Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa (giữa), Bộ trưởng ngoại giao kiêm phó thủ tướng Campuchia Hor Nam Hong (trái) và Ngoại trưởng Thái Lan Kasit Piromya phát biểu tại một cuộc họp báo ở Jakarta
Bùi Tín
ASEAN vừa trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Cuộc hội nghị lần thứ 45 của ngoại trưởng 10 nước ASEAN lâm vào bế tắc, lần đầu tiên không ra được Tuyên bố chung, do sự phá đám dấu mặt của Bắc Kinh.
Phiên họp cuối chiều ngày 17/7/2012, chủ tọa khóa họp là Ngoại trưởng Campuchia Hor Nam Hong tuyên bố hội nghị đã không đạt được tuyên bố chung vì có 2 nước nhất định đòi ghi cuộc tranh dành lãnh thổ với một nước lớn vào (ám chỉ Philippines và Việt Nam).
Tân Hoa Xã đưa ngay tin bình luận coi đó là thắng lợi của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng ở Biển Đông. Ông Hor Nam Hong sau khi đổ lỗi cho Philippines và Việt Nam, liền thanh minh rằng ông rất công bằng không thiên vị, không bênh một bên nào.
Nhưng các nhà báo quốc tế có mặt rất tinh đời. Báo Nhật Bản, Úc, Hoa Kỳ đều đưa tin là chủ nhà đã làm lợi cho nước lớn, có thể là con ngựa thành Troia của Bắc Kinh, đã bị mua vì Trung Quốc vốn có sẵn cả âm mưu và đô-la. Ngôi nhà họp quốc tế là “Cung Hòa Bình” – Peace Palace, là quà tặng của Trung Quốc, trị giá 20 triệu đô-la.
Một số bài bình luận tỏ ra thất vọng về ASEAN, coi đây là biểu hiện của khủng hoảng và bế tắc, rằng nó không còn tương lai trước một kẻ bành trướng hung hãn, thâm độc có nhiều âm mưu và phương tiện chia rẽ.
Nhưng không phải vậy. Đã có ý cảnh báo Bắc Kinh chớ vội hý hửng, vì tuy đạt về chiến thuật nhưng Bắc Kinh sẽ vấp phải những thất bại chiến lược mới, do các nước ASEAN sẽ cảnh giác hơn với Trung Quốc, sẽ tìm cách thắt chặt đoàn kết hơn trước hiểm họa phương Bắc quá rõ.
Quả đúng như vậy. ASEAN không chia rẽ. ASEAN vẫn đoàn kết. ASEAN vẫn ra được tuyên bố chung 6 điểm nguyên tắc cho những tranh chấp vùng Biển Đông.
Đó là vì tất cả các nước ASEAN không chấp nhận thất bại, ở ngay trong cuộc họp này. Các nước Philippines, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Singapore, Thái Lan, Brunei, Lào, và cả Campuchia nữa, cuối cùng cũng nhận ra nhu cầu phải cứu vãn tình thế, vì lợi ích tối cao của mỗi nước, cũng vì lợi ích chung của khu vực.
Những người đóng góp lớn nhất vào sự chuyển biến có hậu này là ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa, ngoại trưởng Malaisia Amifah Haji, ngoại trưởng Singapor K.Shanmugan.
Trong gần một tuần lễ từ sang 18/7, các vị này chạy lui chạy tới, đôn đáo trao đổi bàn luận, giúp nhau sáng kiến, củng cố niềm tin để đánh thông bế tắc, tìm ra giải pháp.
Công đầu rõ ràng là thuộc về Ngoại trưởng Indonesia M. Natalegawa, người rất gần với Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono, một nhà lãnh đạo luôn quan tâm đến vai trò tập thể của ASEAN. Suốt 4 ngày, ông M. Natalegawa hoạt động không ngơi nghỉ, 2 lần ghé Kuala Lumpur để gặp ngoại trưởng Amifah Haji. Ông này cũng nhắc đi nhắc lại ý mình là “ ASEAN phải có tiếng nói duy nhất, phải có tiếng nói thống nhất. Không thể để cuộc họp không có kết luận, sẽ tạo một tiền lệ xấu và nguy hiểm”.
Sau đó ông ghé qua Hà Nội 2 lần, gặp cả tổng bí thư, cả thủ tướng, cả Bộ trưởng Phạm Bình Minh, rồi lại trở về Pnom Penh lần thứ tư để thuyết phục cả thủ tướng Campuchia Hun Sen và Bộ trưởng Ngoại giao kiêm phó thủ tướng Hor Nam Hong. Trước đó, ông còn sang Vientiane, Manila.
Ông Natalegawa kể lại trước ngày 17/7 ông đã đích thân thảo đi thảo lại đến 6 lần bản thông cáo chung, từ cụ thể nhất đến chung chung nhất, nhưng đều không được nhất trí. Bản chung cuộc ông đưa ra ngày 25/7 này không nói những tranh chấp cụ thể, chỉ nói đến 6 nguyên tắc nhất trí để thảo ra Văn kiện về ứng xử ở Biển Đông (DOC) trong một cuộc họp sắp tới, điều mà Trung Quốc cũng đã buộc phải tuyên bố đồng tình. Trong bản mới này, có nguyên tắc không được dùng vũ lực là điều Trung Quốc rất quan ngại, vì bị chạm đúng nọc.
Trong cuộc họp báo ngày 25/7 ở Pnom Penh ông M. Natalegawa đứng cạnh ông Hor Nam Hong để trình bày với các nhà báo quốc tế, nói rõ rằng cuộc họp ngoại trưởng ASEAN đã có kết luận nhất trí, “chúng tôi đoàn kết và thống nhất”, “chúng tôi không chia rẽ, không chống đối nhau”. Trung Quốc bị một cú phản kích đau điếng. Ông Trì Hạo Điền hết vênh mặt.
Họat động mạnh mẽ, xuất sắc của ngoại trưởng M. Natalegawa rất đáng khâm phục. Thật ra không có gì là lạ. Ông là một nhà ngoại giao trẻ xuất sắc. Ai đã từng gặp ông ở trụ sở Liên Hiệp Quốc – New York hồi 2006 khi ông hơn 40 tuổi, là Đại diện của Indonesia, có thể thấy ông hoạt bát, thông minh ứng phó ra sao trước các nhà báo quốc tế, với tiếng Anh nhuần nhuyễn, chứ không nói kiểu công thức, theo sách giáo khoa như phần lớn các nhà ngoại giao Hà Nội. Suốt mấy tháng nay ông gặp bà ngoại trưởng Clinton nhiều lần và luôn tâm đầu ý hợp.
Điều dễ hiểu là Indonesia là một nước lớn, rộng gần 2 triệu km2, gồm hơn 17 ngàn đảo,với 240 triệu dân, rộng gấp 6 lần và đông dân gấp 3 lần Việt Nam, rất xứng đáng là nước đầu tầu, nước đàn anh chững chạc, năng động của ASEAN. Lâu nay Indonesia đã chọn con đường liên minh tòan diện với Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nhật Bản, tạo thế chiến lược tự tin vững chãi.
Trong khi ấy, bộ trưởng ngoại giao VN ở Pnom Penh và thứ trưởng ngoại giao VN ở Hà Nội khi trả lời các nhà báo Pháp và Nhật Bản…, chỉ có mấy câu trả lời vuốt đuôi kiểu than thân trách phận, rất giống nhau ở chỗ mất tự tin, mất phương hướng: “cuộc họp đã thất bại”, “thật là đáng tiếc”, “tình hình đang xấu đi”, “chúng tôi không hài lòng”. Họ không biết nói gì thêm.
Gương sáng hành động có hiệu quả của nhà ngọai giao Indonesia thật đáng ca ngợi và học tập.
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét