Pages

Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Tổng bí thư ĐỪNG “QUY VÀO” NHƯ THẾ !


BVB – 19h, ngày 25/2 đưa phát biểu tại Vĩnh Phúc của TBT ĐCS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng như sau: “Vừa rồi đã có các luồng ý kiến cũng có thể quy vào được là suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức … Xem ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Có tam quyền phân lập không? Có phi chính trị hóa quân đội không? Người ta đang có những quan điểm như thế, đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa!”. Đảng phát động toàn đảng, toàn dân phát huy trí tuệ, liên hệ thực tế, đóng góp xây dựng sửa đổi Hiến pháp 1992, sao mà chưa gì TBT đã chặn họng bà con như thế? TBT Nguyễn Phú Trọng không nên đánh giá những người dân, những cán bộ đảng viên, các nhà trí thức đóng góp ý kiến xây dựng, sửa đổi Hiến pháp (mà dẫu có trái ý lãnh đạo) là “có thể quy vào được là suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức …”. Dân không nói theo ý đảng là dân bị suy thoái, thế đảng mất hết niềm tin, uy tín với dân thì đảng suy cái gì? Suy cho cùng, nhìn thật chuẩn trong xã hội ta, ai là những người suy thoái, biến chất?
Suy thoái đúng nghĩa là “một bộ phận không nhỏ có chức có quyền” như NQTW 4 đã kết luận, chứ không phải những người trung thực, thẳng thắn đấu tranh, góp ý kiến nghị vì một bản Hiến pháp hoàn hảo, vì sự thuận đường cho khôi phục uy tín và phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng ta. Cuộc sống bị chính quyền, công an quy chụp, áp đặt, bẻ xẹo, hà khắc nhiều quá đã ngột ngạt rồi, nay bị chính TBT“quy vào” nữa thì …dân ta biết sống ra sao? Chắc chết!
Ôi, tự do độc lập!…
…  Xanh biết mấy là trời xanh tổ quốc
Khi tự do về chói ở trên đầu
Khi mặt trời nghe bừng chói ở phương Đông
Cây cay đắng đã ra mùa trái ngọt
Người cay đắng đã chia phần hạnh phúc…” (Chế Lan Viên)
*        *        *
… Ta đã trả giá đau và ta đã học nhìn.
Ta đã gặp những điều không hề chờ gặp
Nào đâu phải chỉ là rắn phục giữa vườn hoa
Những kẻ tốt đến yếu mềm chỉ là đồ giẻ rách
Rắn còn nằm cuộn khúc giữa lòng ta
… Ta hiểu được những ai đã sai và có thể còn sai
Và chất người trong ta cộng sản thêm chút nữa… (Việt Phương)

* Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Hào:
“Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” là khái niệm chỉ những hiện tượng, biểu hiện tiêu cực, không bình thường đã và đang diễn ra trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viênHiện tượng này có thể làm lung lay vị trí cầm quyền của Đảng, đe dọa đến sự tồn vong chế độ. Lần này, Hội nghị Trung ương 4, khóa XI chỉ ra khá rõ ràng, cụ thể những biểu hiện khác nhau của “suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”. Đó là: “phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…”.
Để quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI cần thiết phải làm rõ những biểu hiện cụ thể của suy thoái về tư tưởng chính trị và suy thoái về đạo đức, lối sống và mối quan hệ giữa chúng với nhau.
1. Biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị nhìn chung là “phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định mục tiêu, sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao, không thực hiện đúng các nguyên tác tổ chức sinh hoạt đảng; là dao động, mơ hồ, mất phương hướng, cho rằng theo con đường nào, xã hội nào cũng được, phụ hoạ theo nhận thức sai trái, quan điểm lệch lạc; là nói và làm trái Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, quy định của Đảng, thậm chí a dua, xuyên tạc, bôi đen…”[1]. Suy thoái về tư tưởng chính trị thực chất là sự biến đổi theo chiều hướng xấu dần về phẩm chất chính trị của một bộ phận cán bộ, đảng viên dẫn đến xa rời những nguyên tắc, quan điểm chính trị.
Nhìn vào thực trạng suy thoái tư tưởng chính trị trong cán bộ, đảng viên hiện nay có thể nhận thấy những biểu hiện cụ thể như:
Dao động về lý tưởng, mục tiêu và con đường đi lên CNXH. Đây là biểu hiện rõ nét nhất, tập trung nhất của suy thoái tư tưởng chính trị. Từ dao động dẫn đến hoài nghi, không tin vào Chủ nghĩa Mác-Lênin, không kiên định lập trường, quan điểm, làm xuất hiện chủ nghĩa cơ hội.
Không tích cực học tập, nghiên cứu lý luận. Không ít cán bộ, đảng viên tự thỏa mãn, bằng lòng với trình độ đã có, những nhận thức đơn giản, chung chung về Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng. Học chủ yếu để lấy bằng để đủ điều kiện đề bạt, cất nhắc, nâng ngạch…
Phủ nhận thành quả do cách mạng đem lại. Dạng này xảy ra ở khá nhiều người, họ thường ca cẩm về sự thiếu thốn, lạc hậu của đất nước, chê bai đất nước và con người Việt Nam. Cao hơn là công khai bày tỏ sự nuối tiếc vì đã theo cách mạng, lãng phí thời gian tuổi trẻ của mình. Tư tưởng này thường hay dẫn đến việc xét lại quá khứ, nặng về phê phán, chỉ trích các khuyết điểm mà không tính đến hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Từ đó dẫn tới phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, phủ nhận sự đúng đắn của đường lối.
Thiếu thống nhất với quan điểm, đường lối của Đảng, nói và làm không đúng với chủ trương, chính sách hiện hành. Nhiều người không thật sự thông suốt, nhận thức chưa đầy đủ, thông tin thiếu cập nhật nên cố tình hiểu sai, cắt khúc, chỉ khai thác những nội dung có lợi cho riêng mình, né tránh những vấn đề phức tạp. Sự nguy hiểm của tình trạng này là tạo ra sự nói dối, nói một đường làm một nẻo, nói là nhất trí với đường lối, chủ trương nhưng không làm hoặc làm khác đi.
Không chấp hành nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng. Dạng này thường có biểu hiện “nhạt đảng”, ít coi trọng sinh hoạt đảng, không đặt mình dưới sự quản lý, giám sát của chi bộ, tổ chức đảng; báo cáo không trung thực, không nghiêm khắc tự phê bình và phê bình.
Lơ là mất cảnh giác, không kiên quyết phê phán, đấu tranh với những người có quan điểm sai trái. Một số cán bộ, đảng viên nhận được tài liệu đang lưu hành trái phép đã không báo cáo, nộp lại cho cấp ủy hoặc cơ quan chức năng mà cố tình giữ lại, sao chụp chuyển cho người khác. Hiện tượng khá phổ biến là thờ ơ với các hành động, lời nói tiêu cực của các phần tử bất mãn. Có người tán thưởng, hùa vào hoặc giữ im lặng, không tranh luận, sợ mất lòng.
Cơ hội chính trị. Tư tưởng cơ hội chính trị của một số cán bộ, đảng viên gắn liền với động cơ cá nhân, thường là từ những người bất mãn, công thần, kiêu ngạo, coi thường tập thể. Một số được nước ngoài tâng bốc, tài trợ đi đến chống đối Đảng và Nhà nước.
Việc chia tách từng nội dung là để dễ bề nhận diện, trên thực tế và trong nhiều trường hợp, các nội dung này gắn kết với nhau, từ sự suy thoái này đến sự suy thoái khác hoặc cùng một lúc có sự suy thoái trên nhiều nội dung. Cần phải lưu ý rằng, “tự suy thoái”, “tự diễn biến” là chính, dù có những tác động ngoại cảnh. Bởi vậy, suy thoái về tư tưởng chính trị là sự suy thoái rất khó nhận biết, khó phát hiện, diễn ra thầm lặng trong mỗi con người cán bộ, đảng viên. Nếu chỉ căn cứ và lời nói, việc làm nhiều khi không thấy rõ.
2. Biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức, lối sống “là sa vào chủ nghĩa cá nhân, sống ích kỷ, thực dụng, vụ lợi, lo vun vén cho bản thân và gia đình, không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, để vợ (chồng), con và người thân lợi dụng chức quyền của mình để trục lợi, tiến thân; là cơ hội, hám danh, chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy tội, chạy tuổi, chạy bằng cấp…; là đố kỵ, kèn cựa địa vị, cục bộ, bè phái, gây mất đoàn kết trong Đảng; là quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, nỗi khổ của nhân dân, bất chấp đạo lý, dư luận vì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm; là kiêu ngạo, tự phụ, gia trưởng, độc đoán, tùy tiện, vô tổ chức, tham nhũng, lãng phí, sống xa hoa, hưởng lạc.”[2].
Tính chất nghiêm trọng của suy thoái đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên hiện nay là đang có xu hướng lan rộng trong nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng mà chủ yếu tập trung vào những điểm sau:
Chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng chưa được ngăn chặn. Đó là thái độ vô trách nhiệm, chỉ lo vun vén cá nhân, kiếm lợi trước mắt, bỏ qua lợi ích lâu dài. Điều đáng lo ngại là lối sống này không chỉ diễn ra ở số cán bộ, đảng viên trẻ, ít được rèn luyện mà còn diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đã qua thử thách trong chiến đấu, sản xuất nay có chức, có quyền.
Lối sống cơ hội, buông thả. Các loại “chạy chọt”; bệnh thành tích, bệnh nói dối. Một số sống buông thả, sử dụng tiền công quỹ để ăn chơi sa đọa, xa xỉ vi phạm luân thường, đạo lý.
Lời nói không đi đôi với việc làm. Nói nhiều làm ít, “nói một đằng làm một nẻo”, phát ngôn bừa bãi…
Quan liêu, xa dân, thích nghe thành tích, ngại nghe sự thật. Điển hình là bệnh hình thức, bệnh thành tích đã và đang làm tốn tiền nhà nước, công sức của nhân dân.
Đạo đức nghề nghiệp không được đề cao và gương mẫu thực hiện. Có những lĩnh vực tưởng chừng như không thể xảy ra nhưng vẫn có tiêu cực, tham nhũng. Chẳng hạn như: giáo dục, y tế, cứu trợ xã hội…
Sự toan tính, vụ lợi của một số cán bộ, đảng viên có chức quyền. Điều này thể hiện tính thương mại trong hôn nhân, quan hệ gia đình, trong tổ chức cưới, đám giỗ, tân gia, mừng thọ, mừng bằng cấp…
- Tham nhũng, lãng phí là nguy cơ lớn nhất đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.
3. Từ sự nhận diện trên, xin rút ra một vài điều để tham khảo.
Thứ nhất, suy thoái về tư tưởng chính trị gắn với suy thoái đạo đức, lối sống, hai mặt này gắn bó, tác động qua lại với nhau. Vì thế, có thể xác định suy thoái tư tưởng chính trị qua đạo đức, lối sống và cũng có thể nhìn vào đạo đức, lối sống để nhận biết được suy thoái về chính trị tư tưởng trong mỗi cán bộ, đảng viên. Trong các văn kiện của Đảng, hai loại suy thoái này đều được Đảng ta xem xét ngang nhau trong nhận thức, động cơ, thái độ và hành vi của cá nhân, tổ chức và trong hậu quả chính trị, xã hội mà nó gây ra.
Thứ hai, thông thường sự suy thoái về đạo đức, lối sống dễ nhận thấy và xuất hiện trước. Khi sự suy thoái này kéo dài không được ngăn chặn sẽ xuất hiện suy thoái về tư tưởng chính trị. Trong thực tế, có nhiều trường hợp suy thoái về tư tưởng chính trị (sự vô tổ chức, kỷ luật; vi phạm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng…) xuất hiện trước và là nguyên nhân đưa đến suy thoái về đạo đức, lối sống. Tuy nhiên, cũng có trường hợp do nhận thức, do quan niệm về lý tưởng sống cho nên có sự suy thoái về tư tưởng chính trị nhưng không có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống cá nhân.
Thứ ba, trong tổ chức đảng, đôi khi chỉ cần một vài người, nhất là lãnh đạo chủ chốt suy thoái thì có thể làm suy thoái nhiều người trong tổ chức.
Thứ tư, suy thoái về tư tưởng chính trị là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tệ quan liêu, đồng thời quan liêu là sự hiện thực hóa sự suy thoái về tư tưởng chính trị. Vì thế, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị phải đi liền với việc chống quan liêu. Hơn nữa, suy thoái tư tưởng chính trị cùng với quan liêu là nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, lãng phí và tham nhũng là biểu hiện cao nhất của sự suy thoái về đạo đức, lối sống. Khi tham nhũng, lãng phí không được ngăn chặn sẽ tác động trở lại làm cho suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống diễn ra nhanh và khó kiểm soát hơn. Tuy nhiên, trong thực tế không phải tất cả những người suy thoái về tư tưởng chính trị đều tham nhũng, lãng phí.
ThS. Nguyễn Văn Hào
(Học viện Chính trị – Hành chính khu vực III)

Không có nhận xét nào: