Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2011
Trung Quốc đã thực sự xâm lược Việt Nam chưa?
Khoai lang ở miền Tây được người Hoa thuê đất trồng rồi xuất sang Trung Quốc. (Hình: SGTT)
Thời gian qua, tình hình căng thẳng trên biển Ðông xuất phát từ sự leo thang gây hấn của nhà cầm quyền Trung Quốc đã thu hút mối quan tâm, lo ngại của người Việt trong và ngoài nước.
Mãi ngóng nhìn ra biển Ðông, nhiều người trong chúng ta hầu như chưa ý thức được mối họa Trung Quốc còn đến từ một lĩnh vực khác, sát sườn hơn, đó là kinh tế. Thực tế, báo chí vẫn có những bài viết phản ánh về lĩnh vực này nhưng không phải người dân nào cũng am tường về kinh tế để nắm rõ.
Trong nhiều năm, dư luận đã lên tiếng về sự phụ thuộc ngày càng nặng nề vào Trung Quốc của kinh tế Việt Nam.
Từ tình trạng mất cân đối nghiêm trọng trong cán cân thương mại Việt-Trung với tỷ lệ nhập siêu cứ năm sau cao hơn năm trước. Tình trạng nhiều công trình kinh tế quan trọng như các nhà máy điện, luyện kim, hóa chất, khai thác bô-xít, khoáng sản… rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc, với nhiều hệ quả khôn lường. Tình trạng hàng kém chất lượng, độc hại từ Trung Quốc tuồn sang, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, v.v.
Nhưng gần đây, lại thêm một số hiện tượng, dù không biết là vô tình hay từ một chiến lược, chính sách hẳn hoi, nhưng khiến ai lưu tâm đến cũng phải lo ngại.
Thứ nhất là việc thương lái Trung Quốc ồ ạt thu gom nông sản, thực phẩm đủ loại của Việt Nam mà nhiều tờ báo đã đưa tin. Họ đến tận ao, vườn, cảng… để thu mua với giá cao hơn các doanh nghiệp trong nước. Hậu quả là một số doanh nghiệp kinh doanh thủy hải sản, hàng nông nghiệp thực phẩm Việt Nam cạnh tranh không lại, bị thiếu nguyên liệu một cách trầm trọng.
Như nhiều nhà chuyên môn đã phân tích, hiện tượng này cũng có những khía cạnh tích cực là giúp cho nhiều doanh nghiệp trong nước phải điều chỉnh lại giá cả, cách ứng xử với nông dân một cách hợp lý hơn. Còn người nông dân có cái lợi là bán hàng được giá. Nhưng nhà nước thì bị thất thu thuế vì kiểu mua bán trao tận tay này.
Về lâu dài, doanh nghiệp Việt Nam trong các ngành nghề này bị đình đốn kéo theo kinh tế bị ảnh hưởng. Chưa kể, độ rủi ro cao khi chỉ phụ thuộc vào một thị trường duy nhất.
Trong quá khứ, nông dân Việt Nam đã từng có nhiều kinh nghiệm cay đắng khi ban đầu, người Trung Quốc thu mua một mặt hàng nào đó với giá rất hời. Ðến khi người dân đua nhau sản xuất và bán thì họ lại không cần nữa hoặc ép giá, bà con lỗ chổng gọng.
Làm ăn với Trung Quốc có những cái nguy hiểm, rủi ro, vì họ không tôn trọng các tiêu chuẩn, luật lệ kinh tế thị trường cho đến sức khỏe của người tiêu dùng. Họ chỉ nghĩ đến cái lợi cho mình và cũng dễ trở mặt như chơi.
Bài viết “Bất ngờ từ việc Trung Quốc săn lùng nông sản Việt Nam” trên báo Sài Gòn Tiếp Thị còn chỉ ra một khía cạnh đáng ngại hơn, đó là “…họ yêu cầu phía Việt Nam đóng gói và dán nhãn mác Trung Quốc…” tức là thương nhân Trung Quốc thu gom nông sản thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ tại Việt Nam về đóng nhãn mác của Trung Quốc để bán trong nước hay xuất khẩu sang một nước thứ ba với giá cao hơn.
… Và khi đó, các sản phẩm chất lượng cao từ Việt Nam lại đang phải đành “núp bóng” dưới các thương hiệu Trung Quốc.
Nhưng trớ trêu thay khi các sản phẩm kém chất lượng có xuất xứ từ Trung Quốc… thì lại đang xuất hiện với các thương hiệu Việt Nam và được bày bán công khai tại thị trường Việt Nam!
Hàng hóa, thực phẩm Trung Quốc từ lâu nay vẫn bị mang tiếng kém chất lượng, độc hại, bị nhiều nước trên thế giới tẩy chay. Nay họ “tráo nhãn” như vậy thì chẳng bao lâu, hàng Việt Nam cũng sẽ bị mang tiếng, bị tẩy chay. Kinh tế Việt Nam sẽ khốn đốn.
Hiện tượng thứ hai là người Trung Quốc núp bóng người bản xứ để thuê đất trồng… khoai lang ở Vĩnh Long. Báo Dân Việt đã phải cảnh báo: “Người Trung Quốc thuê đất: Chuyện không nhỏ”. Bởi trong tương lai, nếu thuê nhiều đất, họ có thể thao túng thị trường khoai lang của Việt Nam.
Ông Nguyễn Trần Bạt – chủ tịch, tổng giám đốc Investconsult Group trong bài “Chuyên gia nói về hiện tượng người Trung Quốc thuê đất” (báo Dân Việt) đã gọi đây là “sự tranh giành không gian sống, cụ thể ở đây là đời sống lương thực”.
… “Ðó là một hệ thống các hành vi. Như tôi đã phân tích, hệ thống các hành vi ấy có phải là âm mưu chính trị hay không hay nó chỉ là bản năng kinh doanh thông thường… Rồi sẽ còn bất động sản nữa. Tức là cả đất kinh doanh, cả đất công nghiệp, cả đất trồng rừng lẫn đất nông nghiệp đều có vấn đề…
… Quản lý cây trồng là việc rất quan trọng, bởi cây trồng và phân bón tác động trực tiếp đến chất lượng của đất đai… Khi làm méo mó chất lượng thổ nhưỡng tức là nó làm méo mó nền tảng của nông nghiệp Việt Nam.”
Là một quốc gia nghèo, công nghiệp, kỹ thuật đều chưa phát triển mạnh, kinh tế VN vẫn phải dựa vào nông nghiệp là chính. Nếu đầu tư đàng hoàng, tử tế vào nông nghiệp, Việt Nam không chỉ đảm bảo đủ lương thực trong nước mà còn xuất khẩu, làm giàu. Trên thế giới có những quốc gia như New Zealand giàu và nổi tiếng chủ yếu với nhiều thương hiệu từ các mặt hàng nông nghiệp, thực phẩm.
Dân số trên thế giới càng tăng thì vấn đề lương thực càng quan trọng. Tổ Chức Lương Nông Liên Hợp Quốc (FAO) đã nhiều lần cảnh báo về tình trạng khủng hoảng lương thực của nhân loại trong tương lai gần.
Trong khi đó nhà nước Việt Nam nhiều lần lấy đất nông nghiệp để xây dựng sân golf, nhà máy… hoặc cho người nước ngoài thuê với giá rẻ như bèo! Cộng thêm tình trạng không ưu tiên cải thiện đời sống cho người nông dân khiến nông dân bỏ nghề, bỏ ruộng lên thành phố.
Báo Tuần Việt Nam vừa qua có hàng loạt bài về vùng Ðồng Bằng Sông Cửu Long rất đáng lưu ý: “Ðồng Bằng Sông Cửu Long kêu cứu”, “Ðiểm yếu chí tử của Ðồng Bằng Sông Cửu Long”, “Nằm trên cánh đồng vàng mà vẫn nghèo”, “Khi người nông dân bỏ xứ ra đi”.
Ai cũng biết, Ðồng Bằng Sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất góp phần nuôi sống cả nước và xuất khẩu gạo hàng năm. Nhưng cũng là nơi có số lượng người thất học rất cao, trẻ em bỏ học nhiều, đời sống nông dân cơ cực, đời sống tinh thần càng thiếu thốn. Ðiều đó lý giải vì sao con gái vùng này đua nhau lấy chồng Hàn, chồng Ðài. Và bây giờ là hiện tượng người nông dân bỏ xứ ra đi.
Nguy cơ rồi đến lúc nào đó, Việt Nam sẽ phải nhập lương thực như nghịch lý phải nhập khẩu than sau nhiều năm khai thác và xuất khẩu vô tội vạ, chủ yếu sang Trung Quốc!
Hiện tượng thứ ba cũng dính dáng đến việc làm ăn mua bán với người Trung Quốc là sản xuất chè bẩn! Ðọc các bài “Rùng mình chè bẩn” và “Chè bẩn có bàn tay bên ngoài” đăng trên báo Người Lao Ðộng mà thực sự lo ngại.
Cũng như gạo, cà phê hay chè là những mặt hàng xuất khẩu bền vững nhiều năm qua của Việt Nam. Chè Việt Nam được tiêu thụ trên 100 quốc gia, là nước xuất khẩu chè lớn thứ 5 trên thế giới. Không phải vô cớ mà Hiệp Hội Chè Việt Nam đang hết sức nóng lòng vì chuyện sản xuất chè bẩn này.
Tại sao thương lái Trung Quốc lại “hướng dẫn” nông dân Việt Nam làm chè bẩn, độc hại để xuất sang chính nước họ? Liệu đây có phải là một trong muôn vàn cách đánh phá nền kinh tế Việt Nam? Bởi nếu các nước khác biết chuyện và tẩy chay chè Việt Nam thì thiệt hại sẽ vô cùng to lớn. Hoặc chỉ cần Trung Quốc mua chè bẩn về đóng gói lại, dán nhãn khác, bán trở lại sang Việt Nam thì sức khỏe của người dân sẽ như thế nào?
Sống gần một quốc gia khổng lồ với hơn 1.3 tỷ dân, luôn luôn khát đất, khát nguyên liệu, lương thực, chúng ta sẽ rất vất vả nếu không có một chính quyền đủ mạnh để độc lập. Không có những chính sách rõ ràng, minh bạch để hạn chế sự thao túng, trục lợi kinh tế từ Trung Quốc.
Bắc Kinh từ lâu đã âm thầm, kiên trì thi hành chiến lược bằng mọi cách làm cho nền kinh tế Việt Nam suy yếu và lệ thuộc vào Trung Quốc. Từ đó dẫn đến sự lệ thuộc về chính trị. Chúng ta cứ hay lo xa về chuyện Trung Quốc đánh Việt Nam. Có cách khác để lấy Việt Nam mà chẳng cần tốn một viên đạn, lại khỏi mang tiếng xâm lược trước thế giới!
Nhưng trước hết phải tự trách mình, qua những chuyện này, chúng ta thấy gì?
Một, sự điều hành, quản lý về kinh tế kém cỏi của nhà nước Việt Nam. Hãy nhìn các nước chung quanh vùng Ðông Nam Á, ngoại trừ ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, có nước nào khác bị phụ thuộc kinh tế nặng nề vào Trung Quốc như vậy không.
Hai, tâm lý ích kỷ, tầm nhìn ngắn, không đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên, chỉ hám cái lợi trước mắt, cho bản thân… của người Việt. Với người dân, không thể trách, họ phải vì miếng cơm manh áo. Nhưng nhà nước phải có tầm nhìn, chính sách, chế độ phù hợp. Thấy cái gì có hại về lâu dài là phải sửa đổi ngay.
Cuối cùng, câu hỏi về việc Trung Quốc đã thực sự xâm lược Việt Nam hay chưa, tưởng đã có câu trả lời.
Song Chi.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét