Pages

Thứ Năm, 19 tháng 7, 2012

Quan điểm trung lập tương đối của Indonesia về Biển Đông


Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa họp báo sau khi tiếp xúc với Ngoại trưởng Cam Bốt (REUTERS)
Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa họp báo sau khi tiếp xúc với Ngoại trưởng Cam Bốt (REUTERS)

Trọng Nghĩa
Sự kiện Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cấp tốc du hành qua 5 nước Đông Nam Á từ ngày 18/07/2012 để tìm sự đồng thuận của toàn khối trên hồ sơ Biển Đông không khiến ai ngạc nhiên. Ngay từ ngày ASEAN được thành lập, Indonesia được xem là thành viên sáng lập nặng ký nhất, đồng thời có uy tín được tôn trọng nhiều nhất. 

Bên cạnh đó, trong hồ sơ Biển Đông, Jakarta, vì không phải là một bên tranh chấp, nên thường được đánh giá là có lập trường trung lập, có sức thuyết phục đối với các bên, kể cả với Trung Quốc.
Tuy nhiên, sau khi bất đồng nghiêm trọng giữa một số thành viên ASEAN về vấn đề Biển Đông đã gây chia rẽ công khai tại Hội nghị ASEAN ở Phnom Penh vào tuần qua, buộc Jakarta phải đứng ra làm trung gian hòa giải để cứu vãn cho uy tín toàn khối, quan điểm của Indonesia về Biển Đông đã được giới quan sát chú mục xem xét.

Trong một bài phân tích vừa được mạng Eurasia công bố hôm qua, 18/07, một chuyên gia về an ninh hàng hải tại Singapore đã kết luận rằng lập trường của Jakarta không hoàn toàn trung lập như mọi người thường nghĩ.
Trong bài viết mang tựa đề “Tình trạng khó xử của Indonesia về Biển Đông : Giữa trung lập và quyền lợi quốc gia, chuyên gia người Indonesia Ristian Atriandi Supriyanto thuộc Chương trình An ninh Hàng hải tại trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, đã nêu bật ba yếu tố mà theo ông, cho thấy là quan điểm trung lập của Indonesia chỉ tương đối mà thôi, đặc biệt là đối với Trung Quốc.
Trước hết, theo chuyên gia này, dù không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông, theo nghĩa là không đòi chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Trung sa ngoài Biển Đông, nhưng quyền lợi của Jakarta cũng bị Trung Quốc vi phạm với tấm bản đồ lưỡi bò mà họ đã công khai hóa vào năm 2009.
Thật vậy, 9 đường gián đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông đã ăn vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia xung quanh quần đảo Natuna, nằm ở phần phía nam của Biển Đông. Vấn đề là dù bất bình, nhưng Jakarta không tuyên bố công khai vì không muốn làm sứt mẻ hình ảnh bên trung lập trong cuộc tranh chấp của mình.
Ngoài ra, cũng theo chuyên gia này, các tập đoàn dầu khí của Indonesia như Pertamina chẳng hạn, đã hợp tác với PetroVietnam và Petronas của Malaysia để khai thác một sô lô dầu khí tại vùng bồn trũng Nam Côn Sơn. Một phần trong khu vực đó lại nằm trong vùng bị Trung Quốc đòi chủ quyền.
Mặt khác từ năm 2001, tập đoàn Indonesia cũng cam kết thăm dò một số lô như lô 17 ngoại khơi Việt Nam. Có điều là mới đây, tập đoàn CNOOC của Trung Quốc đã tự động phân lô vùng thềm lục địa của Việt Nam để mời quốc tế đấu thầu. Trong số 9 lô mà Trung Quốc từ nhận chủ quyền, có phần mà Indonesia đã được Việt Nam cấp phép.
Đối với chuyên gia này, cho đến nay Indonesia có quan điểm rất dè dặt đối với các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh dựa trên lịch sử, vốn không căn cứ vào Luật Biển Liên Hiệp Quốc cũng như các động thái quyết đoán của Bắc Kinh nhằm áp đặt đòi hỏi chủ quyền của họ.
Điểm thứ ba được chuyên gia Surpiyanto ghi nhận là khác với Trung Quốc muốn tham gia việc soạn thảo Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông ngay từ đầu, Indonesia chủ trương là văn kiện này phải được các nước ASEAN làm ra trước, rồi sau đó mới đàm phán thêm với Bắc Kinh.
Ngoài ra, Indonesia không phản đối sự tham gia của các cường quốc bên ngoài, chẳng hạn như Hoa Kỳ, vào thảo luận về vấn đề Biển Đông trong các diễn đàn khu vực. Trong lúc đó, chủ trương của Bắc Kinh là chỉ giải quyết vấn đề một cách song phương.

Không có nhận xét nào: