Pages

Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Kê Gà và 'mớ bòng bong' ở Bình Thuận



Biển Kê Gà
Dư luận hiện đang chú ý đặc biệt tới quyết định mới đây của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc ngừng dự án xây dựng cảng Kê Gà (Bình Thuận), vốn được cho là "đầu ra" của các mỏ khai thác bauxite ở Tây Nguyên.
Trang mạng Chính phủ và nhiều cơ quan báo chí khác đăng nội dung công văn số 909/VINACOMIN-VP của tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) nêu lý do ngưng dự án cảng Kê Gà.


Thông tin sai
Là người theo dõi quá trình hình thành dự án này suốt 5 năm qua với tư cách của một phóng viên thường trú, tôi thấy một số điểm mà Vinacomin nêu chưa hợp lý, cần phải thông tin lại.
Vinacomin cho rằng trong bối cảnh qui hoạch cảng Kê Gà là chưa có cảng nào được qui hoạch tại Bình Thuận là chưa đúng.
Cảng Kê Gà được Chính phủ chấp thuận đầu tư tại công văn số 6055/VPCP-CN ngày 22/10/2007. Dự án cảng Kê Gà nằm trong danh mục hệ thống cảng biển ViệtNam, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 2190/QĐ-TTg ngày 24/12/2009.
Ngày 9/6/2011 Thủ tướng mới có công văn số 926/TTg-KTN đồng ý cho việc thu hồi đất để xây dựng cảng Kê Gà.
"Ngưng dự án cảng Kê Gà sau 5 năm nung nấu với những hứa hẹn phát triển qui mô vùng biển phía nam Bình Thuận một cách hoành tráng. Và bây giờ, nói theo cách nói của một cựu lãnh đạo tỉnh Bình Thuận là “một mớ bòng bong” mà Vinacomin để lại cho tỉnh này."
Lúc này, Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân đã nằm trong sơ đồ VI của tập đoàn Điện lực VN (được EVN bổ sung); được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2005.
Trong tổng thể qui hoạch Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân (ở huyện Tuy Phong, Bình Thuận) đã có một cảng vận chuyển than phục vụ cho ba nhà máy nhiệt điện tại đây (sau này có thêm nhà máy thứ 4).
Cảng Vĩnh Tân (do EVN làm chủ đầu tư) có diện tích 196 ha, có thể chứa tàu công suất 150.000 DWT với nguồn kinh phí giai đoạn 1 đã là 4.048 tỉ đồng. Dù chỉ là cảng nhập than (cũng mua của Vinacomin thôi) cho các nhà máy nhiệt điện, nhưng rõ ràng Vĩnh Tân là một cảng lớn tại phía bắc Bình Thuận được qui hoạch bổ sung từ đó.
Như vậy Vinacomin cho rằng khi qui hoạch cảng Kê Gà thì chưa có cảng nào được qui hoạch ở Bình Thuận là không chuẩn.

Thiếu tài chính

Nguyên nhân thứ hai mà Vinacomin đưa ra để ngưng dự án cảng Kê Gà là “đến năm 2020 lượng hàng hoá qua cảng Kê Gà chỉ 2,5 triệu tấn/năm, thấp hơn nhiều so với lượng hàng hoá cảng Kê Gà đã được phê duyệt” là thiếu thuyết phục.
Trong buổi làm việc quan trọng với lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận năm ngoái, (mà tôi là nhà báo duy nhất được tham dự) lãnh đạo Vinacomin đã từng đưa ra phương án cho cảng Kê Gà “cõng” chức năng vận chuyển than của cảng biển ở Đồng bằng sông Cửu Long, nếu dự án này không hoặc chưa kịp triển khai.
Tuy nhiên, ngay trong cuộc họp này lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận đã “bác” vì ban đầu cảng Kê Gà không được thiết kế vận chuyển than. Mặt khác, nếu Kê Gà tiếp nhận vận chuyển than sẽ gây ô nhiễm môi trường vùng biển phía nam, ảnh hưởng đến du lịch của Bình Thuận.
Hiện trường bauxite Tân Rai
Nhiều chuyên gia đang kêu gọi ngừng các dự án bauxite ở Tây Nguyên
Ngoài hai lí do trên, Vinacomin không hề nhắc đến tình trạng tài chính đang rất “ốm yếu” của mình khi “đành đặn” phải ngưng dự án cảng Kê Gà. Nếu Vinacomin còn “sung mãn” về tài chính, không dễ gì bỏ qua dự án này.
Việc dừng dự án cảng Kê Gà, Vinacomin cho rằng “không ảnh hưởng gì đến hai dự án bauxite” lại là không chuẩn nữa, khi mà chi phí làm đường đến cảng Vĩnh Tân (vốn cách Kê Gà 120 km) đội lên hàng nghìn tỉ đồng.
Và đó là chưa kể, nếu như chấp nhận phương án hoàn toàn vận chuyển bauxite theo tuyến kênh Châu Tá 812 (qua huyện Bắc Bình đến huyện Tuy Phong mà Sở GTVT Bình Thuận đã đề xuất lên Tổng cục đường bộ Việt Nam hồi cuối năm 2012) theo chiều hướng Tây thì kinh phí sẽ còn cao hơn nữa, bởi hướng Tây của Bình Thuận chưa hề có đường nối với huyện Tuy Phong, nơi có cảng Vĩnh Tân.
Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của cả hai dự án bauxite.
Còn nữa,Vinacomin cho rằng: “Việc dừng dự án đầu tư xây dựng cảng Kê Gà sẽ có tác động tích cực hơn cho doanh nghiệp du lịch và người dân vùng dự án. Các doanh nghiệp du lịch sẽ lại tiếp tục được thực hiện dự án du lịch của mình” là trái với những tuyên bố của chính lãnh đạo Vinacomin những năm trước.
Còn chuyện các chủ dự án du lịch có tiếp tục được thực hiện dự án của mình hay không, đến nay chưa có văn bản chính thức nào của Chính phủ cũng như của UBND tỉnh Bình Thuận. Nếu họ có được chấp thuận tiếp tục đầu tư vào dự án vốn đang bỏ hoang, thì người cấp phép chắc chắn sẽ không phải là Vinacomin.
Các chủ đầu tư những resort bị bỏ hoang suốt 5 năm qua, hiện vẫn như “ngồi trên đống lửa” vì họ chưa biết số phận của mình về đâu khi bỏ hàng trăm tỉ đồng vào đây.
Trong 4 doanh nghiệp du lịch được kê biên đất (để lấy chỗ trống làm nơi khởi công) thì chỉ mới có một doanh nghiệp đồng ý phương án và đã nhận 500 triệu đồng. Như vậy, trong số 3,5 tỉ đồng mà Vinacomin chuyển về vẫn còn trong kho bạc của Bình Thuận vì 3 doanh nghiệp còn lại không đồng ý cách bồi thường của Bình Thuận và Vinacomin bồi thường cho họ.
Ngưng dự án cảng Kê Gà sau 5 năm nung nấu với những hứa hẹn phát triển qui mô vùng biển phía nam Bình Thuận một cách hoành tráng. Và bây giờ, nói theo cách nói của một cựu lãnh đạo tỉnh Bình Thuận là “một mớ bòng bong” mà Vinacomin để lại cho tỉnh này.
Bài viết phản ánh quan điểm và văn phong của tác giả, một phóng viên thường trú tại Bình Thuận.

Không có nhận xét nào: