Thuỳ Linh - Mấy ngày nữa chấm dứt một năm.
Vẫn là một năm có 365 ngày cùng Ái – Ố – Hỉ – Nộ – Ai – Lạc của đời người. Nhưng năm nay bỗng có đà tăng vọt của Yêu – Ghét – Vui – Giận – Thương – Sung sướng của “lục dục thất tình” làm nên đời sống tinh thần con người. Nhiều năm qua, chưa bao giờ thần kinh con người bị thử thách với nhiều thăng trầm cảm xúc như năm vừa qua.
Nhiều sự kiện, tình huống khiến nhiều người lo lắng, hy vọng, rồi thất vọng và tuyệt vọng. Đỉnh điểm của sự thất vọng là Hội nghị TW6. Rất nhiều người gom chút hy vọng mong manh cho “canh bạc” mà họ không được tham dự, không được biết bài, chỉ là những đồn đoán, thắc thỏm hy vọng. Vỡ òa sau cùng là sự tức giận không thể kiềm chế. Mọi sự mắng nhiếc, rủa xả của đám đông không biết trút đi đâu nên đành nhằm tai bạn bè mà đổ vào không thương tiếc. Những người đang ở trên ghế cao quyền lực “kiên nhẫn” chờ cơn Nộ của dân chúng qua đi. Đảng cộng sản thì kiên nhẫn, tự tin khẳng định sự sáng suốt của đường lối, của sự lãnh đạo như đã từng lãnh đạo trong chiến tranh. Và đảng càng tự tin hơn về lòng từ bi dành cho những khuyết điểm, tội lỗi của nhau nên không kiểm điểm, kỷ luật ai (?). Thủ tướng tươi cười ngay sau hội nghị. Nụ cười đi vào lịch sử về bài học không trưởng thành dù cỡ tuổi nào, chức vụ nào, từng trải nào. Những con người như thế chỉ lớn lên, già đi và chết, không bao giờ với tới sự trưởng thành. Đáng thương thay cả đất nước lại dưới sự “lãnh đạo sáng suốt” của họ…
Lạm phát tăng, giá cả tăng nhiều lần trong năm như giá điện, tiền lương giảm, thất nghiệp đã lên đến con số hơn 1,4 triệu người. Đời sống khốn khó, cơ cực như thời Giá-Lương-tiền những năm 80 và hơn thế nữa…
Tiểu học ở Lũng Pù (Mèo Vạc) – Nơi này chưa bao giờ có điệnMẫu giáo ở Cán Chu Phìn (Mèo Vạc)Lớp học – một nửa của tiểu học, nửa bên cạnh là mẫu giáo – Giờ tan học
Có khoảng 55.000 doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động và ngừng đóng thuế (theo tiến sỹ Lê Đăng Doanh). Một con số thật “ấn tượng”. Trong khi con cưng là các DNNN lỗ khủng và nợ khủng, doanh nghiệp của các nhóm lợi ích thì vẫn tồn tại. Chưa khi nào nhóm lợi ích bị tố cáo và phơi lưng như năm nay. Gương mặt đó dù chìm khuất trong bóng tối nhưng dân chúng đều nhìn ra. Nhưng nó đã được che chắn bảo vệ bởi quyền lực.
Năm 2012, GDP tăng 5,03%, là mức tăng trưởng thấp nhất từ năm 1999 đến nay. Còn năm 2013 thì “kế thừa của năm 2012 quá nhiều vấn đề nan giải của nền kinh tế. Đó là nợ xấu của ngân hàng và tồn kho lớn của các doanh nghiệp” – vẫn theo tiến sỹ Lê Đăng Doanh. Nợ xấu đến nay vẫn là “bí mật quốc gia” dù cho IMF và WB kêu gọi minh bạch. Tựa như con bệnh nhất quyết giấu bệnh và không cho bác sỹ động đến người để khám và bốc thuốc. Nền kinh tế vì thế sẽ còn u ám. Những kẻ tham nhũng và đại gia sau một thời gian dài gặt hái, tích lũy tiền vẫn ung dung sống tốt qua mùa bĩ cực, còn dân chúng tiếp tục gánh nợ quốc gia từ những khoản thuế má chồng chất.
Chính quyền tiếp tục vi phạm tố tụng, bỏ tù, truy tố, kết án những người không đủ chứng cứ kết tội. Những phiên tòa vội vàng, cẩu thả, trắng trợn vi hiến luôn dành cho những người bị qui tội về chính trị như Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải, Việt Khang, Anh Bình, Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha…Tới đây sẽ diễn ra phiên tòa phúc thẩm xử Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải. Thật trớ trêu khi các luật sư của các bị cáo này chỉ mong phiên tòa xử đúng luật?
Chưa năm nào tình cảnh dân oan khiếu kiện nhiều về số lượng và có tính “chuyên nghiệp” như năm nay. Người dân nhiều nơi dường như đã vượt qua nỗi sự hãi để biểu thị thái độ của mình như anh Đoàn Văn Vươn, và mới cách đây hai hôm là ở Đông Triều (Quảng Ninh). Tiếng súng của anh Vươn nã thẳng vào chế độ tham nhũng, vậy mà dường như không lay động được sự “kiên định” của chính quyền. Vụ án gần năm qua vẫn chưa được xét xử. Con đường của dân oan mất đất sẽ còn là câu chuyện dài của nhiều năm tới đây.
Chợt nhớ mấy hôm trước đây báo chí rùm beng việc thủ tướng đi xem vở kịch “Lời thề thứ 9” của cố nhà thơ Lưu Quang Vũ. Trong vở kịch có đoạn bà già đi kiện được quan tỉnh trả lời như sau:
-Bà hỏi huyện. Mọi việc đều có phân cấp, có những việc dưới huyện phải giải quyết trước đã, cái gì cũng lên đến tỉnh thế nào được. Mời bà về huyện.
-Huyện lại chỉ xuống xã, chúng tôi biết kêu đâu?
-Ở xã cũng có chính quyền, có Đảng ủy, phải tin tưởng ở cơ sở lãnh đạo mình chứ.
-Khốn nỗi, không tin được.
-Không tin xã, bà lên huyện. Không tin huyện, bà lên tỉnh. Không tin tỉnh, chắc bà lên Trung ương?
-Vâng.
-Thế nếu không tin Trung ương nữa, thì bà lên đâu, lên giời à?
-Nếu như lên được…Khốn nỗi không có giời. Ngày xưa còn đổ cho giời được, bây giờ biết là chỉ còn có người thôi. Chứ nếu có giời, thì tôi cũng lên. Hoặc nhờ bác Phạm Tuân bác ấy cầm đơn lên gửi giời hộ. (…)
-Huyện lại chỉ xuống xã, chúng tôi biết kêu đâu?
-Ở xã cũng có chính quyền, có Đảng ủy, phải tin tưởng ở cơ sở lãnh đạo mình chứ.
-Khốn nỗi, không tin được.
-Không tin xã, bà lên huyện. Không tin huyện, bà lên tỉnh. Không tin tỉnh, chắc bà lên Trung ương?
-Vâng.
-Thế nếu không tin Trung ương nữa, thì bà lên đâu, lên giời à?
-Nếu như lên được…Khốn nỗi không có giời. Ngày xưa còn đổ cho giời được, bây giờ biết là chỉ còn có người thôi. Chứ nếu có giời, thì tôi cũng lên. Hoặc nhờ bác Phạm Tuân bác ấy cầm đơn lên gửi giời hộ. (…)
Nghe báo chí nói, sau buổi biểu diễn, ông thủ tướng lên tặng hoa cho diễn viên. Ông tặng vở kịch có tính dự báo của Lưu Quang Vũ nói về chính quyền hiện nay, hay ông tự thưởng cho mình vì đã dành một buổi tối vàng ngọc để đến nhà hát, một việc chưa từng?
Nhìn lại nền kinh tế của Việt Nam, một nhà nghiên cứu tại Khoa châu Á và Quốc tế tại Đại học Hong Kong, nhận định: “Bộ máy Nhà nước đang trong trạng thái hơi bị chết đứng”… Và: “Việt Nam cần những nhà lãnh đạo có thể chặn đứng các nhóm lợi ích đầy quyền lực – từ các tổ chức quân đội, các tập đoàn Nhà nước cho đến các quan chức địa phương – tự tung tự tác để đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo – phân tích gia Jonathan London nói – Hiện không rõ liệu ai có thể làm được điều này?” (BBC).
Ai làm được điều này? Ai sẽ là minh chủ của đất nước gần 90 triệu dân? Ai sẽ lèo lái đất nước vượt qua nghèo đói và sự bạc nhược, hèn kém? Ai? Ai? Ai?
Năm nay, Trung Quốc leo thang xâm phạm chủ quyền biển Đông rất trắng trợn. Đàn áp dân chúng biểu tình, thái độ bạc nhược của chính quyền vẫn là phương châm, đường lối trong ứng xử với “đồng chí kẻ thù”. Giữ vững chế độ trong lòng địch dường như là cách cần thiết mà chính quyền áp dụng?
Chợt hỏi, tại sao dân Việt mình có thể sống sót trong tuyệt vọng? Và tình cảnh này sẽ kéo dài đến bao giờ?
Liệu có thể khởi tố sự tuyệt vọng này? Bị can cũng đã có để có thể khởi tố vì tội lỗi rành rành ra đấy? Nhưng người ta cứ di lý hết năm này qua năm khác, để mỗi năm nỗi tuyệt vọng lớn hơn, hậu quả khủng khiếp hơn…
Và “vụ án tuyệt vọng” của năm 2013 sẽ như thế nào?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét