Pages

Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012

Nhật Bản tố cáo Trung Quốc uy hiếp thế giới


Tàu tuần duyên Nhật Bản chận tàu đánh cá được tàu tuần duyên Ðài Loan hộ tống gần dãy đảo Senkaku/Ngư Ðài (ảnh tư liệu)
Duy  Ái,                     28.07.2012
Báo chí Nhật Bản mới đây cho biết bạch thư quốc phòng của Nhật năm nay tố cáo Trung Quốc uy hiếp thế giới, giữa lúc vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục leo thang.
Thủ tướng Nhật khẳng định quyết tâm điều động binh sĩ để “đáp trả một cách mạnh mẽ” những hành vi xâm phạm lãnh hải, trong lúc các học giả Trung Quốc đề nghị chính phủ ở Bắc Kinh tuyên bố đòi chủ quyền quần đảo Lưu Cầu của Nhật, kể cả đảo Okinawa là nơi có nhiều căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto mới đây cảnh báo rằng Tokyo có thể đưa quân tới quần đảo Senkaku nếu có sự leo thang trong vụ tranh chấp hiện đang sôi sục với Trung Quốc. Ông nói rằng lập trường của Nhật không thay đổi, nhưng ông khẳng định là nước ông sẽ dùng vũ lực để bảo vệ những hòn đảo mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư Đài và cũng tuyên bố có chủ quyền. Bộ trưởng Morimoto cho biết việc bảo vệ các hòn đảo này chủ yếu là do lực lượng tuần duyên và cảnh sát đảm nhận, nhưng theo qui định của pháp luật, binh lính thuộc Lực lượng Tự vệ có quyền hành động nếu giới hữu trách địa phương không đủ khả năng xử lý tình hình.
Người đứng đầu bộ quốc phòng Nhật cảnh báo như thế tại cuộc họp báo ở Tokyo hôm thứ 6 (27-07-2012), một ngày sau khi Thủ tướng Yoshihiko Noda khẳng định quyết tâm sử dụng lực lượng quân sự để “đáp trả một cách mạnh mẽ” những hành vi xâm phạm lãnh hải. Ông Noda phát biểu tại phiên họp khoáng đại của Hạ viện Nhật rằng “Nếu các nước láng giềng có những hành động bất hợp pháp ở lãnh thổ và lãnh hải của chúng ta, trong đó có quần đảo Senkaku, chúng ta sẽ có những hành động nghiêm khắc, kể cả việc sử dụng tới binh lính thuộc Lực lượng Tự vệ, nếu cần.”
Phát biểu của nhà lãnh đạo Nhật đã nhanh chóng gặp phải sự đả kích của Trung Quốc. Bản tin hôm thứ 7 của Tân Hoa Xã trích lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói rằng Trung Quốc “quan tâm sâu sắc” và “cực kỳ bất mãn” đối với điều mà ông mô tả là “những lời phát biểu thiếu trách nhiệm cao độ” của Thủ tướng Noda. Ông Hồng Lỗi cũng tái khẳng định quyết tâm của Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và nói rằng Điếu Ngư Đài là một phần của lãnh thổ Trung Quốc từ thời xa xưa.
Hai ngày trước khi ông Noda phát biểu tại Hạ viện Nhật, báo chí ở Tokyo cho biết bạch thư quốc phòng năm nay đã được nộp cho nội các, và văn kiện dự kiến sẽ được công bố trong những ngày sắp tới đặc biệt chú trọng đến sự kiện là sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã gia tăng một cách rất nhanh chóng, tạo ra một mối đe dọa cho thế giới. Theo tin của tờ Yomiuri Shimbun, trong bạch thư này các chuyên gia quốc phòng Nhật nói rằng ngân sách quốc phòng Trung Quốc đã gia tăng khoảng 30 lần trong 24 năm qua. Họ cũng ghi nhận là hải quân Trung Quốc trong thời gian gần đây đã gia tăng hoạt động ở Biển Đông Trung Hoa và Biển Nam Trung Hoa qua việc điều động chiến hạm đến khu vực này thường xuyên hơn.
Tiến sĩ Dương Trung Mỹ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Đương đại ở Nhật Bản, cho biết nội dung của bạch thư quốc phòng Nhật Bản báo hiệu một sự điều chỉnh lớn của Tokyo về đường lối ngoại giao và quân sự đối với Trung Quốc.
Ông Dương Trung Mỹ nói “Trước đây không hề có chuyện Nhật Bản công bố sách trắng quốc phòng chuyên phân tích vấn đề quốc phòng Trung Quốc. Điều này chứng tỏ Nhật Bản rất nhạy cảm và cảnh giác trước sự lớn mạnh của Trung Quốc trong lãnh vực quân sự. Nhật Bản đặc biệt chú tâm tới sức mạnh quân sự Trung Quốc hồi năm ngoái, sau khi Trung Quốc tuyên bố Điếu Ngư Đài là lợi ích cốt lõi. Điều này làm cho Nhật Bản cảm thấy cần phải tiến hành một sự điều chỉnh lớn trong chính sách ngoại giao và quân sự đối với Trung Quốc.”
Tiến sĩ Dương Trung Mỹ cho rằng vụ tranh chấp chủ quyền Điếu Ngư Đài khiến cho quan hệ Trung-Nhật trở nên rất phức tạp và ông dự kiến trong 10 năm tới đây mối quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản và Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển, nhưng quan hệ chính trị và quân sự sẽ ở trong tình trạng mà ông gọi là “băng giá.” Ông nói rằng sự băng giá này có thể thấy được qua sự kiện là năm nay là năm kỷ niệm thứ 40 ngày hai nước thiết lập bang giao nhưng không hề có một cuộc thăm viếng cấp cao nào được thực hiện.
Ông Dương Trung Mỹ nhận định rằng có hai biến số định đoạt vấn đề Trung Quốc có phải là một mối đe dọa cho Nhật Bản hay không.
Ông nói “Điều thứ nhất là nội bộ của Trung Quốc có ổn định hay không. Trung Quốc hiện đang đối mặt với những vấn đề vô cùng to lớn, trong lúc quan hệ với các nước xung quanh lại phát sinh những thay đổi kịch liệt, từ Bắc Triều Tiên cho tới Miến Điện, nước nào cũng cảm thấy e dè đối với Trung Quốc. Sự phát triển kinh tế của Trung Quốc đòi hỏi họ thực hiện một cuộc điều chỉnh lớn về ngoại giao, nhưng chúng tôi không thấy họ có khả năng để điều chỉnh một cách linh hoạt. Điều thứ nhì là sau khi kinh tế đã phát triển tới mức độ như hiện nay Trung Quốc lẽ ra phải ra sức xây dựng một xã hội công dân hài hòa, nhưng điều này đã không xảy ra. Trung Quốc giờ đây vẫn tiếp tục nằm dưới sự cai trị độc đoán của những người có quyền thế, cấu kết với giới tư sản mại bản để trục lợi.”
Trong khi đó, các học giả, chuyên gia và các nhà bình luận thời cuộc ở Trung Quốc hồi gần đây đã lên tiếng thúc giục chính phủ ở Bắc Kinh chính thức tuyên bố đòi chủ quyền quần đảo Lưu Cầu, trong đó có đảo Okinawa, nơi Hoa Kỳ đang có nhiều căn cứ quân sự quan trọng.
Một bài bình luận hồi đầu tháng này của tờ Hoàn cầu Thời báo ở Bắc Kinh đề nghị chính phủ xem xét tới việc thách thức quyền kiểm soát của Nhật đối với đảo Okinawa. Tờ báo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc này nói rằng Trung Quốc không nên sợ gì mà không cùng với Nhật Bản tham gia một cuộc đấu tranh để gây phương hại cho sự toàn vẹn lãnh thổ của đối phương. Theo tường thuật ngày 23 tháng 7 của tờ Financial Times, Thiếu tướng Kim Nhất Nam, Chủ nhiệm Bộ Nghiên cứu chiến lược của Đại học Quốc phòng Trung Quốc, tuyên bố rằng chỉ đòi Nhật Bản trao trả Điếu Ngư Đài là không đủ mà cần phải đòi hỏi đảo Okinawa và phần còn lại của quần đảo Lưu Cầu là lãnh thổ của Trung Quốc. Ông Đường Thuần Phong, cựu tham tán kinh tế của tòa đại sứ Trung Quốc ở Tokyo, cũng cổ xướng cho việc xét lại sự thừa nhận của Trung Quốc đối với quyền cai trị của Nhật trên đảo Okinawa.
Chủ trương này tuy chưa được chính phủ Trung Quốc tán đồng, nhưng sự xuất hiện của những luận điệu quá khích như vậy ở Trung Quốc đang làm cho Nhật Bản và nhiều nước khác cảm thấy bất an. Tờ Financial Times trích lời một chuyên gia về Trung Quốc và Nhật Bản của Đại học Miami, bà June Dreyer, nói rằng “một khi quí vị bắt đầu lập luận rằng một mối quan hệ triều cống tại một thời điểm nào đó trong lịch sử là cơ sở để đòi chủ quyền trong thế kỷ 20, quí vị bắt đầu gây lo ngại cho rất nhiều người. Có rất nhiều quốc gia từng có quan hệ triều cống với Trung Quốc.”

Không có nhận xét nào: