Pages

Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012

Nhật Bản tìm cách giảm lệ thuộc vào Trung Quốc

Để đáp ứng nhu cầu trong nước về năng lượng, các nguồn tài nguyên đất hiếm và giảm sự lệ thuộc một số mặt hàng chiến lược từ Trung Quốc, Nhật Bản đã và đang triển khai các kế hoạch nhằm tăng cường thâm nhập vào khu vực Trung Á.
Ngoại trưởng Nhật, ông Koichiro Gemba (trái) đón tiếp Ngoại trưởng Turkmenistan, ông Rashid Meredov.

Viện Jamestown Foundation của Mỹ cho biết, ngày 10/11 Chính phủ Nhật Bản tuyên bố sẽ cung cấp 700 triệu USD cho các nước Trung Á giàu tài nguyên để thăm dò và khai thác dầu lửa, khí đốt và khoáng sản đất hiếm (REM). Thông báo này được Nhật Bản đưa ra tại hội nghị lần thứ 4 các bộ trưởng ngoại giao của các nước thành viên thuộc sáng kiến "Đối thoại Trung Á + Nhật Bản" (gồm Nhật Bản, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan), ra đời năm 2004 nhằm thúc đẩy thương mại và an ninh ở khu vực Á - Âu. Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác khu vực về thương mại, đầu tư và an ninh ở Trung Á rộng lớn hơn.


Mức cam kết tài chính trên của Nhật Bản rất quan trọng và khẳng định Tokyo quan tâm thúc đẩy sự hiện diện chiến lược lâu dài và thúc đẩy an ninh ở khu vực Trung Á giàu tài nguyên trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng với Trung Quốc và trước khi lực lượng Mỹ và liên quân rút khỏi Afghanistan. Trung Á đang nổi lên như một trọng điểm của Nhật Bản nhằm giải quyết vấn đề thâm nhập các nguồn tài nguyên chiến lược, an ninh khu vực và hạn chế xuất khẩu REM của Trung Quốc. Nhật Bản coi khoản đóng góp tài chính của họ như một động lực thúc đẩy các kế hoạch kinh tế hiện tại và tương lai của Nhật Bản tại Trung Á. Tại Kazakhstan, các công ty Nhật Bản đã và đang đầu tư vào khu vực dầu lửa Kashagan và các dự án năng lượng ở biển Caspi. Họ cũng theo đuổi hợp tác năng lượng hạt nhân với Kazakhstan - nước trở thành nhà sản xuất urani lớn nhất thế giới năm 2009. Các công ty Nhật Bản như Sumitomo Shoji và Kepko, hợp tác với công ty Kazatomprom của Kazakhstan phát triển khu vực Zapadny Munkuduk giàu urani - nơi có thể đáp ứng 10% nhu cầu urani hàng năm của Nhật Bản. Các công ty Nhật Bản cũng tham gia các dự án xây dựng, cải tạo và nâng cấp các nhà máy chế biến dầu ở Uzbekistan.
Hiện nay thâm nhập các nguồn tài nguyên là một trong những vấn đề cấp bách của Tokyo. Bởi vì, Nhật Bản vốn là nước phụ thuộc rất lớn các nguồn tài nguyên chiến lược của nước khác, kể cả Trung Quốc - nước hiện đang theo đuổi chiến lược thu mua tất cả các nguồn tài nguyên khắp thế giới. Điều này đặc biệt liên quan đến nhập khẩu REM - nguồn tài nguyên chiến lược quan trọng cho ngành công nghiệp công nghệ cao và khả năng để cạnh tranh của Nhật Bản trên các thị trường công nghệ cao toàn cầu. Bất cứ sự gián đoạn nghiêm trọng nào về nguồn cung cấp REM có thể làm suy yếu ngành công nghiệp công nghệ cao của Nhật Bản, từ đó ảnh hưởng đến khả năng sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm hiện đại.
Nhật Bản đang sử dụng REM vào các mục đích dân sự và quân sự nhằm sản xuất các sản phẩm như máy tính, xe ôtô điện, điện thoại thông minh, xe tăng, bom chính xác, radar, tên lửa và nhiều sản phẩm khác. Vì vậy không phải ngẫu nhiên số tiền Tokyo cam kết cung cấp cho các nước Trung Á gần bằng giá trị nhập khẩu REM của Nhật Bản bị mất từ Trung Quốc sau khi hai nước có những bất đồng trong việc tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Năm 2012, xuất khẩu REM của Trung Quốc sang Nhật Bản giảm 11,5% (702 triệu USD) so với năm 2011.
Hiện nay, công ty Đất hiếm Atom Chung do Hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản - Kazakhstan thành lập (SARECO) đang chuẩn bị các kế hoạch bắt đầu khai thác REM tại khu vực Stepnagorsk của Kazakhstan từ tháng 12/2012. Công ty này dự kiến mỗi năm sẽ khai thác 1.500 tấn REM để đáp ứng 7,5% nhu cầu hàng năm của Nhật Bản và sau đó mở rộng sản xuất lên 6.000 tấn mỗi năm vào năm 2017. Nhật Bản cũng hy vọng mỗi năm sẽ nhập khẩu tới 20 tấn dyprosi để đáp ứng 3% nhu cầu về thành phần đất hiếm này. Các nước Trung Á có các khu vực chứa urani rất lớn và lượng phế thải của uranium chứa nhiều thành phần đất hiếm như dysprosi và neodym.
Tuy nhiên, sắp tới các công ty Nhật Bản sẽ gặp một số khó khăn khi mở rộng hoạt động trên các thị trường Trung Á, đặc biệt lĩnh vực khai thác REM. Những khó khăn đó bao gồm các rào cản công nghệ và thiếu các quy định cần thiết để khai thác hiệu quả và thân thiện môi trường. Nhật Bản cũng có khả năng đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn về các nguồn năng lượng và urani của khu vực. Vấn đề chỉ còn là thời gian trước khi các nước khu vực mở cửa các khu vực chứa REM cho các công ty Trung Quốc khai thác, đặc biệt từ khi Trung Quốc dự định trở thành nước nhập khẩu REM lớn nhất thế giới.
Nhưng bằng cách tăng cường thâm nhập nguồn năng lượng và các nguồn tài nguyên giá trị cao khác tại Trung Á, chắc chắn Nhật Bản sẽ giảm sự phụ thuộc Trung Quốc vào một số mặt hàng chiến lược quan trọng đối với lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, đóng góp vào an ninh Trung Á và ổn định của Afghanistan. Nhật Bản cũng sẽ trở thành một đối thủ nặng ký ở khu vực Trung Á - nơi chắc chắn Tokyo phải cạnh tranh gay gắt và hợp tác với các đối thủ khác như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Liên minh châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Pakistan, do tất cả các nước này cũng đang theo đuổi các lợi ích kinh tế lâu dài trong khu vực./Theo Nh.Thạch(Petrotimes)

Không có nhận xét nào: