Pages

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

Từ kiến nghị, tuyên cáo đến biểu tình và vai trò của trí thức Việt Nam

Tiêu Dao Bảo Cự

Từ chục năm qua, trí thức đã có vô số kiến nghị đối với Đảng Cộng Sản và Nhà Nước Việt Nam về đủ mọi loại vấn đề: Chống tham nhũng, bỏ điều 4 Hiến pháp, góp ý cương lĩnh của đảng, không khai thác bô xít, không làm đường xe lửa cao tốc, không làm điện hạt nhân, hạn chế thủy điện… và nhiều vấn đề hệ trọng liên quan đến “quốc kế dân sinh”. Các hình thức kiến nghị là phát biểu cá nhân trong các cuộc họp, bài viết hay văn bản kiến nghị do từng người hay tập thể ký. Sự thực đáng buồn có thể nói không ngoa rằng tất cả những kiến nghị đó đều bị “vứt vào sọt rác” vì những người nắm quyền lực không ai thèm trả lời hay tiếp thu gì cả.
Mới đây trí thức có một bước tiến là ra “Tuyên cáo về việc nhà cầm quyền Trung Quốc liên tục có những hành động gây hấn xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam trên Biển Đông” vào ngày 25/6/2011. Tuyên cáo này có hai phần, phần đầu tố cáo Trung Quốc xâm lược và phần sau vẫn là kiến nghị với Nhà nước với cách viết nhẹ nhàng “Chúng tôi rất mong, chúng tôi nghĩ rằng…”. Cần phải hiểu ở trong nước, việc viết một kiến nghị, tuyên cáo chung cho nhiều người có thể ký là việc vô cùng khó. Khi người ta đã 5-60 tuổi đảng, là công thần của chế độ, nằm trong bộ máy nhà nước, còn gắn bó về tình cảm và quyền lợi với chế độ, còn nỗi sợ ám ảnh… thì ký vào một kiến nghị là quyết định không hề dễ dàng. Chính vì thế, vừa qua nội dung những kiến nghị, tuyên cáo thiếu mạnh mẽ là điều dễ hiểu.

Kiến nghị là đứng trong bộ máy, trong cơ chế, trong tư thế người dưới, người bị trị để đề nghị với những người có trách nhiệm, có thẩm quyền, chẳng khác mấy với chuyện “xin – cho”. Người trên, kẻ có quyền không cho thì đành chịu. Tuyên cáo, tuyên bố có ý nghĩa ở một mức cao hơn. Tuyên cáo, tuyên bố xác định sự độc lập, bình đẳng, không lệ thuộc của người nói, có tính tố cáo, yêu cầu, đòi hỏi mạnh mẽ. Tuyên cáo ngày 25/6/2011 tiếc thay ở phần đối với nhà nước lại trở về nội dung kiến nghị.

Nếu hiểu như trên, thì bản Tuyên bố đầu tiên của trí thức Việt Nam từ sau 1975 (và có thể từ sau 1954 ở Miền Bắc?) là “Tuyên bố của những người hoạt động, yêu thích văn học nghệ thuật và hưởng ứng đổi mới về một số vấn đề thời sự văn nghệ và chính trị hiện nay” thực hiện trong chuyến đi xuyên Việt năm 1988 của những người lãnh đạo Tạp chí Langbian và Hội Văn Nghệ Lâm Đồng với 128 người trực tiếp ký ở 7 tỉnh Miền Trung, Tây nguyên và Hà Nội. Tuyên bố này, tuy chưa phải thật mạnh mẽ trong câu chữ, đòi hỏi quyền tự do sáng tác, báo chí, xuất bản, yêu cầu đổi mới thực sự và cách chức những người lãnh đạo ở trung ương tỏ ra chống đổi mới. Sau đó, chuyến đi xuyên Việt với bản Tuyên bố này bị đánh giá là “hành động bè phái”, một “cuộc biểu tình chạy” của văn nghệ sĩ, trí thức tập dượt chống chế độ, nhiều người liên quan bị xử lý kỷ luật.

Thời gian gần đây, liên quan đến việc Trung Quốc xâm lược, gây hấn trên Biển Đông, nhiều kiến nghị được đưa ra và số người tham gia ký tên nhanh chóng, đông đảo hơn nhờ phương tiện Internet nhưng tác dụng cũng chỉ là góp phần thức tỉnh quần chúng và liên kết những người có lương tri, còn nhà cầm quyền vẫn tiếp tục đối sách “bốn không”: không nghe, không thấy, không biết, không trả lời.

Một số trí thức, văn nghệ sĩ đã có cách tỏ thái độ khác mạnh mẽ hơn: tham gia biểu tình. Đã 8 chủ nhật trôi qua, từ ngày đầu 5/6/2011, đến nay với 8 lần biểu tình chống Trung Quốc xâm lược ở Sài Gòn và Hà Nội. Những cuộc biểu tình này có lúc tương đối thuận lợi, có lúc khó khăn và cuộc biểu tình ngày 17/7/2011 đã bị đàn áp thô bạo cả ở Hà Nội và Sài Gòn. Ngày 24/7/2011 ở Sài Gòn không biểu tình được nhưng ở Hà Nội đã có rất đông người tham gia và khá thành công với những hình thức sáng tạo như mang theo tên để tưởng niệm và vinh danh các liệt sĩ chống Trung Quốc không phân biệt nam – bắc ở Hoàng Sa năm 1974 và ở Trường Sa năm 1988. Những cuộc biểu tình về sau này do chính các nhân sĩ, trí thức công khai kêu gọi.

Biểu tình không còn chỉ là phát biểu quan điểm, ký kiến nghị, ra tuyên cáo nữa mà đã chuyển sang hành động. Chính hành động này đã làm chuyển biến nhận thức rất nhanh, trước hết đối với những người trong cuộc. Từ những khái niệm có thể mơ hồ, người ta đã hiểu rất cụ thể, rõ ràng thế nào là lòng yêu nước, nghĩa đồng bào, tình liên đới, lòng tự hào, sự cô đơn, sự thờ ơ, nỗi nhục nhã, niềm phẫn uất…, thế nào là công an trị, đàn áp dã man, tay sai bán nước… Một số trí thức, văn nghệ sĩ lâu nay chỉ ở trong “tháp ngà chuyên môn” của mình hay chỉ biết tỏ thái độ một cách nhẹ nhàng, hay vẫn còn tin tưởng ít nhiều ở người cầm quyền, nay qua các cuộc biểu tình đã thấy rõ sự thật trong từng bước đi trên đường phố, trong lời hô vang các câu khẩu hiệu, khi chứng kiến khí thế bừng bừng của quần chúng và sự đàn áp thô bạo, dã man của các lực lượng công cụ đàn áp theo chỉ đạo của cấp trên.

Từ chỗ là người trong guồng máy, trong chế độ, một số trí thức, văn nghệ sĩ đã chuyển sang vị trí đối lập, đối kháng với những người cầm quyền. Trí thức, văn nghệ sĩ, đặc biệt những người có uy tín đối với công chúng, chỉ là một số ít, dĩ nhiên thuộc loại “trói gà không chặt” nhưng sức mạnh của họ chính là ý nghĩa của biểu tượng và nguồn cảm hứng. Sự có mặt của họ trên đường phố, bài viết, sáng tác của họ lưu truyền trên mạng chắc chắn sẽ khơi dậy sự thức tỉnh cho rất nhiều người, nhất là lớp trẻ có học. Trí thức, văn nghệ sĩ (không phải là nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp) không thể trực tiếp lãnh đạo biểu tình thành công nhưng có thể góp phần tỉnh thức và thôi thúc hàng ngàn, hàng vạn các bạn trẻ xuống đường.

Đây chính là một dấu hiệu tương đối rõ ràng về tai họa cho chế độ đang gần kề. Những người cầm quyền có ý thức được điều này khi họ nói “việc Nhà nước để Nhà nước lo” và dùng công cụ đàn áp để bịt miệng những người yêu nước bày tỏ tinh thần chống xâm lược? Làm như thế, những người cầm quyền đã tự tách ra khỏi nhân dân, đối lập với nhân dân. Nhân dân bày tỏ lòng yêu nước, chống Trung Quốc xâm lược mà Nhà nước đàn áp thì người ta chỉ có thể hiểu Nhà nước khiếp nhược, bắt tay hay đầu hàng bọn xâm lược. Lý lẽ và sự thể thật quá rõ ràng.

Chế độ cộng sản ở Liên Xô và các nước Đông Âu đã sụp đổ từ năm 1992 nhưng Đảng Cộng SảnViệt Nam đã vượt qua được để tồn tại. Giờ đây Đảng Cộng Sản Việt Nam lại đứng trước thử thách mới. Có thể nào “những người cộng sản chân chính” đã từng đấu tranh chống bất công áp bức, vì độc lập tự do của tổ quốc, lại quay trở về với dân tộc và đất nước bằng cách tôn trọng tự do dân chủ của nhân dân, đứng về phía nhân dân chống Trung quốc xâm lược? Còn những tên quan lại độc tài bán nước cầu vinh, không sớm thì muộn, nhất định sẽ bị gạt ra khỏi dòng lịch sử và có lẽ thời gian sẽ không lâu. Chẳng phải không ai khác mà chính Hồ Chí Minh, lãnh tụ được đảng Cộng Sản Việt Nam tôn thờ và đang ra sức học tập tư tưởng của ông, cũng đã từng xác quyết:

“Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ.”

“Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhận chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.”



Đà Lạt 24/7/2011

Tiêu Dao Bảo Cự

Không có nhận xét nào: