Pages

Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

'TQ ngày càng quá đáng nên Mỹ cần ngăn chặn'

Một bài phân tích đăng trên Wall Street Journal viết Trung Quốc đang ngày càng quá đáng và Mỹ cần phải có động thái kiểm chế nhằm tạo niềm tin ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 
Trung Quốc ngày càng hung hăng
Bằng cách đơn phương thiết lập chính quyền thành phố và thiết lập một đơn vị quân đội đồn trú trên một hòn đảo đang có tranh chấp tại Biển Đông, Bắc Kinh làm bùng thêm những căng thẳng, khiến việc giải quyết những tranh chấp về chủ quyền tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương thêm phần khó khăn. 



Đây là minh chứng phản bác lại những lập luận cho rằng sự phát triển quân sự của Trung Quốc trong những thập kỷ gần đây là không mang tính đe dọa và đó chỉ là hành động tự nhiên của một cường quốc đang nổi lên. 

Lúc này cũng là thời điểm kiểm tra độ tin cậy của chính sách đối với Trung Quốc của chính quyền Obama và Washington phải quyết định đối phó như thế nào trước sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc. Nếu Mỹ để mặc những nước lánh giềng yếu hơn nhằm đơn độc đối mặt với Trung Quốc, điều đó sẽ làm tăng nguy cơ suy giảm uy tín, ảnh hưởng của Mỹ tại châu Á và khiến nguy cơ xung đột càng dễ xảy ra.



 
Trung Quốc đặt trụ sở cái gọi là "thành phố Tam Sa" trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh THX
Bắc Kinh đã đặt quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam và bãi Maccclesfield của Philippines dưới quyền kiểm soát của cái gọi là "thành phố Tam Sa", bầu ra một thị trưởng và 45 đại biểu Hội đồng nhân dân... Trung Quốc cũng từ chối đưa tranh chấp Biển Đông ra thảo luận tại các diễn đàn đa phương, chẳng hạn như trong Hội nghị cấp cao của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Phnom Penh mới đây. Lần đầu tiên trong gần nửa thập kỷ hình thành ASEAN, Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN (AMM-45) đã không đưa ra được tuyên bố chung. Điều này là kết quả của việc Campuchia đã làm theo yêu cầu của Bắc Kinh rằng mọi tranh chấp lãnh thổ đều cần được giải quyết trên cơ sở song phương. 

Hành động đồn trú và triển khai lực lượng quân sự vĩnh viễn của Bắc Kinh ở Biển Đông là một thách thức lớn đối với những bên đang tìm kiếm giải pháp ngoại giao. 

Trong con mắt của các nước nhỏ và có ít quân trên các hòn đảo tại Biển Đông, Trung Quốc là nước duy nhất tại châu Á có thể quay đồng hồ ngược về quá khứ với các quy tắc cũ trong ứng xử quốc tế như "lẽ phải thuộc về kẻ mạnh" và luật quốc tế “chẳng liên quan đến những nước lớn” và phớt lờ những quan ngại của cộng đồng quốc tế. 

Nếu Bắc Kinh nghĩ rằng đơn vị đồn trú mới của họ sẽ làm các nước khác e ngại thì đó là tính toán sai lầm, ít nhất là trong thời điểm này. Tổng thống Philippines Banigno Aquino cho biết nước ông sẽ mua thêm trực thăng tấn công và tàu chiến để bảo vệ chủ quyền. Điều nguy hiểm là những động thái tăng cường năng lực quân sự để tự vệ có thể dẫn đến nguy cơ xung đột gia tăng. 

Hiện có nhiều lo ngại rằng Trung Quốc sẽ đưa thêm những tuyên bố chủ quyền khác, liên quan đến thăm dò khai thác tài nguyên và cũng có thể liên quan đến tự do hàng hải trên những vùng biển mà Trung Quốc tự nhận thuộc về lãnh hải nước này về mặt lịch sử. 

Đã đến lúc Mỹ cần phải hành động 

Những động thái tại Biển Đông của Bắc Kinh quả là một vấn đề đối với Washington, trong bối cảnh Mỹ đang thực hiện chiến lược “tái cân bằng” ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Cho đến nay, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn đang ở tình thế "tiến, thoái lưỡng nan" không biết nên làm thế nào trước những hành động của Trung Quốc. Bộ này đơn giản chỉ lặp đi lặp lại rằng ngoại giao hợp tác là con đường giải quyết những thách thức hiện nay, trong khi những giải pháp ngoại giao vẫn đang rất mù mịt. Tiếp tục lập trường như vậy, trong khi Trung Quốc gia tăng quân đội tại biển Đông, sẽ làm xói mòn uy tín của Mỹ ở châu Á. 

Bài báo đăng trên Wall Street Journal cho hay bước đi đầu tiên, Washington cần đe dọa cắt đứt đối thoại quân sự giữa hai nước cho đến khi có được câu trả lời về quy mô của việc đồn trú này của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc tiếp tục gia tăng quy mô đơn vị đồn trú của mình và tiếp tục hăm dọa các nước láng giềng, trong thời gian tới Mỹ cần cân nhắc hoãn cuộc Đối thoại Kinh tế và An ninh hàng năm. Tiếp đến, Washington cũng cần đưa ra một kế hoạch cụ thể nhằm cung cấp thông tin tình báo và viện trợ quân sự cho các quốc gia đang bị đe dọa bởi sự hiện diện quân sự của Trung Quốc. 

Ở phương diện tích cực nhất, những động thái trên sẽ giúp buộc Bắc Kinh nhận ra rằng giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng chính là cách duy nhất. Còn không, ít nhất những động thái đó cũng cho thấy Mỹ hiểu Trung Quốc đang có mưu đồ gì trong việc đơn phương xác định tương lai của một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới. 

Cuối tháng trước, Trung Quốc tuyên bố lập trụ sở chính quyền "thành phố Tam Sa" trên đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đây được coi là tham vọng rõ ràng về mưu đồ thâu tóm biển Đông của Trung Quốc. 
Mai Linh (theo WSJ)
Theo Bao Dat Viet

Không có nhận xét nào: