Pages

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

Tinh thần tập thể

Nguyễn Hưng Quốc - VOA

Nhiều người, phải nói là rất nhiều người, thường nói: một người Việt Nam thì hơn một người Nhật; hai người Việt Nam thì bằng hai người Nhật; nhưng ba người Việt Nam thì lại thua ba người Nhật. Lại có người kể chuyện cười: Nếu bị rớt xuống một cái hố sâu, ba người Nhật sẽ tìm cách kênh nhau và kéo nhau lên mặt đất; còn ba người Việt Nam thì không bao giờ: Khi người này tìm cách trèo lên thì hai người kia sẽ nắm chân kéo xuống!

Hình: ASSOCIATED PRESS

Việc người Việt Nam chia rẽ thì hầu như ai cũng biết. Nhớ, đã lâu, trong một lần trò chuyện, nghe một trí thức Việt Nam ra vẻ ưu thời mẫn thế, than thở là sức mạnh của cộng đồng người Việt ở hải ngoại sẽ gia tăng gấp bội nếu mọi người biết ngồi lại và làm việc chung với nhau, một người bạn ngoại quốc, vốn là một học giả chuyên về Việt học, cười đáp: “Nếu biết đoàn kết thì đâu còn là người Việt nữa!” Tất cả người Việt Nam đứng đó đều im lặng. Làm sao mà cãi lại được chứ?

Mà đâu phải chỉ có người Việt ở hải ngoại mới chia rẽ. Lâu nay bộ máy tuyên truyền của chính phủ Việt Nam thường tô vẽ hình ảnh một đảng cộng sản đoàn kết, lúc nào cũng nhất trí và thương yêu nhau. Sự thật đâu phải như vậy. Trong bài hồi ký “Những kỉ niệm về Bác Hồ”, Hoàng Tùng, nguyên tổng biên tập báo Nhân Dân và nguyên uỷ viên Ban bí thư trung ương đảng, viết một trong những nỗi đau lớn của Hồ Chí Minh là:

“Nỗi đau thứ bảy là sự bất hoà giữa mấy người lãnh đạo của ta. Không phải mọi việc đều êm đẹp cả. Họ nhất trí với nhau về quan điểm đánh Mỹ, nhưng quan điểm quốc tế không thống nhất, về quan hệ cá nhân với nhau không thuận lợi. Sau này Bác bảo tôi viết bài : “ Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân ”. Ý Bác là muốn nói mấy ông này. Bài đó tôi viết Bác sửa lại nhiều. Sau Bác nói anh Tố Hữu cũng sửa nữa. Tôi được biết từ năm 1966, cứ mỗi chiều thứ bảy, Bác lại cho làm cơm và nói: “ Mấy chú cứ đến đây ăn cơm vui vẻ với nhau, có gì khúc mắc cứ nói hết ra, không nên để bụng ”. Anh Nguyễn Chí Thanh làm thư ký cho những cuộc đó cho đến khi anh đi vào Nam. Sau anh Lê Văn Lương nói lại với tôi là họ cứ đến ăn cơm, chén hết rồi họ về, chẳng ai nói với ai điều gì. Nếu không biết việc này thì không hiểu hết tại sao trong di chúc Bác lại dặn phải đoàn kết toàn Đảng, từ Trung ương đến địa phương. Trên mà đã đoàn kết rồi thì cần gì nói đến cơ sở nữa. Trên đoàn kết mà dưới không thì lôi thôi to, các ông trị cho chết. Chính vì thế mà bác rất buồn. Có thể có một vài hiện tượng, có đồng chí nào đó muốn vượt Bác, Bác biết hết, nhưng Bác không quan tâm.

Tuy nhiên, trong bài này, tôi sẽ không nói về sự chia rẽ. Tôi chỉ chú ý đến sự kiện: Người Việt, với tư cách cá nhân, thì giỏi; nhưng với tư cách một tập thể, thì dở. Tập thể càng lớn thì càng dở. Ba người họp lại thì không bằng ba người Nhật. Hàng chục triệu người họp lại thì, nếu không làm nô lệ, cũng chỉ làm đầy tớ, hoặc may lắm, làm thuê làm mướn cho người Nhật. Chú ý vì, từ đó, tôi liên tưởng đến một chuyện khác: Tinh thần tập thể của người Việt.

Sực nhớ vụ hỏa hoạn ở Trung tâm Thương mại Quốc tế ở Sài Gòn vào ngày 29/10/2002 dẫn đến cái chết của hơn 60 người. Đó là một trong những trận hỏa hoạn lớn nhất và làm nhiều người chết nhất trong thành phố. Theo tường thuật của báo chí trong nước, phản ứng của mọi người trước trận hỏa hoạn ấy là một sự hỗn loạn kinh hoàng. Nhiều xe cứu lửa không đến hiện trường được vì bị hết xăng giữa đường; nhiều chiếc khác, đến nơi rồi, mới phát hiện là không có nước, v.v…Còn chung quanh khu hỏa hoạn, người người xúm vào xem đông nghẹt. Nhưng chủ yếu là đứng xem. Xem nhiều người chạy tán loạn trên lầu; có người vì chịu nóng không nổi và có lẽ, cũng vì quá tuyệt vọng, nhảy liều từ các tầng lầu cao xuống đất, nếu không chết thì cũng bị thương tật. Cũng có một số người liều mình tìm cách cứu các nạn nhân, nhưng thứ nhất, số người ấy không nhiều; và thứ hai, nổi bật nhất và có kế hoạch hành động sáng suốt nhất (như dựng thang tre từ các toà nhà bên cạnh hay làm “kim tự tháp” người để cứu những nạn nhân trên cao) lại là người ngoại quốc!

Lại nhớ đến chuyện khác: Cũng vào tháng 10 năm 2002, bọn khủng bố đã đặt bom tại một trung tâm du lịch đông đúc ở Bali (thuộc Indonesia) làm cho 202 người chết, trong đó có 88 người Úc. Phản ứng của các du khách Úc đang ở Bali lúc ấy khiến rất nhiều người khâm phục: Ngay sau khi tai nạn xảy ra, hầu hết các bác sĩ và y tá Úc đang du lịch tại Bali đều đổ dồn vào các bệnh viện địa phương để cứu giúp các nạn nhân; hàng trăm người khác lập lều ngay trước các bệnh viện để lấy các chi tiết cần thiết liên quan đến các nạn nhân: người nào bị chết; người nào bị thương, mức độ bị thương như thế nào, v.v…để cung cấp thông tin cho thân nhân của họ cũng như cho chính phủ Úc. Trong nhiều ngày liền, hình ảnh được chiếu liên tục trên tivi là hình ảnh của những người làm việc thiện nguyện như thế: Việc làm của họ tuy có tính chất tự phát nhưng vô cùng nhanh chóng, nhịp nhàng, kỷ luật và có hiệu quả.

Và không thể không nhớ đến hình ảnh của người Nhật trong cơn động đất và sóng thần dữ dội giết chết cả hàng chục ngàn người vào tháng 3 vừa qua: Những người, mặt buồn bã, lặng lẽ sắp hàng chờ mua các nhu yếu phẩm hiếm hoi còn sót lại trong các siêu thị. Không khóc lóc. Không chen lấn. Không giành giật.

Những sự so sánh ở trên không nhằm mục đích cho người Úc hay người Nhật, với tư cách cá nhân, thì tốt hơn người Việt. Không, tôi không có ý ấy. Ở Việt Nam không hiếm người tốt và lúc nào cũng sẵn lòng giúp đỡ người khác. Rất thường gặp ở Việt Nam cái cảnh thiếu dầu, thiếu muối, thậm chí thiếu gạo thì chạy sang nhà hàng xóm; khi một gia đình nào đó có tang hoặc có tiệc thì hàng xóm xúm lại, kẻ thì phụ nấu nướng, người thì phụ sắp xếp bàn ghế, v.v… Nhưng những cái ấy, một phần, chỉ có tính cách cá nhân, phần khác, thường chỉ giới hạn trong phạm vi làng xã. Đối diện với những biến cố lớn, với tư cách một tập thể, hình ảnh nổi bật nhất của người Việt là một đám đông hoặc thờ ơ hoặc hoảng loạn. Tại sao như thế?

Chúng ta hay nói một trong những đặc điểm lớn nhất của dân tộc và văn hóa Việt Nam là tinh thần cộng đồng hoặc tinh thần tập thể. Nhưng khuyết điểm lớn nhất của người Việt Nam cũng chính là ở lãnh vực cộng đồng và tập thể ấy. Chứ không phải ở cá nhân. Tại sao như thế?

Tôi nghĩ nguyên nhân chính là chúng ta chưa quen với kiểu sinh hoạt của một xã hội dân sự (civil society). Thế thôi.

Mà xã hội dân sự lại là một chuyện dài và phức tạp. Sẽ từ từ bàn sau.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ

Không có nhận xét nào: