Pages

Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

Triết lí chính trị nào cho chúng ta?


Thái Phục Nhĩ

Bỏ mặc vận mệnh của quốc gia để chăm chút cho bộ lông của mình thêm sặc sỡ, cho cái hang thêm đẹp đẽ - dù có lương thiện cũng là cái lương thiện của người hèn nhát. Đó là cái lương thiện của những người Plato muốn ám chỉ trong lời sau: cái giá phải trả của những người lương thiện mặc kệ chuyện quốc gia đại sự, là nó sẽ bị một bọn gian ác thống trị...

Những bích họa của Ambrogio Lorenzetti

ambrogio_lorenzetti2.jpg

Họa sĩ Ý Ambrogio Lorenzetti vào thế kỉ 14 có vẽ lên tường của công đường Palazzo Pubblico ở thành phố Siena một số bích họa mà người đời sau gọi là Phúng Họa Chính Trị Tốt và Chính Trị Xấu. Trên những bích họa ấy, tượng trưng cho chính trị tốt là một người thống trị quang minh chính đại ngồi trên ngai cao, xung quanh là những hình tượng biểu thị những đức lành như dũng khí, công chính, đại độ, hòa bình, nghiêm cẩn, và tiết chế. Đứng trước ngai vàng là một nhóm công dân, liên kết với người thống trị bằng một sợi dây, biểu tượng cho sự hòa hợp giữa nhà cầm quyền và công dân. Hoa trái của sự cai trị tốt đẹp này vẽ trên bức bích họa kế tiếp: ở thành thị trật tự và sung túc nghệ nhân trau chuốt tác phẩm, thương nhân buôn bán qua lại, người giàu có cưỡi ngựa hoa đi dạo, và thanh niên xúm nhau lại nhảy múa. Có người đang ra ngoài thành đi săn, lại có người mang lợn vào phố bán. Ở thôn quê nông dân làm đất và gặt lúa. Ở trên cao bức họa có một người tượng trưng cho sự An Ninh cầm dải băng viết những dòng này:

Chừng nào xứ sở này còn được nữ thần này thống trị thì mọi người đi về tự do mà lòng không mảy may lo sợ, ai cũng cày bừa và thu hoạch, vì bà đã tước hết quyền lực khỏi tay kẻ gian ác.

ambrogio_lorenzetti.jpg

Bức bích họa ở tường đối diện tượng trưng cho chính quyền tà ác. Một kẻ cai trị hung ác được bao quanh là những hình tượng biểu thị thói tham lam, tàn bạo, và ngạo mạn. Thành phố bị binh lính kiểm soát, còn nông thôn thì tiêu điều và thảo khấu hoành hành. Đối với hình tượng An Ninh bên kia thì bên này là hình tượng Sợ Hãi trương dải băng viết những dòng sau:

Vì ai cũng tranh lợi cho mình nên trong thành phố này Công Lí bị hạ bệ trước bạo quyền; người qua lại trên con đường này không ai là không lo mất mạng, vì cổng thành nào cũng có trộm cướp rình rập.” (i)

Những bức tranh này vẽ cách đây 700 năm, nhưng nói lên cái bản chất và tác dụng của chính trị hoàn toàn chính xác. Chính trị lành mạnh thì dân chúng được tự do, đời sống phong phú, an ninh hơn. Chính trị tàn bạo thì dân chúng bị áp bức đủ mọi bề, đời sống khốn cùng, công lí bị mất, nhường chỗ cho bạo lực, bất công; và nhà cầm quyền muốn duy trì quyền lực của mình trên sự đau khổ của đại chúng thì không còn cách nào khác hơn là dùng sức mạnh và quân đội để trấn áp người dân. Người Phương Đông chúng ta nói, hà chính mãnh ư hổ, là để chỉ sự khốc hại của những nền chính trị hà khắc ấy.

Cần chính trị để bảo đảm nhân quyền

Triết gia chính trị John Locke nói mỗi con người sinh ra đều bình đẳng về ba quyền: quyền bảo đảm mạng sống, quyền tích trữ của cải riêng, và quyền tự do. Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc quy định những quyền tối thiếu ai cũng được hưởng, và tùy theo tiêu chuẩn của từng xứ sở mà cư dân hưởng được thêm nhiều hay ít quyền khác, nhưng ba quyền trên là trọng yếu mà nếu thiếu nó, thì không ai sống xứng với nhân phẩm.
Người công dân làm sao bảo đảm được những quyền ấy cho mình?

Thử tước đi mọi định chế của xã hội văn minh, trở về tình trạng cạnh tranh sinh tồn tự nhiên, thì mạng sống của mỗi người không có gì bảo đảm, của cải họ tích trữ được sẽ là cái đích cho kẻ khác rình rập. Mỗi người chỉ có thể dựa vào sức mạnh và trí khôn của mình để sinh tồn, và nếu họ có cộng đồng thì cộng đồng đó phải mạnh hơn những cộng đồng khác để khỏi bị tiêu diệt. Mọi người trong xứ sở gọi là quốc gia đó cần một sức mạnh để ngăn những người cạnh tranh khác xâm phạm thân thể, mạng sống, và của cải của họ.

Trong đời sống hàng ngày, chúng ta làm giao kèo với nhau, và ai dám tin đối phương sẽ tuân thủ giao kèo trọn vẹn? Khi họ phá giao kèo thì cứ gì để phạt họ, bắt họ đền bù thiệt hại? Quốc gia cần những công trình lớn để việc mưu sinh hóa ra thuận tiện mà sức một nhà, một làng không kham nổi. Cho những công trình chung ấy, ai bảo đảm mọi người trong quốc gia sẽ đóng góp một cách tương xứng? Và khi đóng góp rồi thì ai sẽ điều hành việc xây dựng để nó khỏi bị đình trệ hoặc bòn rút? Ai đứng ra bảo vệ sự công bằng trong giao thiệp hàng ngày của chúng ta? Ai sẽ bảo đảm sự công bằng trong phân chia tài nguyên quốc gia mà tổ tiên và tự nhiên trao cho, vì chúng ta không thể để mặc một nhóm người có sức mạnh và phương tiện độc chiếm tài sản ấy để làm lợi cho họ và tàn phá môi sinh, di hại đến con cháu chúng ta? Và nếu có ngoại xâm thì chúng ta lấy gì chống đỡ và ai đứng ra điều hành sự kháng chiến để dân tộc khỏi bị diệt vong?

Rõ ràng là theo chủ trương vô chính phủ thì xã hội con người có nguy cơ trở lại lối sống tàn khốc và hỗn loạn của cầm thú. Kiểu quản lí làng xã cũng không thích hợp vì có những quốc sự lớn lao mà sức một làng không kham nổi.

Công dân cần một lực lượng đại diện cho ý chí của họ, bảo đảm cho họ nhu yếu sinh tồn và những quyền trọng yếu. Lực lượng đó là nhà nước và những định chế chính trị: hiến pháp, pháp luật, chính phủ, cảnh sát, quân đội, và tòa án.

Nhưng chính trị kiểu gì mới thích hợp cho mục đích tối thượng là bảo vệ và làm thăng hoa con người?

Khế ước xã hội

Công dân chỉ chấp nhận trao quyền lực chính trị cho một nhà nước đại diện cho ý chí của họ. Họ cần một nền chính trị tạo được nhiều hạnh phúc nhất cho nhiều người nhất. Không ai trao quyền lực cho một nhóm người để họ có phương tiện áp bức mình.

Xét nhu cầu tối thượng của mỗi người và mục đích thành lập nhà nước như vậy, thì hình thức hợp lí nhất của nhà nước là một khế ước xã hội. Trong khế ước đó, người dân ủy thác quyền lực chính trị cho nhà nước, và những người cầm quyền sẽ dùng quyền lực ấy phục vụ quốc dân theo những nguyên tắc được quốc dân chấp nhận.

Trong khế ước đó giữa quốc dân và nhà nước, hiển nhiên quốc dân là người làm chủ – quốc dân góp thuế để trả lương cho lực lượng công quyền, mọi công trình và định chế của quốc gia đứng được là đều nhờ đóng góp của quốc dân. Nhà cầm quyền muốn chính danh phải đại diện được cho quốc dân, và phải kham nổi nhiệm vụ bảo đảm tính mạng, của cải, tự do, và công lí cho công dân. Công dân là chủ khế ước, thì có quyền kiểm soát sự thực thi quyền lực chính trị. Họ có quyền chất vấn nhà cầm quyền đã sử dụng những định chế và quyền lực chính trị vào mục đích gì? Có phục vụ nhu yếu của công dân không không? Của cải quốc gia dùng vào việc gì, làm lợi cho ai? Nếu nhà nước làm không đúng, hay có những mối ưu tiên khác, thì như mọi giao kèo khác trong đời sống hàng ngày bị phá vỡ, công dân có quyền ngưng khế ước, để lập một nhà nước khác hữu hiệu hơn.

Quyền lực chính trị mà lệch ra ngoài cái mục đích tối thượng ban đầu, thì mọi phục sức bằng ngôn ngữ, học thuyết đều không bảo đảm được tính chính danh của nhà cầm quyền. Không có tính chính danh ấy thì khế ước đã bị xé bỏ, quyền lực chính trị chỉ còn lại là sự áp đặt bằng sức mạnh ý chí và tham vọng của một nhóm người lên toàn quốc dân.

Đức trị và uy quyền thần thánh của quốc vương

Ngày xưa, Lorenzetti cho rằng nhà cầm quyền tốt phải là một bậc quân vương anh minh hội tụ đủ những đức nhân bản. Plato cách đó hơn ngàn rưỡi năm trong cuốn Republic cho rằng chính thể lí tưởng nhất sẽ do thánh vương cai trị, vì quốc dân sẽ hưởng ơn mưa móc từ đức độ và tài năng của quốc vương kiêm triết nhân. Cậy vào tài trí và đức công chính của nhà lãnh đạo để mang lại công lí và hạnh phúc cho xứ sở, đó là đức trị. Những oan trái trên công đường của Bao Công có thể kì vọng ở một kết thúc có hậu, vì cầm cân công lí là một người vô vị lợi, dũng cảm, và nhân hậu. Trong đức trị, công lí không cần sự bảo đảm của luật pháp, mà tùy thuộc vào tập tục, ý thức luân lí, và tài trí của người thống trị. Chẳng may quan tòa là một tham quan như Hòa Thân thì công lí phải hạ bệ cho cái ác lên ngôi.

Ngày nay, chúng ta biết rằng đức trị là cả một rủi ro. Giao phó quyền lực vào tay một lãnh tụ là liều lĩnh, vì tư cách của lãnh tụ rất dễ suy bại trong cái tháp quyền lực. Như Lord John Acton nói, quyền lực dễ làm cho người ta hư, và quyền lực tập trung tuyệt đối vào tay một người hay một nhóm người nhất định sẽ suy bại.

Nhưng chính thể chuyên quyền nào cũng có lí do biện minh cho quyền lực của nó. Ở châu Âu thế kỉ 16, đối phó với quần chúng thách thức quyền lực của hoàng tộc, phái quân chủ lập nên thuyết uy quyền thần thánh của quốc vương. Thuyết này cho rằng quân vương, như vua Louis XIV của Pháp, có uy quyền thần thánh riêng, nhận từ tay Thượng Đế, vì vậy mà không có người, luật, hay hiến pháp nào giới hạn được họ. Chống lại quân vương tức là cũng chống lại Thượng Đế. Thế quyền gắn với thần quyền tạo nên những chế độ quân chủ chuyên chế khắc nghiệt. Vì thế mà có những phong trào phục hưng tôn giáo ở châu Âu tìm cách tách thế quyền đó ra khỏi thần quyền, và những cuộc cách mạng chống quân chủ ở châu Âu cũng đả kích giáo lí Công Giáo. Ở những chế độ phong kiến phương Đông, nhà vua có những quyền bất khả xâm phạm, họ thường xưng là thiên tử, thế thiên hành đạo, cho rằng ý vua tức ý trời.

Những chính thể độc tài ngày nay cũng cho rằng uy quyền của nó là tuyệt đối. Nhà cầm quyền thường biến chính trị thành một lãnh địa riêng của họ, và trong cái lãnh địa đó, họ mặc sức thao túng quyền lực để thỏa tham vọng của họ. Họ hành xử theo kiểu ý vua tức ý trời: nghị quyết của đảng là tối thượng mà quốc hội không thể không phê chuẩn, và họ ngang nhiên viết vào hiến pháp rằng đảng là lực lượng duy nhất có đủ tư cách lãnh đạo nhà nước.

Vắng bóng pháp luật, hoặc pháp luật hóa bất lực, quyền lực không có đối trọng, không có kiểm soát, nên cái mà ban đầu người ta trông mong là đức trị nhường chỗ cho bạo quyền. Bên ngoài lãnh địa hắc ám đó, người dân bị che lấp mà tin rằng quốc gia đại sự phải phó thác hết cho chính quyền, tệ hơn nữa là họ tin rằng bước chân vào lãnh địa chính trị đó là tội ác ghê gớm, có thể trả giá bằng tự do hay cả mạng sống của mình.

Đức trị đã hóa ra lỗi thời. Nhân loại đã tìm ra được một triết lí chính trị sáng sủa, dẫn đạo cho nhiều quốc gia hình thành một nền chính trị minh bạch, xứng hợp với con người và làm cho đời sống của con người bình đẳng và tự do hơn. Đó là pháp trị.

Pháp trị

Pháp trị là thực thi chính trị bằng luật lệ và nguyên tắc thành văn. Khái niệm pháp trị đã được loài người bàn luận từ thời Hi Lạp và La Mã cổ. Aristotle bác lí tưởng đức trị của Plato, lập luận rằng thánh vương vẫn là con người và dễ bị cảm xúc, tham vọng và phiến hoặc chi phối. Aristotle cho cai trị bằng luật pháp an toàn hơn, vì luật được làm ra trong các hội lập pháp khi các nhà lập pháp tỉnh táo nhất. Qua thời La Mã thì Đế Quốc La Mã đã đưa vào áp dụng trên toàn cõi bộ Luật La Mã, là bộ luật mà triết gia kiêm nghị sĩ Cicero khen là đã tụ hội đủ lí trí và minh triết của thánh hiền. Lối pháp trị đó lưu truyền ở phương Tây qua Giáo Luật của Công Giáo, phổ thông luật pháp (common law) của Anh, và kết tinh trong luật hiến pháp của Mĩ. (ii)

Theo pháp trị, thì pháp luật là quyền lực tối cao, những người nắm quyền lực chính trị cao nhất đều phải chịu phán xét của pháp luật. Pháp trị khiến cho nhà cầm quyền khó lạm dụng quyền lực, giúp công dân kiểm soát được quyền lực chính trị và cấm chỉ được nạn chuyên chế.

Một lợi thế khác của pháp trị là công dân đều bình đẳng trước pháp luật, bất luận địa vị, danh tiếng, hay tài sản. Tổng thống hay đại phú gia phạm luật cũng bị trừng phạt như thường dân, và ta thường thấy nhiều bằng chứng cho nguyên tắc này của pháp trị tại các nước có pháp trị vững như Anh, Mĩ, Nhật. Không có pháp trị thì cũng không có công lí, và bằng chứng của hệ lụy này thường có đầy rẫy ở những xứ bị nạn độc tài hoành hành.

Pháp trị có thể bảo đảm công lí, nên nhà nước pháp trị không nhất thiết phải có nhiều lãnh đạo xuất chúng. Ưu điểm này khiến cho pháp trị trở thành yếu tố nền tảng của chính thể dân chủ và cộng hòa hiện đại.

Một triết lí chính trị nhân bản

Khế ước xã hội, pháp trị, cùng những định chế kiểm soát quyền lực, là tinh hoa trong triết lí chính trị của nhân loại. Nó được thử nhiệm, điều chỉnh và ứng dụng trước hết ở Mĩ, Tây Âu, rồi sau nhờ mang lại hoa trái là thịnh vượng và tự do cho những quốc gia lựa chọn nó nó mới được chấp nhận rộng rãi trên thế giới.

Có lẽ trong giai đoạn hắc ám này của đất nước, chúng ta phải:

* Dẹp bỏ thói tự mãn về 4000 năm văn minh của chúng ta, và nhìn thẳng vào thực trạng xã hội và chấp nhận chúng ta là một nước nhược tiểu lạc hậu trong thế giới hiện đại,
* Gác hết mọi ân oán và vinh quang hão trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn do xung đột ý thức hệ gây ra, và tỉnh táo trước những hiểm họa ngoại xâm nó đưa chúng ta tới chỗ nô lệ hoặc diệt vong, và
* Thoát li những ảo tưởng về cái gọi là chủ nghĩa xã hội, cùng những thành kiến hẹp hòi về chủ nghĩa tư bản, về thị trường cạnh tranh tự do, và nhận rằng chính thể cộng hòa dân chủ và tự do là nền chính trị phổ quát, nó linh hoạt và giúp quốc gia tiến tới chỗ hưng thịnh mau nhất.

Nền chính trị dân chủ đó đơn giản chỉ là phương tiện giúp chúng ta thăng hoa được những giá trị nhân bản, xây dựng một quốc gia tự do, và hưởng một cuộc sống an ninh và sung túc. Nó không phải là chính thể lí tưởng nhất, nhưng chúng ta dễ tránh được nạn lạm dụng quyền lực của nhà cầm quyền, và khi nhà cầm quyền lạm dụng quyền lực làm phương hại đến quốc gia thì quốc dân còn có phép mà truất phế họ.

Cái tinh hoa của triết lí chính trị đó là kết tinh của những bộ óc siêu quần sáng lập ra nền chính trị dân chủ hiện đại. John Locke, Jean Jacques Rousseau, John Stuart Mill, Thomas Jefferson, Alexander Hamilton – những tổ sư của triết lí chính trị dân chủ hiện đại đó khi cống hiến tư tưởng cho nhân loại thì cũng không ngoài mục đích cải thiện cách quản trị quốc gia và làm cho đời sống xã hội của nhân loại có trật tự và dễ chịu hơn. Họ cống hiến để làm cho xã hội loài người khác sự hợp quần của súc sinh, chứ không để làm của riêng cho phương Tây. Bàn về nhân phẩm thì người châu Á, người châu Âu, người châu Phi cũng đều bình đẳng như nhau, và hạnh phúc thì Đông, Tây hay Phi cũng đều chịu những luật tâm lí và sinh lí chi phối như nhau. Chỉ có khác biệt về những chỉ số kinh tế-xã hội giữa các quốc gia mà thôi, nhưng các chỉ số đó cao hay thấp lại do nền chính trị tại mỗi nước chi phối. Người Việt, người Hàn Quốc, người Nhật, người Trung Hoa, hay Mĩ, hay người Anh ai cũng mong có giáo dục tốt, có việc làm, có nhà ở, có chăm sóc y tế, có xe và đường sá đi lại an toàn, có sách đọc, có hòa nhạc, hí kịch, thể thao để tiêu khiển, có giáo đường và tu viện để thực hành tâm linh. Cho rằng nền chính trị dân chủ mà phương Tây làm kiểu mẫu đó không thích hợp người Á Đông để khước từ nó, tìm cách tiêu diệt mầm mống của nó nơi thế hệ trẻ, thì thật là vô lí.

Chúng ta chọn dân chủ vì nó hợp thời, hứa hẹn nhiều hạnh phúc nhất cho nhiều người nhất. Nó linh hoạt, và bền vững, quan trọng hơn hết nó có chỗ cho chúng ta dùng quyền quyết định kẻ thống trị mình. Quốc gia thịnh vượng hay bần cùng, tự do hay tù túng đều ở chính trị mà ra, nhưng chính trị đồi bại hay lành mạnh thì dân tộc nào cũng có thể quyết định.

Những người lương thiện hèn nhát

Chính trị không phải là đặc quyền của một quốc vương hay của một đảng phái nào. Mỗi công dân đều có quyền tham chính, cũng như nhà cầm quyền có trách nhiệm sử dụng quyền lực và của cải của quốc gia theo bản ý của khế ước giữa quốc dân và nhà nước. Chỉ ở trong những chính thể độc tài người công dân mới bị ma chước của nhà cầm quyền che lấp, đến mức cho rằng quan tâm chính trị là một việc nguy hiểm.Họ quên rằng chính trị nói theo ngôn ngữ bình thường là cách quản lí quốc gia cho tốt đẹp. Bước tới lãnh địa chính trị, nghe người ta dọa “Về nhà đi, mọi sự đã có đảng lo”, người công dân bắt đầu sợ hãi và đánh mất cả địa vị chủ nhân trên lãnh địa đó. Nếu người công dân ý thức được địa vị của mình trong khế ước với nhà nước, thì quyền lực càng áp bức, họ cần phải dấn thân vào chính trị, không chỉ để thực thi quyền chính trị thôi, mà còn để khai phóng cho những quyền làm người và quyền làm công dân khác.

Tại sao người công dân cam chịu cho nhà cầm quyền tùy tiện diễn giải những nhân quyền và dân quyền tối thiểu mình được hưởng? Chính họ làm chủ khế ước ủy thác quyền lực cho nhà cầm quyền, chính họ đóng góp để nuôi quân đội và cảnh sát để đổi lại nhà cầm quyền bảo vệ họ và tài sản của họ. Nhưng nhà cầm quyền đi ngược lại khế ước, dùng quân đội để cưỡng đoạt đất đai và của cải của họ, coi cảnh sát là thanh kiếm và lá chắn bảo vệ chế độ, và gieo rắc cho họ sự sợ hãi. Thiếu một nền pháp trị hiệu quả, nên công lí - đáng lẽ ra phải là trách nhiệm nhà cầm quyền cần tôn trọng – lắm lúc lại trở thành món quà có điều kiện của kẻ cầm quyền lực trong tay. Người công dân từ địa vị chủ nhân trở thành những người ăn xin, lần hồi trước cửa công quyền để được bố thí cho những quyền tự do: đi lại, lập hội, lập báo, phát biểu chính kiến, viết lách, viết lách mà không phải theo chỉ thị hay theo tuyên huấn của nhà cầm quyền. Chỉ chừng nào lấy lại được những quyền tự do cơ bản ấy, người công dân mới mong bảo vệ được nền tự chủ của quốc gia trong thời tao loạn, không bị bá quyền lân bang ức hiếp, mới mong dân tộc thoát khỏi thứ hạng chót bẹt trên những bậc thang chỉ số thịnh vượng và văn minh của nhân loại.

Chính trị không những là quyền, mà còn là trách nhiệm của công dân. Chính trị lành hay dữ không phải là chuyện gác ngoài tai. Không thể quay lưng với chính trị, rút vào trong cái hang của mình, rồi cho rằng mình không liên quan gì tới sự điều hành quốc gia. Có lẽ sự bỏ mặc chính trị chấp nhận được là của những ẩn sĩ quyết không dính bén gì với mọi thịnh suy, hưng vong của thế tục. Còn thì bỏ mặc vận mệnh của quốc gia để chăm chút cho bộ lông của mình thêm sặc sỡ, cho cái hang thêm đẹp đẽ - dù có lương thiện cũng là cái lương thiện của người hèn nhát. Đó là cái lương thiện của những người Plato muốn ám chỉ trong lời sau: cái giá phải trả của những người lương thiện mặc kệ chuyện quốc gia đại sự, là nó sẽ bị một bọn gian ác thống trị.

Thái Phục Nhĩ

Theo: Dân Làm Báo

Không có nhận xét nào: