Pages

Thứ Năm, 6 tháng 9, 2012

Người dân đang bán đi “cần câu cơm” của mình


(Nguoiduatin.vn) – Cơ quan chức năng cần định hướng kịp thời để cảnh báo người dân.
Từ những năm trước, người dân nhiều vùng trên cả nước thi thoảng lại rộ lên cơn sốt đi tận thu một số loại cây cỏ, động vật để bán cho thương lái Trung Quốc dù chẳng biết giá trị của loại hàng hóa đó ra sao. Những hoạt động mua bán mập mờ, không rõ mục đích ấy đã gây ra không ít hậu quả nghiêm trọng.
Dụng cụ “tận diệt” ong bầu
Khoảng năm 1997-1998, cả miền Bắc lâm phải đại dịch chuột vì trước đó người dân đã gom hết mèo bán sang Trung Quốc. Ít lâu sau, nông nghiệp nhiều vùng lại khốn đốn vì sức kéo bị giảm sút. Nguyên nhân là do trước đó, người dân đã trót chặt móng trâu bò bán với giá đắt hơn giá của một con trâu. Giữa năm 2007, tại các tỉnh biên giới và trung du như Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang… xôn xao về việc các thương nhân Trung Quốc thu gom không chỉ là chè khô mà cả búp chè tươi, chè héo và dụng cụ chế biến thô của Việt Nam mang về chế biến.

Hậu quả là cây chè bị khai thác cạn kiệt, chất lượng ngày càng kém là do thu hái không đúng quy trình kỹ thuật. Cũng do tình trạng mua bán nguyên liệu kiểu vơ vét, tận thu nên các doanh nghiệp chế biến chè Việt Nam vì thiếu nguồn vào mà đã sử dụng nguyên liệu không đảm bảo để sản xuất. Đã có không ít hợp đồng bị phá vỡ, doanh nghiệp đành chịu lỗ vì không đủ hàng giao, hàng nghìn công nhân không có việc làm.
Trao đổi với PV báo Người đưa tin, Thạc sĩ Nguyễn Văn Hải, Trung tâm Sinh học Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho rằng, loài ong nói chung có giá trị nhiều mặt về kinh tế, là nguồn thu mật ong trực tiếp và có vai trò cộng sinh quan trọng trong thụ phấn cho hoa màu, cây cối. Ngoài những yếu tố khác, nếu một vườn nhãn, vườn vải mà đưa được đàn ong đến thì rất có giá trị, sẽ tăng khả năng thụ phấn cho hoa màu.
Bàn luận về hành vi tận thu ong bầu gần đây, ông Hải khẳng định, đàn ong là “cần câu cơm” của dân ta. Các thương lái Trung Quốc tận thu chúng thì người nông dân chẳng còn gì mà kiếm sống cả. Dân ta chưa hiểu biết, đã ồ ạt đua nhau đi bán ong tức là bán đi “cần câu cơm” của mình. Người dân chưa hiểu được những giá trị lâu dài và vai trò của ong bầu trong đời sống hàng ngày, nhất là đối với mùa màng, nông nghiệp.
Nhìn lại những kiểu mua bán “lạ lùng” gần đây của thương lái Trung Quốc, ông Hải nhấn mạnh: Chúng ta cũng cần cẩn trọng trước những kiểu mua bán mập mờ không rõ mục đích như thế này. Cách đây hơn hai chục năm, thương lái Trung Quốc còn tìm cách lây bệnh cho ong khiến nguồn mật ong và sản phẩm từ ong nước ta bị suy giảm nghiêm trọng. Chúng ta đã có nhiều bài học đau đớn như thế. Chính quyền các cấp và các cơ quan chuyên môn cần có những định hướng kịp thời để cảnh báo cho người dân”.                       
Cảnh giác với giao thương không rõ mục đích
Có cái nhìn cẩn trọng về một số hoạt động buôn bán nông sản gần đây của thương lái Trung Quốc, GS. TS Bùi Chí Bửu, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam cho rằng, thương nhân Trung Quốc mua có chọn lọc và có mục đích chứ không phải bất cứ mặt hàng nào cũng mua. Chúng ta cần tìm hiểu rõ động cơ của các thương lái. Rất có thể họ đang lợi dụng những người dân chân chất, ít hiểu biết để tiến hành hoạt động giao thương không rõ mục đích. Đây cũng tương tự chiêu tận thu mèo, râu ngô, móng trâu bò, chè vàng để đẩy dân ta vào cảnh khốn đốn sau này. Chính vì vậy, dân ta cần đặc biệt cảnh giác, không nên chỉ biết chạy theo lợi ích trước mắt.  
Phạm Hạnh

Không có nhận xét nào: