Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài dời Trung Quốc do chi phí sản xuất tăng cao
Chi phí cao khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài muốn rời Trung Quốc. Trong ảnh : một công nhân đi dạo cạnh một khu phố lớn của Thượng Hải, 13/07/2012 REUTERS/Aly Song
Trong nhiều năm qua, nhân công giá rẻ vốn là một thế mạnh của nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực ngoại thương. Thế nhưng, trong thời gian gần đây, mức lương của nhân công tại Trung Quốc tăng nhanh, đe dọa khả năng canh trạnh. Do vậy, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã hoặc đang có kế hoạch di chuyển các cơ sở sản xuất sang các nước khác trong khu vực, hoặc « hồi hương ».
Một nghiên cứu của ngân hàng Pháp Natixis, được công bố hồi tháng Sáu vừa qua, nhận định là chi phí nhân công tại Trung Quốc sẽ bằng mức của Hoa Kỳ, trong vòng bốn năm tới, tương đương với mức trong khu vực đồng euro trong 5 năm tới và trong 7 năm tới sẽ bằng mức ở Nhật Bản. Tình hình này sẽ thúc đẩy nhiều doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực chế biến, gia công rút ra khỏi Trung Quốc để chuyển sang các quốc gia ở Nam và Đông Nam Á, nơi mà giá nhân công còn thấp.
Vẫn theo ngân hàng Pháp, thậm chí, xu hướng nói trên có thể có lợi cho một số nước như Ai Cập, Maroc, Rumani hoặc Bulgari.
Tháng 08/2011, các chuyên gia thuộc Tập đoàn tư vấn Hoa Kỳ Boston Consulting Group (BCG) đã dự báo là « vào khoảng năm 2015, việc sản xuất nhiều sản phẩm cho người tiêu dùng Mỹ ở một số nơi trên lãnh thổ Hoa Kỳ sẽ rẻ như tại Trung Quốc ».
Theo BCG, công ty Sleek Audio, đã đưa bộ phận sản xuất thiết bị tai nghe – casque – cao cấp, từ Trung Quốc về Florida. Từ năm 2014, công ty NCR sẽ chuyển một cơ sở chế tạo máy rút tiền, từ Trung Quốc sang Columbus, tiểu bang Georgia, Hoa Kỳ, và sẽ sử dụng tới 870 nhân công.
Tuần trước, tập đoàn sản xuất thiết bị thể thao Adidas của Đức đã thông báo đóng cửa nhà máy cuối cùng của mình tại Trung Quốc, nhưng vẫn duy trì mạng lưới bao gồm 300 doanh nghiệp gia công địa phương. Hiện nay, lương tối thiểu của công nhân sản xuất giầy thể thao trong các nhà máy của Adidas tại Trung Quốc là 2000 nhân dân tệ, tương đương 258 euro, trong khi đó, lương của công nhân Cam Bốt, cũng làm việc cho tập đoàn này, chỉ là 107 euro.
Giữa tháng Bẩy, chính phủ Trung Quốc cho biết, lương của 167 triệu nhân công ngoại tỉnh, thông thường ở mức rất thấp, đã tăng 14,9% và lên tới mức trung bình là 2200 nhân dân tệ (282 euro).
Trong năm 2010 và 2011, có những đợt lương nhân công Trung Quốc tăng rất cao sau các cuộc đình công trên quy mô lớn ở một số nhà máy có vốn đầu tư ngoại quốc như Toyota, Honda, hoặc sau làn sóng tự tử tại các nhà máy của tập đoàn điện tử Đài Loan Foxconn.
Một chuyên gia thuộc công ty tư vấn Capital Economics ghi nhận là sau nhiều năm tăng nhanh về lương, giá bất động sản và trị giá nhân dân tệ, tỷ trọng của Trung Quốc trong xuất khẩu thế giới về các mặt hàng rẻ tiền, có giá trị gia tăng thấp, đã bắt đầu đi xuống. Tuy nhiên, bù lại, tỷ trọng các sản phẩm cao cấp hơn lại tăng lên.
Nếu như Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng chi phí sản xuất ngày càng cao, một số chuyên gia vẫn cho rằng nước này còn nhiều yếu tố hấp dẫn đối với giới đầu tư ngoại quốc.
Theo ông Louis Kuijs, giám đốc phụ trách dự án, thuộc Fung Global Institute, một tổ chức chuyên nghiên cứu về các nền kinh tế châu Á, nói rằng phần lớn việc tăng lương đã được bù đắp lại qua việc năng suất lao động của công nhân Trung Quốc tăng rất cao. Theo một cuộc điều tra ở 200 doanh nghiệp Trung Quốc, được tiến hành hồi đầu năm nay, có những nơi như trong các nhà máy ở khu vực sông Châu Giang, miền nam Trung Quốc, năng suất lao động tăng nhanh hơn lương. Quảng Đông ở miền nam và các tỉnh khác ở vùng duyên hải lại có một lợi thế rất lớn so với các nước trong khu vực Nam và Đông Nam châu Á : Đó là mạng lưới hệ thống cung cấp hàng hóa, nguyên vật liệu rất có hiệu quả, môi trường kinh doanh thuận lợi. Mặt khác, nếu giá nhân công vùng duyên hải cao thì giới đầu tư có thể quay vào các vùng miền trung và phía đông, nằm sâu trong lãnh thổ Trung Quốc, những nơi mà hiện nay, đất đai, lương và năng lượng còn rất rẻ./Đức Tâm (RFI)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét