn vào vụ giải quyết nợ nần cho tập đoàn đóng tàu Vinashin dù ông không phải là tác giả của dự án đó từ đầu.

Hồi tháng 10 năm 2010, ông trả lời báo chí trong cương vị Phó thủ tướng kiêm Trưởng ban Chỉ đạo tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), rằng sẽ nhanh chóng "tạo ra một Vinashin mới".

Ông cũng nói mạnh mẽ rằng trong quá trình tái cơ cấu nợ của Vinashin, "mục tiêu cuối cùng đặt ra là tạo ra một ngành công nghiệp đóng tàu của Việt Nam, nhưng Vinashin làm vai trò chủ lực, không phải làm tất cả".

Trên thực tế, đây chính là cách "dãn nợ" và "chuyển nợ cũ thành nợ mới, dài hơn đủ sức trả" mà con số tổng cộng lên tới trên 4 tỷ USD.

Nhưng sang đến giữa năm nay, bài toán đố về Vinashin này có vẻ như không thuyết phục được cả chủ nợ và dư luận.

Hồi tháng 5/2011, tờ Wall Street Journal nhận định đã có hàng chục cơ quan tài chính đầu tư vào các khoản cho Vinashin vay như Standard Chartered PLC, Credit Suisse AG, Depfa Bank PLC và quỹ đầu tư rủi ro Elliott Advisers Ltd.

Theo tờ báo Mỹ (16/05), một số chủ nợ của Vinashin nay phàn nàn rằng họ đã 'bị lừa gạt', còn dịch vụ tư vấn của Moody's, Standard & Poor's và Fitch Ratings đều đã hạ điểm xếp hạng tín dụng của Việt Nam trong những tháng trước đó vì Vinashin.

Chính phủ cũng đã đổ toàn bộ số tiền 750 triệu đôla thu được từ lần phát hành trái phiếu chính phủ tại thị trường nước ngoài lần đầu tiên trong năm 2005 cho Vinashin.

Hôm 07 tháng 6, báo Thanh Tra của Việt Nam có bài nói ban lãnh đạo Vinashin "đã không thực hiện đúng quyết định của Thủ tướng Chính phủ" và "cố tình sai pḥạm các quy định về sử dụng vốn".

Không có nhận xét nào: