Câu chuyện biển Đông lại dậy sóng sau khi uống phải chén đắng Phnom Penh. Dư luận có vẻ dồn sự phẫn nộ về chú Hun Sen. Tôi nhìn khác, coi đây là cái tát cần thiết cho người Việt. Đến giờ mà vẫn coi Trung Quốc là “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” để “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” thì nên tự tát mình, thay vì trách chửi chú Hun.
Xin post lại hai bài viết cũ làm nội dung kích hoạt cho bàn tròn kỳ này: biển Đông và quan hệ Việt- Trung.
Tôi luôn thắc mắc mãi một điều tại sao người Việt và người Hoa không thích nhau? Tại sao làn sóng bài Hoa ngày càng mạnh? Tại sao ngày càng nhiều người Việt ghét Tàu? Tại sao sau cuộc chiến, người Việt dễ “cho qua”, dễ bắt tay choàng ôm những cựu binh Pháp- Mỹ, nhưng với người Tàu lại khó “ôm” đến vậy?
Tại sao
ta vẫn luôn nhắc mãi tội ác “thực dân Pháp” với “đế quốc Mỹ” nhưng quan hệ Việt – Pháp, Việt – Mỹ vẫn nồng ấm. Tại sao đến mấy chiếc tàu Trung Quốc đâm bắn ngư dân Việt cũng phải gọi tránh là “tàu lạ”, đến mấy chữ “quân Trung Quốc” trong tấm bảng di tích “sư đoàn 337 đánh bại và chặn đứng quân Trung Quốc xâm lược” cũng bị đục bỏ, đến mức người dân xuống đường biểu tình, mặc mấy chiếc áo in biểu ngữ “Hoàng Sa- Trường Sa” cũng khiến chính phủ sợ ảnh hưởng làm phật lòng “người bạn 16 chữ vàng” mà tình “đồng chí” Việt – Trung vẫn không thắm nồng?
Câu chuyện biển Đông dường như chưa bao giờ nguội. Cố lắng được dăm bảy năm lại kéo tàu gây hấn. Chiến tranh thì không thể, bởi thế giới giờ đâu phải thích là đánh, mạnh là thắng. Đối thoại và ngoại giao ư? “Một nghìn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây” chẳng lẽ vẫn chưa đủ cho người Việt nhận ra “đứa” nào dễ bắt tay cho qua còn “thằng” nào thì chớ dại dây vào?
Thế cục biển Đông không thể thắng bằng đối thoại ngoại giao kiểu “16 chữ vàng”. Cũng không thể hô xung phong tòng quân mà thắng được. Lòng dân thì không thiếu, ngọn lửa hừng hực ấy luôn âm ỉ trong mọi con dân Việt, cho dù ở đâu, dù dưới sắc cờ nào, không cần phải thổi cũng sẵn sàng bùng cháy, miễn là đừng bưng thau nước lạnh hắt tạt vào.
Câu chuyện biển Đông cũng như anh nhà quê bị hàng xóm ăn hiếp. Yếu thế mà vung dao thì chỉ thiệt thân. Đối thoại kiểu van xin thì cho dù có 16 hay vạn tỉ chữ vàng cũng chỉ… mất thêm vàng mà thôi! Càng bị hiếp càng hãi, đến mức con cái trong nhà nổi giận văng vài câu tỏ sự bất bình cũng bị bịt miệng trói tay, bị bố cho ăn tát vì sợ cái thằng hàng xóm nó nghe thấy.
Muốn trị thằng hàng xóm phải tìm kiếm cho mình một người bạn lớn, lớn mạnh hơn cái thằng hàng xóm ấy. Khi đó người bạn ấy cho dù chẳng cần làm gì, chỉ khoanh tay đứng cạnh thì thằng hàng xóm đã vãi ra quần không dám ho he hăm dọa ta nữa.
Cho dù chủ trương ngoại giao “muốn làm bạn với tất cả các nước”, nhưng lâu nay Việt Nam vẫn thiếu một người bạn lớn. Một người bạn lớn đủ làm thằng hàng xóm khiếp sợ. Người bạn lớn không chỉ là chìa khóa cho thế cuộc biển Đông, mà còn là điểm tựa cho nhiều thế cuộc khác.
Sẽ hình dung ra sao nếu suốt cuộc đời không tìm nổi cho mình một người bạn lớn. Ngay cả đến khi có được chai rượu ngon cũng không gặp bạn, phải ngồi nhậu với thằng hàng xóm chuyên gây sự thì quả là… bi kịch!
Chén đắng Phnom Penh đã cho thấy chiếc chiếu ASEAN chưa đủ sức bọc ngăn nổi cái lưỡi bò Trung Hoa.
Câu chuyện biển Đông và quan hệ Việt – Trung chỉ được giải quyết ổn thỏa trên một khái niệm láng giềng khác, một người bạn khác, một cách thắng khác.
———-
Khi hình ảnh lính Tàu bồng súng nghiêm trang dưới cờ đỏ sao vàng được vẽ trên những tấm pano tuyên truyền cho ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam dựng lên ở TP HCM, tôi đã cố tin rằng có lẽ đó chỉ là sơ suất của mấy… thằng họa sĩ.
Không lâu sau, chính bức ảnh lính Tàu này lại xuất hiện trên trang báo điện tử VietNamnet. Lần này nó được dùng làm vi-nhet minh họa cho chuyên mục ““đóng góp ý kiến cho đảng”. Không nghe ai giải thích, nhưng tôi tin chắc cũng chỉ do cái anh nhân viên làm vi-nhet gật gù nhìn gà hóa cuốc.
Khi những tấm pano tuyên truyền cho công đoàn và người lao động treo ở Cần Thơ sao nguyên bộ “Mao tuyển”, tôi vẫn lại cố tin rằng có khi chỉ do thằng thợ vẽ vùng xa ít học không biết “Mao tuyển” là gì.
Khi báo Phụ nữ TP HCM in ảnh lính Tàu minh họa cho bài viết về hải quân Việt Nam, báo Đăk Lăk lấy hình cột mốc Trung Quốc minh họa cho bài thơ của gã Tổng Biên tập viết về Trường Sa, tôi vẫn tin rằng có khi chỉ do… thằng đánh máy. Thì đến cả bài viết tường thuật hải quân Trung Quốc tập trận “bảo vệ chủ quyền” trên vùng đảo Hoàng Sa- Trường Sa của Việt Nam đăng trên báo điện tử đảng Cộng sản Việt Nam chẳng đã được ông Đào Duy Quát lý giải là do lỗi của “thằng đánh máy” đấy thôi.
Thậm chí, đến khi tấm bia khắc ghi chiến tích cuộc chiến tranh biên giới 1979 bị đục nát hàng chữ “quân Trung Quốc xâm lược”, tôi vẫn cố tin rằng có khi thật sự đó không phải là nỗi “khiếp nhược”, mà có thể chỉ là một sơ suất ngẫu nhiên nào đấy, hoặc do sự “phá hoại” của bọn trẻ… chăn trâu.
Khi tấm bia đá khắc ghi những dòng thơ cụ Hồ ngợi ca Hoàng đế Quang Trung đánh Tàu bị thay bỏ, tôi vẫn cố tin có thể chỉ vì một chữ “kẻ”… hỗn xược của cụ Hồ. Và con dân quê cụ đã thay bia để sửa chữa lỗi “hỗn xược” của cụ với Hoàng đế Quang Trung, chứ không phải vì một sự hỗn xược hay khiếp nhược nào khác.
Tôi đã tin và mãi cố tin…
Cũng như đã cố tin bài toán biển Đông sẽ được giải quyết ổn thỏa dần dần từng bước theo phương châm 4 tốt và 16 chữ vàng. Cố tin rằng dù sao Việt Nam- Trung Quốc cũng là anh em… Cộng sản. Xem truyền hình, chẳng thấy mỗi lần gặp nhau, lãnh đạo hai nước đều ôm hôn thắm thiết đấy thôi. G. Bush, Bill Clinton, Obama và nhiều nguyên thủ khác hệ Cộng sản có bao giờ được ôm hôn như thế? Hay đó chỉ giản đơn là trò tuồng của những người… Cộng sản?
Tôi đã cố tin như người ta thường khuyên bảo rằng mọi chuyện đã có đảng và nhà nước lo. Cố tin rằng công an sẽ không trấn áp người dân biểu tình ôn hòa thể hiện lòng yêu nước. Cố tin rằng những hình ảnh bắt bớ, bóp cổ và khiêng đạp như súc vật kia chỉ có thể là những thằng lưu manh chứ không thể là công an.
Tôi đã cố tin, và cứ mãi cố tin sau hàng núi những sự thể hơn cả khiếp nhược. Tin mãi để đến mức không thể còn tin được nữa.
Có thể ngụy biện đó là “phương cách ngoại giao”. Có thể quan hệ hữu nghị và niềm tin Việt- Trung “chưa bao giờ tốt như bây giờ” như tuyên bố của lãnh đạo hai nước. Nhưng niềm tin nội tại giữa quan hệ quan- dân trong nước thì rạn nứt. Chưa bao giờ, yếu tố Trung Hoa lại đục khoét niềm tin nội tại của người Việt như bây giờ. Ai dám tin và tin vào ai khi hàng loạt tàu cá ngư dân bị đuổi bắt, cướp đoạt tài sản trên chính vùng biển của mình, trong khi cái lưỡi bò Trung Hoa liếm gần hết biển Đông, nhưng Chủ tịch Quốc hội (bây giờ đã là Tổng Bí thư) lại bình thản phán “tình hình biển Đông không có gì mới”? Đến mức người dân mặc cái áo in chữ Hoàng Sa- Trường Sa cũng khiến chính quyền sợ hãi, rằng như thế là làm phật lòng, ảnh hưởng đến quan hệ Việt- Trung?
Sẽ tin sao khi ngay cả chuyện cái sắc phục của các ngành quân đội, công an cũng ngày một giống Trung Quốc hơn? Khi đâu đâu trên khắp nước Việt này cũng gặp những ngôi chùa toàn chữ Tàu? Khi hàng nghìn thí sinh bị điểm 0 môn sử nhưng lại đọc vanh vách sử Tàu?
Sự vong bản, chẳng lẽ đã đến mức này sao?
Tôi đã cố tin, và cố tìm mọi hướng lý giải khác, nhưng không thoát được. Hay “lời nguyền địa lý” mãi mãi khiến thân thể chữ S này chịu khòng lưng dưới sức đè của tảng đá Trung Hoa?
Thoát Trung- không còn cách nào khác, như cách người Nhật vươn vai trỗi dậy với “thoát Á luận” vậy. Thậm chí trong điều kiện và xu thế hiện tại, người Việt dễ thoát Trung hơn so với lúc người Nhật thoát Á.
Nói thoát Á, thực ra là thoát Trung. Người Nhật nước Nhật cũng trong vùng “lời nguyền địa lý” như ta, nhưng họ biết thoát và dám thoát. Còn người Việt, ai, thế hệ nào cho tôi niềm tin và hi vọng thoát Trung?
Không thoát Trung, người Việt và dân tộc Việt mãi mãi không thoát cởi được thân phận… đớn hèn khiếp nhược này!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét