Pages

Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Việt Nam - Biểu tình trong quá khứ và hiện tại









Biểu tình chống TQ ở Hà Nội ngày 8-7-2012.


Carlyle A. Thayer

Hỏi: Các cuộc biểu tình ở Việt Nam hồi thập niên 1990 thì rất hiếm. Vì sao biểu tình trở nên thường xuyên hơn trong thập niên qua?

Đáp: Tôi sẽ phân loại các cuộc biểu tình về các vấn đề trong nước như chuyện đất đai và việc đối xử  của các quan chức địa phương với các cuộc biểu tình liên quan đến chính trị. Các cuộc biểu tình liên quan đến đất đai là một thực tế về đời sống ở Việt Nam kéo dài từ cuối thập niên 1980. Nông dân đã tổ chức biểu tình ở các quận, huyện ở địa phương của họ và/ hoặc đã tụ họp bên ngoài các văn phòng Quốc hội ở thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1997, có một cuộc biểu tình lớn của nông dân ở tỉnh Thái Bình với hơn 10.000 người.
Các cuộc biểu tình liên quan đến chính trị là kết quả của kỷ nguyên điện thoại di động và internet. Đó là sản phẩm của toàn cầu hóa, nơi các cuộc biểu tình ở các nước khác, hay các cuộc biểu tình ở Việt Nam được truyền thông nước ngoài đưa tin mà nhiều người ở Việt Nam biết đến. Công nghệ mới giúp cho mọi người biết được các cuộc biểu tình. Một cuộc biểu tình này sẽ khích lệ một cuộc biểu tình khác. Hai yếu tố khác tạo điều kiện thuận lợi cho việc biểu tình công khai là sự phát triển kinh tế của Việt Nam và việc người dân đi ra nước ngoài, gồm cả mục đích giáo dục. Người dân được giáo dục tốt hơn và có khả năng dành thời gian vào các hoạt động chính trị.

Hỏi: Có thông tin Hà Nội đã trả tiền cho sinh viên, học sinh tham gia một cuộc biểu tình phản đối Mỹ trong cuộc chiến Iraq năm 2003. So sánh với các cuộc biểu tình chống Trung Quốc lần đầu tiên hồi năm 2007, [ông] nghĩ gì về điều này?

Đáp: Tôi không có thông tin về việc trả tiền cho các cuộc biểu tình hồi năm 2003. Phải chăng là trả cho những người bị tổn thất thu nhập?

Cuộc biểu tình chống Trung Quốc lần đầu tiên hồi tháng 12 năm 2007 là tự phát. Sinh viên và thanh niên sử dụng điện thoại di động và tin nhắn để kết nối với nhau. Cuộc chiến Iraq thì xa xôi và không liên quan trực tiếp đến Việt Nam. Năm 2007, vấn đề là Trung Quốc thông báo rằng họ nâng cấp chính quyền và tạo ra Tam Sa là đơn vị hành chính chịu trách nhiệm đối với quần đảo Hoàng Sa, bãi Macclesfield (ND: TQ gọi là Trung Sa) và quần đảo Trường Sa. Những người biểu tình cảm thấy tức giận trước sự sỉ nhục của Trung Quốc đối với chủ quyền quốc gia.

Hỏi: Ông nghĩ sao về việc chính phủ Việt Nam cho phép các cuộc biểu tình chống Trung Quốc mới đây nhất, nhưng lại đàn áp các cuộc biểu tình gần đây của những người Công giáo và những người tham gia đòi đất?

Đáp: Chế độ cộng sản tịch thu đất đai của người Công giáo trong thập niên 1950 và tịch thu một lần nữa sau khi thống nhất đất nước. Chính phủ đã hạn chế bất kỳ sự xem xét nào về các quyết định này, gồm cả việc bồi thường. Những năm gần đây, chính phủ lập luận rằng họ cung cấp đất công cho tôn giáo để thay thế. Những cuộc biểu tình của người Công giáo về mặt chính trị đã tấn công trực tiếp vào tính hợp pháp của chế độ độc đảng ở Việt Nam. Các vấn đề về đất đai cũng tấn công vào những mối quan hệ quyền lực chính trị và kinh tế của các quan chức địa phương. Sự trung thành của cộng đồng Công giáo luôn bị đặt dấu hỏi. Các nhà hoạt động về quyền sử dụng đất đai cố gắng quy tụ những nông dân bị thiệt hại và thành lập các hiệp hội mà chế độ xem là bất hợp pháp và là một thách thức đối với các tổ chức quần chúng của chế độ.

Các cuộc biểu tình chống Trung Quốc không liên quan đến bất kỳ thách thức nào về mặt kinh tế. Phần lớn các cuộc biểu tình là yêu nước, thể hiện chủ nghĩa dân tộc. Nó phản ánh quan điểm rộng rãi của giới thượng lưu, nhưng các cuộc biểu tình thể hiện sự thách thức đối với chủ nghĩa dân tộc là một trong những vấn đề cơ bản về tính hợp pháp của chế độ. Các cuộc biểu tình chống Trung Quốc là một bản cáo trạng về sự thất bại của chính quyền trung ương đối phó với Trung Quốc, các cuộc biểu tình này được xem như là một thách thức. Nhiều người biểu tình ở Hà Nội đến từ các gia đình có ảnh hưởng.

Hỏi: Các học giả nói chính trị ở Việt Nam là do người ta tin rằng những người cầm quyền có đạo đức cao hơn người thường và do đó họ đáng tin cậy. Ông nghĩ điều này ảnh hưởng đến các phản ứng chính thức đối với các cuộc biểu tình như thế nào?

Đáp: Văn hóa chính trị ở Việt Nam gồm có các giá trị Khổng giáo còn sót lại. Các quan chức chính phủ được cho là phải duy trì các chuẩn mực đạo đức cao và phục vụ tập thể chứ không phải phục vụ [lợi ích] cá nhân. Đây là trường hợp lý tưởng đã bị hủy hoại bởi các nhận thức về tham nhũng sâu rộng của các quan chức chính phủ. Tôi có thể nói rằng không có mối liên hệ giữa việc công chúng đánh giá các quan chức chính phủ như thế nào với việc các quan chức chính phủ tự đánh giá mình như thế nào. Các quan chức chính phủ nói chung có quan điểm tự phục vụ lợi ích bản thân họ. Ví dụ, các nhà cải cách chính trị bên trong hệ thống thường chia sẻ quan điểm tương tự với những người bên ngoài hệ thống, nhưng ít có khả năng là hai nhóm sẽ hình thành một liên minh. Những người bên trong hệ thống kinh sợ những người ngoài hệ thống vì sự táo bạo của chủ trương cải cách chính trị. Cải cách chính trị là đặc quyền của giới cao cấp – những người được sinh ra từ giới quý tộc – không phải những người từ bên ngoài. Họ được xem như là theo đuổi lợi ích cá nhân và riêng tư.

Hỏi: Vì sao ông nghĩ rằng chính phủ tiếp tục cho phép biểu tình chống Trung Quốc trong năm nay?

Đáp: Các hành động của Trung Quốc trong năm nay đã vượt quá giới hạn cho phép. Điều này thích hợp để chính phủ cho phép thể hiện công khai tình cảm chống Trung Quốc – ở mức độ nào đó. Tháng sáu năm ngoái, Trung Quốc và Việt Nam đạt thỏa thuận "chỉ đạo công luận". Điều này có nghĩa là ngăn chặn các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam. Có sự ủng hộ rộng rãi và trong giới thượng lưu gia tăng sự ủng hộ công chúng về các cuộc biểu tình.

Hỏi: Đánh giá trước đó của ông đã viết rằng, một lý do đàn áp các blogger là chính sách ngoại giao với cả Trung Quốc và Mỹ. Có bất kỳ lý do nào khác để cân nhắc?

Đáp: Chính trị trong nước và các mối quan hệ quốc tế thì liên quan chặt chẽ với nhau. Nhưng khi bạn tách khỏi vấn đề chính trị để đi vào biểu tình, có những người bảo thủ trong đảng và bên công an xem bất kỳ biểu hiện nào về việc biểu tình có tổ chức là sự lật đổ. Nó thường bị gán cho diễn biến hòa bình. Nhưng nó cũng liên quan tới mức độ thất vọng về chính phủ; bất chấp sự cố gắng hết sức để đe doạ và dẹp bỏ các cuộc biểu tình, họ vẫn tiếp tục. Tóm lại, biểu tình được xem như là một thách thức đối với quyền hành của các quan chức chính phủ. Các quan chức chính phủ muốn kiểm soát. Họ nhạy cảm với sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu, sự sụp đổ của Liên Xô, các cuộc cách mạng màu và Mùa Xuân Ả Rập.

Người dịch: Dương Lệ Chi

Nguồn: "Việt Nam: biểu tình trong quá khứ và hiện tại", Carlyle A. Thayer. Thayer Consultancy Background Brief, ngày 26 tháng 7 năm 2012.

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012

Không có nhận xét nào: