Minh Việt (Danlambao) - Phiên tòa phúc thẩm xử ba blogger kết thúc. Nguyễn Văn Hải chịu 12 năm tù, Tạ Phong Tần 10 năm tù, và Phan Thanh Hải 3 năm tù. Tổng cộng hình phạt 25 năm tù cho ba người, trung bình hơn 8 năm tù cho một người. Những bản án quá nặng cho những bài báo.
Vụ án kết thúc năm 2012, đánh dấu một bước leo thang mới trong nỗ lực đàn áp phong trào phản kháng. Tổng kết, năm 2012, chính quyền Việt Nam tuyên 117,5 năm tù cho 18 người trong 9 vụ án. Nếu so với năm 2011, chính quyền Việt Nam kết án tổng cộng 95,5 năm tù trong 10 vụ án cho 21 nhà hoạt động [1].
Vụ bắt giữ gần nhất với Lê Quốc Quân cho thấy không hề có một dấu hiệu nào chính quyền giảm bớt sự đàn áp đối với phong trào dân chủ trong thời gian tới.
Nếu có một giải thích đối với những bản án quá nặng đối với Nguyễn Văn Hải và Tạ Phong Tần đó chính là chính quyền sợ những tổ chức. Họ sẵn sàng dùng bạo lực để dập tắt những tổ chức và dùng những bản án nặng nề để răn đe sự hình thành của những tổ chức mới.
Những bản án nặng nề và những bắt bớ gần đây nó còn thể hiện thêm nỗi lo âu của đảng Cộng Sản trước tình thế khó khăn.
Năm 1990 đứng trước những khó khăn về kinh tế và làn sóng dân chủ hóa ở Đông Âu, mất đồng minh Liên Xô, đảng Cộng Sản đã hoảng sợ, quyết định gắn bó với Trung Quốc, ra sức đàn áp phong trào phản kháng.
Những năm gần đây, tình hình có những nét tương tự. Đứng trước những khó khăn về kinh tế, tính chính danh của đảng Cộng Sản gần như biến mất. Đảng Cộng Sản sẵn sàng dùng bộ máy an ninh để đàn áp phong trào phản kháng. Không khó để dự đoán rằng sự đàn áp sẽ trở nên khốc liệt trong những tháng ngày tới.
Sau Lê Quốc Quân, người tiếp theo có thể là bạn.
Nói như Nguyễn Gia Kiểng, đảng Cộng Sản đã chết. Nó chết theo nghĩa mất định hướng và những con người trong tổ chức không còn gắn bó vì một mục tiêu kiến tạo sự phát triển cho Việt Nam, mà vì những lợi ích riêng của mình [2].
Tuy vậy, có những lí do để lo lắng rằng chừng nào chưa có một phong trào dân chủ đủ sức kéo cái”xác chết” đi, chừng đó đảng Cộng Sản vẫn còn đó và những đàn áp vẫn tiếp tục.
Có nhiều lí do để thấy rằng phong trào dân chủ của chúng ta đang khủng hoảng hướng đi. Và, chưa có một đảng đối lập nào, dù ở hải ngoại, định hướng cho phong trào dân chủ nên làm gì sắp tới.
Phản kháng dân chủ không phải là chúng ta lên mạng viết những comment thể hiện bực tức rồi quay đi, hay những bài báo lên án và nhục mạ đảng Cộng Sản, cùng những cá nhân, rồi hết.
Cần nhắc lại rằng cuộc chiến đấu của chúng ta là cuộc chiến đấu bất bạo động. Chúng ta phải tự thuyết phục nhau rằng cuộc chiến đầu này phải là bất bạo động vì đơn giản trước hết chúng ta không có một khả năng nào chiến thắng bằng con đường bạo động, và còn những hệ quả hòa giải và tình thương yêu lẫn nhau sau khi cuộc chiến kết thúc. Bất bạo động không có nghĩa là chúng ta không làm gì cả. Mà chúng ta phải chủ động phản kháng lại những bất công một cách hòa bình và phi bạo lực. Bằng cách phản kháng lại những bất công một cách phi bạo lực chúng ta làm xói mòn đi quyền lực của chế độ cầm quyền, xây dựng được những đồng minh mới và cuối cùng thay đổi dứt điểm mọi bất công.
Nếu có thời gian xin bạn hay lên youtube xem một đoạn cuộc tuần hành xuống biển lấy muối của Gandhi. Sự bất công là việc độc quyền khai thác muối của chính quyền Anh. Bằng hành động đi bộ đến biển để lấy muối, Gandhi đã gắn kết những con người lại với nhau, giúp họ xóa bỏ đi nỗi sợ trước chính quyền thuộc địa Anh. Bằng việc chiến đấu bất bạo động chống lại những bất công trước mắt, Gandhi đã có thể huy động được một lực lượng lớn người dân đứng về phía mình, cũng là đứng về phía công lý và sự thật. Khả năng huy động được một lực lượng lớn nhân lực bản thân nó đã đánh bại được ý muốn cai trị của chính quyền thuộc địa và buộc họ phải rút lui bởi vì chính quyền thuộc địa không thể nào cai trị một đất nước hơn 300 triệu người địa phương lúc bấy giờ khi họ không tuân lệnh.
Chiến lược có thể thực hiện tại Việt Nam. Chính quyền Việt Nam sẽ đầu hàng khi một nhóm người có khả năng huy động hàng nghìn người ra đường để đòi công bằng và công lý. Trước mắt đó là tự do báo chí, công lý, và quyền biểu tình (chống Trung Quốc). Bằng cách liên tục, bền bỉ và bất bạo động đòi hỏi công lý và dân chủ được thực thi, chúng ta sẽ gắn kết được nhiều người với nhau, và tranh thủ cảm tình của các nhân viên chính quyền, kể cả công an và an ninh.
Phải tâm niệm rằng cuộc chiến này là cuộc chiến nhằm xóa bỏ những bất công, xây dựng công lý và công bằng, chứ không phải là một cuộc tấn công vào bất cứ cá nhân nào. Trong cuộc chiến này, chúng ta phải tìm kiếm đồng minh. Đồng minh ở đây là người dân ở mọi tầng lớp xã hội, kể cả trong chính quyền, lực lượng công an và quân đội. Chúng ta cần thể hiện rõ trong lời nói và hành động với họ rằng chúng ta không hận thù họ, bởi họ cũng chỉ là những người thừa hành. Chúng ta cần thuyết phục với họ rằng cuộc chiến nhằm xóa bỏ những bất công này không tấn công lại họ mà chỉ nhằm thay đổi những bất công mang tính hệ thống. Vũ khí của mỗi chiến sĩ bất bạo động đó là lòng dũng cảm, tình yêu kể cả khi chúng ta có thể nhận lại lòng hận thù, và công lý.
Hoặc là chúng ta bắt đầu hành động, hoặc là chúng ta ngồi đợi là người tiếp theo sau Lê Quốc Quân.
Tham khảo thêm:
Các nguyên tắc bất bạo động của Martin Luther King, Jr.
1. Bất bạo động là một cách sống dành cho những con người dũng cảm. Đó là sự phản kháng bất bạo động nhưng theo phương cách chủ động chống lại điều xấu. Nó có tính công kích cả về mặt tâm hồn, tinh thần, và cảm xúc. Đó là luôn luôn thuyết phục đối phương về công lý và lẽ phải đối với trường hợp của bạn.
2. Bất bạo động tìm kiếm đồng minh và sự hiểu biết. Kết quả cuối cùng của bất bạo động là sự cứu chuộc và hòa giải. Mục đích của bất bạo động là tạo ra một cộng đồng yêu thương lẫn nhau
3. Bất bạo động nhằm tìm kiếm những giải pháp để xóa bỏ sự bất công, thay vì tấn công vào những con người. Bất bạo động cho rằng những con người thực hành những điều sai trái chính họ cũng là nạn nhân. Những người phản kháng bất bạo động nên tìm những giải pháp để đánh bại, xóa bỏ những bất công, sai trái ấy, thay vì tấn công vào những con người thừa lệnh.
4. Bất bạo động cho rằng sự khổ đau có thể giúp giáo dục và chuyển hóa. Bất bạo động chấp nhận sự khổ đau mà không trả đũa. Bất bạo động chấp nhận chịu đựng những hành vị bạo lực (nếu cần), nhưng sẽ không bao giờ chịu khuất phục. Bất bạo động sẵn sàng chấp nhận những hậu quả gây ra bởi những hành động bất bạo động. Sự đau khổ phải chịu đựng có tính cứu chuộc và có rất nhiều tiềm năng mang tính giáo dục và chuyển hóa.
5. Bất bạo động chọn tình yêu, thay vì hận thù. Bất bạo động chống lại những hành vi bạo lực về mặt tinh thần lẫn thể xác. Tình yêu mang nghĩa bất bạo động phải mang tính tự nguyện, không mục đích, không ích kỉ và phải sáng tạo. Tình yêu mang nghĩa bất bạo động là sẵn sàng cho đi, dù biết rằng nhận lại có thể là thái độ thù địch. Tình yêu mang nghĩa bất bạo động phải là chủ động, không bị động. Tình yêu mang nghĩa bất bạo động phải là vô tận trong khả năng của nó để tha thứ nhằm khôi phục lại cộng đồng. Tình yêu mang nghĩa bất bạo động không thấp đến mức ngang bằng với tình yêu của người căm thù. Tình yêu đối với kẻ thù là cách chúng ta thể hiện tình yêu đối với chính chúng ta. Bất bạo động công nhận sự thật rằng tất cả sự sống đều có liên quan lẫn nhau.
6. Bất bạo động tin rằng nhân loại đứng về phía công lý. Người phản kháng bất bạo động có một niềm tin sâu sắc rằng sự công lý cuối cùng sẽ thắng. Bất bạo động tin rằng chúa Trời là chúa Trời của công lý và tình yêu.
_________________________________
Chú thích:
[1] Phạm Thị Hoài.(2012). “Thông điệp của chính quyền”. Procontra. Địa chỉ: http://www.procontra.asia/?p=1160
* Theo Phạm Thị Hoài là 118,5 năm tù, những giảm án 1 năm tù của Phan Thanh Hải nên còn 117,5 năm tù.
[2] Nguyễn Gia Kiểng (2012). “Đảng Cộng Sản đã chết”. Thông Luận. Địa chỉ:http://www.ethongluan.org/index.php?option=com_content&view=article&id=2137:dang-csvn-da-chet&catid=44&Itemid=301
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét