Trong suốt khoảng 10 năm trở lại đây, mỗi lần Trung Quốc gia tăng xây dựng trên các quần đảo chiếm được ở Biển Đông. Việt Nam lập đi lập lại một phương thức ứng phó là lên án và đối thoại.
Việc lên án gần như là độc diễn, Việt Nam nói cho người dân Việt Nam nghe.
Trong những hội nghị, hội thảo liên quan đến biển Đông như môi trường, dầu khí, hàng hải mà các quốc gia khác tổ chức. Người Trung Quốc luôn có mặt và đưa bằng mọi cách họ khéo léo lái đến việc khẳng định chủ quyền của họ tại biển Đông, qua những bằng chứng họ đưa. Thậm chí họ dịch công hàm của thủ tướng Phạm Văn Đồng thành nhiều thứ tiếng theo quốc gia có hội thảo, hội nghị để phân phát cho khách tham dự.
Ở cấp độ lớn hơn, trong các dịp quan hệ ngoại giao với các nước ở tầm quốc gia, chính khách Trung Quốc luôn thò việc Biển Đông vào bàn nghị sự. Họ luôn trình bày họ đang ở thế bị hại, họ yêu chuộng hoà bình quá đỗi cho nên bị các nước khu vực xung quanh biển Đông lấn chiếm biển đảo của họ. Thâm hiểm hơn, họ cho rằng việc lấn chiếm ấy của các nước , đặc biệt có Việt Nam, là nhằm đánh bắt trộm tài nguyên, hút trộm dầu khí của họ.
Người Trung Quốc đưa ra những hình ảnh, clip, bản nhận tội của dân Việt Nam bị bắt giữ, những biên bản xử lý phạt tiền và những biên lai do ngư dân Việt Nam nộp phạt, những lời thú tội của ngư dân Việt Nam cho các chính khách quốc tế xem.
Vì lý do nào đó, như chủ quan coi thường, hoặc vì quan hệ chính trị trao đổi, nhà nước Việt Nam không để ý đến những việc làm này của Trung Quốc.
Thế nhưng mưa dần thấm lâu, một hình ảnh Việt Nam khuất tất, cơ hội, trộm cắp vặt đã hình thành trong đầu những chính khách quốc tế. Nhất là ở châu Âu. Trong một thống kê của toà án Đức thì có 5000 vụ trộm cắp do người Việt gây ra trong tổng số một trăm nghìn người Việt tại Đức. Chả quốc gia nào ở Châu Âu lạ lẫm với việc người Việt trồng cần sa, buôn lậu, trốn thuế, làm hàng giả, làm lậu, trộm cắp, thịt chó, thịt mèo, buôn người, làm giấy tờ giả nhận con, kết hôn giả...
Phần đa số người Việt phạm tội này nằm trong nhóm Việt Kiều ra đi từ phía Bắc của vĩ tuyến 17 sau năm 1975.
Với những chứng cứ dàn dựng của Trung Quốc và những lời than thở của họ, thêm những hiện thực về các con số toà án sở tại đưa ra. Việc một chính khách không có nợ nần , tình cảm gì với Việt Nam. Ông ta có nghĩ rằng chuyện Việt Nam đánh cá trộm, hút dầu trộm của Trung Quốc là hoàn toàn có thể. Do đó hành động kêu ca của nhà nước Việt Nam về chủ quyền biển đảo thực ra là nhằm che đậy mục đích trôm cắp mà thôi.
Điều đó dẫn đến khi giàn khoan 981 của Trung Quốc xâm nhập vào lãnh hải Việt Nam. Một số tờ báo Châu Âu gọi đó là cuộc cãi vã do tranh nhau khai thác dầu khí.
Các bạn có tin không, chẳng có quốc gia nào đứng ra nói rằng Trung Quốc xâm lược biển đảo của Việt Nam cả. Các bạn cứ thử tìm xem có phát ngôn chính thức của quốc gia nào khẳng định điều ấy. May lắm là sự lên án Trung Quốc có hành vi gây căng thẳng, xây dựng này nọ trong khu vực tranh chấp, số lên án đó không là bao nhiêu so với hàng trăm quốc gia trên thế giới.
Nhà nước Việt Nam đưa ra giải pháp đối thoại với Trung Quốc để giữ chủ quyền. Lặp đi lặp lại cụm từ '' giải pháp đối thoai '' từ năm này sang năm khác, trưng ra hình ảnh cuộc gặp gỡ này nọ, hai bên thống nhất giữ tinh thần nọ kia để giải quyết. Thực ra là nhà nước Việt Nam lừa dân Việt Nam. Trung Quốc đã nói rất rõ ràng , họ không bao giờ thoả hiệp với lợi ích cốt lõi.
'' Trong một bài viết khác, PLA Daily dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn cho biết quân đội nước này cam kết trở thành một lực lượng vì hòa bình, nhưng không bao giờ thỏa hiệp đối với các nguyên tắc cốt lõi.''
Ai cũng biết cái gọi là '' lợi ích cốt lõi '' mà Trung Quốc gọi ở đây là yêu sách chủ quyền của họ tại Biển Đông. Và họ không nhân nhương nào trong vấn đề này, họ nói không có mâu thuẫn gì với Việt Nam về chủ quyền ở đây để mà đàm phán chuyện này Chỉ có đàm phán về việc xử lý đánh bắt cá trộm, cứu thương, an ninh biển...những vấn đề nhân đạo, an ninh mà bất cứ nước nào thông thường có biển giáp nhau đều bàn.
Vậy là chẳng có chuyện đối thoại, đàm phán giữ chủ quyền giữa Việt Nam với Trung Quốc cả. Bấy lâu nay Việt Nam vẫn che giấu sự thật này, đem những đàm phán tào lao về tuần tra chung, an ninh, cứu trợ ra để lừa dân là đang có tiến triển tốt trong việc đàm phán với Trung Quốc về chủ quyền. Đây là lý giải cho những thắc mắc của người dân Việt tại sao lãnh đạo hai nước Việt Trung thống nhất xử lý mâu thuẫn biển Đông, mà Trung Quốc vẫn gia tăng xây dựng căn cứ quân sự, gia tăng bắt bớ ngư dân Việt Nam.
Cái gọi là '' tranh thủ sự ủng hộ quốc tế '' của Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền Việt Nam đã thất bại bởi nhiều nguyên nhân. Bởi sự gian manh, vặt vãnh từ người dân Việt Nam khi sinh sống ở nước ngoài, đến sự tráo trở, gian lận của nhà nước Việt Nam trong các cam kết về tôn giáo, nhân quyền, pháp luật. Bạn cứ đặt vj trí mình là một chính khách của Đức, Ba Lan, Tiệp, Anh khi đọc hồ sơ về người Việt tại Châu Âu và những nỗi buồn khi làm việc với nhà nước Việt Nam, bạn sẽ hiểu họ nghĩ gì về con người, chế độ Việt Nam ngày nay. Nếu họ có hoài nghi việc Việt Nam gào hét là bị xâm phạm chủ quyền để che đậy hành vi hút dầu trộm, đánh cá trộm có gì là ngạc nhiên.
Cái gọi là tự cường, phát triển kinh tế để tăng sức mạnh quốc phòng cũng thất bại hoàn toàn. Từ khi có cái ý này đến hôm nay, hàng loạt tập đoàn nhà nước nợ đầm đìa, phá sản, giải thể. Tham nhũng, quan liêu, gây thiệt hại, lãng phí tràn lan. Nợ nần ngày càng chồng chất.
Cái gọi là đoàn kết nội bộ để giữ chủ quyền cũng thất bại nốt. Hãy nhìn những cuộc thanh trừng nội bộ hay những cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược của người dân trong nước bị đàn áp, những người lên án Trung Quốc bị bắt tù những năm qua thì thấy rõ sự đoàn kết nội bộ của thể chế này có hay không.
Hãy nhìn lại toàn bộ giải pháp giữ chủ quyền mà nhà nước Việt Nam đưa ra từ trước, đến nay rõ ràng đã thất bại hoàn toàn.
Người Buôn Gió
(Blog Người Buôn Gió)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét