Pages

Thứ Hai, 2 tháng 7, 2012

Không một “chữ vàng”, không một “cái tốt” với kẻ ăn cướp!


Phóng viên Bauxite Việt Nam

Đó là khẩu hiệu đã dẫn đầu đoàn biểu tình chống Trung Quốc xâm lược sáng 1/7/2012 tại Sài Gòn, thể hiện lòng dân đang sục sôi, quyết không khoan nhượng trước các hành động vi phạm chủ quyền Việt Nam và coi thường luật pháp quốc tế của Bắc Kinh.
Đúng 8 giờ, khá đông các bạn trẻ đã có mặt tại công viên 30/4 (Quận 1). Một số ngồi rải rác ở các trục đường xung quanh. Số khác đón đầu tại khu vực gần lãnh sự Trung Quốc phía đường Hai Bà Trưng.

biểu tình chống Trung Quốc xâm lược sáng 1/7/2012 tại Sài Gòn
biểu tình chống Trung Quốc xâm lược sáng 1/7/2012 tại Sài Gòn
Chúng tôi theo chân nhóm trí thức gồm các ông Lê Hiếu Đằng, André Menras – Hồ Cương Quyết, Cao Lập, Tương Lai, Nguyễn Quốc Thái, Đỗ Trung Quân, Huỳnh Ngọc Chênh… tập trung tại phía nhà thờ Đức Bà. Khoảng 8g15, nhóm bắt đầu tiến ra phía đường Lê Duẩn nơi các bạn trẻ đang chờ đợi.
Khi nhóm trí thức băng qua quảng trường Công xãParis, thì công an chặn lại yêu cầu ông André Menras nộp tấm biểu ngữ “CHINA GO HOME – THE WORLD HATES PIRATS! Không 1 “chữ vàng”, không 1 “cái tốt” với kẻ ăn cướp! RESPECT INTERNATIONAL LAW! RESPECT THE VIETNAMESE PEOPLE!SOUTHASEANSEAIS NOT YOURLAKE! GO BACK TO HAINAN!”.
Ông André Menras cương quyết giữ chặt biểu ngữ và nói bằng một giọng tiếng Việt trong sáng, căm phẫn trước mặt anh công an: “Tôi là người ViệtNam. Tôi đang thể hiện lòng yêu nước của tôi. Trung Quốc là kẻ cướp”. Các ông Lê Hiếu Đằng, Cao Lập cũng phản ứng hỗ trợ đồng đội. Công an phải cho đi.
Lúc này tại công viên 30/4, an ninh các loại đã bắt đầu đàn áp mạnh tay ngay từ khi cuộc biểu tình chưa tập hợp. Họ lôi kéo, áp giải hàng chục thanh niên từ những đám đông đang tụ họp tại công viên lên hai chiếc xe hơi 16 chỗ và 29 chỗ mang biển số xanh đậu ở đường Lê Duẩn (Điều xe dân sự đến áp giải người yêu nước, có vẻ TP HCM học tập Hà Nội?). Những thanh niên này chắc chắn đã bị “điểm mặt” từ trước hoặc do bị lực lượng “chỉ điểm”. Họ chống cự quyết liệt. Có hai anh chàng lấy thân mình bịt cửa hông chiếc xe 16 chỗ để bảo vệ bạn mình mà miệng vẫn hô to: “Hoàng Sa, Trường Sa là của ViệtNam. Tại sao bắt chúng tôi? Đả đảo Trung Quốc xâm lược! Hoàng Sa, Trường Sa là của ViệtNam. Tại sao bắt chúng tôi?”. Nhiều cô gái bị an ninh khuân như khuân heo, lôi kéo, tống lên xe. Trong số bị bắt lên hai chiếc xe này, chúng tôi nhận ra gương mặt xinh đẹp của Huỳnh Thục Vy, Huỳnh Trọng Hiếu, bác sĩ Nguyễn Đăng Phấn…
Hình ảnh Huỳnh Thục Vy bị bắt lên xe, người áo xanh đang bảo vệ cô.
Hai người mặc đồng phục “thanh tra xây dựng” này liên tiếp bắt người tại công viên 30/4 ngay khi cuộc biểu tình chưa thực sự khởi phát. Chính những người này và các trò hề của họ đã làm cho tình hình thêm phức tạp, hỗn loạn, vô trật tự và rất dễ dàng đưa đám đông đến chỗ bị kích động, không thể kiểm soát.
Vừa đến nơi, chứng kiến cảnh bắt bớ, nhóm trí thức đã ngay lập tức phản đối. Nhiều công an gây hấn với ông André Menras và toan giật biểu ngữ mà ông đang giương cao. Ông già người Việt gốc Pháp quá mạnh mẽ, kiên định giữ chặt “phát ngôn” của mình. Ông Cao Lập nhận ra những cán bộ Thành ủy có mặt tại nơi xảy ra việc bắt các bạn trẻ đã hỏi ngay: “Làm như vậy mà xem được à?”.
Sau khi đã tống được hàng chục bạn trẻ lên xe, hai ô tô nói trên phóng đi. Đúng lúc này, ông Lê Hiếu Đằng bất ngờ lao ra chặn đầu chiếc xe 29 chỗ khiến nó phải thắng gấp. Các tay an ninh xô ông Đằng dạt ra phía tim đường khiến ông chới với suýt ngã. Chiếc xe tiếp tục lao đi chở theo những bạn trẻ mặt thất thần nhưng miệng vẫn hô to những khẩu hiệu yêu nước, chống ngoại xâm. Đám an ninh định lao đến túm ông Lê Hiếu Đằng, nhưng người từng bị tuyên án tử hình vắng mặt đã trở nên phẫn uất. “Anh giết tôi đi, anh giết tôi đi”, vừa nói, ông vừa bổ tới tay an ninh cao lớn gần thước tám.Taynày quay đầu, vừa đi như chạy vừa lầm bầm: “Xe nó cán chết ông thì ai chịu!”.
Bị đánh “phủ đầu”, những tưởng kế hoạch biểu tình chống ngoại xâm phương Bắc bị “vỡ trận”. Rất may, các bạn trẻ đã nhanh chóng thoát khỏi cái bẫy “cãi vã, kiếm chuyện, xô xát” của những “cò mồi”, nhập vào với nhóm trí thức bắt đầu cuộc tuần hành mà đích đến là tòa lãnh sự của quân xâm lăng.
Khoảng 8g30, ông André Menras giơ cao tấm biểu ngữ của mình cùng với các ông Lê Hiếu Đằng, Cao Lập, Tương Lai, Đỗ Trung Quân dẫn đầu đoàn biểu tình.
Đoàn biểu tình bị chặn ở ngã tư Hai Bà Trưng – Trần Cao Vân bởi lực lượng “dân quân tự vệ”. Nhưng 3 bạn  thanh niên đi đầu đã can đảm xô đến khiến mấy anh dân quân này phải lùi lại để đoàn vượt qua.
Đoàn biểu tình lại tiếp tục tiến về tòa lãnh sự của quân xâm lược, đi dọc theo tuyến đường Hai Bà Trưng thuộc địa bàn Quận 3.
Đoàn lại bị chặn ở ngã tư Hai Bà Trưng – Nguyễn Đình Chiểu. Đây là chốt chặn cuối cùng, chỉ cần vượt qua ngã tư này là đến toà lãnh sự TQ. Thế nên, hàng rào lưới B40 và “lực lượng các loại” được huy động tối đa tại đây để bảo vệ bọn “lấn đất, giành biển, giết hại chiến sĩ và đồng bào” thân yêu của chúng ta. Thậm chí, khi đoàn biểu tình dừng lại ở đây hò reo, hát quốc ca, thì lực lượng cảnh sát cơ động và 113 đã được “tăng viện” với hàng rào kẽm gai. Lúc này, khoảng gần 9g, chúng tôi được tin Hà Nội mưa tầm tã từ sáng, nên vẫn chưa thể tiến hành cuộc xuống đường như dự kiến.
TS Từ Huy và nhà thơ Đỗ Trung Quân tham gia biểu tình tại góc ngã tư Hai Bà Trưng – Nguyễn Đình Chiểu.
Bé gái đi cùng mẹ này có lẽ là công dân nhỏ tuổi nhất đã tham gia đoàn biểu tình sáng 1/7/2012 tại Sài Gòn.
Dừng lại ít lâu tại “chốt chặn cuối cùng”, đoàn quyết định theo hướng đường Nguyễn Đình Chiểu quay về nơi xuất phát công viên 30/4. Thời điểm này lực lượng an ninh bị phân tán mỏng nên có vẻ “thênh thang” hơn cho những người quyết xuống đường bày tỏ lòng yêu nước.
Dòng người mỗi lúc một đông đổ về khu vực trung tâm trước dinh Độc Lập. Vừa đi vừa hô những khẩu hiệu phản đối quân xâm lược TQ và “ViệtNammuôn năm”. Khá đông người dân di chuyển bằng xe gắn máy cũng đã dừng lại hưởng ứng bên những bước chân của người biểu tình. Đoàn diễu hành tiến qua đường Lê Duẩn và dừng lại ở góc Pasteur – Hàn Thuyên. Tại đây, một đội quân “thanh niên xung phong” đông đảo đứng dàn hàng ngang chặn đoàn biểu tình.
Lúc này, tin vui từ Hà Nội cho biết hơn 9g thì trời tạnh mưa. Cuộc biểu tình ở thủ đô cũng đã được tiến hành. Theo GS Tương Lai, bà Lê Hiền Đức ngồi xe lăn, vẫn có mặt trong tốp dẫn đầu đoàn biểu tình tại đất Thăng Long.
Khoảng 9g45, đoàn biểu tình ở Sài Gòn tự giải tán trong trật tự. Các bạn trẻ tiếp tục ngồi lại kín các con đường, bãi cỏ công viên 30/4 vừa để nghỉ ngơi, vừa tiếp tục ca hát…
Lúc nào cũng vậy, kết thúc một buổi sáng bày tỏ rạo rực “lòng yêu nước, căm thù giặc” phương bắc, giữa ngổn ngang câu hỏi về thái độ của chính quyền, về cách hành xử của những người mang danh là bảo vệ nhân dân thuộc lực lượng an ninh các loại, chúng tôi lại chạnh lòng, hổ thẹn với sự hy sinh cao cả của 74 chiến sĩ đã ngã xuống tại Hoàng Sa 1974 và 64 chiến sĩ ngã xuống tại Gạc Ma, Trường Sa 1988. Xin anh linh các anh hùng dân tộc một lần nữa phò hộ cho Tổ quốc đang lâm nguy để ngày hôm nay, tất cả lịch sử hôm qua và tương lai ngày mai, ngàn sau “Việt Nam với toàn vẹn lãnh thổ” mãi mãi là của người Việt Nam, vì người Việt Nam và do người Việt Nam định đoạt.

Không có nhận xét nào: