Việt Hà, phóng viên RFA
Cuộc hội thảo về an ninh Biển Đông do Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế Hoa Kỳ CSIS tổ chức đã bước sang ngày thứ 2 vào hôm nay 28 tháng 6.
Buổi sáng ngày thứ hai của hội thảo an ninh biển Đông được bắt đầu với bài phát biểu quan trọng của thượng nghị sĩ Joe Lieberman.
Trong bài phát biểu của mình, thượng nghị sĩ Lieberman khẳng định mối quan tâm của Hoa kỳ đối với khu vực châu Á Thái Bình dương nói chung và biển Đông nói riêng:
“Chỉ vài năm trước đây, rất ít người ở Washington DC dành thời gian và chú ý đến biển Đông, nhưng giờ đây mọi việc đã khác. Hôm nay đã có một sự hiểu biết rộng khắp hơn trong lưỡng đảng, từ quốc hội đến chính phủ rằng Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia hết sức quan trọng tại biển Đông.
Việc những tranh chấp trong khu vực được giải quyết ra sao sẽ có ảnh hưởng về mặt chiến lược vượt qua bờ biển Đông đến nước Mỹ.”
Thượng nghị sĩ Lieberman cho rằng Mỹ đang có một cơ hội lịch sử để tham gia nhiều hơn vào khu vực Đông Nam Á về cả mặt chính trị và kinh tế. Chính vì vậy, Mỹ cần xây dựng, củng cố mối liên minh lâu dài với các nước trong khu vực.
Thượng nghị sĩ Lieberman cho biết mặc dù Mỹ không phải là một bên trực tiếp tham gia vào tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, nhưng hành vi của Trung Quốc tại khu vực này gây ảnh hưởng đến Hoa Kỳ:
“Biển Đông không phải là điểm chính trong quan hệ Mỹ Trung. Đó là quan hệ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, nhưng hành vi của Trung Quốc trên biển Đông sẽ có ảnh hưởng đến Mỹ và các nước khác trên thế giới. Cho nên xét về khía cạnh này. Cái gì xảy ra trên biển Đông cũng là mối quan tâm của tất cả mọi người trên thế giới.”
Thượng nghị sĩ Joe Lieberman cũng lên tiếng cho rằng những hành đọng của Trung Quốc gần đây đối với vấn đề biển Đông đang gây ra sự mất lòng tin của các nước trong khu vực, làm tăng thêm căng thẳng và đẩy các nước này phải tiến gần về phía Mỹ.
“Hoa Kỳ không có ý định kiềm chế Trung Quốc. Không có một nước nào trong khu vực phải cảm thấy phải lựa chọn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc nhưng việc họ có cảm nhận như vậy hay không thì còn phụ thuộc vào hành xử của các nước lớn.
Tôi quan ngại về cách hành xử của Trung Quốc trên biển Đông. Tôi tin là nó đang đẩy khu vực vào một hướng đi sai và đưa ra một thông điệp không đáng khích lệ về một cường quốc Trung Quốc và cách hành xử của Trung Quốc với các nước láng giềng.
Những đòi hỏi của Trung Quốc đang khiến các nước khác trong khu vực phải lo ngại và đẩy các nước như Việt Nam và Philippines vào thế phải gia tăng những đòi hỏi về chủ quyền của mình.”
Sau bài phát biểu của thượng nghị sĩ Joe Lieberman, các học giả quốc tế tiếp tục thảo luận về việc áp dụng luật quốc tế trong việc giải quyết và kiểm soát các tranh chấp.
Các học giả đều thống nhất sự cần thiết phải áp dụng công ước quốc tế về luật biển trong việc giải quyết các tranh chấp về chủ quyền trên biển Đông.
Một trong những thắc mắc được đưa ra nhiều nhất trong cuộc thảo luận vào sáng ngày 28 tháng 6 chính là sự không rõ ràng của Trung quốc về đường lưỡi bò trên biển Đông.
Học giả Kuen-chen Fu, thuộc trường đại học Jiaotong Thượng Hải xác định đây là ranh giới xác định các quyền được đảm bảo cho Trung Quốc đối với vùng biển lịch sử này.
“Đường chữ U là đường ranh giới cho vùng biển lịch sử của Trung Quốc, nhưng đó không phải là vùng nội thủy, không phải là vùng lãnh hải hay bất cứ các vùng nước nào đã được quy định trong công ước về luật biển của quốc tế. Đó là đường mà được chính phủ Trung Quốc đánh dấu để chỉ ra rằng chúng tôi có quyền đảm bảo ở đó.
Chúng tôi không coi đó là vùng nội thủy hay vùng lãnh hải cho nên chưa bao giờ chúng ta có bất cứ vấn đề gì liên quan đến tự do hàng hải tại khu vực này. Nhưng vì đó là quyền được đảm bảo của Trung Quốc nên nó cần được ghi nhận trong Công ước quốc tế về luật biển.”
Tuy nhiên khi được hỏi về tính pháp lý của đường lưỡi bò này, học giả Trung Quốc đã không thể đưa ra được một câu trả lời cụ thể cần thiết.
Buổi hội thảo đã kết thúc với phần giải pháp và các đề xuất để thúc đẩy an ninh và hợp tác trong khu vực biển Đông.
Đây là năm thứ hai liên tiếp, Trung Tâm Chiến lược và nghiên cứu quốc tế tổ chức hội thảo quốc tế về vấn đề biển Đông tại Washington DC.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét