Pages

Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013

Chuyên gia quân sự quốc tế bình luận về lữ đội tàu ngầm của Việt Nam


TPO- 6 tàu ngầm trang bị hệ thống tên lửa Club-S với các tên lửa tấn công mặt đất sẽ cho phép hạm đội Việt Nam giải quyết các nhiệm vụ kiềm chế chiến lược đối với đối phương tiềm tàng, còn hệ thống tên lửa Bastion-P cho phép tổ chức tuyến phòng ngự rộng 2000 km…
Hai tàu ngầm Kilo Projekt 06361 đầu tiên là HQ-182 Hà Nội và HQ-183 Thành phố Hồ Chí Minh sẽ về Việt Nam trong năm 2013 (TsKB Rubin).

Tiền Phong trích giới thiệu bài viết của Chuyên gia về hải quân Yu.V. Vedernikov đăng trên trang của Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Liên bang Nga. Ông Vedernikov đánh giá Việt Nam có vị trí địa chính trị quan trọng nhưng về truyền thống, Việt Nam chưa bao giờ được coi là cường quốc hải quân. Tuy nhiên, cùng với những biển đổi địa-chính trị của thế giới kể từ những năm 1990  và sự tái cấu trúc chính trị không gian thế giới đã làm gay gắt vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông mà Việt Nam là nước có liên quan.
Điều này đã đặt Việt Nam trước thách thức phải cấp thiết hiện đại hóa lực lượng hải quân để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cũng như tạo thế cân bằng nhằm duy trì môi trường hòa bình để phát triển kinh tế. Verdenikov điểm lại các hợp đồng mua sắm, hiện đại hóa lực lượng hải quân Việt Nam thời gian qua, đánh giá các điểm yếu điểm mạnh của các loại trang thiết bị hiện có cũng như sắp trang bị và nêu rõ đỉnh điểm huy hoàng của việc hiện đại hóa Hải quân Việt Nam sẽ là việc xây dựng lực lượng tàu ngầm.
Theo Vedernikov, về hình thức Việt Nam bắt tay vào xây dựng binh chủng tàu ngầm từ năm 1997 khi mua sắm 2 tàu ngầm siêu nhỏ của Bắc Triều Tiên với năng lực chiến đấu đáng ngờ vì chúng không có ngư lôi và có thời gian lặn ngắn. Các tàu ngầm siêu nhỏ này chỉ có khả năng thực hiện các nhiệm vụ trinh sát-phá hoại hạn chế trên một vùng biển hạn chế, chẳng hạn như vịnh Bắc Bộ.
Thực tế, Việt Nam bước vào xây dựng lực lượng tàu ngầm vào năm 2009 khi công bố ý định mua 6 tàu ngầm điện-diesel lớp Projekt 636 của Nga. Về thực chất, lớp Projekt 636 là sự hiện đại hóa sâu loại tàu ngầm Kilo vốn “phổ biến khắp thế giới. Theo các nhà thiết kế, tàu ngầm hiện đại hóa có tốc độ chạy ngầm cao hơn nhiều (đến 20 hải lý/h) do lượng giãn nước chỉ tăng nhẹ, thời gian lặn ngầm cũng tăng lên, độ ồn giảm đi và trang bị vô tuyến điện tử được cải tiến.
Điểm nổi bật của lớp Projekt 636 là sự hiện diện của hệ thống tên lửa Club-S mà tùy thuộc vào cấu hình có khả năng tiêu diệt mục tiêu mặt đất (tên lửa 3M-14E) và mục tiêu mặt nước (tên lửa 3M-54E) ở cự ly 220-300 km. Mặc dù báo chí Nga đưa tin phải trong năm 2013, Nga mới giao cho Việt Nam 2 tàu ngầm lớp Kilo đầu tiên, tuy nhiên Vedernikov lại quả quyết rằng tàu ngầm điện-diesel đầu tiên đã được đưa vào biên chế hạm đội Việt Nam vào mùa thu năm 2012 (?), còn tàu cuối cùng dự kiến được đưa vào trang bị vào năm 2016.
Mô hình bên trong tàu ngầm lớp Kilo 636
Mô hình bên trong tàu ngầm lớp Kilo 636. Ảnh: naval-technology.com

Cùng với đó, Việt Nam cũng đã công bố việc xây dựng một căn cứ tàu ngầm. Và mặc dù vị trí xây dựng căn cứ không được tiết lộ cho báo chí công khai, nhưng các chuyên gia Nga cho rằng, đó sẽ là Cam Ranh như một điểm cách đều các vùng lãnh thổ và vùng biển phía bắc, phía đông và phía nam.
Trong số các khía cạnh khác của hoạt động hiện đại hóa Hải quân Việt Nam cần nói đến việc mua sắm vào năm 2011 2 hệ thống tên lửa bờ biển cơ động Bastion-P, mỗi hệ thống được trang bị các tên lửa chống hạm siêu âm Yakhont có tầm bắn đến 300 km. Đến năm 2015, dự báo sẽ có thêm một số hệ tên lửa bờ biển cơ động loại này được đưa vào trang bị.
Để khái quát những điều trình bày ở trên, Vedernikov kết luận rằng, hiện tại, việc hiện đại hóa Hải quân Việt Nam đang được thực hiện theo hướng mở rộng tiềm lực tấn công, việc đổi mới các lực lượng và phương tiện của hạm đội chỉ đi theo hướng này.
Ví dụ, việc đưa vào biên chế hạm đội Việt Nam 6 tàu ngầm trang bị hệ thống tên lửa Club-S với các tên lửa có khả năng tiêu diệt mục tiêu mặt đất, sẽ cho phép hạm đội Việt Nam giải quyết các nhiệm vụ kiềm chế chiến lược đối với đối phương tiềm tàng nhờ có khả năng tấn công lãnh thổ đối phương.
Biên chế tương lai của các tàu chiến mặt nước sẽ cho phép bảo đảm sự hiện diện thường xuyên của 2-3 tàu chiến mặt nước tại vùng biển tranh chấp Trường Sa, trong trường hợp khủng hoảng leo thang thì thành lập lực lượng dự bị để triển khai trên 2-3 hướng tác chiến.
Biên chế tương lai của lực lượng tàu ngầm sẽ cho phép bảo đảm sự hiện diện đồng thời tại các vị trí chiến đấu của 3-4 tàu ngầm. Việc trang bị tên lửa chống hạm cho các tàu ngầm này giúp tăng cường sức mạnh tiến công của các lực lượng tàu mặt nước. Không nên bỏ qua cả khả năng rải lôi ngăn chặn của các tàu ngầm, cũng như khả năng tiến hành rải lôi bí mật và có lựa chọn các vùng biển của đối phương tiềm tàng.
Sự hiện diện của các tàu ngầm có độ ồn thấp làm tăng mạnh tiềm lực chống ngầm của hạm đội Việt Nam. Điều không phải nghi ngờ là khả năng của các lực lượng tàu nổi và tàu ngầm tương lai của Việt Nam gây áp lực lên các tuyến đường giao thông hàng hải của đối phương tiềm tàng tại các eo biển chiến lược của Đông Nam Á. Với đường bờ biển trải dài 3260 km của Việt Nam, việc tập trung các hệ thống tên lửa bờ biển cơ động cho phép tổ chức một tiền duyên phòng ngự rộng 2000 km.
Sau khi nêu bật một loạt những sự phát triển về chất của hải quân Việt Nam thời gian qua, ông Vedernikov cũng phân tích, chỉ ra những điểm còn hạn chế của lực lượng này như vấn đề phòng không lãnh thổ, phòng không cho các chiến hạm, cho các vị trí trú đóng của hạm đội và hạ tầng hải quân. Điểm yếu hiển nhiên khác là phòng thủ chống thủy lôi cho các vùng biển quốc gia với chỉ 6 tàu quét lôi do Liên Xô đóng và được trang bị các phương tiện quét lôi của “thời đại đó”.
Hải quân Việt Nam không có các phương tiện cơ động lực lượng đổ bộ đường biển như một yếu tố tăng cường cho các lực lượng đồn trú ở quần đảo Trường Sa. Chưa có các phương tiện trinh sát và chỉ thị mục tiêu hướng sâu vào Biển Đông. Ngoài ra, Vedernikov nhìn nhận hải quân Việt Nam còn thiếu vắng thực tế kinh nghiệm chiến đấu và các phương tiện truyền tin và chỉ huy, kinh nghiệm tổ chức hiệp đồng cần thiết giữa Hải quân, Không quân và Lục quân.
Một tàu ngầm lớp Kilo 636 trên công trường
Một tàu ngầm lớp Kilo 636 trên công trường. Ảnh: naval-technology.com

Theo Vedernikov, dù sao thì cũng không có ai nghi ngờ quyền chủ quyền của Việt Nam trong việc phát triển lực lượng hải quân của mình như một thành tố của nền quốc phòng. 
Vị chuyên gia này cũng cảnh báo về việc các nước tại vùng biển này sử dụng chưa đầy đủ tiềm năng ngoại giao để giải quyết hòa bình các vấn đề ở Biển Đông, sự tích tụ nguy hiểm các vấn đề này và việc các quốc gia liên quan không có được sự yên tâm nên theo đã đuổi nguyên tắc “Si vis pacem, para bellum” (Muốn có hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh).

Không có nhận xét nào: