Pages

Thứ Hai, 9 tháng 7, 2012

Vẻ đẹp thiên nhiên và hùng vĩ của thác Bản Giốc


Pao Lâm (sưu tầm) – Nguoiviet
Giữa cảnh núi non trùng điệp và hùng vĩ, con sông Quây Sơn trong vắt như dải lụa mềm chảy dưới những dãy núi đá từ xã Ngọc Khê, Chí Viễn, đến Ðàm Thủy (Trùng Khánh) rồi tỏa rộng ra đổ xuống thành thác nước cao ba tầng trắng xóa khổng lồ trên cánh đồng bằng phẳng đổi màu xanh, vàng theo mùa vụ, là thác Bản Giốc, báu vật vô giá của đất trời ban tặng, trở thành biểu tượng về vẻ đẹp hùng vĩ nơi biên cương địa đầu của Việt Nam.
Thác Bản Giốc, tọa lạc tại xã Ðàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. (Hình: Ciao Travel cung cấp)
Thác Bản Giốc nằm trên biên giới Việt-Trung, thuộc xã Ðàm Thủy, huyện Trùng Khánh, cách thị xã Cao Bằng 89 km, và cách Hà Nội 400km. Ðoạn đường khám phá tuyệt tác thiên nhiên có khó khăn, nhưng không phụ lòng người mê cái đẹp. Suốt cuộc hành trình đến với Bản Giốc, núi rừng hùng vĩ xen kẽ trùng trùng điệp điệp nối vào nhau. Những cánh đồng ngát xanh, vạt hoa dại bên đường, nếp nhà yên bình nép mình bên núi, bầy trâu lọt thỏm giữa cánh đồng làm nao lòng du khách.

Du khách tự chụp hình tại thác Bản Giốc. (Hình: Ciao Travel cung cấp)
Thác Bản Giốc nằm trong dòng chảy sông Quây Sơn, bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy qua biên giới, uốn lượn quanh chân núi Cô Muông, và tràn xuống những cánh đồng dưới chân núi. Gần cuối dòng chảy, sông Quây Sơn đổ từ độ cao hơn 30 mét xuống dưới chân núi tạo thành dòng thác hùng vĩ, sủi bọt trắng xóa.
Ðường vào thác Bản Giốc. (Hình: Ciao Travel cung cấp)
Thác được chia làm hai phần, phía Nam là thác cao, phía Bắc là thác thấp. Thác thấp là thác chính, hùng vĩ hơn, ép mình vào núi rừng rộng lớn, nhìn từ xa, dòng nước chảy từ trên cao xuống tựa những sợi tơ trắng xóa đang nằm vắt vẻo uyển chuyển trên núi rừng hoang sơ. Nước sủi tung bọt, ầm vang, ánh nắng hắt trên nước, lấp lánh sáng làm bật lên vẻ đẹp thuần khiết, hùng vĩ quyện hòa.
Bờ sông Quây Sơn, dưới thác Bản Giốc. (Hình: Ciao Travel cung cấp)
Từ thuở xa xưa, trước vẻ đẹp thơ mộng và hùng vĩ của thác Bản Giốc, dân gian đã thêu dệt nhiều giai thoại. Nơi đây có những nàng tiên trên trời xuống tắm, chuyện nàng tiên bay qua đây đánh rơi đôi cánh thần vướng trên núi rồi hóa thành thác nước khổng lồ, để ví cảnh thác đẹp như chốn tiên cảnh.
Ngày nay, thác Bản Giốc được vinh danh “đệ nhất thác” đẹp nhất Châu Á, là nàng công chúa kiều diễm ngủ trong rừng. Ðến đây, ai cũng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hùng vĩ, biến hóa theo từng mùa khác nhau của thác, khi thì kiêu hãnh tung bụi trắng từ vách núi khổng lồ ầm ầm xuống những cánh đồng lúa màu xanh rờn mỗi xuân tới, lúc lại yêu kiều nhuốm màu vàng óng của nương lúa chín mỗi độ Thu sang.
Thác Bản Giốc nhìn từ trên cao. (Hình: Ciao Travel cung cấp)
Vẻ kiêu hùng của thiên nhiên quyện hòa cùng bàn tay lao động của người Tày, Nùng mang đến nơi đây cảnh sắc rực rỡ, sinh động bốn mùa của tự nhiên.
Vào những ngày nắng, bọt nước trên thác còn tạo nên những giải cầu vồng lung linh sắc màu rực rỡ xuất hiện khắp nơi trên đỉnh thác, chân thác và bao quanh thác. Chèo thuyền để lại gần hơn, khám phá thêm vẻ đẹp kỳ thú của thác nước. Những tia nước trắng xóa bắn vào người mát lạnh như gột rửa bụi trần để phiêu du vào chốn bồng lai huyền ảo bọt trắng. Những áng cầu vồng rực rỡ nhảy nhót quanh thác dễ mang đến cảm giác như thực, như mơ tưởng như chỉ cần một sải tay là có thể chạm vào những giải cầu vồng lung linh sắc màu huyền ảo. Khung cảnh bên bờ sông cũng thật hữu tình, nên thơ, với thảm cỏ rộng xanh ngát, mây trắng bồng bềnh, những chú bò đủng đỉnh đứng gặm cỏ tạo cảm giác thật thanh bình, lãng đãng như đang trôi về một miền ký ức xa xôi.
Dáng dấp văn hóa người thiểu số tại thác Bản Giốc. (Hình: Ciao Travel cung cấp)
Không chỉ núi cao, suối sâu, thác lạ, mảnh đất này còn có nền văn hóa truyền thống rất phong phú với nhiều dân tộc sinh sống, mà chủ yếu vẫn là người Tày. Người Tày, Nùng ở đây hiền lành, mộc mạc và chăm chỉ, trồng cây hạt dẻ cho hạt thơm bùi, trồng cây mạch làm tương “Mác Kẻng” thơm, ngon ngậy, những sản vật nổi tiếng của vùng. Không ai không biết đến “Hạt Dẻ Trùng Khánh” thơm bùi nưng nức dù cách xa hàng cây số.
Dáng dấp văn hóa người thiểu số tại thác Bản Giốc. (Hình: Ciao Travel cung cấp)
Vẻ đẹp yêu kiều của “nàng công chúa” Bản Giốc như nổi bật hơn vì sự hài hòa được điểm tô bằng “chàng hoàng tử” Ngườm Ngao. Theo tiếng Tày “Ngườm Ngao” có nghĩa là động hổ (Ngườm: động, Ngao: hổ), vì tương truyền ngày xưa trong động này có nhiều hổ dữ sinh sống. Nhưng cũng có người cho rằng động hổ bắt nguồn từ tiếng suối chảy trong động tạo ra tiếng kêu, gầm như con hổ dữ. Ðộng cũng có tên gọi là động Gió bởi trong động có dòng suối ngầm chảy mạnh tạo ra luồng gió và tiếng ầm ầm dội vào các vách núi.
Bên trong hang Ngườm Ngao. (Hình: Ciao Travel cung cấp)
Năm 1921, một số viên quan người Pháp và Việt Nam khi đến thăm thác Bản Giốc đã phát hiện ra Ngườm Ngao. Nhiệt độ trong động từ 18 đến 25 độ C, mùa Hè cho cảm giác mát mẻ, còn mùa Ðông ấm áp. Ðộng có chiều dài hơn 2km, gồm ba cửa chính: Ngườm Ngao, Ngườm Lồm (hang gió) và Ngườm Bản Thuôn. Tuy nhiên, hiện nay động Ngườm Ngao mới được khai thác phục vụ thăm quan gần 1km ở cửa Ngườm Ngao. Phần còn lại của động dành cho những người đam mê khám phá và mạo hiểm.
Vẻ đẹp thiên nhiên, con người và văn hóa mảnh đất nơi đây hài hòa đan quyện vào nhau tạo nên một sức hút kỳ lạ níu chân người đi. Hãy dành thời gian để tận hưởng thảm cỏ thật êm dưới chân, thỏa con mắt ngắm nhìn dòng thác kỳ vĩ, hít thở không khí thanh bình nơi đây và yêu hơn từng dòng sông con suối của Việt Nam yêu dấu.

Không có nhận xét nào: