Pages

Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Phải chăng thời cơ đã đến?

Thời cơ đã đến?
Trần Văn Hoàng.

Trong bài “Thời cơ quyết định đã đến” đăng trên Danluan.org mới đây, Thanh Hương đã viết:

    “Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa. Chưa bao giờ Tổ quốc đứng trước một cơ hội thay đổi tốt như bây giờ. Kinh tế, xã hội suy đồi làm lòng dân mong muốn thay đổi hệ thống chính trị thối nát này hơn bao giờ hết. Cái cần duy nhất bây giờ là một chữ THỜI. Thời cơ đó đang đến và phải đến. Nhưng đến nhanh hay chậm là do các lực lượng xã hội có mau chóng hướng đến một mục tiêu chung duy nhất hay không. Qui tụ được về mục tiêu này thì thời cơ đó sẽ đến ngay trong năm nay và làm cho chế độ toàn trị cộng sản sụp đổ, cải biến thành một chế độ dân chủ.

    Đến hiện nay mục tiêu này đã hiển hiện rất rõ ràng và không gì có thể khác hơn là Quyền Con Người. Mục tiêu này không chỉ là nhu cầu chung của toàn nhân dân Việt Nam mà còn là sự ủng hộ quốc tế của nhân dân toàn thế giới tiến bộ, dân chủ và văn minh. Mục tiêu Quyền con người là hoàn toàn chính nghĩa và không thể bác bỏ ngay cả bởi chính quyền Cộng Sản. Các lực lượng đấu tranh vì dân chủ cho Việt Nam cần gác bỏ những bất đồng về quan điểm, chủ thuyết chủ nghĩa, tên gọi, quá khứ và cả sự thù giận để cùng bước đến một mục tiêu đấu tranh duy nhất là Quyền Con Người. Như vậy nước sẽ đổ về một chỗ, lòng dân sẽ hướng về một mục tiêu nên sẽ tạo ra một sức mạnh không có bất cứ súng đạn nào của cường quyền có thể thắng nổi. Sự ủng hộ và sức ép quốc tế sẽ tiếp thêm sức cho sức mạnh này tạo nên những làn sóng mãnh liệt.

    Lâu nay chế độ toàn trị cộng sản duy trì được vì nó đã thành công trong việc phá vỡ sự kết hợp các lực lượng. Nhưng sẽ không có thế lực nào đủ sức ngăn chặn một mục tiêu chiến lược chung là quyền con người. Và khi mục tiêu đó có cơ hội để kết tinh vào một đòi hỏi duy nhất là quyền phúc quyết hiến pháp thì nó sẽ tạo nên một thời cơ tuyệt vời cho dân tộc đứng lên giành lại quyền làm chủ của mình.”

Thực sự thì người Việt trong và nước đã rất chú trọng vào vấn đề nhân quyền và đã đấu tranh để đòi hỏi quyền làm người, hay bênh vực cho nhiều tù nhân lương tâm đã bị bắt giữ vì đã mạnh dạn đấu tranh đòi dân chủ và nhân quyền.

Gần đây nhạc sĩ Trúc Hồ và đài truyền hình SBTN ở California, Hoa Kỳ, cùng với những tổ chức khác đã đề xướng một thỉnh nguyện thư gởi lên tổng thống Mỹ, vào ngày 7 tháng Hai, năm 2012, để tố cáo những hành động vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền Việt Nam, và yêu cầu chính quyền Mỹ can thiệp cho những nhà đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam hiện đang bị giam cầm chỉ vì thể hiện các quyền tự do đã được liệt kê trong bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền mà Việt Nam đã đồng ý ký kết và hứa hẹn làm theo. Số người tham gia ký thỉnh nguyện thư nầy đã lên đến hơn 150 ngàn.

Sau đó vào ngày 15 tháng 10, nhạc sĩ Trúc Hồ và đài truyền hình SBTN một lần nữa khởi động phong trào vận động nhân quyền “Triệu Con Tim - Một Tiếng Nói” và đạt cao điểm vào ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10/12/2012 với hai công tác cụ thể:

1. Gừi Thỉnh Nguyện Thư đến Liên Hiệp Quốc và chính quyền các nước tự do, với chỉ tiêu 100 ngàn chữ ký trên toàn thế giới khi chiến dịch kết thúc.

2. Gọi điện thoại và gởi fax đến các sứ quán CSVN để phản đối sự chà đạp nhân quyền của nhà cầm quyền CSVN.

Với sự tham gia tích cực của 118 đoàn thể, cộng đồng, chính đảng, và cơ quan truyền thông ở khắp mọi nơi, chiến dịch đã thu được hơn 135 ngàn chữ ký từ 61 quốc gia, trong đó có khoảng 6 ngàn chữ ký từ Việt Nam.

Trong khi những phong trào vận động quốc tế cho vấn đề cải thiện nhân quyền ở Việt Nam của đồng bào Việt Nam ở hải ngoại ngày càng có tổ chức và có sự tham gia đông đảo của quần chúng mà điển hình là hai sự vận động ở trên, thì ở ngay tại Việt Nam, khi mà sự đàn áp, bắt bớ giam cầm ngày càng nhiều và càng mạnh bạo, thì sự đấu tranh đòi dân chủ, nhân quyền ngày càng phát triển với sự tham dự đông đảo của mọi tầng lớp nhân dân. Từ những kiến nghị với con số vài trăm, rồi tiến lên hai, ba ngàn chữ ký gởi cho nhà cầm quyền Việt Nam, đến những lời kêu gọi cho dân chủ nhân quyền gởi đến mọi tầng lớp nhân dân, và gần đây nhất là kiến nghị sửa đổi hiến pháp được đề xướng bởi 72 nhân sĩ trí thức đã thu thập gần 6 ngàn chữ ký và ngày càng có nhiều người ủng hộ.

Ở đây chúng ta đã thấy một cách rõ ràng là những thỉnh nguyện thư được đề xướng ở hải ngoại đã được cả trăm ngàn người tham gia, ký tên ủng hộ. Một con số lớn hơn ở trong nước rất nhiều. Điều nầy cũng có nhiều lý do, nhưng tựu trung lại là nhờ phương tiện truyền thông và sự tự do bày tỏ nguyện vọng của mình mà không sợ bị trả thù, trong khi ở trong nước thì không một tờ báo nào đăng nội dung bản kiến nghị của 72 nhân sĩ trí thức. Không những vậy nội dung đúng đắn của bản kiến nghị còn bị tổng bí thư đảng cộng sản xuyên tạc và đe dọa.

Bản kiến nghị 72 nầy hình như không được biết đến và ủng hộ nhiều ở hải ngoại, có lẽ vì đối với nhiều người, họ còn e ngại khi phải đứng chung tên với những người chủ xướng đã có thời đứng ở chiến tuyến bên kia. Hay có những điều khoản trong bản kiến nghị không được chấp nhận bởi nhiều người Việt hải ngoại như tên nước, màu cờ, và bản quốc ca… Cái lý của những người không ký tên quả không sai. Nhưng nếu nghĩ cho cùng thì nội dung của cái kiến nghị sửa đổi hiến pháp một phần lớn cũng là để cải thiện nhân quyền. Không nhất thiết là chỉ đòi hỏi cho người dân những quyền hạn căn bản, mà còn góp ý xây dựng một nền tảng cho một nhà nước pháp quyền, đa nguyên, đa đảng, để quyền tự do của người dân được bảo đảm một cách lâu dài và vững chắc.

Bản kiến nghị 72 đã xác định cái quyền lập hiến là của nhân dân và đòi hỏi trưng cầu dân ý để phúc quyết Hiến Pháp là một yếu tố then chốt trong phong trào góp ý sửa đổi hiến pháp lần nầy. Có như thế thì những điều khoản không thuận ý dân sẽ bị thay đổi và bản hiến pháp sẽ trở nên tốt đẹp và hoàn hảo hơn:

    Kiến nghị thứ sáu về trưng cầu dân ý đối với Hiến pháp: Quyền lập hiến là quyền của toàn dân, phải phân biệt với quyền lập pháp của Quốc hội. Vì vậy phải có trưng cầu dân ý để phúc quyết Hiến pháp. Chúng tôi đề xuất quy định trong Hiến pháp: “Bảo đảm quyền phúc quyết của nhân dân đối với Hiến pháp, thông qua trưng cầu dân ý được tổ chức thật sự minh bạch và dân chủ với sự giám sát của người dân và báo giới.”

Nhiều người ký tên ủng hộ bản kiến nghị 72, không nhất thiết là họ đồng ý hoàn toàn với từng điểm, từng đề nghị của bản kiến nghị, mà họ đồng ý với những nội dung căn bản như đã đề ra trong 7 điểm chính của bản kiến nghị, Và những điểm chính nầy đã thật sự bao gồm những điểm trong thỉnh nguyện thư mà nhạc sĩ Trúc Hồ và SBTN đã thực hiện, là đòi hỏi quyền làm người cho nhân dân Việt Nam.

Ký tên vào bản kiến nghị 72 không những là để đòi quyền lập hiến và xây dựng đất nước của mình, mà còn là một phương pháp khẳng định ước vọng sống với những quyền căn bản của mình. Ước mơ được sống trong một xã hội dân chủ, công bằng và phồn thịnh là ước mơ chung của nhân dân Việt Nam mà nó chỉ có thể là hiện thực khi mọi người cùng nhau chung tay hành động.

Từ những lời phát biểu gần đây của ông Nguyễn Phú Trọng, chúng ta thấy rằng đảng Cộng sản muốn hợp thức hóa sự độc quyền lãnh đạo của mình qua việc kêu gọi góp ý sửa đổi hiến pháp cho có vẻ dân chủ, nhưng trong thâm tâm họ quả thật không dễ gì từ bỏ những quyền lợi và ngôi vị độc tôn của họ mặc cho đất nước lầm than, dân tình khốn khó. Nhưng có lẽ họ không ngờ là đã mở ra một thời cơ cho những nhà dân chủ, những bậc nhân sĩ, trí thức, và quảng đại quần chúng tham gia mạnh mẻ vào phong trào cứu nguy đất nước qua những kiến nghị táo bạo. Sự ủng hộ ngày càng to lớn của nhân dân cho bản kiến nghị đã làm cho những người lãnh đạo của đảng Cộng Sản hiện nay hoảng sợ. Họ phải tự bỏ đi cái mặt nạ giả nhân, giả nghĩa của họ và trở về cái bản chất tàn bạo để hy vọng chặn đứng các làn song đòi hỏi dân chủ nhân quyền đang lan rộng.

Phải chăng họ đã quá trể trong công cuộc đấu tranh mất còn nầy?

Thời cơ đã đến!

Nhân dân Việt Nam chỉ còn một con đường để tiến là mạnh dạn ký những lời kêu gọi dân chủ, ký kiến nghị 72, và đoàn kết một lòng đứng lên đòi cho được cái quyền sống và quyền làm người của mình. Người ở trong nước thì truyền miệng, truyền tay, và truyền tin qua những blogs, những emails, điện thoại cầm tay hay tin nhắn. Người ở hải ngoại thì truyền tin qua báo chí, TV, radios, internet, và những sinh hoạt cộng đồng.

Với những phương tiện truyền thông rộng rãi và tự do, những đài truyền hình như SBTN, VietFace, và cả trăm tờ báo ở hải ngoại có thể góp sức phổ biến kiến nghị sửa đổi hiến pháp đến người dân thì chẳng bao lâu con số người ký tên ủng hộ sẽ lên đến hàng trăm ngàn hay hàng triệu. Mỗi chữ ký là một viên gạch vùi chôn chế độ độc tài toàn trị để đất nước được thay mình đổi mới và nhân dân Việt Nam được vui hưởng cái quyền sống và sự tự do mà bao năm qua vẫn chỉ là mong mỏi, đợi chờ.

Trần V Hoàng

--------------
Tài liệu tham khảo:

(Dân Luận)

Không có nhận xét nào: